mardi 3 mai 2022

Peter Pho -Trung Quốc đang nghĩ gì về cuộc chiến Nga-Ukraine?

 

Trung Nam Hải tỏ ra lo lắng về cục diện thế giới sau chiến tranh Nga Ukraine và tỏ ra lắng nghe các cố vấn, các mưu sĩ trong nước bàn về đường lối ngoại giao với những giả thiết có thể xẩy ra. 

Đây là tham luận của một cố vấn cấp cao viết trên mạng một cách công khai. Lão PP lược trích một số nội dung đưa ra để các nhà ngoại giao tham khảo và các nông hộ mua vui khi rượu bia tới bến.

Ba khả năng thất bại của Nga:

Để bàn về khả năng Nga bại trận, trước tiên cần đưa ra định nghĩa của thất bại. Chiến bại của Nga có thể được chia thành ba tình huống:

Thứ nhất, chủ quyền của hai tỉnh miền Đông Ukraine vẫn thuộc Ukraine, thuộc quyền quản lý của chính quyền trung ương, nhưng với mức độ tự trị cao, địa vị của họ khác biệt với các tỉnh khác. Trong trường hợp này, kết quả điều quân xâm lược của Nga về cơ bản không làm thay đổi so với trước khi điều quân, tuy nhiên do hành động quân sự đã làm tổn thất hàng vạn binh sĩ, hàng chục tỷ đồng khí tài và tổn thất quốc tế chưa từng có bởi trừng phạt kinh tế. Vì vậy, Nga vẫn bị đánh giá là thất bại.

Thứ hai, chủ quyền của hai tỉnh miền Đông Ukraine là thuộc Ukraine, thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương Ukraine, và có quy chế như các tỉnh khác. Trong trường hợp này, Nga thực sự mất đi quyền kiểm soát miền Đông Ukraine, đó là một thất bại trên thực tế.

Thứ ba, Ukraine không chỉ khôi phục được hai tỉnh miền Đông Ukraine, mà còn thu hồi được Crimea, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này được duy trì. Trong trường hợp này, Nga hoàn toàn thất bại.

Theo như chiến sự hiện tại, tình hình bại trận của Nga đang diễn biến theo chiều hướng thứ ba. Từ góc độ mục tiêu chiến tranh, Ukraine càng đánh càng mạnh mẽ, đến nay lại đưa ra mục đích thu hồi toàn bộ lãnh thổ, vấn đề lãnh thổ cương quyết không đưa ra bàn. Mục tiêu chiến lược của phương Tây do Mỹ dẫn đầu đối với Nga cũng đã thay đổi theo tình thế, từ ban đầu “ngăn chặn mục đích của Nga không để thực hiện được và Ukraine không thể gục ngã”, sau đó đổi thành “đánh bại Nga trên lãnh thổ Ukraine” đến nay thì “đảm bảo Nga bị đánh bại, tiến hành làm suy yếu quân sự của Nga và chế độ Putin phải sụp đổ”.

Về khả năng chiến tranh, phương Tây đã tập hợp một lượng lớn các nguồn lực quân sự và kinh tế và mượn tay quân đội Ukraine để đạt được các mục tiêu chiến tranh.

Ba hậu quả thất bại của Nga:

Nếu Nga bị đánh bại, nó sẽ tạo ra cơn lốc nào? Tùy thuộc vào mức độ thất bại, có ba kết quả có thể xảy ra với Nga:

Thứ nhất, chính phủ của Putin đang bị thách thức bởi phe ủng hộ chiến tranh và phe ủng hộ hòa giải trong nước. Những kẻ thù chính trị mà lợi ích của họ đã bị tổn hại trong hơn 20 năm qua đang nổi lên công kích theo nhóm, khiến Putin rất có thể phải đối mặt với nguy cơ từ chức.

Thứ hai, thất bại của Nga trong cuộc chiến cho thấy chính phủ và quân đội không thể bảo vệ "lợi ích nước ngoài" cũng như giải quyết nỗi đau kinh tế trong nước. Cộng thêm lực lượng thân phương Tây trong nội bộ Nga tập hợp lại và được sự ủng hộ của phương Tây, rất có thể xảy ra “Mùa xuân Moscow” dẫn đến chính phủ của Putin sụp đổ, các lực lượng thân phương Tây lên nắm quyền.

Thứ ba, Nga bị đánh bại, chính phủ Putin tham gia vào các cuộc tranh giành chính trị với các lực lượng đối lập và các lực lượng thân phương Tây, đất nước dần mất kiểm soát, và các lực lượng ly khai trong nước chủ trương ly khai khỏi Liên bang Nga (chẳng hạn như Cộng hòa Chechnya theo đuổi độc lập) với sự ủng hộ trong nước và sự hỗ trợ của nước ngoài. Nga sẽ không thể ngăn chặn nổi và lại tan rã lần nữa.

Sau thất bại của Nga, việc chính phủ Putin từ chức hay các lực lượng thân phương Tây lên nắm quyền, hoặc Nga lại tan rã, phụ thuộc vào mức độ thất bại, phụ thuộc vào cuộc đấu tranh tiếp theo giữa phương Tây và Nga, và cuộc đấu tranh của các lực lượng chính trị trong nước Nga. Không thể ước tính kết quả nào hoặc một số kết quả sẽ xuất hiện, nhưng chắc chắn rằng khả năng xảy ra những kết quả này ngày càng tăng, và việc Nga tan rã một lần nữa không phải là không thể.

Trung Quốc cần ứng phó như thế nào?

Một nước Nga thời hậu chiến là nguy hiểm cho Trung Quốc. Cả sự trỗi dậy của các lực lượng thân phương Tây hay sự bùng nổ của "Mùa xuân Moscow" đều không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, việc Nga nhẫn nhịn và chịu đựng một phần sức ép từ phương Tây là tình huống tốt hơn là trực tiếp đâm đầu vào chiến tranh. Tuy nhiên, Nga ngang nhiên phát động chiến tranh chống Ukraine, lại hành động sau khi Putin viếng thăm Trung Quốc, khiến Trung Quốc bị oan lây, bị coi là tòng phạm, và khiến thế giới coi Trung Quốc và Nga là cùng một giuộc. Ý đồ của Putin là rất nham hiểm.

Nếu Nga có thể nhanh chóng chiến thắng như đã làm với Crimea, thì sẽ không cho các nước phương Tây có thời gian để phản ứng và cũng sẽ không gây ra nhiều xung đột trong mô hình quốc tế. Hiện nay, việc Nga đang vướng vào một cuộc chiến tranh và không thể tự thoát ra thậm chí có nguy cơ thất bại, điều này sẽ có tác động lớn đến cấu trúc quốc tế.

Nga bại trận, một mặt Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu sức ép lớn hơn, mặt khác phải đề phòng Nga có thể thay đổi cục diện sau khi bại trận, áp lực chiến lược là chưa từng có.

Để tránh tình huống xấu nhất là bị tấn công từ hai phía, Trung Quốc có thể chủ động giảm áp lực chiến lược trong tương lai. Đầu tiên là chủ động đứng ra làm trung gian để thuyết phục Nga kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt, chấm dứt tổn thất càng sớm càng tốt, tránh thất bại ở mức độ lớn hơn. Giới hạn mức độ thất bại ở tình huống đầu tiên kể trên. Đây là kết quả tốt nhất cho cả Trung Quốc và Nga ở thời điểm hiện tại, nếu kết thúc như vậy thì cuộc chiến vẫn có thể coi là "xung đột cục bộ".

Thứ hai là nếu Nga không nghe lời khuyên can mà nhất quyết đi theo con đường riêng của mình thì phải tính đến chuyện cắt đứt quan hệ với Nga để khỏi dẫn lửa đốt mình, Nga phải tự gánh lấy hậu quả. Trung Quốc không thể ủng hộ Nga hoặc thậm chí cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga để bị cấm vận, bị toàn thế giới nguyền rủa tổn thất lợi ích của mình.

Thứ ba, nếu Nga không những không lắng nghe mà còn khiêu khích lợi ích của Trung Quốc, thì phải lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất. Chúng ta có thể cân nhắc để đạt được thỏa thuận ngầm với Hoa Kỳ và Châu Âu, đồng thời cố gắng tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc thông qua một phương thức tương tự như "Hội nghị Yatar" (The Yalta Conference) trong giai đoạn sau của Thế chiến II.

Thay vì ngồi nhìn Nga tan rã một lần nữa và gây mất quyền lợi nghiêm trọng cho Trung Quốc, tốt hơn hết nên chủ động chớp lấy cơ hội này để lấy lại những lợi ích đã mất ở phía ngoài vùng đông bắc nước ta, quan hệ thân thiết với Mông Cổ, và lấy lại những gì Nga đã cướp đi của Trung Quốc. Bằng cách này, ngay cả khi phải đối đầu với các nước phương Tây trong tương lai, chúng ta cũng đã thu về một số lợi ích đầu tiên.

Lời kết của lão PP: Không có bạn vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Việc Việt Nam chọn lại bên đứng là cần thiết và cấp bách. Trong chuyến thăm của thủ tướng Nhật, Việt Nam tuyên bố sẽ hỗ trợ nhân đạo nửa triệu USD cho Ukraine. Điều này nói lên một sự thay đổi thái độ lớn của chính phủ đối với cuộc chiến. Nhất là sắp tới, thủ tướng nước ta sẽ sang thăm Hoa Kỳ. Trước khi đến Mỹ mà Việt Nam vẫn giữ nguyên thái độ nghiêng về Nga là một liều thuốc độc cho ngoại giao trên đất Mỹ.

Quyết định này cho thấy sự linh hoạt thích ứng tình thế trong chiến lược ngoại giao của ta. Lão PP cho rằng rất tốt nhưng vẫn chưa đủ để thuyết phục mấy ông nghị sĩ phe diều hâu của Đảng Cộng Hòa ở Mỹ. Chúng ta cần làm tiếp một số động tác để nhấn mạnh sự thay đổi của ta sau lá phiếu đỏ ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Như vậy chuyến đi của thủ tướng mới suông sẻ và có nhiều gặt hái. Dù sao chẳng nữa, Việt Nam đang đứng trước thách thức nhưng lại có được những cơ hội rất tuyệt vời. Nên nắm bắt và thúc đẩy mạnh mẽ!

PETER PHO 02.05.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.