mercredi 22 avril 2020

Trung Quốc : Nhật ký Vũ Hán của Phương Phương bị phe quá khích đả kích

Nhà văn Trung Quốc Phương Phương (Fang Fang). Ảnh chụp tại Frankfurt năm 2009. RFI
Đăng ngày:


Năm nay 64 tuổi, xuất thân từ một gia đình trí thức khá giả, Phương Phương (Fang Fang) là nhà văn nổi tiếng, từng đoạt được một trong những giải thưởng văn chương danh giá nhất ở Trung Quốc năm 2010.

Là người Vũ Hán, bà bắt đầu viết nhật ký ít lâu sau khi thành phố bị phong tỏa ngày 23/01/2020 và cho đăng trên mạng. Kết thúc vào cuối tháng Ba sau 60 kỳ đăng, nhật ký kể lại nỗi sợ, sự phẫn nộ và hy vọng của 11 triệu cư dân.

Nội dung các bài viết kể lại các bệnh viện bị quá tải từ chối nhận bệnh nhân, những ngày bị cách ly, cái chết của những người thân, sự tương trợ lẫn nhau giữa các cư dân, hoặc niềm vui đơn sơ khi nhìn thấy ánh nắng mặt trời soi sáng căn phòng.

Ngày phong tỏa thứ 38, bà viết : « Một người bạn là bác sĩ nói với tôi : giới bác sĩ chúng tôi đều biết rằng bệnh này lây từ người sang người và đã báo cáo với cấp trên, tuy vậy chẳng có ai đưa ra lời cảnh báo với người dân ». 

Những bài viết mang tính chủ quan của nhà văn chứ không phải tường thuật của nhà báo, đã được nhiều triệu người Trung Quốc theo dõi nhờ quan điểm khác biệt về thời sự, so với các phương tiện truyền thông bị Nhà nước kiểm soát gắt gao.

Nhưng Phương Phương bắt đầu gây tranh cãi. Bởi vì nhật ký của bà trong những tháng tới sẽ được xuất bản bằng nhiều ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, Đức, Pháp. Tại Pháp, tác phẩm sẽ được nhà xuất bản Stock cho ra mắt vào ngày 09/09/2020 với tựa đề « Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa ». 

Lý do chính khiến Phương Phương bị phê phán là với việc cho dịch ra nhiều thứ tiếng, nhà văn đã tạo cớ cho người ngoại quốc chỉ trích chính quyền Trung Quốc. Đặc biệt là Hoa Kỳ, nước đã tố cáo Bắc Kinh phản ứng chậm chạp trước đại dịch.

Một người mỉa mai trên Vi Bác : « Một tờ báo Mỹ đã nói rằng sẽ dùng cuốn sách này để yêu cầu Trung Quốc phải giải trình. Hoan hô Phương Phương, bà đã trao vũ khí cho các nước phương Tây để bắn vào Trung Quốc. Bà đã lộ rõ tính phản phúc của mình ». Một người khác đặt câu hỏi : « Bà đã bán cuốn nhật ký giá bao nhiêu ? », cáo buộc bà làm giàu trên cái chết của 3.900 người Vũ Hán.

Một yếu tố khác khiến internet sôi sục, đó là nhà xuất bản Mỹ HarperCollins nhuốm màu sắc chính trị khi giới thiệu cuốn sách. Hoan nghênh tác phẩm « pha trộn giữa sự độc đáo và không huyễn hoặc », nhà xuất bản ca ngợi một nhà văn nữ đã đứng dậy chống « các vấn đề chính trị cố hữu của một đất nước độc tài ».

Việc dịch tác phẩm vào thời điểm đang đối đầu với Washington là « không hay chút nào », theo Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), nhà bình luận nhiều ảnh hưởng của Hoàn Cầu Thời Báo. Ông này nhấn mạnh trên Vi Bác : « Rốt cuộc người Trung Quốc, kể cả những người ủng hộ Phương Phương ngay từ đầu, sẽ phải trả giá cho tên tuổi của bà ấy ở phương Tây ». Lời bình này được trên 190.000 « like ». Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng đây là cuốn sách « một chiều », « chỉ nói về mặt tiêu cực của Vũ Hán.

Bị đả kích thậm chí lăng mạ, Phương Phương nói rằng bà là nạn nhân của « bạo lực mạng » từ những người dân tộc chủ nghĩa, cho dù một số cư dân mạng bình thường cũng phê phán. Hậu quả là nhiều nhà xuất bản Trung Quốc ban đầu muốn in sách của Phương Phương nay tỏ ra ngần ngại.

« Tại sao không xuất bản cuốn sách này ? Chỉ vì lo có người lợi dụng hay sao ? Nếu thực sự đọc cuốn nhật ký, họ sẽ khám phá tất cả những biện pháp hiệu quả mà Trung Quốc đã sử dụng để chống lại nạn dịch » - Phương Phương biện luận trong bài trả lời đăng trên trang web của tạp chí Tài Tân. Bà còn hứa sẽ tặng toàn bộ tác quyền cho « gia đình các y bác sĩ đã thiệt mạng ». 

Nhà xuất bản Pháp Stock hôm 21/04/2020 nói với AFP việc xuất bản cuốn nhật ký mang lại lợi ích của tư liệu về một sự kiện « có thể là một trang lịch sử nhân loại ». 

Trước hiện tượng « ném đá » trên mạng này, nhiều cư dân mạng đã bênh vực tác giả trên Vi Bác, cho rằng những tấn công vào nhà văn là « quá đáng ». Một người bình luận : « Phương Phương chẳng nợ nần ai cả. Các vị cứ thoải mái viết ra nhật ký nói ngược lại những gì bà ấy kể, rồi cho dịch và xuất bản ở nước ngoài, thế thôi ! »

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.