lundi 3 mars 2014

Quân Nga tiếp tục ồ ạt đổ vào Crimée

Lính Nga tại một làng gần Simferopol, 03/03/2014.
Diễn tiến tình hình Ukraina ngày thứ Hai 03/03/2014

Giờ trong bài là giờ mùa đông Paris, bạn đọc ở Việt Nam vui lòng cộng thêm 6 giờ (ví dụ 6 giờ sáng Paris là 12 giờ trưa VN)

Tóm tắt tình hình : Quân Nga được triển khai tại Crimée. Tối qua, người Mỹ đánh giá bán đảo này đang bị Kremli kiểm soát. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh cáo Nga có thể bị loại khỏi G8. Hôm nay các Ngoại trưởng châu Âu họp khẩn lần thứ hai tại Bruxelles về tình hình Ukraina, và 7 nguyên thủ G8 loan báo ngưng các hoạt động trù bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sotchi vào tháng Sáu tới. Theo các nhà quan sát, đây là một trong những cuộc xung đột trầm trọng nhất kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ.

6g30. Tổng thống lâm thời Ukraina Olexandre Tourtchinov hy vọng một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên Kiev cũng tổng động viên quân dự bị để « đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ ».

7g30. Nhân vật số hai của Liên Hiệp Quốc, Jan Eliasson đến Ukraina. Ngày mai, thứ Ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng sẽ đến Kiev.

7g37. Thị trường chứng khoán Matxcơva sụt 5%, đồng rúp Nga mất giá kỷ lục.

Đồng rúp mất 2% giá trị trong ngày 03/03/2014.
7g40. Medvedev cho rằng Ianoukovitch là tổng thống hợp pháp của Ukraina.

8g55. Hai Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc cho biết thống nhất quan điểm về tình hình Ukraina.

8g15. Pierre Laurent, tổng thư ký đảng Cộng sản Pháp « trân trọng » đề nghị tổng thống François Hollande thống nhất ý kiến của các đảng phái và dân biểu để đưa ra quyết định của Pháp về vấn đề Ukraina. Điều khẩn cấp theo ông Laurent, là kêu gọi chấm dứt leo thang quân sự.

8g30. Đồng euro giảm giá vì căng thẳng ở Ukraina.

8g42. Matxcơva chấp nhận việc thành lập một nhóm tiếp xúc.

9g05. Những người Nga tại Crimée hy vọng có được viện trợ ồ ạt của Nga, trong khi các dân tộc thiểu số lo sợ.
9g30. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại cho những người Tatar nói tiếng Thổ ở Crimée. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trao đổi về tình hình với những người đồng nhiệm Mỹ, Đức, Pháp, Ba Lan.

9g45. Hoa Kỳ yêu cầu gởi ngay lập tức các quan sát viên OSCE (Tổ chức Hợp tác An ninh châu Âu), nhằm « đảm bảo các quyền của người thiểu số » và « giám sát việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ ».

10g. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon gặp Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tại Genève.

Ông Ban Ki Moon trong cuộc họp báo tại Genève, 03/03/2014.
10g15. OSCE muốn gởi một phái đoàn đến Ukraina để điều tra.

10g30. Cựu Ngoại trưởng CH Séc Karel Schwarzenberg so sánh Putin với Hitler. Ông nhắc lại việc quốc xã Đức tràn vào Áo, Tiệp Khắc và Ba Lan năm 1938 và 1939 và nhận xét : « Những gì diễn ra tại Ukraina là lịch sử lặp lại. Putin hành động theo cùng một nguyên tắc với Adolf Hitler ».

10g52. Ngoại trưởng Anh William Hague : « Đây là cuộc khủng hoảng tệ hại nhất ở châu Âu trong thế kỷ 21 ». Ông cảnh báo Matxcơva về « cái giá nặng nề » của việc can thiệp quân sự vào Crimée.

11g. Thủ tướng Anh David Cameron cho biết các bộ trưởng nước này sẽ không hiện diện tại Thế vận hội người tàn tật Sotchi.

11g20. Cựu Thủ tướng Ukraina Timochenko cho rằng Nga sẽ không bước qua lằn ranh đỏ. Khi chiếm đóng Crimée, coi như Nga đã tuyên chiến với không chỉ với Ukraina mà còn với Mỹ và Anh (Nga cùng với Mỹ, Anh đã đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina khi nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994). Theo bà, nếu Ukraina gia nhập NATO trước đó thì việc Nga tấn công đã không xảy ra.

11g50. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tố cáo những lời đe dọa trừng phạt, tẩy chay, nhất là bị cảnh báo có thể mất ghế ở G8 (Trước đây là G7 gồm 7 nước phát triển nhất, đến năm 1998 có thêm Nga và trở thành G8).

Những đoàn quân không phiên hiệu tại Simferopol, 03/03/2014.
12g24. Ban Ki Moon kêu gọi Nga không có những hành động dẫn đến leo thang khủng hoảng.

12g31. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cảnh báo Matxcơva sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng vì can thiệp vào Crimée.

12g34. Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barrose loan báo sắp tổ chức một hội nghị thượng đỉnh châu Âu về cuộc khủng hoảng Ukraina để có một đáp trả cứng rắn chung.

12g40. Quân Nga tiếp tục ồ ạt đổ vào Crimée. Trong vòng 24 giờ qua, 10 trực thăng chiến đấu, 8 phi cơ vận tải Nga đã hạ cánh xuống Crimée, trong khi theo hiệp định đôi bên thì phải báo trước cho Kiev 72 giờ.

12g55. Ngoại trưởng Đức tuyên bố tại cuộc họp ở Bruxelles, đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất tại châu Âu từ khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Ông nói : « Hai mươi lăm năm sau khi chấm dứt đối đầu giữa hai khối, mối đe dọa châu Âu bị chia rẽ lại trở nên hiện thực ».

Biểu tình bên ngoài cuộc họp các Ngoại trưởng châu Âu tại Bruxelles 03/03/2014 chống Nga đưa quân vào Ukraina.
13g. Giá vàng tăng ở mức cao nhất từ 4 tháng qua do khủng hoảng Ukraina.

13g08. Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev nói rằng Ukraina vẫn là đối tác kinh tế quan trọng của Nga.

13g22. Matxcơva loan báo đồng thuận quan điểm với Bắc Kinh về Ukraina.

14g. Ngân hàng Ý UniCredit đóng cửa các chi nhánh tại Crimée và rút ngắn thời gian mở cửa trên toàn quốc Ukraina. Theo khuyến cáo của Ngân hàng Trung ương Ukraina, UniCredit hạn chế lượng tiền rút từ các máy ATM là 1.500 grivnie (112 euro) một ngày. UniCredit là ngân hàng phương Tây lớn thứ nhì tại Ukraina, quản lý lượng tiền 3,84 tỉ euro với mạng lưới 435 chi nhánh.

Trụ sở chính quyền Donestk bị xâm nhập.
14g20. Khoảng 300 người biểu tình thân Nga xông vào chiếm trụ sở chính quyền Donestk ở miền đông Ukraina. Sau cuộc biểu tình tập họp 3 đến 4.000 người cầm cờ Nga, số người trên đã đập vỡ các cửa kính và chiếm cứ nhiều tầng của trụ sở.

14g46. Thị trường chứng khoán Matxcơva lại sụt mạnh : mất thêm 13% giá trị trong khi sáng nay mất 5%.

14g54. Ngoại trưởng Nga cho rằng lời đe dọa của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là « không thể chấp nhận được ».

15g08. Theo Kyiv Post, nhiều người Ukraina và Nga không ngần ngại chụp hình với lính Nga.

Một chiến hạm Nga tiến vào Sebastopol, 02/03/2014.
15g26. Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom mất giá đến 11,64% trên thị trường chứng khoán hôm nay.

15g33. Các quan sát viên OSCE đến Kiev tối nay.

15g50. Nga phong tỏa các trang web liên quan đến các cuộc biểu tình Ukraina. Cơ quan giám sát internet của Nga Roskomnadzor phụ trách kiểm duyệt cho biết đã đóng 13 trang mạng « tuyên truyền cho các nhóm dân tộc chủ nghĩa Ukraina và cổ vũ các hành động khủng bố ».

16g34. Hạm đội Nga ra tối hậu thư cho các lực lượng Ukraina ở Crimée phải đầu hàng trước 3 giờ GMT, nếu không sẽ phải « đối đầu với bão tố ».


16g50. Matxcơva tiến hành dự án xây cầu nối liền Crimée với lãnh thổ Nga. Ngay trong cao điểm khủng hoảng, Thủ tướng Dimitri Medvedev ký nghị định giao cho một công ty quốc doanh thực hiện dự án này, dự toán kỹ thuật phải hoàn tất từ nay cho đến tháng 11. Cho đến nay, chỉ có thể đến được bán đảo Crimée bằng phà hay tàu bè.

17g10. Chủ tịch Hạ viện Nga (Douma) Serguei Narychkine tuyên bố hiện nay chưa cần thiết phải can thiệp quân sự.


17g15. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp vào 21g30, lần này theo yêu cầu của Nga, và công khai chứ không còn họp kín. 

Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power phát biểu tại Hội đồng Bảo an.
17g50. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius : Châu Âu cần phải thật cứng rắn. Nếu không xuống thang từ nay cho đến thứ Năm, châu Âu có thể ngưng thương lượng về visa và các hiệp định kinh tế.

17g55. Đức nhấn mạnh một giải pháp ngoại giao. Theo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier: “Ngoại giao không phải là một dấu hiệu yếu kém, nhưng cần thiết hơn bao giờ hết để tránh lao vào leo thang chiến tranh”.

18 giờ. Tổng thống Pháp François Hollande thúc giục Matxcơva chấp nhận một giải pháp phù hợp với luật quốc tế. Nói chuyện với người đồng nhiệm Ba Lan, ông nhấn mạnh châu Âu cần thống nhất quan điểm, với các nguyên tắc : tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền Ukraina, công nhận đa dạng chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa.

18g15. Châu Âu đe dọa xét lại quan hệ với Nga. Tuyên bố của Ngoại  trưởng 28 nước châu Âu sau cuộc họp khẩn về Ukraina tại Bruxelles nêu ra các hậu quả về vấn đề visa và các hiệp định hợp tác.

Vợ con những người lính Ukraina tại Crimée phản đối chiến tranh.
18g20. Bộ Quốc phòng Nga cải chính, nói rằng không đưa ra tối hậu thư.

19 giờ. Thượng đỉnh đặc biệt Liên hiệp châu Âu về Ukraina thứ Năm tới. Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu loan báo nguyên thủ 28 nước sẽ họp bàn về phương cách giảm căng thẳng, và có thể về các biện pháp trừng phạt.

19g10. Đại diện ngoại giao châu Âu Catherine Ashton ngày mai, thứ Ba sẽ gặp Ngoại trưởng Nga tại Madrid và thứ Tư bà sẽ đến Kiev.

19g15. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski hết sức lo ngại chiến tranh xảy ra tại nước láng giềng Ukraina: “Lo lắng lớn nhất của tôi là chính quyền Nga tin vào chính luận điệu tuyên truyền của họ, và tạo sai lầm chết người là mở cánh cửa vào địa ngục”.

19g17. Washington cho rằng tối hậu thư của Nga đưa ra cho Ukraina là “leo thang nguy hiểm”.

Lính Nga trấn giữ một sân bay tại Crimée.
19g30. Tất cả các căn cứ quân sự Ukraina tại Crimée đều bị quân Nga bao vây. Các phóng viên AFP trông thấy tại nhiều nơi trên bán đảo những người vũ trang chiếm lĩnh hay củng cố các công sự trước các đơn vị quân sự Ukraina ở Crimée.

20g10. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ : Hoa Kỳ sẽ nghiên cứu « các biện pháp trừng phạt rộng rãi » đối với pháp nhân và thể nhân Nga.

20g21. Barack Obama : Nga đang đứng ở phía sai lầm của lịch sử tại Ukraina.

21g40. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bắt đầu họp. Đây là phiên họp lần thứ ba chỉ trong vòng bốn ngày qua về Ukraina.

20g50. NATO lại họp về Ukraina ngày mai ở cấp đại sứ, theo yêu cầu của Ba Lan đang cảm thấy bị đe dọa. Vacsava nêu ra điều 4 của Hiệp ước NATO.

21 giờ. Pháp và Anh nhấn mạnh thái độ kiên quyết của châu Âu.

21g15. Ngoại trưởng Đức và Nga cùng ăn tối tại Genève.


21g56. Tổng thống bị lật đổ Ianoukovitch yêu cầu quân đội Nga tái lập trật tự (theo như lời đại sứ Nga trước Hội đồng Bảo an).



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.