Đăng ngày 18-09-2014
Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay 18/09/2014 bắt đầu nói đến vụ « mất tích » của
đại sứ nước này tại Iceland, hàm ý đòi hỏi chính quyền xác nhận ông này
có bị bắt giữ vì tội gián điệp cho Nhật Bản hay không ?
Trong bài xã luận, Hoàn cầu Thời báo viết rằng « theo báo chí ngoại quốc », đại sứ Mã Tế Sinh (Ma Jisheng) « có thể đã bị Bộ Công an bắt giữ hồi đầu năm nay do bị cáo buộc là đã cung cấp thông tin tình báo cho Nhật Bản ». Tờ báo viết tiếp : « Mã Tế Sinh không phải là nhà ngoại giao cao cấp đầu tiên bị bắt vì tội làm gián điệp », có vẻ tin tưởng rằng ông này đã bị bắt.
Khi AFP đặt câu hỏi hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố « không có thông tin về chủ đề này ».
Bộ Ngoại giao Iceland hôm qua thông báo Trung Quốc từ chối cho biết về
số phận của đại sứ nước mình tại Reykjavik, vắng mặt từ tháng Giêng –
một vụ đầy bí ẩn đã gây ra nhiều tin đồn.
Mã Tế Sinh rời Aixlen vào ngày 27/01/2014 nhưng Aixlen không được
thông báo. Kể từ đó đến nay, ông Mã không hề quay lại, và đại sứ quán
Trung Quốc tại Reykjavik hoạt động mà không có đại sứ. Báo chí Aixlen
khẳng định đại sứ Mã Tế Sinh đã « mất tích », một từ ngữ mà ngành ngoại giao Aixlen không muốn sử dụng.
Phát ngôn viên Urdur Gunnarsdottir hôm qua nói rằng, chính phủ Aixlen
liên tục đặt câu hỏi, nhưng câu trả lời duy nhất chỉ là ông ta không
trở lại nhiệm sở nữa. Đại sứ quán Trung Quốc tại Aixlen từ chối trả lời
truyền thông, và trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỗ dành
cho tên đại sứ tại Aixlen chỉ là một khoảng trống, được thay bằng ảnh
Vạn Lý Trường Thành. Công ty văn hóa Trung Quốc – Aixlen (KIM) ở
Reykjavik chờ đợi ông Mã Tế Sinh xuất hiện để tặng thưởng cho đóng góp
của ông trong quan hệ hai nước, nhưng vẫn hoài công.
Theo tờ Minh Báo có trụ sở tại Hồng Kông, Mã Tế Sinh và vợ là Chung
Nguyệt (Zhong Yue) đã bị bắt giam vào đầu năm nay, do bị nghi ngờ là đã
làm gián điệp cho Nhật Bản, quốc gia mà nhà ngoại giao này đã từng làm
việc từ năm 2004 đến 2008.
« Nếu việc Mã Tế Sinh bị bắt được xác nhận, chúng tôi hy vọng
rằng một ngày nào đó câu chuyện này sẽ xuất hiện trên truyền thông Trung
Quốc như một lời cảnh báo ». Hoàn cầu Thời báo nhận định như trên trong bài xã luận mang tựa đề « Hãy cảnh giác trước những chiếc bẫy gián điệp xung quanh chúng ta ».
Tờ báo tiếng Anh trực thuộc Nhân dân Nhật báo viết tiếp : « Trong
những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những sự cố đáng ghê tởm,
trong đó các nhà ngoại giao cao cấp, các sĩ quan quân đội, những nhà
nghiên cứu tên tuổi có liên can đến các vụ gián điệp ». Hoàn cầu Thời báo tỏ ý tiếc là nhiều vụ gián điệp đã « không được công khai », vì việc công bố sẽ « giáo dục được nhiều người » thoát khỏi chiếc bẫy điệp báo.
Minh Báo cho biết thêm, đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc là Lý Tân (Li
Bin) cũng đã bị kết án bảy năm tù, sau khi bị bắt vào tháng 12/2006 vì
cung cấp các thông tin cho Seoul. Tại Trung Quốc, tội gián điệp có thể
lãnh mức án cao nhất là tử hình.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20140918-bao-chi-trung-quoc-de-cap-vu-dai-su-%C2%AB-mat-tich-%C2%BB-o-aixlen/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.