Tháng 2/1984, TPHCM thành lập Đoàn Cải lương 284 gồm những nghệ sĩ thượng thặng, lên đường sang Tây Âu lưu diễn, với vở đinh Đời Cô Lựu (Vụ này sau nổi đình nổi đám vì Nghệ sĩ Thành Được "bị bắt cóc"!").
Vở nói về Cô Lựu, là vợ của một tá điền bị vu "làm quốc sự", phải trở thành vợ của Hội Đồng Thăng. Tôi nhớ trong một lớp diễn vì bà vợ vẫn đau đáu với chồng cũ, nhân vật Hội Đồng Thăng do kép độc Diệp Lang diễn xuất sắc, đã gào lên:
- Bao nhiêu năm rồi bà còn chờ còn đợi cái gì, còn cái gì mà chờ đợi? Xương cha nó cũng mục chứ nói gì đến xương con.
Và nhân vật "bà Hội đồng" đã đổ gục xuống sàn, bao nhiêu dồn nén, uất ức lẫn đau khổ vì nỗi đau của người phụ nữ bao năm chịu đựng tình cảnh chồng cũ rục xương trong tù giờ phút này trào dâng.
Đó là vở cải lương. Ngoài đời thực, sau biến cố tháng Tư, hàng triệu quân-dân-cán-chính miền Nam lũ lượt vào các trại cải tạo ở cả ba miền. Có cả những nơi thâm sơn cùng cốc, khí hậu khắc nghiệt, đi lại khó khăn.
Những người - đa phần là đàn ông - trực tiếp "được cải tạo" thì ngoài những khổ đau gói gọn trong trại, dù gì cũng tạm yên ổn với sóng gió cuộc đời. Nhưng ở ngoài kia, là hàng triệu phụ nữ có chồng đang cải tạo, lại phải đối đầu với muôn vàn khó khăn của cuộc sống, phải gồng gánh tự lực nuôi con cái, cha mẹ... Hàng ngày, họ phải căng đầu toan tính, thậm chí chịu nhịn chịu nhục để kiếm ăn nuôi gia đình, rồi gom góp đến thời gian bươn bả đi thăm nuôi, tiếp tế cho chồng.
Xem ra, trong những cuộc bể dâu của thời cuộc, chẳng may dính vào "quốc sự", thời thế đổi thay...dường như người phụ nữ là đối tượng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, khổ đau nhất.
...Hôm qua, một thông tin nho nhỏ được đăng tải trên Facebook của một nhân vật nổi tiếng. Về một nhân vật nổi tiếng khác. Sau bất ngờ ban đầu vì những sự tưởng này nọ...là sự bật ngửa vì nhân tình thế thái.
Thật ra, chúc mừng một người "được thần tượng"về một chuyện hoàn toàn riêng tư của họ cũng là điều bình thường. Nhưng một sự hồ hởi phấn khởi quá đáng cũng là điều bất thường, là sự làm tổn thương nhân vật liên đới khác.
Bên cạnh sự thừa nhận tồn tại tình cảm của người trong cuộc và "người khác" suốt 16 năm ròng, là những lời chúc tụng có cánh. Nào là "hai gương mặt có nét phu thê, xứng đôi vừa lứa, trời sinh một cặp, sinh ra là để dành cho nhau". Thậm chí, một người trong thời gian vợ từng bị lao lý vẫn thỏa sức đam mê cùng thú vui của riêng bản thân mình cũng buông lời chúc tụng: Ngưỡng mộ mối tình tuyệt đẹp của hai anh chị!
Nhiều người lý giải "bù đắp tuổi thanh xuân đã mất"... nhưng người phụ nữ cùng haicon gái thì sao? Họ không có tuổi thanh xuân à? Chí ít, đến tận năm 2018, nghĩa là sau 9 năm chịu đựng, họ vẫn đồng hành cùng anh trên mỗi bước đường tù tội. Và cũng họ giữ cho hai đứa con mình cuộc sống không chệch hướng, hư hỏng.
Chỉ tiếc là họ không giữ được những thứ lẽ ra phải là động lực phấn đấu và đấu tranh của mình.
Có lẽ như thiên hạ nói: Họ sinh ra không dành cho nhau. Và vì nét mặt...không có nét phu thê!
Và phụ nữ dường như vẫn là những "hòn vọng phu" trong cô độc!
VÕ KHÁNH TUYÊN 28.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.