Người ta nói năng khiêm cung hơn, hay
dùng chữ “có thể” (maybe) hơn chữ “luôn luôn, chắc chắn” (always). Người ta
cũng dùng nhiều chữ “chúng tôi, chúng ta” (we, hoặc us) nhiều hơn chữ “tôi”
(me). Họ chú ý đến những người khác hơn, không chỉ nghĩ đến mình.
Trong các nền văn minh cổ, ở Ấn Độ, Trung
Quốc, Hy Lạp và các đế quốc Inca, Maya ở châu Mỹ, nhật thực là một “điềm gở,”
báo trước những biến cố không lành. Mặt trời thường được coi là biểu tượng của
ông vua. Khi “mặt trăng ăn mặt trời,” như lối nói của người Việt đời xưa, vị
nguyên thủ quốc gia phải lo ăn chay, sám hối, làm lễ cầu đảo xin Trời Đất tha
thứ cho mình và tất cả dân chúng tất cả những tội lỗi đã phạm.
Ngày nay, người ta biết nhật thực chỉ là
một hiện tượng tự nhiên, có thể tiên đoán chính xác. Vì loài người đã tính được
quỹ đạo của Mặt Trăng bay quanh trái đất. Người ta biết đúng ngày, giờ nào nó sẽ
nằm giữa quả đất và mặt trời. Nhưng tâm lý con người vẫn náo nức trước cảnh tượng
trời đất tối sầm; tinh tú hiện ra giữa ban ngày; khối đất đá này sẽ che khuất
khối lửa lớn gấp 400 lần, nóng 5, 6 ngàn độ C ở ngoài vỏ.