samedi 2 novembre 2024

Dương Quốc Chính - Sai lầm về lý luận của anh em dân chủ

Hiện nay có rất nhiều anh em dân chủ đang có lý luận đại khái là: Đã ủng hộ dân chủ thì không thể ủng hộ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Park Chung Hee, Tưởng Giới Thạch, thậm chí cả Lý Quang Diệu.

Anh em còn coi chính quyền Ngô Đình Diệm cũng độc tài như cộng sản, tư duy đấu tố, mạt sát hệt anh em bò đỏ. Kiểu lý luận này thường gặp ở nhóm Sách hiếm.

Theo mình, đây là sai lầm về phương pháp luận của các anh em. Sai chỗ nào?

Anh em đánh giá như thế giống như chửi Lương Thế Vinh dốt Toán, vì không biết cách giải phương trình bậc 2. Tức là ngồi phòng máy lạnh ở bên Mỹ vào năm 2018 chửi Việt Nam Cộng Hòa không có dân chủ. Chửi thế chứng tỏ tư duy lịch sử của anh em rất non kém. Muốn đánh giá vấn đề gì thì phải dựa vào hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh quốc tế tại thời điểm đó. Không thể lấy nhãn quan hiện tại để đánh giá quá khứ.

Không thể phủ nhận các chính quyền kia là độc tài, nhưng không khó chứng minh là họ không độc tài như toàn trị, cộng sản. Mình đã viết nhiều về nội dung này, không nhắc lại nữa. Còn về hoàn cảnh quốc tế lúc đó ở các nước Á, Phi cựu thuộc địa thì hầu hết đều trải qua giai đoạn chuyển tiếp là chế độ độc tài.

Châu Á lúc đó chỉ có hai nước đi từ quân chủ chuyên chế thẳng lên quân chủ lập hiến với nền dân chủ, đó chính là hainước không bị thành thuộc địa là Nhật và Thái. Các nước còn lại, không rơi vào cộng sản thì cũng xã hội chủ nghĩa (kinh tế tập trung) hoặc độc tài. Ấn Độ là một nước dân chủ sau khi thoát kiếp thuộc địa, nhưng lại theo con đường kinh tế kế hoạch kiểu Liên Xô, vì thế mà kinh tế trì trệ cho đến vài năm trước mới tự do hóa nền kinh tế, thì mới có sự khởi sắc.

Trong hoàn cảnh đó, thì Việt Nam Cộng Hòa phải độc tài đâu có gì lạ? Anh em chửi Việt Nam Cộng Hòa độc tài không khác gì bò đỏ chửi nhà Nguyễn để mất nước, chửi thế vô ích, vì cũng chỉ có hai nước Nhật, Thái kể trên là không mất nước. Như thế có thể thấy tư duy của anh em cũng không hơn gì bò đỏ. Anh em bò đỏ cũng hay chửi Mỹ mất dân chủ, với dẫn chứng là Mỹ diệt dân da đỏ vào thế kỷ...19!

Việc hầu hết các nước Á, Phi rơi vào độc tài thì không có gì lạ. Đó là do dân trí, sự hiểu biết và ý thức về dân chủ của dân Á, Phi là chưa có, thì độc tài là không tránh khỏi. Khi đã không tránh khỏi thì nước nào có kẻ độc tài "tốt" là là phúc cho xã tắc, bằng không, thì coi như số đen! Hầu hết các nước độc tài theo cánh tả, hoặc dân chủ nhưng kinh tế kế hoạch thì đều có hậu vận không ra gì. Nước nào được tự do kinh tế thì tương lai tốt hơn. Nước nào có kẻ độc tài vì quốc gia, dân tộc thì nước đó có phúc, nước nào độc tài chỉ vun vén cho bản thân và gia đình thì vô phúc. Đó là Hàn, Đài, Singapore so với Philippines với độc tài Marcos.

Vì vậy, đánh giá các chế độ độc tài thì nên đánh giá xem nhà độc tài dùng bàn tay sắt để đạt mục đích cuối cùng là gì, vì quốc gia, dân tộc hay vì cá nhân? Đánh giá điều đó không dễ nhưng mới đúng chỗ.

Xét trường hợp ông Diệm. Ông ấy gây thù chuốc oán với nhiều phe phái, nhưng điều đó không nhằm mục đích mưu lợi cá nhân. Mục đích chính là để chống lại phe cộng sản, vì ông ấy cho rằng phe cộng sản không tốt cho tương lai dân tộc. Trong hai cái xấu buộc phải chọn, thì nên chọn cái đỡ xấu. 

Anh em ca ngợi đệ nhị cộng hòa là dân chủ hơn. Nhưng đổi lại, đệ nhị cộng hòa chống cộng kém hơn hẳn, lại phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn. Và suy cho cùng, đệ nhị cộng hòa cũng không hề dân chủ. Thậm chí lúc đó, chính nước Mỹ còn chưa dân chủ! Lúc đó người ta hay dùng khái niệm tự do, chứ chưa hề phổ biến khái niệm dân chủ. Lúc đó cảnh sát Mỹ đàn áp biểu tình ác liệt. Người da đen đến tận năm 7x mới được đi bầu.

Mình là người có tư tưởng dân chủ, mình ủng hộ nền dân chủ, nhưng mình không ủng hộ Việt Nam được dân chủ ngang với phương Tây ngay bây giờ. Điều đó có mâu thuẫn không? Không hề. Lý do như trên.

Với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, chỉ cần có lộ trình dân chủ hóa, chưa cần dân chủ đầy đủ luôn. Ví dụ về lộ trình:

1. Nới rộng tự do kinh tế.

2. Cho phép xã hội dân sự để công khai phản biện xã hội.

3. Tăng đại biểu Quốc hội ngoài đảng. Đảng nắm quá bán là an toàn rồi.

4. Biến Trung ương đảng thành tổ chức tương đương thượng viện, do đảng viên bầu. Nắm quyền phủ quyết Quốc hội.

5. Cởi trói cho giáo dục công. Nhà nước chỉ quản lý khung chương trình.

6. Cho phép báo chí và xuất bản tư nhân, giảm bớt kiểm soát tư tưởng.

Nếu làm như trên đảm bảo 10 năm sau dân trí tăng cao, có thể đi tới dân chủ toàn diện.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 02.11.2024

(Đăng lại bài ngày 02/11/2018 nhân ngày mất của ông Diệm và ông Nhu)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.