Nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam trong buổi họp ngày 03/04/2014 tại Saigon. |
Bài đăng : Thứ sáu 04 Tháng Bẩy 2014 -
Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 04 Tháng Bẩy 2014
Ngày
04/07/2014, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (tiếng Anh: Independent
Journalists Association of Vietnam – IJAVN) đã chính thức ra đời tại
Việt Nam. IJAV do một một nhóm nhà báo độc lập khởi xướng. Chủ tịch hội
là nhà báo Phạm Chí Dũng, phó chủ tịch thường trực là nhà báo, linh mục
Antôn Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn – là những cây bút
được tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp vào danh sách 100 Anh hùng
thông tin, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng Năm năm nay.
RFI phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch IJAVN về sự kiện này.
RFI : Thân chào tiến sĩ Phạm
Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập vừa được thành lập. Thưa anh,
ngày ra đời của Hội lại trùng với ngày Quốc khánh Hoa Kỳ 4/7. Sự trùng
hợp này là ngẫu nhiên hay có chủ ý?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Nói như nhà
thơ Bùi Minh Quốc – Phó chủ tịch IJAVN, đây là một sự ngẫu nhiên thú vị,
nhưng lại đặc biệt có ý nghĩa. Thông thường ngày ra đời của một tổ chức
phải gắn với một ý nghĩa nào đó. Ý nghĩa lại phải sinh ra từ sự kiện,
sự kiện càng có tầm thì ý nghĩa càng sâu sắc.
Ý nghĩa ấy gắn với bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 vào thời khai sinh
ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tính chất độc lập của bản tuyên ngôn này lại
rất phù hợp với tính cách độc lập của Hội các nhà báo tự do. Nếu Hợp
chủng quốc Hoa Kỳ hướng đến một sự tách rời hoàn toàn khỏi ý đồ thực dân
của nước Anh thì nhiệm vụ của báo giới độc lập Việt Nam vào lúc này và
trong những năm tới cũng không khác biệt, tức không chỉ độc lập với các
hội đoàn nhà nước mà còn phải đóng góp cho quốc gia để gìn giữ nền độc
lập nước nhà trước họa xâm lăng Trung Quốc.
RFI : Thưa anh, tại Việt Nam đã có Hội Nhà báo tồn tại từ rất lâu rồi, như vậy có nghĩa là Hội này không làm được nhiệm vụ của mình ?
Lẽ dĩ nhiên, không cần phải đẻ ra thêm một hội đoàn nào khác nếu Hội
Nhà báo Việt Nam thể hiện đúng tiếng nói tự do báo chí. Song trong rất
nhiều trường hợp, hội đoàn nhà nước này đã chỉ phản ánh quyền tự do ngôn
luận một chiều theo cung cách bảo thủ, giáo điều và lợi ích nhóm của cơ
quan tuyên giáo ; chứ không phải là nguyện vọng, tâm tư và chí khí của
đại đa số người viết báo ở Việt Nam. Rất nhiều vấn nạn đã và đang tồn
tại trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, tôn
giáo và cả chính trị cần phải được phản biện và thay đổi ; nhưng có thể
nói công luận hầu như không biết đến sự có mặt, càng không biết về sự
lên tiếng của Hội nhà báo Việt Nam.
Một trong những tiêu điểm phủ rộng toàn bộ xã hội là trước bản Hiến
pháp năm 2013 với tinh thần thụt lùi quá rõ, Hội Nhà báo Việt Nam đã làm
gì để cải tạo, hay chẳng làm gì cả? Hoặc một số trường hợp báo chí và
nhà báo bị cơ quan an ninh quy kết điều luật 258 về “lợi dụng quyền tự
do dân chủ…” – một điều luật đã bị Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và
nhiều quốc gia đánh giá là mơ hồ và cần phải hủy bỏ.
Gần đây nhất là trường hợp báo Pháp luật và Xã hội bị khởi tố liên
quan đến một bài viết về các những khuất tất trong các doanh nghiệp
thuộc Bộ Công an, nhưng Hội nhà báo Việt Nam đã tuyệt đối im lặng. Hay
có thể hiểu công cuộc chống tham nhũng sẽ có thể nhào xuống vực thẳm nếu
toàn bộ báo chí nhà nước bị bịt miệng ?
Nếu Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động theo cách “báo chí trùm mền” và
thỏa hiệp cao cấp như thế thì hội đoàn này làm sao có thể đại diện cho
hơn 17.000 nhà báo có thẻ, cho một con số gấp đôi như thế người viết báo
không có thẻ, hay bảo vệ cho những nhà báo bị xâm hại được?
Đây chính là nguyên do sâu sắc. IJAVN sinh ra là nhằm cải thiện những
gì mà thực tế báo chí chưa được cải thiện, hoặc chẳng có hy vọng gì
được cải thiện. Là một tổ chức dân sự độc lập nằm trong xã hội dân sự
Việt Nam, IJAVN phải mang tính cách độc lập trong hành động của mình. Đó
là lý do vì sao IJAVN phải đặc biệt độc lập với Hội Nhà báo Việt Nam về
quan điểm, nội dung hoạt động, nhân sự điều hành và tài chính.
RFI : Quan điểm độc lập của IJAVN được thể hiện như thế nào?
Nói lên sự thật ! Quan điểm đầu tiên là phải nói sự thật. Cần thay
đổi não trạng khi định nghĩa về các vấn đề chính trị - xã hội. Với tư
cách là một tổ chức dân sự độc lập, tất nhiên IJAVN phải giữ tính cách
khách quan và tôn trọng tuyệt đối tinh thần đa nguyên, trong đó có đa
nguyên chính trị.
Vì lẽ đó, tất cả những biểu hiện can thiệp vào hoạt động báo chí bằng
lối chỉ đạo và định hướng một chiều, độc đoán đều không phù hợp với
đường lối của IJAVN. IJAVN sinh ra không phải để trùm chăn mà để phản
biện đối với những chính sách và hành vi bất công của chính quyền, với
mục tiêu cuối cùng là làm cho xã hội thanh sạch và dân chủ hơn.
RFI : Nhưng lâu nay chính
quyền Việt Nam vẫn tỏ ra khó chấp nhận thậm chí dị ứng với những tiếng
nói phản biện, có thể họ vẫn cho Hội Nhà báo Độc lập là một tổ chức đối
lập?
Nếu lòng họ không đủ trong sáng và tiến bộ, thì hiển nhiên họ luôn
coi chúng tôi là những kẻ đối lập và cần phải bị loại trừ. Gần đây trên
báo Quân Đội Nhân Dân lại có một bài viết nhắc lại về “cần cảnh giác với
các hội đoàn dân sự”, trong đó đề cập đến tổ chức hội nhà báo độc lập
và lại đặt câu hỏi không khác trước đây là “độc lập hay đối lập?”. Tôi
cho rằng đó là một câu hỏi vừa bảo thủ vừa ấu trĩ và chẳng thể thuyết
phục được nhiều người, trong bối cảnh sau gần bốn chục năm từ năm 1975,
hậu quả mà thể chế chính trị một đảng gây ra cho xã hội đã khủng khiếp
đến thế nào.
Là một nhà báo đã từng viết phản biện cho nhiều tờ báo nhà nước như
Vietnamnet, Thanh Niên, Tầm Nhìn…, tôi biết rằng có đến 90-95% người
viết báo hiện nay chẳng thích thú gì với chính sách can dự tự do thông
tin của các cơ quan tuyên giáo và quản lý báo chí, và ít nhất 2/3 trong
số họ mang phản ứng ngấm ngầm đối với chính sách rào cản tự do thông tin
như thế. Tuy nhiên những người này, vì nhiều lý do tế nhị, vẫn phải im
lặng.
Còn nếu đã sinh ra IJAVN thì chúng tôi sẽ cố gắng làm đúng chức năng
của xã hội dân sự, nghĩa là cầu thị, tôn trọng đa nguyên và phản biện,
tác động nhằm điều chỉnh hoặc thay đổi chính sách. Chính sách và hành vi
của Nhà nước càng bất công và sai lầm, mức độ phản biện của báo chí độc
lập càng cao và mức độ thông tin cho cộng đồng quốc tế càng lớn.
Nhưng nếu chính quyền có được những chính sách và hành động gần gũi
với lợi ích của xã hội và đại đa số người dân, đặc biệt là người nghèo,
tại sao những tổ chức dân sự độc lập như IJAVN lại phải phản đối? Ngược
lại, khi đó chúng tôi sẽ đồng thuận với Nhà nước và thậm chí trong một
chừng mực nào đó còn ủng hộ cả những chính khách có đường lối cải cách
và tiến bộ xã hội.
Với tinh thần và quan điểm hành xử như vậy của IJAVN, không ai có thể
quy chụp chúng tôi là tổ chức đối lập hay đối kháng chính trị, vì như
thế sẽ trái ngược lương tâm nhân loại, phản bác tất cả những điều khoản
trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền
dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết, đồng thời
trái luôn với chính Hiến pháp Việt Nam.
RFI : Vậy IJAVN sẽ làm thế nào để có tiếng nói phản biện đúng nghĩa?
Muốn có tiếng nói phản biện thì cần có phương tiện chuyển tải tinh
thần và nội dung phản biện. Chúng tôi sẽ xây dựng những diễn đàn cho
người viết báo và cả những người không viết báo nhưng quan tâm đến tình
cảnh đất nước và hoạt động thực chất của IJAVN. Nhưng khác với hoạt động
trước đây của xã hội dân sự chủ yếu diễn ra trên mạng, diễn đàn của
IJAVN sẽ hướng đến tự do ngôn luận và tự do báo chí bằng hình thức
offline, nghĩa là diễn ra ngoài đời.
Song song với các diễn đàn này, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng một
trang báo, được xem là cơ quan ngôn luận của IJAVN, nhằm chuyển tải tinh
thần phản biện đến độc giả và chính quyền. Trong mục tiêu kỳ vọng của
chúng tôi, trang báo này trong 10 năm tới phải cố gắng vươn tới một đẳng
cấp quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn như có thể so sánh với
tờ Bangkok Post của Thái Lan, hay hơn nữa là tờ Straits Times của
Singapore. Còn triển vọng nhất thì phải so sánh được với tờ Le Monde của
Pháp.
RFI : Như vậy liệu có tham
vọng lắm hay không, trong khi hiện thời lực lượng người viết báo độc lập
ở Việt Nam còn rẩt mỏng, và số người được coi là nhà báo thực thụ có lẽ
cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, liệu những thành viên ban
đầu của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và những thành viên sau này có đáp
ứng được tiêu chí nhà báo hay không ?
Đây chính là lý do mà chúng tôi băn khoăn khi xây dựng tiêu chí để
mọi người tham gia vào IJAVN. Vì nếu xét theo đúng tiêu chuẩn một nhà
báo thực thụ thì phải có ít nhất một số tác phẩm báo chí trên hệ thống
truyền thông nhà nước, truyền thông xã hội hoặc truyền thông quốc tế,
đồng thời phải có thâm niên hoạt động trong nghề báo. Chưa kể đến việc
phải có thẻ nhà báo nếu xét theo tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền
thông. Tất nhiên sẽ chỉ có một ít người thỏa mãn được những tiêu chuẩn
này.
Chỉ có điều, với giới nhà báo tự do thuộc truyền thông xã hội thì
không cần tính tới tiêu chí phải có thẻ nhà báo, mà theo thông lệ quốc
tế, chỉ cần dựa vào số lượng bài viết và đạt được uy tín người viết báo.
Vì thế trước mắt chúng tôi không quá cầu toàn về việc tất cả các thành
viên của IJAVN đều phải là nhà báo theo đúng nghĩa của từ này. Hãy xem
các thành viên, không phân biệt thâm niên và uy tín xã hội, đều là người
viết báo. Cách nhìn này cũng tương tự đối với các hội đoàn dân sự còn
khá thiếu chuyên nghiệp trong một xã hội dân sự còn sơ khai ở Việt Nam.
Nhưng tính chuyên nghiệp phải bắt nguồn từ việc tổ chức lại các hoạt
động sơ khai. IJAVN sẽ hướng đến mục tiêu trở thành một nghiệp đoàn báo
chí độc lập và mang tính chuyên nghiệp. Phần lớn những tay viết trẻ từ
giới blogger và cả facebooker hiện nay sẽ cần được đào tạo, bồi dưỡng
trong nước và ngoài nước để có thể trở thành những nhà báo chuyên nghiệp
trong tương lai không xa.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng sẽ có một tỉ lệ nào đó trong lực
lượng báo chí nhà nước sẽ cùng tham gia với chúng tôi trong tương lai
gần, khi diễn ra làn sóng giao thoa giữa báo chí “lề phải” và “lề trái”
với những tín hiệu đang bắt đầu xuất hiện. Đó là những nhà báo và cộng
tác viên báo chí có chuyên môn và muốn thể hiện tiếng nói độc lập, muốn
nói lên sự thật, muốn cùng tham gia xây đóng góp cho diễn đàn độc lập
của những người viết báo ở Việt Nam. Chẳng lẽ trong 17.000 nhà báo có
thẻ ở Việt Nam, không có lấy 1% số đó có năng lực viết báo và có thể còn
viết báo quốc tế hay sao?
RFI : Vấn
đề không chỉ là năng lực mà có lẽ còn là lòng can đảm nữa. Trong làng
báo nhà nước hiện nay thường là người viết đều biết cách tự kiểm duyệt.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam các nhà báo thường được xã hội trọng vọng, có
được một số đặc quyền. Liệu người ta có thể mạo hiểm để tham gia một tổ
chức ngoài Nhà nước hay không ?
Đúng là cần lòng can đảm. Đây là một tiêu chí của tổ chức Phóng viên
Không biên giới và của báo chí tự do quốc tế đặt ra đối với các nhà báo
quốc tế, đặc biệt là những phóng viên chiến trường. Trên cả chuyên môn,
đó là lòng can đảm, nhưng ở Việt Nam có lẽ vẫn còn là điều hơi xa xỉ.
Nỗi sợ hãi vẫn còn bị đè nén trong từng con người, trong tư tưởng, và
người ta vẫn thường ví von nỗi sợ hãi đó nằm dưới một vòng kim cô kìm
tỏa.
Đó chính là vòng kim cô về tư tưởng, với “siêu Tổng biên tập” là Ban
Tuyên giáo Trung ương và các Ban Tuyên giáo tỉnh, thành. Các cơ quan
quản lý báo chí đang gò bó, hạn chế quyền tự do sáng tác của rất nhiều
phóng viên trong số các nhà báo có thẻ ở Việt Nam. Đây chính là rào cản
vô cùng lớn mà các nhà báo cũng như các cộng tác viên báo chí chưa có
thẻ ở Việt Nam cần phải vượt qua, nếu muốn hướng tới một sự tự do trong
thể hiện quan điểm và tự do biểu đạt.
RFI : Lúc nãy anh có so sánh
với các hội đoàn dân sự, nhưng nghề báo cần có năng khiếu và đạo đức
nghề nghiệp, nên đây là một tổ chức nghề nghiệp chứ không phải một tổ
chức như Mặt trận Tổ quốc hay phong trào dân chủ. Nếu những tiêu chí
được mở rộng, liệu có thể dẫn đến việc lạm dụng?
Tất nhiên là không bao giờ chúng tôi muốn Hội Nhà báo Độc lập Việt
Nam trở thành một tổ chức “Mặt trận” theo nghĩa ôm đồm tất cả các thành
phần, đối tượng. Trên hết, đây là một tổ chức nghề nghiệp, và như vậy
phải có tiêu chí nghề nghiệp của nó. Vấn đề chuyên môn như vừa nêu bắt
đầu từ năng khiếu, và sau đó là lao động nghề nghiệp báo chí.
Một thực trạng đặt ra đối với giới báo chí Việt Nam là tại sao cho
tới giờ những bài viết trên báo chí quốc tế của giới truyền thông Việt
Nam hầu như vắng bóng. Và nếu có xuất hiện chỉ là một vài bài viết của
giới truyền thông xã hội, hay còn gọi nôm na là truyền thông “lề dân” mà
thôi.
Như vậy khi muốn xây dựng một nền báo chí độc lập chuyên nghiệp thì
phải có tờ báo độc lập,và như vậy phải có những cây viết độc lập chuyên
nghiệp, có nghĩa là phải đào tạo. Nhưng đào tạo không thôi thì chưa đủ,
ngay trước mắt cần có những cây viết từ “lề phải” thâm nhập vào “lề
trái”, có một sự giao thoa với nhau. Đồng thời phải đặt ra những tiêu
chuẩn để xét duyệt đối với những hội viên mới của Hội Nhà báo Độc lập
trong thời gian sắp tới. Không ôm đồm, dàn trải mà sẽ phải có những tiêu
chí phân loại lọc lựa chặt chẽ để thấy được năng lực làm báo.
RFI : Về vấn đề đào tạo, anh
cũng biết là các trường báo chí ở Việt Nam hàng năm cho ra rất nhiều cử
nhân báo chí, nhưng số người trở thành nhà báo thực thụ không có bao
nhiêu…
Tôi cũng có thời gian phỏng vấn các sinh viên tốt nghiệp khoa báo
chí, cách đây hai mươi năm rồi. Và tỉ lệ mà tôi chọn được lúc đó là 5%,
có nghĩa là 20 người chỉ chọn được một người. Sau này tôi nghe nói là số
người chọn được còn thấp hơn nữa. Đó là thực trạng trong việc đào tạo
về báo chí ở Việt Nam hiện nay. Thành thử tôi cũng không quá kỳ vọng về
việc đào tạo những blogger và facebooker trở thành các nhà báo chuyên
nghiệp có thể thành công một cách dễ dàng, mà phải mất rất nhiều thời
gian. Thậm chí có thể cần từ 10 tới 20 năm để đào tạo một thế hệ làm
báo.
Đây là một vấn đề cần tới sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ
trên thế giới có chuyên môn về báo chí, vì họ đã có kinh nghiệm rồi.
Trong thời gian sắp tới nếu có điều kiện chúng tôi sẽ thu xếp để có mối
liên kết, hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ, để có thể gởi một số
cây viết trẻ có năng khiếu ra nước ngoài đào tạo, thậm chí là những
người đang viết báo ở Việt Nam để đào tạo lại. Như vậy mới có thể hấp
thu tiến bộ của báo chí thế giới để nâng cấp cho nền báo chí độc lập tại
Việt Nam.
RFI : Có nghĩa là IJAVN có đặt nặng quan hệ với các tổ chức quốc tế về nghề báo?
Tất nhiên đó là một kênh quan hệ không thể thiếu, có thể nói là chất
xúc tác chính đối với Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Và đây cũng là một
ưu thế của IJAVN so với mối quan hệ quốc tế quá đơn điệu và chủ yếu
thiên về hình thức từ trước tới nay của Hội Nhà báo Việt Nam. Xin lưu ý
rằng mặc dù chỉ tập hợp đa số những tay viết không chuyên, nhưng giới
truyền thông xã hội ở Việt Nam, chứ không phải hơn 800 tờ báo của nhà
nước, từ ít nhất năm 2011 đến nay đã trở thành nhân tố chính trong việc
chuyển tải các thông tin, tình hình và loại bài phân tích, nhận định
trong nước ra cộng đồng quốc tế.
Sau khi IJAVN hình thành, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc xây dựng
mối liên kết chặt chẽ với những tổ chức phi chính phủ quốc tế về báo
chí như Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ Nhà báo
Quốc tế (CPJ), Tổ chức Freeedom House…, cùng một số tờ báo quốc tế có
uy tín. Và tất nhiên, những nhà báo nhà nước có thể tham gia vào IJAVN
trong thời gian tới sẽ có điều kiện để giao lưu và học hỏi nhiều hơn từ
báo giới quốc tế.
Cũng nhân việc ra đời của IJAVN, chúng tôi xin chuyển đến một số
chính phủ quan tâm đến hiện tình dân chủ ở Việt Nam như Hoa Kỳ, Canada,
Liên minh châu Âu, các nước Bắc Âu, các tổ chức phi chính phủ như RSF,
CPJ, Freedom House, Văn bút Quốc tế và các cơ quan báo đài quốc tế như
RFI, VOA, BBC, RFA cùng báo đài Việt ngữ hải ngoại… lời cám ơn của giới
truyền thông xã hội Việt Nam về sự hỗ trợ và bảo vệ của họ đối với các
nhà báo đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền phải chịu rủi ro và thiệt
thòi trong những năm qua.
RFI : Trong điều lệ hoạt động của
IJAVN có một đoạn gây thắc mắc: “Trong trường hợp vì lý do biến cố hoặc
bất khả kháng mà Chủ tịch Hội không thể điều hành, Phó chủ tịch thường
trực Hội sẽ đảm nhiệm công tác điều hành Hội…”. Nội dung này cần được
hiểu một cách bình thường hay còn vì lý do tế nhị nào khác?
À, đó là phương án “Người thay thế” của IJAVN. Mọi người đều biết
hình thành một tổ chức về tự do báo chí ở Việt Nam là hoàn toàn không dễ
dàng. Vào năm 2009, chỉ một tổ chức dân sự cấp câu lạc bộ về báo chí tự
do của nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải mà còn bị chính quyền khép vào
tội “phản nghịch”, thì có thể hiểu vấn đề của IJAV giờ đây là phức tạp
hơn nhiều.
Còn hiện nay, dù tình hình nhân quyền đã khả quan hơn so với thời Câu
lạc bộ Nhà báo Tự do, những nhà báo độc lập vẫn luôn phải phòng ngừa
tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tức là họ sẽ bị chính quyền quy chụp
chính trị và bị bắt bớ, cho dù việc thành lập IJAVN là hoàn toàn phù hợp
với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt
Nam tham gia ký kết vào năm 1982, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà
Việt Nam gia nhập thành viên vào năm 2013, và với chính Hiến pháp Việt
Nam.
Nếu tình thế đó xảy ra, chúng tôi phải sắp sẵn phương án “Người thay
thế” để duy trì sự tồn tại của IJAVN. Chúng tôi đều ý thức rất nặng lòng
rằng không thể có tự do báo chí nếu không có tự do cá nhân, và ngược
lại.
RFI : Xin chân thành cảm ơn
nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vừa được
thành lập, đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
tags: Việt Nam - Xã hội - Báo chí - Độc lập - Dân chủ - Phỏng vấn - Phạm Chí Dũng - Hội đoàn - Truyền thông
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140704-pham-chi-dung-hoi-nha-bao-doc-lap-tieng-noi-cua-su-that
Trong quyển "giờ thứ 25 " của nhà văn rumania Gheorghiu ,con người trong cái chế độ cộng sản giống như người NUÔI CỪU VÀ NHỬNG CON CỪU họ được đảng chăn giắt để trở thành nhửng tên nô lệ kéo cày cho chế độ và lủ quan chức .bám vào sức lao động của người dân để hút máu mà sống .duy chỉ khác 1 điều họ hút không lộ liểu và khôn khéo hơn bằng cơ chế chính sách và bằng nhửng điếu duy chỉ độc tôn ghi trong hiến pháp dành riêng cho đặc quyền đặc lợi của nhóm lợi ích và NHỬNG THÀNH PHẦN ĐẢNG VIÊN IÊU TÚ CỦA CHẾ ĐỘ mà thành phần chính cấu tạo nên nó là con ông cháu cha và nhửng công thần khai quốc có công cách mạng tiền khởi nghỉa với thành phần chính là xương máu của hơn 3 triệu thanh niên nam nử VN đả bị làm vật tế thần hy sinh cho chủ nghỉa cộng sạn toàn thế giời trong đó chủ yếu là đành chủ nghỉa tư bản cho cả tàu cộng và liên xô .người ta hay nói NHÀ VĂN NÓI LÁO NHÀ BÁO NÓI ĐIÊU ,nhug tôi nghỉ không thể ngồi trước màn hình dù chỉ 10 phút để nghe nhửng tên ĂN CẮP VẶT CON CỦA GIÁM ĐỐC ĐÀI TRUYỀN HÌNH nói thời sự ,bộ mặt của 1 quốc gia mà toàn nhửng thứ rác rưởi được đưa lên nói chuyện thời sự quốc tế ,trong cái xả hội mà công an là kiêu binh là người húng bảo vệ chế độ ,không ai được đến gần họ chụp ảnh hay quay phim khi họ làm nhiệm vụ VÌ AN NINH QUỐC GIA ,nhửng ông kẹ có thể đành chết người chỉ vì vặn vẹo cái biên bản hay lý do nộp phạt ,TỰ DO LÀ CÁI CON ..C. HAY LUẬT PHÁP LÀ TAO CÙA CÔNG AN SÂN BAY ,HAY PHÓ CON AN PHƯỜNG 7 QUẬN 3 phát biểu ,vì sao họ dám xem thường luật pháp như vậy vì nói như ông trọng lú "cương lỉnh của đảng là văn kiện quan trọng hơn cả hiến pháp nước VN "nghỉa là hiến pháp sau cả đảng ,mà thành phần của nó là 1 lủ tham nhủng bàn nước ,tất cả mọi thông tin chúng bưng bít với hơn 900 dư lợn viên chuyên ngồi để viết bài chống phá các thế lực thù địch phản động ,.ngày nào chủ nghỉa cộng sản còn tồn tại ở VN thì ngày đó KHÔNG THỂ CÓ ĐIỀU GÌ LÀ THẬT TRÊN BÁO CHÍ hảy NHÌN KỶ NHỬNG VIỆC CỘNG SẢN LÀM ĐỪNG NGHE CỘNG SẢN NÓI .bọn chúng làm tiền cực giỏi ,công ty tôi không dính gì đến tham nhủng ,nhưng cuối năm bổng có 1 cuộc gọi từ ỦY BAN PHÒNG CHỐNG THAM NHỦNG CỦA CHÍNH PHỦ GỌI ĐẾN và .........yêu cầu đăng ký 1 trang quảng cáo khoảng 200 triệu cho số tất niên cuối năm của tạp chí nầy ????.báo chí cách mệnh thực chất là như thế đấy
RépondreSupprimermấy thằng dở người lo mà kiếm cơm đi. ngu thì chết thôi
RépondreSupprimer