Chiếc USS Oxford |
Bão táp cho Oxford và chiến dịch Oyster
Việc giám sát điện tử cũng được tiến hành với những hoạt động ở gần sát Trung Quốc. Người Mỹ gởi cho các cơ sở những phương tiện theo dõi và bắt sóng táo bạo. Vào lúc căn cứ SIGINT ở Pine Gap được xây dựng, năm 1966, NSA còn sử dụng các con tàu gián điệp như chiếc USS Oxford (mã hiệu AGTR-1) trang bị đầy ăng-ten, chở được 11.000 tấn, vận tốc 11 hải lý/giờ nếu không neo đậu ở cảng Yokosuka, Nhật Bản. Với 250 sĩ quan và thủy thủ, chiếc tàu di chuyển ngoài khơi Biển Đông để theo dõi những biến động của Cách mạng Văn hóa, và bắt sóng các liên lạc của đảng và quân đội.
Nhưng bỗng dưng chiếc USS Oxford bị rơi vào tâm bão và giạt vào bờ biển Trung Quốc. Quả là có một Thượng đế đối với các nhân viên tình báo ! Nhờ phép lạ, chiếc tàu lại bị đánh bật ra ngoài khơi và trôi về đến Đài Loan. Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc ! Thật là một thảm họa nếu chiếc tàu do thám bị mắc cạn, hoặc bị bắt giữ - như trường hợp chiếc USS Pueblo bị Bắc Triều Tiên bắt vào tháng 1/1968.
Nếu bắt được tàu USS Oxford, chỉ người Trung Quốc mới có thể tha hồ tháo tung ra để nghiên cứu và cải thiện hệ thống của họ. Vì trong trường hợp chiếc Pueblo, Bắc Kinh đã bị Matxcơva phỗng tay trên. Liên Xô đã được người bạn chung là Kim Jong Il cung cấp những bí mật của hệ thống tình báo NSA.
Một năm trước đó, năm 1967, cũng đã một phen hú vía : chiếc USS Banner cùng loại với Pueblo, đang ở hải phận quốc tế gần Thượng Hải, cách đảo Chu San (Zhoushan) 25 hải lý, thì bị các tàu đánh cá bao vây. Thuyền trưởng Charles Clark kể lại : « Tôi có cảm giác họ định kéo tàu chúng tôi đi, hay đại loại như vậy. Họ tiến sát bên, chỉ cách có năm mét. Hai trong số các tàu này có những khẩu đại bác còn to hơn của chúng tôi, nhưng tôi nghĩ dù các khẩu pháo có nhỏ hơn, nhưng chúng tôi vẫn có thể đẩy lùi họ ».
Rốt cuộc tàu bán quân sự Trung Quốc nhận được lệnh ngưng hoạt động tấn công hải tặc này, và chiếc tàu do thám có thể quay về Nhật Bản bình an vô sự.
Dù sao đi nữa, người Mỹ có thể sử dụng các phương tiện khác ít nguy hiểm hơn để theo dõi Trung Quốc, như việc cùng quản lý các trung tâm nghe lén trên mặt đất với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Trở lại với nước Úc, có một cách đơn giản khác để bắt được các liên lạc : chỉ cần nghe lén đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra. Tôi đã đến thủ đô Úc để nghiên cứu cuộc chiến tranh điện tử giữa Trung Quốc và các địch thủ. Và đã gặp gỡ giáo sư Desmond Ball, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của đại học quốc gia Úc, mà các công trình được thế giới biết đến nhiều. Ông giải thích không hề úp mở : « Theo chúng tôi thì Ban 3 (San Bu) không thiết lập một trạm nghe lén quan trọng nào tại đại sứ quán ở Canberra, vì không trông thấy ăng-ten parabol lẫn các bó ăng-ten. Tai mắt của bà đại sứ Fu Yi chủ yếu là ở trong cộng đồng người Hoa ».
Hôm sau khi đến tại chỗ, ở Coronation Drive, tôi nhận thấy cao ủy Anh chỉ cách đại sứ quán Trung Quốc một con đường nhỏ. Người Anh, như thường lệ, luôn sở hữu những cụm ăng-ten xinh đẹp và ê-kíp GCHQ, được biệt phái đến đây dưới danh nghĩa nhân viên ngoại giao, không quên thu nhận những thông tin liên lạc của láng giềng.
Rõ ràng là ở Canberra dễ thực hiện hơn ở Bắc Kinh, nơi cơ quan phản gián Trung Quốc phụ trách theo dõi các cơ quan ngoại giao đã xây dựng những tòa nhà lớn xung quanh các đại sứ quán ngoại quốc – được tập trung trong khu Đông Trực Môn (Dongzhimen) – để gây khó khăn cho hệ thống nghe trộm. Và ngược lại, họ xây dựng một tòa tháp vi sóng để bắt sóng các thông tin của ngoại giao đoàn.
Tại Canberra, do không thể bắt được tất cả các thông tin bên ngoài, tình báo Úc đã dùng một thủ thuật vào lúc các đại diện ngoại giao Trung Quốc chuyển trụ sở năm 1990. Được sự hỗ trợ của khoảng ba chục kỹ thuật viên NSA, Australian Secret Intelligence Service – mã hiệu Oyster – đã thành công trong việc lắp đặt các micro trong đại sứ quán mới.
Tuy vậy một tờ báo Úc đã đánh hơi được vụ này. Lãnh đạo của ASIS phải vận dụng mọi khả năng ngoại giao để khuyên tờ báo không nên công bố thông tin có hại cho cơ quan tình báo lẫn ngành ngoại giao Úc. Nhưng rủi thay, chính nhờ tờ Time Magazine của Mỹ mà đại sứ Shi Chunlai đã biết được thông tin là cơ quan mình đầy dẫy máy nghe lén…Hình thức này đã trở nên phổ biến từ khi Trung Quốc qua mặt Liên Xô cũ trong hoạt động tình báo.
Kỳ tới : Trung Quốc phản công
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.