CMC : Các tập sách của tôi có một số nhân vật ít nhiều bị coi là “phức tạp”, “nhạy cảm” mà truyền thông hiện giờ cũng ngại nhắc tên. Từ quan điểm tôn trọng thực tế, tôi vẫn viết về họ nhiều trang - dù có người cho là sách sẽ không ra được.
Nhưng rồi với chia sẻ của các anh chị quản lý có trách nhiệm, với tầm nhìn thoáng, rộng, năm tập sách “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” 1, 2 và ba tập Ông Tạ của tôi may mắn đã được ra. Trong đó có nhà thơ - nhà văn - nhà biên kịch - họa sĩ Bùi Chí Vinh. Nhân dịp được cà phê với anh, xin trích đăng một phần nhỏ trong một bài viết về anh trong “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” 2.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh vốn dân xóm Lách nổi tiếng trên đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng). Xóm này không ít bà con gốc Bắc, trong đó có gia đình anh Bùi Chí Vinh và trùm du đãng Sơn Đảo. Mẹ anh thường nói với các con: “Gia đình mình là gia đình Công giáo yêu nước”.
Ông trùm Sơn Đảo về hẻm 158 vùng Ông Tạ từ thập niên 1960, còn gia đình anh Vinh về một con hẻm gần ngã tư Nguyễn Trọng Tuyển - Nguyễn Văn Trỗi) sau 1975, cách nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở mặt tiền Nguyễn Trọng Tuyển vài bước chân, lúc ấy còn là đường đất.
Anh coi tôi như em. Tôi đến nhà anh, ngôi nhà nhỏ, trong một hẻm cụt chiều ngang chỉ hơn một mét từ hơn 30 năm trước. Nhưng ngôi nhà ấy không cản nổi một lãng tử “Nhởn nhơ như một hột xí ngầu – Lúc lắc nhảy và trường kỳ lúc lắc” như một trong nhiều câu thơ của anh mà tôi thuộc làu từ thuở thiếu niên.
Trong hồi ký của mình, anh kể hồi đầu thập niên 1980, anh sửa xe vỉa hè với ông bạn giang hồ Phan Văn Bồng mà anh đặt cho biệt danh là “Bế Văn Bồng” ngay ngã tư Trần Quốc Thảo - Điện Biên Phủ. Ở đây, anh tái ngộ vô số bạn hiền. Trong đó có Lưu Ngũ, tác giả tập “Vũng lầy” đoạt giải thưởng Văn học Thành phố cùng với anh, Trần Mạnh Hảo, Lê Văn Vọng, Vũ Quần Phương, Lương Minh Cừ, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đào Hiếu, Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh…
Lưu Ngũ rủ nhà thơ Bùi Chí Vinh về khu Nam Thái - trung tâm Ông Tạ làm kẹo bán kiếm tiền độ nhật. Cụ thể là về hẻm Bình Dân. Cuối hẻm có nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân.
Nhà văn Lưu Ngũ tên thật là Luật, con ông bà cố Toán (theo cách gọi của người Công giáo, cha mẹ của linh mục gọi là cố, vì con ông bà cụ Toán tên Phát, anh của anh Luật, là linh mục). Anh Luật vốn gốc sĩ quan mũ nâu Biệt động quân, cao to, đẹp trai. Anh hiền lành như ông bà cố nhưng có biệt danh Sáu Vạng vì thiên hạ đồn, khi cần, anh “vạng” sáu cái là địch thủ đo ván.
Bạn anh Luật là Ba Đen, một đại ca ở Bà Rịa Vũng Tàu, người đã hỗ trợ tiền bạc cho “đám anh em văn nghệ sĩ mạt lộ” - từ của nhà thơ Bùi Chí Vinh - mở lò kẹo sau nhà anh Luật. Thợ làm kẹo lúc ấy sau này là những tên tuổi lẫy lừng: Đạo diễn Hồ Ngọc Xum, thi sĩ Trần Mạnh Hảo, nhạc sĩ Nguyễn Hải, nhạc sĩ Lã Văn Cường… Các anh Bùi Chí Vinh, Nguyễn Hải, Lã Văn Cường gói kẹo, đạp xe bỏ mối kẹo, cho cả những cơ sở của Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Tiền mang về, anh Luật chỉ nhận tuợng trưng, còn cho các anh “xài thả cửa”. Anh Vinh khoái chí, nổi hứng làm bài thơ “Bán kẹo”:
“Ta sinh ra chưa hề hảo ngọt
Quen đắng cay hơn uống nước đường
Chắc tại đời ta như giấy bóng
Nên lâu lâu gói kẹo đỡ buồn
Hãy ngậm vào mồm đi các em
Những viên kẹo trời sinh rất ngọt
Ta là một thằng có râu ngu dốt
Đội không sao vừa vặn mũ cánh chuồn
Đành an phận chọn cho mình nghề nghiệp
Hai bữa mỗi ngày bán kẹo nuôi con
Hãy ngậm vào mồm đi các em
Kẹo ta bán vốn chẳng cần nhãn hiệu
Kẹo còn trinh tiết ta gọi là kẹo kéo
Ngắt một ngón tay chỉ tốn có 5 hào
Khi hút thuốc lào và nói chuyện tào lao
Mời các em mua ngay phong mè xửng
Kẹo dành lai rai là kẹo nhiều đậu phụng
Ta chưa quốc doanh nên giá cả rẻ tiền
Kẹo chuối, kẹo dừa ngọt lắm đó các em
Ngậm cho chặt để lưỡi đừng lắt léo
Bạn bè ta và vợ ta bán kẹo
Chỉ mình ta thích hợp với “kẹo đồng“
Chính vì thế các em nên mua kẹo
Để mỗi ngày gỡ bựa dưới chân răng…”
Anh Luật vốn là thợ của lò kẹo Thăng Long Rồng Vàng, một trong hai lò kẹo nổi tiếng khu Ông Tạ. Lò kia là Quế Hương (lò này giờ vẫn còn). Hai lò cùng khu Nam Thái, gần nhau. Lò Thăng Long Rồng Vàng trong hẻm Bình Dân, gần khu Mả Tàu; chủ là ông bà Kiểu.
Hồi ký nhà thơ Bùi Chí Vinh: “Không xa nhà Lưu Ngũ là nhà Bùi Đại Bằng, một đàn anh bất phùng thời ở khu Ông Tạ. Mỗi lần nhậu nhẹt chúng tôi thường kéo qua nhà anh chơi tít cung mây. Bùi Đại Bằng mới lấy vợ là một hiền thê có chữ nghĩa hằng ngày cùng với anh ra chợ ngồi bán cá. Hai vợ chồng bán đủ các loại cá đồng, cá biển nhưng mỗi khi tôi xuất hiện là họ để dành một đống ruột cá lóc làm mồi nhậu đãi nhà thơ. Dân có máu Thủy Hử cụng ly nhau nhiều khi nước mắt ứa ra vì thời thế. Tôi có làm bài thơ “Bán cá” an ủi vợ chồng họ như Hàn Tín an ủi bữa cơm Phiếu Mẫu.
“Đến nhà gặp bạn hiền bán cá
Cá rô, cá sặc, cá thòi lòi
Mà ta thì vốn thằng láu cá
Thấy cá là chỉ muốn nướng trui
Thấy cá là lại thèm một xị
Ít ly y lít với bạn hiền
Cuộc sống chẳng qua toàn mộng mị
Ma quỷ còn đá cá thần tiên
Vậy thì ta chính là ma quỷ
Bắt cá hai tay thú lẫn người
Vậy thì bạn chính là tiên thánh
Bán cá cần chi sợ hổ ngươi
Trên thớt, cá thách người dám cá
Vây giương mắt trợn nhớ ao hồ
Nếu ta nằm thớt như tôm cá
Đã chắc gì dám nhớ tự do
Tự do bị đắm ngay trên cạn
Bạn ta thành cá mắm chợ đời
Vua quan sắm giỏ đi mua bán
Mắt bạn buồn như mắt cá tươi
Mắt bạn buồn như bầy cá lóc
Nhớ kênh thuơng rạch đến bao giờ
Mắt vua chúa như bầy cá mập
Phơi nắng bao giờ mới hết khô
Tại bạn lắm nghề nên lắm nghiệp
Hết bán gạo xong đến bán nhà
Bán nhà đâu sướng bằng bán cá
Xưa Thúy Kiều còn phải bán “bar”
Bán bar thì vốn nòi con gái
Gà trống nuôi con bán cái gì
Chẳng thà bán cá hơn bán nước
Bán lỗ dư mồi nhậu mới nguy
Đói bụng ca ngay bài con cá
Sẽ được no hơi cá hóa rồng
Mấy ai đã dám xưng vương bá
Nếu thiếu thời không vượt vũ môn”
(trích hồi ký ”Giai thoại của thi sĩ” - Bùi Chí Vinh).
Anh Bùi Chí Vinh có lẽ là một trong những văn nghệ sĩ, nhà thơ có số phận kỳ lạ và số kiếp "trầm luân" sau 1975. Anh là lính Nhảy dù trước 1975, sau 1975 đi bộ đội đặc công, đều đánh chỉ huy; từng là Trưởng ban Văn nghệ báo Tuổi Trẻ.
Làm dân, anh vừa đọc thơ đời thường cho bạn đọc, nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt nghe, làm diễn viên phim vừa làm đủ nghề: từ làm kẹo, đạp xích lô... đến bán ve chai. Vậy nên thơ anh cực kỳ gai góc, bình dân lẫn giang hồ. Anh làm thơ từ máu thịt và vô số nỗi đau của mình, dễ như người ta uống trà đá. Có lúc anh viết cả truyện nhiều kỳ "Tứ quái TTKG", “Năm Sài Gòn” rất ăn khách.
CÙ MAI CÔNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.