mardi 14 avril 2020

Renaud Girard : « Tiếc thay, Trung Quốc sẽ không bồi thường ! »



Các chợ thịt rừng Trung Quốc, nơi xuất phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

(Le Figaro 14/04/2020) Tuy không thể buộc Bắc Kinh phải bồi thường, chúng ta vẫn có thể giảm thiểu sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Trách nhiệm của Trung Quốc rất rõ trong đại dịch mà chúng ta đang phải hứng chịu. Covid-19 là chứng bệnh do thú vật lây sang con người.

Con virus hiện nay, cũng như những con virus trước đó đã gây ra dịch SARS năm 2003, cúm gà năm 2004 và cúm heo H1N1 năm 2009 đều nảy sinh từ một chợ truyền thống của Trung Quốc, nơi mà gia súc và động vật hoang dã bị nhốt chen chúc trong môi trường bẩn một cách kinh tởm, và khi bán xong thì bị làm thịt tại chỗ.

Các chợ thịt rừng này thường ẩm ướt, vì đầy nước thải từ thú vật. Thế nhưng từ năm 2010, các bác sĩ Trung Quốc trong đó có chuyên gia bệnh phổi Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), nổi tiếng trong cuộc chiến chống dịch SARS và là cựu chủ tịch hiệp hội y sĩ Trung Quốc, đã công khai đòi hỏi đóng cửa những chợ loại này, nhưng không ai thèm nghe.

Tuy bệnh dịch rất dễ lây này xuất hiện ở Vũ Hán từ tháng 11/2019, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn đặt ý thức hệ lên trên khoa học, đã phạm ba tội ác.

Ngày 01/01/2020, họ bắt giữ các bác sĩ của bệnh viện trung ương đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo. Đến ngày 13/01/2020, họ tuyên bố với WHO là không có bằng chứng cho thấy bệnh này lây từ người sang người. Rồi ngày 18/01/2020 họ tổ chức tại Vũ Hán một tiệc buffet « ái quốc » khổng lồ với 40.000 người tham dự.

Ba tuần lễ đánh mất trong thời gian đầu cuộc chiến chống virus corona nay cho thấy vô cùng tai hại. Nếu chứng bệnh này được xử lý ngay khi vừa xuất hiện, thì giờ đây không có đại dịch.

Nhưng thay vì nhìn nhận trách nhiệm của mình, ĐCSTQ lại dùng đến cách thức quen thuộc đối với các nhà tâm lý học là « gắp lửa bỏ tay người », đổ lỗi cho người khác về hành động tồi tệ của mình.

Ngày 13/03/2020, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược viết trên Twitter rằng « quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán ». Tương tự, trong một loạt tweet khó tin, đại sứ Trung Quốc tại Paris còn dám khoe rằng Bắc Kinh xử lý nạn dịch Covid-19 tốt hơn vì có « tính tập thể và văn minh hơn các nền dân chủ phương Tây ». Kẻ đốt nhà vừa dạy bài học đạo đức cho các nạn nhân bị phỏng nặng…

Khi triển khai dự án thương mại khổng lồ « Con đường tơ lụa mới », Tập Cận Bình hứa với chúng ta một kịch bản đôi bên cùng có lợi. Thế nhưng toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc ngày nay được diễn dịch bằng một đại họa trên toàn thế giới, vì ĐCSTQ từ chối quan tâm đến các yếu tố vệ sinh dịch tễ cốt yếu, đã có từ lâu và được nhiều người biết đến.

Thế nên việc Trung Quốc phải bồi thường về tài chính cho các Nhà nước bị thiệt hại vì đại dịch là điều hợp lẽ. Thảm kịch toàn cầu này sẽ là cơ hội tốt để chứng tỏ nguyên tắc « trách nhiệm quốc tế ».

Cũng như các doanh nghiệp bị áp đặt nguyên tắc ai gây ô nhiễm người đó phải trả tiền, không có gì là bất bình thường khi các Nhà nước phải bồi thường do không quan tâm đến những cảnh báo, họ đã phạm sai lầm dẫn đến thảm họa. Vấn đề là không có một định chế nào trên thế giới có thể ấn định được số tiền bồi thường như vậy cho toàn cầu, và buộc một nước mạnh như Trung Quốc phải thực hiện.

Tuy vậy tại Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ đã bắt đầu đòi hỏi Trung Quốc phải « bồi thường những thiệt hại » mà Bắc Kinh đã gây ra do bất tài. Dễ dàng hình dung ra câu trả lời của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Họ sẽ đòi Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ đưa quân sang Irak tháng 3/2003 trong khi ngoại trưởng Pháp trong bài diễn văn trang trọng tại Liên Hiệp Quốc đã phản đối.

Để tránh tai tiếng trên thế giới, Trung Quốc cũng có lợi nếu đề nghị một gói bồi thường. Tiếc thay, Trung Quốc sẽ không chi trả. Bởi vì bồi thường có nghĩa là Bắc Kinh nhìn nhận trách nhiệm của mình. Một lời tự thú như thế coi như ĐCSTQ tự sát – đảng đã tìm cách che giấu người dân sự xử lý tệ hại lúc ban đầu.

Tuy không thể buộc Trung Quốc phải bồi thường, chúng ta vẫn có thể giảm thiểu sự lệ thuộc vào Trung Quốc, qua việc đưa các ngành sản xuất chiến lược trở về Pháp và châu Âu, trước hết là dược phẩm. Việc tái chuyển dịch kỹ nghệ là thách thức thực sự đôi bên cùng có lợi. Phương Tây tìm lại sự thịnh vượng kinh tế và chủ quyền, còn Trung Quốc tập trung vào thị trường nội địa, chăm lo hơn cho người dân của họ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.