Phát ngày Thứ tư, ngày 22 tháng mười năm 2014
« Cà chua giá rẻ mạt, dân đổ ra đường, cho heo ăn », « Đau xót thanh long đổ đầy đường, cho bò ăn », « Một ký dưa hấu bằng ly trà đá ». Hoặc « Rau Đà Lạt lại đổ cho bò ăn », « Bò cũng ngán ăn rau », « Cà chua đổ đầy đường, nỗi khốn cùng của người nông dân »…Chỉ cần lướt qua tựa một số bài báo Việt Nam, cũng có thể thấy được số phận long đong của người nông dân, bị bỏ rơi trong một thị trường có thể nói là vô tổ chức.
Báo chí cho biết, đây là vụ mùa thứ ba liên tiếp cà chua
bị xuống giá một cách thê thảm. Giá bị rớt chỉ còn từ 500 đồng VN đến
1.500 đồng, tương đương chỉ vài ba xu lẻ nếu so với đồng euro.
Trong mùa này hiện có khoảng 160.000 tấn cà chua đang cần tìm nơi
tiêu thụ. Riêng tại huyện Đơn Dương, vùng trồng cà chua lớn nhất của
tỉnh Lâm Đồng, 3.000 hecta ở đây cà chua nhiều nơi chín rục, có những
nơi nông dân phải đem cho heo, bò ăn.
Hồi đầu năm nay cũng vậy. Chúng ta hãy nghe một phụ nữ nông dân ở huyện Đức Trọng chua xót kể lại với báo Tuổi Trẻ : « Cho bò ăn cà rốt, cà chua, xà lách riết từ Tết tới giờ đến nỗi bò ngán không muốn ăn ». Hiện hai sào cà chua của bà chỉ để hái dần cho bò ăn, bò nhà ngán thì mang cho bò của người quen.
Trước tình trạng này, một nhóm bạn trẻ bức xúc đã tổ chức bán giúp cà
chua cho nông dân Lâm Đồng. Bạn Thái Hiệp, thuộc một nhóm trên Facebook
mang cái tên khá lạ là nhóm « Con dượng Tony Buổi sáng » cho biết, các
bạn lên tận Đơn Dương, mua cà chua với giá gấp mười so với giá thương
lái đang mua là 5.000 đồng một ký, thuê xe vận chuyển về Saigon. Trừ đi
các chi phí và hao hụt, cà chua được bán ra với giá 8.000 đồng một ký.
Không phải « lấy công làm lời » mà là bỏ vốn, bỏ công sức ra để rồi
không thu vào một đồng lãi nào, các bạn trẻ chỉ giúp bán giùm sản phẩm
cho các nhà nông đang lao đao.
Trước hết bạn Thái Hiệp giới thiệu sơ qua về nhóm bạn của mình ở
Saigon. Tuy xuất thân khác nhau, nhưng các bạn cùng có một mục đích
chung là hoạt động vì cộng đồng, giúp tìm đầu ra cho các bạn trẻ mới
khởi nghiệp. Lần này bức xúc trước các hình ảnh những trái cà chua chín
đỏ bị đổ ra đường, nhiều người nông dân bị mất vốn, nhóm đã tìm cách
tiêu thụ giúp.
Bạn Thái Hiệp cho biết cách phân phối : trước hết là quảng bá trên
Facebook, rồi mượn mặt bằng của các thành viên trong nhóm để bán hàng
trực tiếp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó nhóm cũng tích cực chào mời
các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng mua giúp. Chỉ mới thành lập
được một tháng, nhưng hai Chủ nhật vừa qua cũng đã tiêu thụ được 1,7 tấn
cà chua giúp nông dân.
Nhưng làm thiện nguyện rốt cuộc cũng không dễ dàng. Khi báo chí bắt
đầu đưa tin thì bắt đầu có những dư luận không hay, những câu hỏi đặt ra
về nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm…Thế nên tuần này các bạn phải
tạm ngưng hoạt động. Đó là lý do khiến nhóm ngần ngại khi trả lời truyền
thông.
Tuy vấp phải những rắc rối không lường trước như vậy, nhưng bạn Thái
Hiệp khẳng định tuần tới nhóm vẫn sẽ tiếp tục công việc. Bên cạnh đó lại
có một trở ngại khác : logo của nhóm đang bị một số nhóm khác sử dụng
vì mục đích riêng. Bạn giải thích, những người này nhập nhằng như thế để
thủ lợi.
Thái Hiệp tâm sự, các bạn cảm thấy ấm lòng vì nhiều khách hàng đến
mua thực tế chỉ nhằm ủng hộ, mua về đem tặng cho người quen chứ không
phải vì nhu cầu tiêu thụ - tuy đôi khi cũng chạnh lòng vì thiện chí của
nhóm bị ngờ vực.
Ý thức được những gì mình đang làm chỉ là một phần rất nhỏ, nhóm «
Tony Buổi sáng » mong muốn có những tổ chức lớn hơn giúp một tay giải
được bài toán khó này. Trong khi chờ đợi, các bạn tâm niệm « Thà đốt lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối ».
...Đã bao nhiêu năm qua, người nông dân Việt Nam vẫn khốn khổ với
tình trạng cứ hễ được mùa thì sản phẩm bị xuống giá đến mức phải đem đổ
đi còn đỡ tốn kém hơn là chi phí thu hoạch. Đây là một đề tài đã trở
thành quen thuộc đến nhàm chán trên mặt báo, đến mức gần như không còn
gây xúc cảm.
Một đất nước với 70% dân số là nông dân, liệu có thể mãi « ăn xổi ở
thì », bỏ mặc số phận những người nông dân một nắng hai sương đến bao
giờ ? Dân mãi không giàu, thì nước bao giờ mới mạnh ? Câu hỏi ấy ít có
hy vọng được những ban bệ, cán bộ liên quan đặt ra, cho dù đó là trách
nhiệm của họ, chứ không phải của một số người trẻ nặng lòng với đồng bào
mình.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141022-ban-gium-san-pham-cho-nong-dan-hoat-dong-thien-nguyen-moi-cua-ban-tre-viet/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.