dimanche 12 janvier 2025

Mai Quốc Ấn - Góp ý nghị định 168

 

Góp ý chính sách là một điều khó tại Việt Nam, bởi tư duy nhìn đâu cũng thấy… phản động của một bộ phận không nhỏ những người ban hành chính sách khi ghi nhận góp ý.

Nhưng những người còn trăn trở vì quốc vận, vì trách nhiệm với quốc gia tin rằng sẽ vẫn góp ý. Thậm chí là góp ý mạnh mẽ!

Việt Nam trong một thời gian ngắn, (đầu năm 2020 tới đầu năm 2025) đã rất “cân bằng” khi từng có lúc trên những con đường thường kẹt xe nhất của TPHCM chẳng có một bóng người. Và ngay cả những con đường lớn nhất của trung tâm kinh tế quốc gia hiện nay, sau khi áp dụng Nghị định 168, đã kẹt xe một cách khủng khiếp.

Sự “chuyển cực” rất nhanh này đi kèm cùng đại dịch, khủng hoảng kinh tế và mức phạt cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân đầu người sẽ khiến một bộ phận nhân dân sẽ rơi vào cảnh bần cùng hóa. Xin hãy lưu ý khả năng này!

Có một ý kiến mà tôi nghĩ các nhà lãnh đạo rất cần lắng nghe lúc này: “Người còn không lưu thông được thì sao hàng hóa lưu thông?” Hàng hóa không lưu thông thì kinh tế đình trệ. Kinh tế đình trệ thì an sinh xã hội đi xuống. An sinh xã hội đi xuống thì tệ nạn xã hội sẽ nổi lên. Tôi từng viết dự báo sau đại dịch sẽ có hiện tượng này và số vụ cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng sau đại dịch đăng báo khá nhiều là một minh chứng.

Quay trở lại với Nghị định 168, nếu nhìn bằng góc độ tích cực nhất để tìm ra khía cạnh hợp lý để ủng hộ, thì đó là ý thức về luật giao thông khi tham gia giao thông tăng lên. Về khía cạnh này, Nghị định 168 cho tôi có cảm giác rằng nó là sự “thừa thắng xông lên” của Nghị định 100 khi việc xử phạt bia rượu đã giúp xã hội bớt ma men hơn. Tôi ủng hộ Nghị định 100 hoàn toàn, song rất nhiều điểm chưa đồng ý với Nghị định 168.

1- Mức sống thấp, thu nhập thấp nhưng mức phạt còn cao hơn thu nhập.

2- Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông.

3- Chính sách giãn dân và hạ tầng đô thị cho việc giãn dân chưa tốt để áp dụng Nghị định 168.

Hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM kẹt xe nhiều hơn ngay sau Nghị định 168 chứ không phải cả nước. Việc kẹt xe ngay sau Nghị định 168 của hai đô thị này xoay quanh ba vấn đề nêu trên. Nếu có một thí điểm mang tính tỉnh thành nào đó trước khi áp dụng cho cả nước sẽ hợp lý hơn song điều này đã không diễn ra.

Hà Nội chiếm khoảng 12,5 % GDP cả nước. TPHCM chiếm khoảng 15,5 % GDP cả nước. Hai thành phố này chiếm gần 19 % dân số  cả nước. Khi cả hai trọng địa kinh tế rơi vào trạng thái “Người còn không lưu thông được thì sao hàng hóa lưu thông!” Thì sẽ là nguy cơ của cả nền kinh tế.

Người ký ban hành Nghị định 168 là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Tôi chắc chắn Phó Thủ tướng nước ta không đi xe máy tới Văn phòng Chính phủ. Nếu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là một người đi làm bằng xe máy, ông chắc chắn sẽ trăn trở trước Nghị định 168. Và tin rằng, bất cứ Luật nào, Chính sách nào nếu có thực tế đời sống trong việc soạn thảo sẽ ban hành trơn tru hơn hẳn Nghị định 168.

Đặt mình trong tâm thế nhân dân trước khi soạn thảo & ban hành chính sách đôi khi đơn giản là một khảo sát xã hội học. Và khảo sát ấy nên để cho bên thứ ba thực hiện để đảm bảo tính trung thực và khách quan là điều vô cùng cần thiết. Thậm chí thuê đơn vị nước ngoài thực hiện khảo sát chuyên nghiệp càng tốt hơn.

Ở phía trên tôi có lưu ý về khả năng bần cùng hóa của một bộ phận không nhỏ nhân dân khi mức phạt còn cao hơn thu nhập bình quân của họ. Bần cùng dễ sinh đạo tặc… Như vậy xã hội sẽ bất an hơn và khả năng này hoàn toàn có thể. Nhưng cuộc sống vốn cân bằng, có cách để nhân dân hoàn toàn ủng hộ Nghị định 168:

Xử bắn tất cả những trường hợp cán bộ tham nhũng từ 100 triệu đồng trở lên!!!

MAI QUỐC ẤN 12.01.2025

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.