jeudi 30 avril 2020

Hoàng Nguyên Vũ – Kiện cẩu tặc Trung Quốc ra tòa án quốc tế !


Giặc Tàu trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam.

Kiện cẩu tặc Trung Quốc ra tòa án quốc tế để thể hiện sự thượng tôn pháp luật của loài người!

Những ngày cuối tháng Tư. Cả thế giới đang tang thương trước con virus Tàu và Việt Nam không ngoại lệ, thì ngoài khơi, Bắc Kinh vẫn tiếp tục leo thang cái hành động (chứ không phải âm mưu nữa), cướp biển đảo của Việt Nam.

Lại là vẫn bài cũ quen thuộc, cho tàu hải giám đâm vào tàu cá của ngư dân rồi dùng miệng rắn mồm beo của Hoa Xuân Oánh lu loa là tàu cá nhỏ bé của Việt Nam đâm vào cái con quái vật chở mưu đồ bành trướng nhà Trung Cộng.

Tiếp đến là chơi bài trơ trẽn, đưa biển đảo của Việt Nam vào cái gọi là thành phố, là huyện của Trung Cộng. Đăng những hình ảnh khiêu khích về cuộc sống của bè lũ bành trướng nơi Hoàng Sa, như thể khẳng định với thế giới rằng, cái này của tao, tao đã sống ở đấy, đã sinh nòi đẻ giống và mở mang đủ thứ ở đấy.

Việt Nam có "chúng tôi phản đối", thì nhận thêm một trong những hệ quả như bao năm: hàng loạt công hàng ở biên giới không đi được. Những năm trước hàng loạt nông dân dở khóc dở cười kêu giải cứu dưa hấu, giải cứu cà chua, giải cứu X, Y, Z, như thể nếu nhà nước phản đối những hành động ngang ngược của Trung Cộng thì lập tức nông sản và nông dân Việt chợt thành con tin trong tay Trung Cộng.

Và lần này thì bản mặt đã lộ, không còn gì che đậy: tung ra cái công hàm gây tranh cãi của ông Phạm Văn Đồng để lu loa với cả thế giới rằng Việt Nam đã công nhận biển đảo là của Trung Cộng.

Tôi mạn phép không bàn về công hàm ấy. Đó đã là vấn đề quốc gia thì tự quốc gia giải quyết, tự chịu trách nhiệm, người dân bao năm nay không biết điều này và người dân có quyền đòi hỏi sự vẹn toàn lãnh thổ mà cha ông để lại.

Nhưng, nếu nhìn vào hành động ngang ngược của Trung Cộng và cái dã tâm độc chiếm Biển Đông bằng mọi cách, thì chuyện đã gần như không còn cái gọi là "dừng lại". Mọi khiêu khích gần như đã vượt quá mức độ hành vi mà đã là một âm mưu tuyệt đối, nên chẳng ai dại dột gì mà chọn một cuộc bảo vệ bản thân bằng vũ lực.

Câu chuyện Biển Đông lúc này, khó có thể khác, là lôi cẩu tặc của nhân loại mang tên Trung Cộng ra các toà án quốc tế, như việc mà Philippines đã làm. Sẽ không có cái đúng nào được bảo vệ tuyệt đối bằng pháp luật của loài người. Còn nếu không chọn điều đó, chẳng khác gì chúng ta đang tự sa vào cái bẫy luật rừng mà Trung Cộng đang đưa ra, ngang ngược và nguy hiểm cho nhân loại.

*****

Và từ những ngày này, với tình hình Biển Đông như thế này, một nhà báo đi khuyên dân chúng "không nên kiện Trung Quốc", "Chuyện có Đảng và Nhà nước lo".

Và cũng những ngày này, VTV phát cái phóng sự tài liệu, với nội dung là chúng ta đã giành lại Trường Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa như thế nào.

Tôi hiểu, những người làm phim muốn nhấn mạnh ừ, Trường Sa là của Việt Nam, do ông thắng cuộc giành lại từ ông thua cuộc. Nhưng, nó được phát ở cái thời điểm mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố Biển Đông và các đảo là của chúng, rồi chúng còn lôi cả công hàm năm cũ ra lu loa, tự dưng cái phóng sự này sẽ gây ra nhiều suy diễn tai hại. Nó cũng không kém phần vô duyên, khi lúc này đây, việc nên làm không phải là những thứ có thể gây tổn thương với đồng bào.

Việc nhà báo kia nói gì, trên mạng đã có một nữ sinh trường Luật phản biện, đanh thép và có cơ sở rồi. Nhưng cái đau lòng ở đây, anh ta thuộc về một bộ phận trí thức có tiếng nói, mà không uốn lưỡi để nói cho đàng hoàng, chẳng khác gì, chính anh ta và những người như anh ta, lại một lần nữa gây tổn thương cho dân tộc này, thời điểm này.

*****

Trần Ích Tắc là một hoàng tử nhà Trần, con trai của vua Trần Thái Tông và anh cùng cha khác mẹ với vua Trần Thánh Tông, người nổi tiếng trong lịch sử với Hội nghị Diên Hồng năm 1284.

Khác với người em trai yêu nước thương nòi, tôn trọng muôn dân với Hội nghị Diên Hồng tổ chức tại kinh thành Thăng Long để trưng cầu dân ý nên hòa hay nên đánh, khi quân Nguyên sắp kéo 50 vạn quân từ phương Bắc do Hốt Tất Liệt cầm đầu tràn xuống và phương Nam 10 vạn do Toa Đô đánh lên, khiến cả dân tộc sôi sục chiến đấu, thì Trần Ích Tắc chỉ muốn hòa giặc để đổi lấy ghế vàng danh vọng.

Vào năm 1285, một năm sau Hội nghị Diên Hồng, khi vó ngựa Mông Nguyên dày xéo Đại Việt, Trần Ích Tắc quyết xin hàng để được là "An Nam Quốc Vương". Nhưng đất Việt hùng thiêng, quân Nguyên tan tác và tham vọng đế vương của tên phản tặc bán nước Trần Ích Tắc cũng đã tan thành mây khói. 

Anh nhà báo và nhiều anh tương tự, các anh làm tôi nhớ đến Trần Ích Tắc nhiều quá. Dù các anh nhỏ bé giữa muôn triệu dân chúng nhưng hành vi của các anh, chắc chắn sẽ được lịch sử lưu lại.

*****

Những ngày này, tôi nhớ Hội nghị Diên Hồng của cha ông. Ừ, cái thời mà "Dân Nghiêu Thuấn, Vua Nghiêu Thuấn, chừng ấy ta đà phỉ sở nguyền", thời mà có những ông vua "tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa" với lòng căm hận vô biên khi kẻ thù ngang ngược xâm lăng dân tộc. Thời mà những người dân chân lấm tay bùn, được vua tôn trọng xin ý kiến, và cũng là một cách khơi dậy ngọn lửa yêu nước thương nòi từ phía họ.

Và cả vua lẫn dân đã chiến thắng một đội quân khổng lồ của Nguyên Mông, đập tan khả năng bành trướng phương Bắc, để lại một trang sử chói lọi đáng tự hào vô cùng.

Không có quyền lực nào vĩnh viễn bằng chính lòng của người dân. Lòng dân lớn hơn biển, khiến biển nổi sóng quật tan âm mưu bành trướng của bè lũ xâm lược. Lòng dân cũng là trời, hiền hoà đón nhận những năng lượng tích cực của những ai biết yêu nước thương nòi.

Người ta nói giới trẻ giờ quên lãng lòng yêu nước, chỉ biết đến trà sữa và yêu đương. Nhưng hôm qua, đọc lại những dòng của nữ sinh trường Luật (dĩ nhiên không phải tôi đồng tình tất cả), nhưng tôi cảm nhận được dòng máu Việt vẫn chảy trong tim các thế hệ và sôi lên khi kẻ cướp nước và Việt gian xuất hiện.

*****

Kiện Trung Quốc là việc nên làm vì không thể đánh đổi chủ quyền lấy mấy chữ hữu nghị viển vông, và cũng thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của đất nước này. Chúng ta không thể để loài người xếp chung một rọ với Trung Quốc, nơi chỉ biết đến luật rừng, thô lỗ, gian dối, phản văn minh. Và chúng ta, quan trọng nhất, không để mất bất cứ một tấc đất nào mà cha ông phải đổi ngàn ngàn lớp lớp mạng sống để giữ cho chúng ta.

Kiện, dù nông dân có phải khổ thêm một chút cũng chịu, GDP có tụt vì mất đi một thị trường lớn, cũng chịu. Nông dân cũng xem đây là thời điểm để chuyên nghiệp hơn, chinh phục các thị trường khác không phải là Trung Quốc. Các doanh nghiệp khác cũng vậy. Không thể đổi chủ quyền để lấy lợi ích được. Lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta đâu.

Thực sự trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều giai đoạn không giao thương mà. Dân ta vẫn sống. Giống nòi Việt vẫn duy trì và tinh thần dân tộc cũng đâu có mất đi?
Tôi, một người dân, nêu lên ý kiến của mình với chủ quyền dân tộc. Còn bạn?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.