mardi 7 décembre 2021

Đàm Hà Phú - Sài Gòn, những lá thơ trong hẻm

 

Đó là một con hẻm, ở quận Phú Nhuận. Nó lâu đời và bình thường như mọi con hẻm khác ở Sài Gòn, nơi người ta đã sống qua nhiều thế hệ, chứng kiến nhiều biến cố thời cuộc, của Sài Gòn.

Trong con hẻm lâu đời đó có hai căn nhà lâu đời như hẻm, hai căn nhà sát vách, họ đã làm hàng xóm của nhau hơn ba mươi năm. Một bên là một ông cụ già, sống một mình. Trước đây ông cũng sống cùng người thân nhưng rồi có lẽ người thân ông đã ra riêng nên chỉ còn mình ông. Ông cụ đã gần 90 tuổi, cũng đau yếu nhiều nhưng còn rất minh mẫn.

Cụ ông ít khi ra ngoài, chỉ đi ra ngoài khi đi ăn tiệm, mua đồ, đổ rác hoặc quét sân. Ông lúc nào cũng ăn vận lịch sự, đồ đạc cũ nhưng rất trang trọng.

Tuy đã gần 90 tuổi nhưng ông vẫn tự làm việc, tự chăm sóc bản thân, mỗi ngày ông chỉ ăn đồ hộp hoặc ra ngoài tiệm ăn. Khi ông đổ rác mỗi ngày, túi rác của ông cụ luôn sạch sẽ, được gói cẩn thận và hầu như chỉ có đồ khô. Buổi sáng, khi cả hẻm còn im lìm, ông cụ đã dậy ra quét sân, ông luôn quét luôn phần sân của những nhà hàng xóm chung quanh, như một thói quen.

Ông cụ lịch thiệp nhưng ít nói, và cũng thường rất ít tiếp xúc với người khác. Mỗi lần có việc phải trao đổi, cách nói chuyện của ông cụ luôn làm người khác dễ chịu, ông nói bằng một giọng Bắc xưa, với cách xưng hô trịnh trọng và khiêm nhường. Gần đây ông bị đau yếu hơn trước và còn bị lãng tai nặng, nhưng vẫn đều đặn ra quét sân cho hàng xóm và đổ rác mỗi ngày.

Hàng xóm kế bên nhà ông cụ là một gia đình cũng ở hẻm lâu năm. Họ đông người hơn, là một gia đình nhiều thế hệ và thường, rất kín đáo, để ý đến ông cụ kế bên.

Một ngày giữa tháng Bảy, khi Sài Gòn bắt đầu những ngày bị đại dịch tấn công thảm khốc, số người nhiễm và tử vong bắt đầu tăng mỗi ngày thì chính sách phong tỏa cũng chặt dần theo các nghị định. Hôm đó người hàng xóm bên nhà ông cụ không thấy ông ra đổ rác như thường nhựt, họ bắt đầu lo lắng cho ông. Cô chủ nhà hàng xóm quyết định sang gõ cửa nhà ông để hỏi thăm coi ông có ổn không.

Ông cụ bị bệnh, nhiều thứ bệnh và không thiết ăn uống nữa. Cô hàng xóm cùng còn gái về nhà và nấu cháo đem sang cho cụ nhưng ông cụ, có lẽ vì tự trọng, nhứt định không nhận. Mãi sau, cô hàng xóm tốt bụng phải để cháo lại ở cửa nhà ông cụ với một lá thơ, động viên ông cụ ráng ăn để có sức.

Sau hai ngày ăn cháo và ăn cơm của cô hàng xóm, ông cụ dần hồi sức trở lại. Khi cô hàng xóm tốt bụng qua nhận lại cà mên cháo thì cô thấy nó đã được rửa sạch, kèm một là thơ. Đó là một lá thơ viết trên tờ giấy kẻ hàng ngang với một nét chữ xưa cũ, lời văn khiêm nhường, bặt thiệp, chi tiết đến từng dấu phẩy.

Bức thơ có đoạn “Hai ngày qua được cô nấu cơm cho. Của cho không nhiều nhưng tác dụng lại kỳ diệu: sau bữa cơm đầu cảm thấy bớt đau, không còn sợ những cơn đau như trước. Tình cảm xóm giềng cô giúp đỡ rất quý, không lời cảm ơn nào xứng đáng. Hiện nay bệnh tình tôi đã khá nhiều, đêm có thể nằm ngủ, gần hồi phục như trước khi có lệnh giãn cách 16. Nhà cũng có sẵn gạo và cá hộp, tôi có thể xoay trở được, nên quyết dám không phiền cô hơn nữa. Xin hứa khi nào cần sẽ chủ đồng nhờ cô giúp đỡ”. Bức thơ ký ngày 14/07/2021.

Cô hàng xóm tốt bụng vẫn không thể ngồi yên, không thể để ông cụ già đang bệnh lại tự xoay sở ăn cơm với cá hộp, giữa lúc thành phố đang siết chặt giãn cách. Cô và con gái vẫn tiếp tục nấu cơm, mỗi bữa đưa sang cho ông cụ mỗi ngày. Đến ngày 29/07/2021, ông cụ vẫn tiếp tục nhận được cơm từ cô hàng xòm tốt bụng, và ông lại biên tiếp một lá thơ cảm ơn. Vẫn là nét chữ xưa cũ, mực xanh giấy trắng, lời lẽ chơn thành, tình cảm khiến ai đọc cũng cảm động.

Bức thơ sau có đoạn Tính đến nay cô đã cho tôi ăn cơm đã nửa tháng. Cơm cô nấu thật tuyệt vời, những món đơn giản như rau muống, món nào qua tay cô cũng rất ngon, cách nấu tinh tế… nhờ ăn cơm mau lại sức, có thể chịu đựng được những cơn đau nối tiếp ngày cũng như đêm. Hiệu quả sự giúp đỡ của cô có sự giúp đỡ của vợ chồng cháu Y đối với tôi là rất quan trọng, cả về vật chất lẫn tinh thần; nếu chỉ uống sữa sợ đau như trước, chắc chắn ở tuổi 88 chờ chết, tôi không thể nào hồi phục được như hôm nay….”.

Cô hàng xóm tốt bụng vẫn tiếp tục nấu cơm cho cụ ông đang bạo bệnh, giữa những ngày Sài Gòn dịch bệnh thảm khốc. Họ trao đổi với nhau qua những là thơ tay, mực xanh giấy trắng, bặt thiệp và tình cảm, trong một con hẻm xưa cũ, ở Sài Gòn. Sài Gòn mà, người ta vẫn đối đãi với nhau như vậy, dù có hay không cơn dịch bệnh.

Mai này, hình ảnh những lá thơ viết tay bằng mực xanh trên giấy trắng, với lời văn bặt thiệp như vậy sẽ dần mai một, chỉ có tình người ở Sài Gòn, là y thinh.

ĐÀM HÀ PHÚ 30.11.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.