Một trong những câu nói của Socrates (đọc là "sô-cra-tís") được nhiều người trích dẫn là « Trí lớn bàn luận về tư tưởng, trí trung bình bàn về sự kiện, và trí thấp bàn về cá nhân » [1].
Câu này được cải biên cho rất nhiều vấn đề, nhưng hình như không mấy ai hiểu ý ông Socrates nói gì.
Socrates không chỉ là một triết gia cổ đại Hy Lạp, ông còn là một « tượng đài » của giới hàn lâm. Dù ông chẳng để lại đời một tác phẩm nào, nhưng những gì ông giảng dạy là do đồ đệ ông (như Plato) ghi lại thành sách.
Socrates rất « kỵ » những người không đọc sách, vì ông cho rằng đọc sách thì mới mở mang trí tuệ và tư tưởng. Ông rất ghét những chuyện cá nhân, vì ông cho rằng ý tưởng của cá nhân mới là quan trọng, chứ cá nhân thì chẳng có gì đáng nói!
Do đó, theo tôi hiểu thì câu nói của Socrates thể hiện tính đẳng cấp của trí thức. Theo đó thì có ba đẳng cấp: cao, trung bình, và thấp.
Vì ông là nhà tư tưởng, nên ông có lẽ qua hình tượng của chính mình thấy chỉ có những người hạng « elite » (tinh hoa) mới bàn chuyện tư tưởng, còn những người không ở đẳng cấp ông thì toàn bàn chuyện ... linh tinh.
Đối với Socrates, tất cả những sự kiện, những kỹ thuật, công nghệ, văn minh, v.v…đều xuất phát từ tư tưởng. Do đó, tư tưởng là thống soái của xã hội. Nhìn như thế thì chỉ có tư tưởng mới có thể ảnh hưởng đến xã hội và toàn thế giới. Nói cách khác, người có ý tưởng lớn là là hạng nhất.
Theo Socartes, những người suốt ngày chỉ bàn về sự kiện thì thuộc loại trí trung bình. Quan điểm của Socrates có lẽ là sự kiện là hậu quả của hành động, mà hành động là do tư tưởng chi phối. Do đó, bàn về sự kiện không có ích gì trong đời sống tri thức.
Ngày nào cũng có tai nạn xe cộ dẫn đến hàng trăm người chết; ngày nào cũng có những xung đột giữa các cá nhân trong xã hội; khủng bố xảy ra mỗi ngày, tất cả những sự kiện đó là chuyện đã rồi, đã xảy ra. Bàn về những sự kiện chẳng khác gì những nhà báo viết bản tin tức, vì nó chỉ dừng ở đó, ở chỗ bản tin, chứ không nói lên ý nghĩa hay cách thức ngăn ngừa sự kiện.
Loại trí tuệ thấp nhứt, theo Socrates, chỉ bàn chuyện con người, cá nhân. Tại sao ông nghĩ như thế? Tôi đoán rằng ông cho rằng tư tưởng dẫn đến sự kiện, và sự kiện là do con người làm nên, và vì thế bàn về con người chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Nhìn một người, trí tầm thường chỉ có thể xem ngoại hình, hành vi, phản ứng, quá khứ, học vấn, kỹ năng, v.v…Những khía cạnh đó có thể hiển nhiên và dễ nói, nhưng cảm nhận thì hoàn toàn cảm tính. Vì cảm tính, nên những bàn luận về cá nhân trở nên vô nghĩa.
Câu nói bất hủ của Socrates được cải biên cho rất nhiều tình huống. Trong khoa học, người ta cũng có câu tương tự: Người lớn nói chuyện triết lý; người trung bình nói chuyện hội nghị và đề bạt; người nhỏ nhặt nói chuyện đồng nghiệp thất bại trong công bố [2].
Câu nói của Socrates cũng có thể dùng để xếp hạng ba loại lãnh đạo đại học. Loại I là những người có tầm nhìn và viễn kiến toàn cầu, và quản lý chính sách, biến đại học thành trung tâm văn hóa và khoa học, là cái « lò » sản sinh tri thức, đặt đại học của họ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Loại II có tầm nhìn địa phương hay gói gọn trong phạm vi đại học, như đáp ứng nhu cầu nhân sự nghề cho quốc gia.
Loại III là những lãnh đạo quan tâm đến việc quản lý con người, theo dõi và quản lý tư tưởng của các giảng viên và sinh viên.
Quay lại câu « Trí lớn bàn luận về tư tưởng, trí trung bình bàn về sự kiện, và trí thấp bàn về cá nhân », thành thật mà nói có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng có lần hay có lúc thuộc vào loại trí tuệ thấp, tức là sa đà vào chuyện cá nhân. Nhưng nếu mỗi chúng ta nằm lòng và hành xử theo câu này thì xã hội sẽ tốt hơn và phong phú hơn.
NGUYỄN VĂN TUẤN 02.01.2025
[1] "Strong minds discuss ideas, average minds discuss events, weak minds discuss people"
[2] "Great minds discuss theories; average minds conferences and promotions; small minds discuss colleagues' failure to publish."
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.