vendredi 21 mars 2014

Putin hạ Merkel và Obama 1-0

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Bài đăng : Thứ sáu 21 Tháng Ba 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 21 Tháng Ba 2014 
 
Phương Tây thất bại và bị chiếu bí. Siêu nhân Putin đăng quang. Đôi tay giơ cao, nụ cười hài lòng, hôm thứ Ba 18/03/2014, ông ta loan báo trước Quốc hội việc sáp nhập Crimée vào Nga. Putin đã phục hận. Trả thù một Ukraina nay đã bị mất đi một phần lãnh thổ, vì đã cả gan muốn ký kết một hiệp định thương mại với Liên hiệp châu Âu. Phục thù phương Tây gồm cả Hoa Kỳ và châu Âu, vì đã dám ủng hộ tân chính quyền Ukraina.

Le Monde trong bài viết mang tựa đề: “Putin -1, Merkel và Obama - 0” đã tóm tắt như sau. Một chiến dịch diễn ra nhanh gọn, hầu như không tốn một phát súng. Cuối tháng Hai, lực lượng Nga nắm quyền kiểm soát Crimée; giữa tháng Ba, trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga; hoàn tất vào tuần này tại Quốc hội Nga. Trong lúc đó Mỹ và châu Âu tiến hành trừng phạt, nhưng chẳng có tác động gì đối với Tổng thống Nga. Thị trường chứng khoán Matxcơva có bị rối loạn đôi chút, đồng rúp bị mất giá, nhưng nền kinh tế đất nước không bị sụp đổ.


Ngay tại Nga, uy tín của Putin lên đến đỉnh điểm – trên 70% ủng hộ. Một số nhà đối lập trước đây lại còn hoan nghênh về vụ Crimée. Thế vận hội Sotchi thành công. Bị nhào nặn bởi một nền báo chí định hướng, dư luận tỏ ra dân tộc chủ nghĩa hơn bao giờ hết. Vladimir Putin có lý do để nở nụ cười.

Có hai kẻ bại trận: Barack Obama và Angela Merkel. Không phải vì các lợi ích chiến lược hay kinh tế của Hoa Kỳ hoặc Đức bị ảnh hưởng. Nhưng hai nhà lãnh đạo quan trọng nhất của phương Tây đã lầm lẫn nặng nề. Họ đã làm mọi cách để “xoa dịu” một nước Nga mà người ta nói là “bị nhục nhã” khi đế quốc của mình biến mất. Họ đã nhượng bộ nhiều đòi hỏi của Matxcơva. Đã dịu dàng vuốt ve con gấu, mà không hề nhận lại được gì.

Mỹ, Đức vuốt ve gấu Nga, nhưng chỉ nhận được thờ ơ và thù địch

Khi vừa mới đặt chân vào Nhà Trắng vào tháng Giêng năm 2009, Obama đã loan báo một “bước khởi đầu mới” trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Nga. Matxcơva có cái nhìn ác cảm trước dự án của Mỹ, định thiết lập lá chắn chống tên lửa tại Ba Lan và Cộng hòa Sec. Ông Obama chẳng bao lâu sau đã từ bỏ dự định này, thay thế bằng một phiên bản thu nhỏ ở Rumani. Không một lúc nào Tổng thống Mỹ tìm cách xem xét lại quyết định của NATO năm 2008 – bác đơn xin gia nhập của Ukraina và Gruzia.

Trong lời nói cũng như hành động, ông Obama đã xóa đi dấu ấn tân bảo thủ của chính quyền George W.Bush: không có chuyện xuất khẩu các giá trị dân chủ của Jefferson sang bất cứ nơi đâu. Tập trung vào việc rút quân Mỹ ra khỏi Irak và Afghanistan, ông hiểu sự thiệt hại vô cùng lớn lao về sự khả tín đạo đức đối với Mỹ trước các cuộc can thiệp quân sự liên tục ở nước ngoài. Ông đo lường được những giới hạn mà cỗ máy quân sự Mỹ có thể hoàn thành, cũng như các cuộc chiến tranh này có thể bắt Hoa Kỳ trả giá như thế nào. Obama là vị tổng thống Mỹ không muốn gắn bó với châu Âu – mục tiêu truyền thống của Matxcơva. Ông tránh can thiệp quân sự vào cuộc chiến Syria, và chiều theo sáng kiến của điện Kremli về vấn đề giải trừ vũ khí hóa học của Damas.

Thủ tướng Đức cũng thế, đã tỏ ra thận trọng giữa lợi ích và tính hay tự ái của Nga. Bà Merkel đi theo khuynh hướng truyền thống của ngành ngoại giao Đức đối với Matxcơva: quan hệ tốt để làm ăn tốt đẹp.

Nga cung ứng 30% năng lượng cho Đức, và Đức có đến trên 6.000 công ty buôn bán với người láng giềng Nga. Nhờ giới đại gia Nga mà các hãng BMW, Mercedes và Audi ăn nên làm ra. Bà Merkel tự cho là đối tác chính trị phương Tây ưu tiên của ông Putin, hai người nói chuyện bằng tiếng Nga. Bà nghĩ rằng có thể gây ảnh hưởng được với Putin. Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, bà là người đầu tiên ngay từ giữa tháng 11 đã nói rằng một hiệp định thương mại giữa Kiev và Bruxelles không thể làm hỏng quan hệ giữa Ukraina và Nga.
Bà thủ tướng và ông tổng thống đã lầm to. Nếu tổng kết lại mối quan hệ với Nga, ông Obama chỉ có thể thất vọng mà thôi. Về các cuộc xung đột như Bắc Triều Tiên, Syria và Iran, ông toàn vấp phải thái độ thụ động, và thường là sự thù địch của Kremli.

Bà Merkel là người cay đắng nhất. Trước Quốc hội Đức hôm 13/3, bà đã rút ra được kết luận về bốn cuộc điện đàm gần đây nhất với Putin. Bà nói: “Ông ta cư xử theo luật rừng”, ông Putin “tự đặt mình lên trên Nhà nước pháp quyền”, ưu tiên cho “những quan điểm địa chính trị đơn phương về thỏa thuận và hợp tác”. Với ông Barack Obama, bà Merkel thổ lộ, có vẻ như Putin “đang sống trong một thế giới khác”.

Trong thế giới ấy, cái thế giới của Vladimir Vladimorovitch Putin, nước Nga tự xây dựng và tái thiết chống lại châu Âu, chứ không phải cùng với châu Âu. Đó là truyền thống Nga, mà Hầu tước Custine từ năm 1839 trong tác phẩm “Những lá thư từ nước Nga” đã miêu tả. Trong thế giới đó, tương quan giữa các Nhà nước là một trò chơi mà tổng lợi tức của các bên bằng 0, và tham vọng lãnh thổ quan trọng hơn là kinh tế.

Nếu một quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga ký một hiệp định thương mại với Liên hiệp châu Âu, có nghĩa là Nga đã “bị mất” đi nước này, và như thế thì phải trả thù bằng cách cấu véo lại một mảng. Rất là lô-gic! Custine đã cảnh báo về một nước Nga “chuyên xâm lược” này. Le Monde kết luận, cần phải tặng cuốn “Những lá thư từ nước Nga” cho bà Merkel và ông Obama.

Sau Crimée của Ukraina, đến lượt Transnistria của Moldova?

Nhìn sang một nước Liên Xô cũ khác là Moldova, vùng đất ly khai của nước này là Transnistria trong tuần cũng đã yêu cầu được sáp nhập vào Nga. Chính quyền Nga hôm qua đã họp lại để xem xét, mà theo các tuyên bố chính thức là để có biện pháp chống lại « việc phong tỏa trên thực tế » Transnistria của biên phòng Ukraina.

Dải đất hẹp ở miền đông Moldova có 550.000 dân, đa số là người Nga, đã đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 1992. Được quân Nga hỗ trợ, Transnistria đã cắt đứt mọi quan hệ với Chisinau, thủ đô Moldova. Hai thập kỷ sau đó, Transnistria đã trở thành một vùng đất của « luật rừng », sào huyệt của bọn buôn lậu. Không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận Transnistria độc lập, kể cả Nga ! Nhưng Matxcơva vẫn hỗ trợ miền đất có nền kinh tế bấp bênh này, được dùng để gây sức ép lên Moldova hiện đang muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Nga và tiếp cận với châu Âu.

Moldova, đất nước có bốn triệu dân trực thuộc Rumani cho đến năm 1945, là một trong hai nước trong khối Liên Xô cũ, cùng với Gruzia, đã ký tắt một hiệp định hợp tác với Liên hiệp châu Âu vào tháng 11/2013. Lo sợ kịch bản Ukraina tái diễn, Tổng thống Moldova Nicolae Timofti hôm thứ Tư 19/3 đã thúc giục châu Âu đẩy nhanh tiến độ. Động thái này làm Matxcơva giận dữ : Phó thủ tướng Nga Dimitri Rogozine cảnh cáo Moldova là nếu ký kết với châu Âu, thì tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng.

Bầu cử địa phương: Phép thử cho chính trị Pháp

Cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra vào Chủ nhật 23/03/2014 tới chiếm đa số trang nhất của các báo Pháp hôm nay. Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa: “Bầu cử địa phương, cuộc thử nghiệm”. Tuy chỉ để bầu lên thị trưởng và đội ngũ quản lý những vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật của người dân, nhưng đây là lần đầu tiên cử tri Pháp quay lại với phòng phiếu từ sau cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội năm 2012. Mỗi đảng phái, mỗi ứng cử viên, nhà bình luận đều chú tâm đến kết quả bầu cử lần này để biết được những tác động của không khí chính trị.

Nhật báo cánh tả Libération nhắc nhở: “Cử tri vắng mặt: Chiếc bẫy”. Tờ báo lo ngại nếu số lượng cử tri đi bầu ít ỏi, thì đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia sẽ thắng thế tại nhiều thành phố. Nhật báo cộng sản L’Humanité kêu gọi: “Hãy đi bầu, chống lại chính sách khắc khổ!”

Trong thời đại điện tử, người Pháp vẫn tiếp tục đọc sách

Cũng tại Pháp nhưng trên lãnh vực văn hóa, nhân dịp Hội chợ sách lần thứ 34 khai mạc tại Paris, Le Monde có bài xã luận mang tựa đề : « Dù sao đi nữa, người Pháp vẫn tiếp tục đọc sách ». 

Theo thăm dò của Ipsos-Livres Hebdo công bố hôm 14/3, chân dung độc giả Pháp điển hình là phụ nữ, 46 tuổi, sống ở Paris, có học và không có con nhỏ, đọc khoảng 15 cuốn sách một năm. Tuy lượng sách in bán ra đã giảm đi 4% trong ba năm qua, nhưng người Pháp vẫn tiếp tục đọc sách : 80% thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi đều đã đọc ít nhất một cuốn sách trong năm. Tỉ lệ này tính chung cho dân Pháp thuộc mọi lứa tuổi là 70%.

Không như người ta lo ngại, sách in vẫn đứng vững. Đọc sách là thú giải trí đứng thứ nhì của người Pháp, chỉ sau việc đi chơi với bạn bè, đứng trên cả âm nhạc và truyền hình. Gần phân nửa độc giả Pháp khẳng định mỗi ngày đều đọc sách, thường là tiểu thuyết hình sự hay gián điệp. Tuy vậy, việc đọc sách – thú tiêu khiển đòi hỏi sự đơn độc và tập trung, đang dần mất đi tính hấp dẫn trong thời đại của các trò giải trí tương tác, với máy tính bảng, điện thoại di động…

Một nghiên cứu mới đây của Ipsos và Nghiệp đoàn Xuất bản Quốc gia cho biết, sách in vẫn giữ nguyên được tính khả tín: thông tin đưa ra từ một cuốn sách được tin tưởng gấp sáu lần so với thông tin tìm thấy trên internet. Và có đến 84% độc giả Pháp không thể hình dung ra được một thế giới không có sách.

Nhà văn Trung Quốc và thói quen công chức

Nhìn sang Trung Quốc, là khách mời của Hội chợ sách Paris lần này, thành phố Thượng Hải – từng được mệnh danh là « Paris của phương Đông » trình diện với những tác phẩm thuộc nhiều khuynh hướng, một số không hề được dịch ra cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.

Bài báo cho biết tại Trung Quốc, các nhà văn tiếp tục sinh hoạt trong hệ thống Hội Nhà văn trung ương và địa phương y như trong thời Liên Xô cũ, hầu hết trong số họ là viên chức. Văn học Trung Quốc theo một lô-gic kỳ lạ, cũng giống như hình ảnh của Thượng Hải : vừa cộng sản vừa tự do.

Các nhà xuất bản tư nhân bắt đầu hiện diện từ thập niên 90, đều phải liên kết với các nhà xuất bản của Nhà nước để có được số đăng ký chính thức cho mỗi cuốn sách xuất bản. Trong thời đại internet, bị giám sát nghiêm ngặt nhưng cũng khó kiểm tra, các nhà xuất bản cả tư lẫn công chủ yếu đều biết tự kiểm duyệt.

tags: Chính trị - Hoa Kỳ - Liên Hiệp Châu Âu - Nga - Quân sự - Quốc tế - Ukraina - Điểm báo - Đức 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140321-putin-ha-merkel-va-obama-1-0
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.