Bài phóng sự mở đầu bằng cảnh hàng trăm người dân khu Boeung
Kak, hầu hết là phụ nữ, mang những cành hoa sen và nhang đèn đến một
ngôi miếu nhỏ để cầu nguyện cho cuộc đấu tranh vì đất đai của họ từ năm
2007, sẽ kết thúc thắng lợi trong hòa bình. Họ còn rắc muối và ớt xuống
đất để « trù ếm » các viên chức tham nhũng địa phương và trong chính
phủ. Cuối cùng họ thả chim phóng sinh, và cầu nguyện cho 15 người đang
bị giam giữ từ hai tuần qua. Những người này bị bắt chỉ vì đã xây dựng
một căn nhà tượng trưng trên khu đất tranh chấp ở Boeung Kak.
Mười bốn trong số 15 người này là phụ nữ, và 13 người trong số này đã
bị lãnh bản án tù giam từ 12 đến 30 tháng, trong một phiên xử vội vã.
Không có một nhân chứng nào được lắng nghe, và luật sư của các bị cáo đã
không được tiếp cận, nên từ chối bào chữa. Án tuyên : tất cả đều có tội
chiếm giữ đất bất hợp pháp.
Năm 2007, Shukaku, công ty của một thượng nghị sĩ thuộc đảng cầm
quyền đã được duyệt giao một khu đất rộng 133 hecta tại trung tâm thủ đô
Phnom Penh. Nhờ có chính quyền hỗ trợ, công ty này đã cưỡng bức 3.000
gia đình đang sinh sống tại khu vực được nhiều người dòm ngó của thủ đô,
đôi khi dùng cả xe ủi đất, bất chấp luật địa ốc. Chanthy, một phụ nữ ở
khu phố này kể : « Họ bảo nếu chúng tôi còn dám đi biểu tình nữa, thì sẽ bị bỏ tù. Nhưng tôi không còn sợ hãi nữa. Tôi sẽ tiếp tục phản kháng ».
Bà Pung Chhiv Kev, chủ tịch Liên đoàn bảo vệ nhân quyền Cam Bốt cho biết : « Tại Phnom Penh, 99% người đi biểu tình là phụ nữ. Đàn ông phải lo kiếm tiền về nuôi gia đình ». Ở Boeung Kak, những người chồng giải thích rằng công an ít thô bạo với phụ nữ hơn là đối với đàn ông.
Nhưng sự tương đối nương nhẹ này đang dần biến mất. Vào giữa tháng
Năm, một em gái 14 tuổi đã bị tử thương vì đạn của lực lượng an ninh,
trong một vụ cưỡng chế nhằm trục xuất 600 gia đình ở miền đông Cam Bốt.
Chính quyền địa phương đánh giá hoạt động đàn áp đẫm máu này là « thành
công », từ chối mở cuộc điều tra, tuy vẫn bồi thường gần 100 euro cho
gia đình nạn nhân.
Cho dù nguy hiểm, những người đấu tranh giữ đất đã sáng tạo ra những
phương cách mới để thu hút sự chú ý. Trên báo chí, một số phụ nữ hứa hẹn
sẽ ly dị để tự do tranh đấu mà người chồng không bị trả thù, số khác
thì liên kết lại. Một số phụ nữ khác lại chọn cách khỏa thân trước Quốc
hội. Bà Pung Chhiv Kev nhận xét : « Phụ nữ Cam Bốt vốn rất e thẹn, nhưng họ muốn chứng tỏ là giờ đây họ không còn gì để mất ».
Khi khám phá vợ mình đã phải đấu tranh vất vả như thế nào, những
người chồng bắt đầu tôn trọng vợ hơn, và quan hệ trong gia đình có thay
đổi. Rasmey, một phụ nữ Boeung Kak 31 tuổi đi biểu tình đã phân tích: «
Giờ thì khi có tâm tư gì thì chúng tôi đã dám nói với chồng. Từ khi các
bà vợ lao vào đấu tranh giữ đất, các ông chồng đã lắng nghe vợ hơn ».
Nhưng tại Cam Bốt, phụ nữ vẫn khó thể giữ được những chức vụ quan
trọng trong cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội. Trên 90% trong số
350.000 công nhân may mặc là nữ, họ thường tham gia hoạt động công đoàn
của nhà máy. « Nhưng đó là một phong trào phụ nữ do đàn ông lãnh đạo », Veasna Nuon, một nhà nghiên cứu độc lập chuyên về công đoàn ở Cam Bốt đã tổng kết như thế. « Ở tầm quốc gia, thì 80 đến 90% đại diện công đoàn là nam ».
Các nữ công nhân muốn có vai trò cao hơn trong các tổ chức công đoàn,
để có thể đòi các quyền lợi cho phụ nữ như nghỉ hộ sản, chống quấy rối
tình dục. « Nhưng các lãnh đạo nam giới của công đoàn bám chắc vào quyền lực » - Veasna Nuon ghi nhận – và đây là phanh hãm chủ yếu cho việc bình quyền trong các tổ chức công đoàn Cam Bốt.
Obama và cuộc chiến tin học chống Iran
« Cuộc tấn công bí mật của Obama chống lại Iran », đó là tựa
đề bài viết trên nhật báo Le Figaro, nói về những tiết lộ mới đây liên
quan đến vai trò của Tổng thống Mỹ trong cuộc tấn công tin học vào
chương trình nguyên tử của Teheran.
Một cuốn sách vừa xuất bản tại Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama đã
đóng một vai trò hết sức tích cực trong cuộc chiến bí mật này. Vài hôm
trước khi chính thức nhậm chức, ông Obama đã được ông George Bush mời
đến Nhà Trắng để đề nghị duy trì hai chiến dịch đang được tiến hành. Đó
là sử dụng máy bay không người lái tại Pakistan để chống Al Qaida, và
cuộc chiến tranh tin học chống lại Iran.
Tác phẩm do David Sanger, biên tập viên của New York Times biên soạn,
đã đưa ra những chứng cứ độc đáo. Điều làm cho tất cả mọi người ngạc
nhiên, là ông Obama bỗng biến thành một thủ lĩnh chiến tranh quyết đoán.
Tác giả viết : « Kể từ sau khi ông Lyndon Johnson quyết định thả
bom xuống Bắc Việt, chưa có một Tổng thống Mỹ nào tham gia tích cực như
thế trong việc tấn công cơ sở hạ tầng của một nước ngoài ».
Ý tưởng về chương trình này bắt đầu từ năm 2006, khi chính quyền Bush
nhận ra rằng các cuộc không tập chỉ có hiệu quả hạn chế đối với kế
hoạch nguyên tử Iran, mà các địa điểm nằm sâu dưới lòng đất và rải rác
trong sa mạc.
Virus Stuxnet do các chuyên gia tin học Mỹ và Israel phối hợp để
triển khai dưới cái tên « Thế vận hội », đã thành công vượt mức mong
đợi. Virus này đã được thử nghiệm thành công với các máy ly tâm model
tương tự tịch thu được của Lybia năm 2003. Chỉ còn việc bí mật đưa vào
hệ thống tin học của chương trình nguyên tử Iran, và phải tìm cho ra một
kỹ sư hay kỹ thuật viên có làm việc ở trung tâm Natanz để người này vô
tình đem virus vào. Một trong những tác giả của chương trình cho biết : « Luôn luôn có một gã khờ nào đó không chịu cân nhắc về nội dung của chìa khóa USB mà mình có ».
Thế là virus « Thế vận hội » đã xâm nhập được vào thâm cung của
Natanz, gây ra những trục trặc, đặc biệt là nơi bộ phận ly tâm. Đến năm
2010 virus vượt khỏi sự kiểm soát khi một kỹ sư Iran vô tình giải phóng
nó trên internet. Obama đành phải chấm dứt chương trình, và cho phép
tiến hành hai cuộc tấn công tin học mới, với phiên bản hoàn thiện hơn
của virus « Thế vận hội », được đặt tên là « Ngọn lửa ».
« Ngọn lửa » đã thành công trong việc phá hủy một ngàn máy ly tâm
siêu hiện đại loại Ir-2 của Iran. Hơn nữa, nó làm Iran mất lòng tin nơi
kỹ thuật và đội ngũ kỹ sư của mình, một số đã bị sa thải. Tình hình tại
trung tâm nguyên tử dưới lòng đất Natanz trở nên rối loạn.
Các nguồn được tác giả tham khảo đều khẳng định : « Ngọn lửa » đã
khiến chương trình chế tạo bom hạt nhân của Iran phải chậm trễ lại từ
một năm rưỡi đến hai năm. Đây là khoảng thời gian hết sức quý báu, trong
khi chờ đợi các biện pháp trừng phạt của quốc tế mang lại tác động.
Quốc hội Nga muốn bịt miệng người biểu tình
Nhìn sang nước Nga, nhật báo cánh tả Libération có bài viết mang tựa đề « Hạ viện Nga bịt miệng người biểu tình ». Quốc hội nước này vừa thông qua một đạo luật nhằm hạn chế biểu tình, trước cuộc xuống đường quy mô của đối lập thứ Ba tới.
Đạo luật trừng phạt nặng những cuộc biểu tình không giấy phép vốn bị
chỉ trích dữ dội, đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua trong vòng chưa
đến 24 giờ : tại Hạ viện vào tối thứ Ba và Thượng viện hôm qua, thứ Tư.
Tờ báo nhận định, chỉ còn một tuần nữa là đến cuộc biểu tình lớn của phe
đối lập ngày 12/6, ông Putin không muốn nhượng bộ. Tuy đã cố gắng ngăn
trở bằng cách đưa ra đến 500 đề nghị sửa đổi và đòi xem xét từng điều
một, nhưng do đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền chiếm đa số nên kết quả
không làm cho ai ngạc nhiên.
Luật mới quy định với những cuộc biểu tình không phép, hoặc có phép
nhưng gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, thì người tham gia sẽ bị phạt
300.000 rúp (7.400 euro), còn người tổ chức đến một triệu rúp (24.500
euro). Libération cho biết, trong một dự thảo trước đó mức phạt đề nghị
còn cao hơn gấp năm lần.
Phe đối lập cực lực lên án đạo luật này, và đảng Nước Nga Công lý
loan báo sẽ kiện lên Hội đồng Bảo hiến. Các nhà phân tích đều đồng thuận
ở một điểm : đạo luật nhằm đánh vào túi tiền của người biểu tình Nga sẽ
không làm họ nguội đi nhiệt tình, mà ngược lại, còn thúc đẩy họ xuống
đường, làm căng thẳng thêm quan hệ giữa người dân và một chính phủ đang
mất đi tính chính đáng.
Học phí tăng cao, sinh viên Hungary tìm đến các nước khác
Còn tại Hungary, Libération cho biết « Cải cách đại học khiến sinh
viên Hungary phải nhắm đến những chân trời mới ». Việc chính quyền của
Thủ tướng cánh hữu Viktor Orban thay đổi chính sách giáo dục đại học làm
cho nhiều sinh viên khốn đốn vì học phí quá cao.
Chính sách cải cách đại học có hiệu lực từ đầu năm nay, hướng về ưu
tiên đào tạo ra nhiều kỹ sư và chuyên viên tin học hơn là ngành luật và
kinh tế. Theo Bộ trưởng Giáo dục Hungary thì giáo dục đại học cần phải
thích ứng với thị trường, còn theo Libération, thì còn phải « tránh đào
tạo ra những người tư duy quá nhiều ».
Lâu nay đại học vẫn được nhà nước tài trợ, nhưng từ nay chính phủ chỉ
chi cho 100 chỗ ngành luật thay vì 800 chỗ như hiện nay, và ngành kinh
tế thì chỉ còn 100/8.000 chỗ. Như vậy chỉ những sinh viên đạt điểm xuất
sắc mới có được những chỗ học miễn phí. Số còn lại với học phí đã được
nâng lên gần 7.000 euro/năm, ngay cả các gia đình trung lưu cũng không
kham nổi.
Hậu quả là số học sinh trung học ghi danh vào đại học đã sụt giảm
mạnh. Nhiều người bỏ thời gian vào mạng tìm một nước nào đó đi du học,
chẳng hạn như Na Uy : sau một năm học tiếng, có thể ghi danh đại học
miễn phí. Một động cơ khác khiến thanh niên Hungary muốn ra đi : nếu
nhận học bổng nhà nước thì sinh viên sẽ phải làm việc tại Hungary trong
vòng 10 năm. Một quy định mà theo Ủy ban châu Âu là đi ngược lại với
quyền tự do di chuyển của người lao động trong Liên hiệp.
Pháp quay lại với tuổi về hưu 60
Tại Pháp, các báo nêu ra những quan điểm khác nhau về việc tân chính
phủ quay lại với chính sách về hưu ở tuổi 60. Nếu nhật báo cộng sản
L’Humanité vui mừng chạy tựa « Hưu bổng : Luật của Fillon bị bẻ gãy », thì tờ báo công giáo La Croix tỏ ra dè dặt, còn nhật báo cánh hữu Le Figaro giận dữ « Hưu bổng : Sai lầm đến hai lần ».
La Croix nhận định, chính sách này sẽ khiến ngân sách phải chi ra 1,1
tỉ euro trong năm 2013, lấy từ nguồn tăng tỉ lệ đóng góp của người làm
công và chủ lao động. Theo tờ báo, thì trong một bối cảnh hết sức khó
khăn, thì số tiền chi ra cần phù hợp với việc cải thiện những bất công
xã hội. Tình hình nghiêm trọng hiện nay buộc mỗi người phải chấp nhận có
những nỗ lực riêng, bởi vì những đám mây mù trên nền trời châu Âu không
thể dừng lại ở bên ngoài biên giới nước Pháp.
Le Figaro cho rằng quyết định này đi ngược với xu hướng chung hiện
nay trên thế giới và nhận xét, thậm chí mang tính cơ hội, vì được đưa ra
chỉ bốn ngày trước kỳ bầu cử Quốc hội. Theo tờ báo cánh hữu, sai lầm
trước hết là người lao động cũng như doanh nghiệp đều bị móc túi để tài
trợ cho lời hứa tranh cử của ông François Hollande. Tân Tổng thống muốn
điều chỉnh một sự bất công, nhưng lại tạo ra một bất công mới, trong khi
nước Pháp đang mất đi tính cạnh tranh.
Bước lùi này, theo tờ báo, còn là một sai lầm đối với một châu Âu
đang bị đe dọa phá sản, đang phải tiến hành cuộc cải tổ cơ cấu khó khăn,
và các nước Nam Âu đang phải trả giá đắt cho những thiếu sót. Le Figaro
cho rằng nước Pháp đang tự gây nguy hiểm cho mình đồng thời làm giảm
sút uy tín trước mắt các đối tác châu Âu.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120607-phu-nu-cam-bot-tien-phong-trong-dau-tranh-giu-dat