Cảnh sát chống bạo động đối đầu với người biểu tình đòi dân chủ tại khu Mongkok, Hồng Kông, 18/10/2014. |
Đăng ngày 17-10-2014
Cuộc cách mạng những chiếc dù đang diễn ra tại
Hồng Kông thu hút sự chú ý của toàn thế giới, và tất nhiên là được các
tổ chức quốc tế đấu tranh cho nhân quyền theo dõi chặt chẽ. Trong đó có
Amnesty International đã nhiều lần lên tiếng phản đối các vụ trấn áp
người biểu tình ôn hòa.
RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với bà chào bà Nina Walch, tổ chức Amnesty International phụ trách hồ sơ các cuộc khủng hoảng.
RFI : Xin chào bà Nina Walch,
rất cảm ơn bà đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ. Thưa
bà, vừa rồi Ân xá Quốc tế đã ra thông cáo phản đối việc trấn áp người
biểu tình ở Hồng Kông phải không ạ ?
Nina Walch : Trong thông cáo báo
chí, đương nhiên chúng tôi đã lên án bạo lực cảnh sát, vì rõ ràng đây là
việc sử dụng vũ lực quá lố. Và chúng ta đã thấy, nào hơi tiêu, hơi cay,
và nhất là trong những ngày gần đây những người biểu tình bị cảnh sát
đánh đập.
Chúng tôi lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận của những người
xuống đường ôn hòa, và kiên quyết lên án lực lượng an ninh sử dụng bạo
lực. Nhất là vì cảnh sát phải tạo điều kiện cho các cuộc biểu tình một
cách hòa bình, chứ không phải tấn công vào những người dân - vốn có
quyền tham gia xuống đường và bày tỏ chính kiến một cách hòa bình.
RFI : Nhất là giới trẻ Hồng Kông xuống đường rất trật tự, ôn hòa…
Chính thế. Đó là những cuộc biểu tình hết sức hòa bình, thật hiếm
thấy như vậy. Chúng tôi cũng cho đây là những người biểu tình lịch sự
nhất, như bạn biết đó. Thành ra chẳng hạn từ đầu tháng 10, khi có những
vụ tấn công thô bạo của những người phản đối biểu tình - thậm chí có
những cô gái còn bị tấn công tình dục - cảnh sát ở ngay bên cạnh nhưng
chẳng làm gì cả để giúp họ. Như vậy là không làm tròn trách nhiệm bảo vệ
người biểu tình.
Hơn nữa gần đây họ còn thô bạo với người biểu tình, như cách đây hai
ngày với trường hợp của Ken Tsang (Tăng Kiện Siêu). Tất cả mọi người đều
biết cuộn băng video bốn phút phổ biến trên mạng, do một ê-kíp truyền
hình địa phương quay được, chiếu cảnh một nhân viên hoạt động xã hội trẻ
tuổi bị sáu cảnh sát đánh đập tơi tả.
Rõ ràng việc này không thể chấp nhận được. Những cảnh sát có liên can
nhất thiết phải trả lời trước pháp luật, và phải có một cuộc điều tra
khách quan. Vì ngay từ đầu chúng ta đã thấy cảnh sát dùng vũ lực quá lố,
xịt các loại hơi cay vào những người không tấc sắt trong tay. Đã không
bảo vệ người biểu tình, mà nay còn đánh đập họ, là một tình hình không
thể nào chấp nhận được.
RFI : Sau khi thẳng tay dùng hơi
cay, rồi đến việc đưa người biểu tình vào chỗ vắng đánh đập. Cảnh sát
Hồng Kông như vậy đã không rút được kinh nghiệm nào sau việc dùng vũ lực
giải tán biểu tình, bị chỉ trích kịch liệt tuần trước ?
Có vẻ là không. Giám đốc cảnh sát đã loan báo tiến hành điều tra, vân
vân. Dù là cần thiết, nhưng trong tương lai chính quyền Hồng Kông cần
phải tôn trọng luật lệ quốc tế. Luật pháp quốc tế nói rõ rằng không được
bắt bớ, giam giữ người dân chỉ vì những người này thực thi quyền tự do
ngôn luận, và quyền tự do hội họp của họ. Thế nhưng chẳng hạn hôm kia có
đến 45 người bị bắt trong lúc đang biểu tình ôn hòa.
Những quyền tự do mang tính quốc tế này đã được Hồng Kông ký kết chấp
nhận khi tham gia Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Ngay trong
Hiến pháp mini của đặc khu cũng đảm bảo tự do ngôn luận. Như vậy chính
quyền không được ngăn cản, trấn áp người biểu tình như đã diễn ra, mà
ngược lại phải bảo vệ họ.
RFI : Có những cảnh sát đã bị đình chỉ công tác vì vụ này ?
Vâng, tin này đã được loan báo, đây là một bước đi đúng hướng. Giờ đây nhất thiết cần phải có một cuộc điều tra công minh.
RFI : Ân xá Quốc tế đã và đang làm những gì để bảo vệ, hỗ trợ cho sinh viên biểu tình ở Hồng Kông ?
Tổ chức Ân xá Quốc tế chúng tôi không thể bảo vệ trực tiếp tại chỗ.
Những gì chúng tôi có thể làm là thu thập các bằng chứng, hay liên lạc
với các luật sư chẳng hạn. Sau đó chúng tôi có thể tiến hành những chiến
dịch gây áp lực lên chính quyền - để công lý được thực thi, để có được
những cuộc điều tra. Do là tổ chức quốc tế, đã có hai bản kiến nghị
được đưa ra để kêu gọi chính quyền tôn trọng tự do ngôn luận và không sử
dụng vũ lực một cách bất cân xứng như thế.
Đó là những phương tiện hành động của chúng tôi, để trong tương lai
và ngay trong hiện tạ, có thể bảo vệ người biểu tình. Có nghĩa là tiến
hành điều tra và sau đó gây áp lực – thông qua các phản kháng của định
chế, qua các bản kiến nghị đã được tất cả các thành viên ký , và đã gởi
thư cho chính quyền Hồng Kông.
RFI : Tuần trước Ân xá Quốc tế
cũng đã phản đối việc Bắc Kinh trấn áp các nhà đấu tranh Trung Quốc có
các hành động ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông phải không thưa bà ?
Tại Trung Quốc đã có rất nhiều hành động biểu thị tình liên đới với
người biểu tình Hồng Kông. Việc này không làm chúng tôi ngạc nhiên mấy,
và chắc bạn cũng vậy. Rất tiếc là họ đã bị trừng phạt. Nhưng thôi, đây
là một vấn đề xưa như trái đất – vấn đề tự do ngôn luận tại Trung Quốc.
Không thể bắt giữ những người dân chỉ vì họ ủng hộ một phong trào dân
chủ. Có ít nhất hai chục người đã bị bắt và có nguy cơ lãnh án đến 5
năm tù giam. Cũng có thể không bị kết án một cách chính thức như thế mà
vì những tội danh như khiêu khích, gây rối trật tự công cộng…Tiếc thay,
đó không phải là chuyện đùa, mà là thực tế đáng buồn tại Trung Quốc.
RFI : Theo bà, liệu có một lối thoát cho phong trào dân chủ Hồng Kông hay đang trong ngõ cụt ?
Khá là khó khăn, một khi không có đối thoại, và cho đến nay chưa hề
có thương thuyết thực sự. Ê-kíp tại chỗ của chúng tôi nghĩ rằng có thể
có những giải pháp, với một nhân vật uy tín làm trung gian đàm phán, để
rốt cuộc các sinh viên và chính quyền có thể ngồi lại với nhau quanh một
bàn thương lượng. Thực ra sáng nay người biểu tình ở Mongkok đã bị giải
tán, nên số lượng không còn bao nhiêu. Hiện nay tình hình có vẻ yên
tĩnh đôi chút.
Tuy nhiên chúng tôi có rất nhiều chứng cớ. Các thanh niên nói với
chúng tôi là ban đầu họ không quan tâm mấy đến chính trị. Nhưng chính
bạo lực cảnh sát, và phản ứng của chính quyền đã khiến họ chú trọng đến
những gì đang diễn ra tại Hồng Kông. Giới trẻ không thể chấp nhận được
một câu trả lời như thế. Tôi nghĩ rằng tiếng nói thực sự của tuổi trẻ
đang được cất lên. Nhất thiết phải có đối thoại, nếu không sẽ rơi vào
ngõ cụt với nguy cơ bạo động ngày càng tăng.
RFI : Không chỉ ôn hòa, mà tính văn minh lịch sự của các bạn trẻ trong cuộc cách mạng này cũng rất đáng được khâm phục phải không ạ ?
Tất nhiên. Trong bốn năm gần đây, tôi phụ trách theo dõi rất nhiều
những phong trào được gọi là « Mùa xuân Ả Rập ». Nhờ vậy tôi có thể quan
sát các cuộc biểu tình ở Tunisie, Ai Cập, Syria và gần đây tại Ukraina.
Đúng là có những khác biệt ấn tượng. Cung cách tiến hành biểu tình của
các bạn trẻ Hồng Kông thật tuyệt vời. Họ tổ chức hệ thống thu nhặt rác,
dựng những tấm bảng cáo lỗi vì đã làm phiền. Thật là chưa từng thấy ! Và
thật hết sức bất công khi đàn áp một phong trào hòa bình như thế
RFI : RFI Việt ngữ xin rất cảm
ơn bà Nina Walch thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế tại Pháp, đã vui lòng nhận
trả lời phỏng vấn hôm nay của chúng tôi.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.