jeudi 14 janvier 2021

Jimmy Nguyen Nguyen - Chung thủy

 

Khi các phương tiện truyền thông đồng loạt khóa những tiếng nói của tổng thống và các cộng sự, một sự im lặng bao trùm. Giờ chỉ còn những tin thuộc loại thuyết âm mưu. Nếu tỉnh táo thì thấy nó không đáng tin, nhưng nó thỏa mãn tâm lý của người thua cuộc.

Sau ngày 30/4/75, tụi tui cũng có được nhiều tin tức như vậy, thí dụ như các vùng kháng chiến với những người lãnh đạo mới hoặc mưu kế nào đó...Hồi đó những tin tức này được chép bằng tay, chúng tôi để giấy carbon cho có thể chép nhiều bản một lúc. Đã có một thời sống trong hy vọng và trông vào phép mầu như vậy.

Nhiều bạn inbox để share các link và đề nghị tui viết thêm bài kiểu Mission Impossible. Tự dưng nó hết hứng viết không nổi. Có lẽ điều đúng đắn bây giờ là viết về các cảm xúc khi câu chuyện bên Mỹ có một không hai đã xảy ra.

Bài "Nổi Giận" được like nhiều khi nói ra được một tình cảm phẫn nộ của người dân mà tiếng nói của họ không được lắng nghe. Các báo đài và các nhân vật quyền lực đều phê phán sự tiêu cực của sự kiện này, nhưng không ai phân tích vì sao họ làm như vậy. Và nếu họ không cẩn thận khi vẫn tiếp tục những hành động có tính cách trả thù, rất khó hàn gắn một sự chia rẽ vì trong con người, vì trong tim loài người luôn có một đức tính, đó là lòng chung thủy.

Những năm trước 75, các sinh viên miền Nam ngoài việc học để lo cho tương lai của mình, họ cũng là đối tượng để các thế lực chính trị gây ảnh hưởng. Mạnh nhất là các tổ chức thân cộng sản núp dưới các đoàn thể. Họ phải hoạt động bí mật nhưng khá hữu hiệu. Họ không ngần ngại sử dụng bạo lực. Tui nhớ sinh viên luật khoa Lê Khắc Sinh Nhật bị họ bắn chết ngay tại hành lang giảng đường vì anh ấy thắng cử đại diện sinh viên, loại được một sinh viên khác mà cộng sản ủng hộ.

Chính quyền miền Nam cũng coi trọng việc tuyên truyền trong giới sinh viên. Vì được xem là thành phần trí thức nên cách tuyên truyền cũng phải trí thức, không phải cái kiểu "nhồi sọ". Có rất nhiều học giả giúp quốc gia trong công việc này, họ tổ chức những buổi nói chuyện, ai muốn đến nghe thì đến, không bắt buộc, sau buổi nói chuyện là trả lời câu hỏi. Đây là lúc thú vị nhất, vì dĩ nhiên phe thân cộng sản cũng cử người vào để đưa những câu hỏi hóc búa.

Hồi đó họa sĩ Hồ Thành Đức thuyết trình rất hay và trả lời câu hỏi rất sắc bén khiến đối phương phải câm miệng (nếu câu hỏi sốc). Một diễn giả khác mà tui lại quên mất tên rồi, ông này có hai giờ phân tích về một con người làm chính trị phải có đó là Đức, Tấn và Trung. Bài nói chuyện này ảnh hưởng đến cậu sinh viên trẻ như tui rất là sâu sắc. Đến tận mấy chục năm sau tui còn nhớ để bây giờ có dịp chia sẻ lại với bà con.

Ông nói người làm chính trị phải đặt đạo đức lên hàng đầu, vì họ là tấm gương cho quần chúng noi theo. Nếu các bạn muốn bước vào con đường làm chính trị thì phải tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức mà xã hội của bạn đặt ra. Dĩ nhiên mỗi quốc gia đều không giống nhau. Nước Hồi giáo sẽ khác với nước không tôn giáo. Nước Á châu sẽ khác với Âu châu. Vi phạm điều này là bạn không bước vào vũ đài chính trị được. Tui nhớ một ứng cử viên tổng thống Mỹ bị phát hiện hồi năm ông 17 tuổi có quay cóp trong một kỳ thi. Mấy chục năm sau họ moi ra cái chuyện nhỏ đó mà khiến ông phải bỏ ý định ra ứng cử.

Tấn ở đây có ý nghĩa tiến bộ và tài giỏi. Ngoài tiêu chuẩn đạo đức, họ phải tài giỏi hơn người. Nếu không có tài thì đừng ra làm chính trị. Lịch sử đã chứng minh nhiều nhân vật kém tài năng nhưng được phe đảng ủng hộ vẫn nắm được quyền lực, hậu quả rất khó lường.

Hai vế đức và tài không có gì cần tranh luận nhiều. Nhưng khi diễn giả bàn về chữ Trung. Vế này được sinh viên sôi nổi góp ý. Ông nói người làm chính trị phải có lập trường, có lãnh tụ và phải trung thành. Cái trung sẽ nêu lên được nhân cách và chỉ có trung thành mới nêu danh hậu thế. Sinh viên phản đối rất đông nhưng ông vần kiên trì giải thích. Họ nói nếu lãnh tụ là một tên hôn quân, bạo chúa, tại sao lại phải trung thành ? Ông nói mình có thể lầm khi theo phò người như vậy. Người xưa chọn cách bất hợp tác, từ chức... Nhưng không bao giờ đứng vào hàng ngũ đối phương. Lúc ông nói điều này, tụi tui đều nghĩ ông tuyên truyền cho chính phủ.

Đến khi trải qua gần hết đời người, mới thấy ổng nói đúng. Những chính trị gia nào theo đóm ăn tàn, phù thịnh hơn phù suy, dù thành công về mặt nào đó nhưng luôn bị khinh bỉ. Mafia rất coi trọng lòng trung thành, đảng Cộng Sản cũng vậy : trung với đảng luôn đặt hàng đầu trước các tiêu chuẩn khác.

Người dân miền Nam trước 75, thua cuộc nhưng vẫn trung thành với lý tưởng cộng hòa, vẫn vinh danh những người tuẫn tiết hoặc bất hợp tác với đối phương. Có người di tản nhớ quê hương nhưng không bao giờ về dù họ có thể. Có người phê phán đó là cực đoan nhưng họ chưa hiểu chữ "trung" là nền tảng của một con người. Và ai đó đi về hợp tác với kẻ thù cũ theo tinh thần hòa giải dân tộc, vẫn bị trong thâm tâm quần chúng khinh bỉ, ngay cả đối phương cũng khinh, dù họ không nói ra.

Đảng Dân Chủ ở Mỹ, tui thấy họ đoàn kết và trung thành với lý tưởng của họ dù nội bộ có bất đồng. Khi bỏ phiếu họ luôn có đủ túc số. Đảng Cộng Hòa có nhiều lý do để một số đảng viên không đồng ý với quyết định của tổng thống, và họ có hành động chống lại. Việc làm có thể đúng hoặc sai, lịch sử sẽ phán xét. Nhưng như người diễn giả đã dạy tui tui khi còn trẻ, "bất trung" luôn là cái xấu của người làm chính trị. Họ bị dân khinh mà đối phương cũng khinh. Giờ tui mới hiểu làm chính trị khó dường nào.

Có xem được vài video người dân đi theo các nghị sĩ phản bội để chửi mắng khi họ gặp bất cứ nơi đâu. Thật đau lòng. Dù có giải thích kiểu gì, sự nghiệp của họ xem như chấm dứt. Những nghị sĩ và ngay cả những người dân có lòng trung với Cộng Hòa cũ, họ sẽ bị trả thù khi thua cuộc. Có người sẽ bị tù tội nhưng họ vẫn được người đời nhắc nhở, không quên. Đó là nhờ lòng Trung.

Hôm nọ trên mạng tui có nghe một câu chuyện : Hai người yêu nhau và thề chung thủy. Họ không lấy được nhau vì người nam bị mất trong một tai nạn. Người nữ là bác sĩ, vẫn ở vậy cho đến cuối đời. Bà mất khi 90 tuổi. Chỉ những câu chuyện này mới đọng lại trong tim mọi người.

JIMMY NGUYEN NGUYEN 11.01.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.