(RFA 27/02/2014) Nhà báo Trương Duy Nhất đã chính
thức nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát sau chín tháng bị giam giữ và sẽ ra tòa
vào ngày 4 tháng 3 sắp tới. Mặc Lâm phỏng vấn TS Phạm Chí Dũng, cũng là một nhà
báo từng bị bắt giam vì có nhiều bài viết chống lại chính sách sai lầm của
chính quyền Việt Nam để biết thêm nhận định, phân tích của ông về bản cáo trạng
này.
Việt Nam đã nhượng bộ?
Mặc Lâm: Là người từng bị giam giữ vì các bài viết trước đây TS nghĩ
thế nào về điều 258 sắp đem ra để xét xử nhà báo, blogger Trương Duy Nhất?
Phạm Chí Dũng: Theo tôi biết điều 258 là điều luật mơ hồ có tính chất liên
quan tới lạm dụng dân chủ - lợi dụng dân chủ, và điều đó hiện nay đang ứng với
một số bloger; và đặc biệt là trong ngày 04 tháng 03 sắp tới sẽ đưa ra với
blogger Trương Duy Nhất.
Tôi thấy rằng thời gian tôi bị tạm giam cũng tương đối ngắn
thôi, so với một số người khác, nhưng có lẽ vẫn phải làm rõ vài việc. Thứ
nhất là những điều luật bị lạm dụng một cách mơ hồ mà quốc tế đã lên tiếng đặc
biệt là về UPR vào đầu tháng hai vừa qua. Thứ hai là các blogger, các nhà báo
tự do, những người bất đồng chính kiến cũng cần tự trang bị cho mình những kiến
thức pháp luật trong quá trình hoạt động và cũng nên lường trước rằng một lúc
nào đó họ có thể vướng phải một hoàn cảnh khó khăn và thậm chí là bị tạm giam,
tạm giữ. Lúc đó họ sẽ phải tự bảo vệ cho mình trước khi nhờ tới luật sư và càng
không thể nhờ tới sự quan tâm của nhà nước.
Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ theo chúng tôi biết cách đây không lâu lắm, một
nhóm blogger đã vào trong những Tòa Đại sứ ngoại quốc tại Hà Nội để đưa phát
biểu chống lại điều 258 cũng như một nhóm blogger khác ra nước ngoài để vận
động với quốc tế chống lại điều này. Tuy nhiên những việc làm ấy không được nhà
nước Việt Nam có một hành động nào cụ thể để đáp lại một cách tích cực. Có phải
vụ án của Trương Duy Nhất
có thể nói là câu trả lời mạnh mẽ nhất của Việt Nam?
Phạm Chí Dũng: Tôi lại không nghĩ rằng vụ án Trương Duy Nhất là một câu
trả lời mạnh mẽ nhất của Việt Nam. Tại sao? Nếu đó là câu trả lời mạnh mẽ nhất
thì đối với trường hợp của chị Bùi Hằng người ta đã thẳng tay áp dụng điều 258
tại huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp trong vụ việc liên quan tới anh Nguyễn Bắc
Truyển và một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, họ rất có thể dễ dàng áp dụng điều
258, nhưng mà nghe đâu là lệnh khởi tố lại tập trung vào điều 254 tức là Cản
trở giao thông.
Có nghĩa chúng ta cần phân biệt hai thời điểm: một thời điểm
vào tháng 08 năm ngoái - năm 2013 – thì mạng lưới blogger Việt Nam
bao gồm khoảng vài chục blogger đã đưa ra một bản kiến nghị thay đổi điều luật
258 họ cho rằng mơ hồ, và vào thời điểm đó cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng.
Vào ngày Nhân quyền Quốc tế ngày 10/12/2013, Quốc tế và một
số tổ chức phi chính phủ đã đề cập đến vấn đề cần phải hủy bỏ điều luật
mơ hồ 258. Sau đó tôi nhận thấy có một sự điều chỉnh rất kín đáo của nhà
nước Việt Nam. Sự điều chỉnh này nó thể hiện là những điều luật trước đây liên
quan tới chính trị như là điều 79 “âm mưu lật đổ chính quyền”, điều 88 “tuyên
truyền chống nhà nước”, điều 87 “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân”, và kể cả
điều 258 nữa, cũng không được nhà nước áp dung một cách triệt để như trước đây.
Thay vào đó họ sử dụng những điều luật liên quan tới những
vấn đề kinh tế hoặc nhẹ nhàng hơn liên quan đến những vấn đề xã hội; chẳng hạn
như điều luật 254 của bộ luật hình sự liên quan đến “cản trở giao thông”, hoặc
là liên quan đến vấn đề hoạt động trên Internet thì có nghị định 72 và sau đó
có một thông tư bằng văn bản là có thể phạt hành chính từ 80 – 100 triệu đồng.
Như vậy là đã có một sự chuyển biến mặc dù rất nhỏ nhưng mà
dù sao tôi thấy là rất cân nhắc. Có nghĩa họ đã chấp nhận một phần tinh thần
hòa quyện hội nhập quốc tế, đặc biệt sau thời điểm tham gia vào với tư cách là
thành viên của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì Nhà nước Việt Nam dường
như cũng đã rút ra một bài học nào đó rằng không nên quá căng thẳng với những
nhà bất đồng chính kiến, nhà báo tự do và blogger. Thành thử vấn đề của Trương Duy Nhất tôi cho là
khá là khác biệt, đó là một vấn đề có tính chất đặc thù.
Ai là người phía sau?
Mặc Lâm: Thưa ông có thể chi tiết hơn điều mà ông gọi là đặc thù đó
là gì?
Phạm Chí Dũng: Đặc thù ở đây có nghĩa là việc anh Trương Duy Nhất
viết bài dường như là liên quan đến một nhân vật cấp cao, và dường như liên
quan tới những mối quan hệ cá nhân hơn là những vấn đề chính trị chính danh
hiện nay. Việc anh Trương
Duy Nhất trong thời gian sắp tới có thể bị một án tù nào đó
theo tôi đây không phải là vấn đề phức tạp, chủ yếu là xuất phát từ động cơ
chính trị hoặc là động cơ phản đối Trung
Quốc xâm lược trên các bài viết của Trương Duy Nhất, mà dường
như liên quan tới một nhân vật cao cấp, có thể nằm ngay trong ủy viên Bộ
chính trị, và người ta không thích điều đó.
Mặc Lâm: Gia đình của ông Trương Duy Nhất vừa cho biết là ông ấy có nguyện
vọng anh em báo chí, trí thức hay những người quen biết ông có mặt tại phiên
tòa để cổ vũ tinh thần cho ông, TS nghĩ sao về nguyện vọng này?
Phạm Chí Dũng: Trước đây tôi cũng đã có nghe là Trương Duy Nhất là một
người can trường và thậm chí là tuyên bố với luật sư và với công an là ở tù 20
năm cũng được.
Tôi nghĩ là hoàn toàn nên có một nhóm những nhân sĩ trí
thức, các nhà báo, các blogger, các nhà bất đồng chính kiến để có thể ủng hộ
vấn đề của Trương Duy Nhất
làm sao để có thể thể hiện được vấn đề là tự do biểu đạt tự do chính kiến ở
Việt Nam. Vụ án Phương Uyên và Đinh
Nhật Uy trước đây, vào năm 2013 cũng đã có một số nhân sĩ
blogger, kể cả những người công giáo họ đến phiên tòa và họ đề nghị trả tự do
cho các blogger này. Đối với Trương
Duy Nhất cũng vậy thôi, cũng nên có một sự hiệp thông, một sự
đồng hành, ít nhất về mặt tinh thần, mặc dù bản án có thể là bỏ túi hoặc không
thay đổi được, nên đến phiên tòa để đáp lại lời kêu gọi của gia đình Trương Duy Nhất.
Mặc Lâm: Vâng, xin được Tiến sĩ một câu hỏi cuối cùng nữa là không
giống như những người khác, chẳng hạn như luật sư Lê Quốc Quân, hay chị Bùi Hằng,
hay những người tranh đấu khác khi bị giam giữ thì cộng đồng mạng đã ủng hộ rất
nhiệt tình, ngược lại trường hợp của Trương Duy Nhất theo chúng tôi nhận thấy, với tư
cách cá nhân thì có một sự im ắng kỳ lạ trên mạng xã hội, không ai nhắc đến ông
ấy. Người ta đặt câu hỏi phải chăng nhà báo Trương Duy Nhất khi còn ở
bên ngoài đã có những bài viết quá thẳng thắn chống lại những nhà hoạt động dân
chủ; trong đó có bà Bùi Hằng, tuy rằng cả hai người bây giờ hiện đang ở trong
nhà giam hết, Tiến sĩ có cho rằng vấn đề này khá khó hiểu và có thể gây tổn hại
cho quá trình tranh đấu chung hay không?
Phạm Chí Dũng: Phong trào tranh đấu dân chủ ở Việt Nam đang diễn ra một số
động thái hơi kỳ lạ, hơi lạ lùng. Cách đây mấy ngày, đã xảy ra một cuộc tranh
luận giữa blogger Người buôn gió và blogger Mẹ Nấm. Điều đó, cách nào đó cũng
bị dư luận cho là gây tổn hại đến phong trào dân chủ nhân quyền, mà thực ra có
thể những vấn đề nội bộ liên quan tới mâu thuẫn.
Có thể là những mâu thuẫn xác đáng, nhưng một số dư luận vẫn
cho rằng không nên nêu vấn đề đó ra một cách công khai vì sẽ không có lợi chung
và đồng thời sẽ bị lợi dụng khắc sâu vào cái mâu thuẫn trong phong trào dân
chủ.
Thứ hai nữa là mới ngày hôm kia, anh Huỳnh Ngọc Tuấn ở Quảng
Nam đã có một lời chia tay dứt khoát đối với phong trào hoạt động dân chủ nhân
quyền và điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy có điều gì đó băn khoăn và tiếc
nuối, nhất là anh Tuấn là một người kiên cường, và đó là một tay viết
cứng, nhưng mà lời chia tay của anh đúng là một sự tiếc nuối.
Cho nên vấn đề của anh Trương Duy Nhất
cũng vậy thôi, nó nằm trong đặc tính chung của phong trào hiện nay, chỉ có
những cá nhân có mối quan hệ với cộng đồng, đông đảo cộng đồng đến chia sẻ -
giao lưu hay là gần gũi nhất – cận kề nhất. Có thể nói là những người hay ngồi
cà phê với nhau thì thường được cộng đồng chia sẻ và ủng hộ nhiều hơn.
Nhưng đối với anh Trương Duy Nhất, trước đây tôi có nghe là anh
Nhất là một người rất thẳng tính, có lẻ là một trong những đặc tính của người
Quảng Nam nói thẳng nói thật, và cũng không được lòng lắm một số trong cộng
đồng đấu tranh vì dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, vì vậy sau khi anh bị bắt thì
báo chí chộn rộn lên một thời gian nhưng sau đó truyền thông xã hội gần như
lắng tiếng và việc đưa anh ra xét xử trong những ngày gần sắp tới có thể sẽ
không thu hút được nhiều đối với cộng đồng mạng.
Điều đó đặt ra vấn đề là cộng đồng tranh đấu cho dân chủ
nhân quyền ở Việt Nam nên xem lại đặc tính đấu tranh và kết nối ngay trong nội
bộ của mình, để không nên có sự phân biệt và thậm chí là kì thị giữa người này
và người kia. Chúng ta đang đấu tranh cho một nền dân chủ, mà công bằng bình
đẳng và không phân biệt là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để trong
tương lai chúng ta sẽ phải chấp nhận những tiêu chí đa nguyên: chính trị đa
nguyên, xã hội đa nguyên hay đa nguyên về quan điểm.
Còn với tình trạng có vẻ như hơi cô lập, hơi miệt thị và có
vẻ như hơi chia rẻ như thế này thì tôi nghĩ phong trào dân chủ khó mà đi xa
được, cần xem lại đặc tính này.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.