Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nơi điều trị ung thư lớn nhất nước này chỉ còn 10% bệnh nhân đến điều trị trong suốt mùa dịch. Không phải vì bệnh ung thư ở nước ta giảm mạnh, mà vì việc phong tỏa chống dịch đã khiến cho người bị ung thư không thể đến đây điều trị được.
Dù là bệnh viện công, nhưng bệnh viện này thực hiện tự chủ về tài chính. Người bệnh ít, nguồn thu giảm sâu không đủ bù chi phí, thu nhập của bác sĩ và nhân viên giảm mạnh, bệnh viện phải cầu cứu nhà nước.
Hiện tại, khi thành phố Hồ Chí Minh nới lòng giãn cách, số bệnh nhân của bệnh viện này đạt khoảng 40% so với trước dịch. Nhưng bệnh nhân các tỉnh miền Tây Nam bộ hầu như cũng không thể lên Sài Gòn khám chữa bệnh được, vì khu vực này vẫn còn bị căng thẳng (do phong tỏa).
Tình hình này nói lên điều gì ?
Thứ nhứt. Cuộc phong tỏa chống dịch tại TP.HCM và nhiều tỉnh vừa qua cực đoan đến mức khiến cho hàng ngàn hàng vạn người bị bệnh ung thư không thể đi khám chữa bệnh được (chưa kể các bệnh hiểm nghèo khác không được điều trị cũng vì lý do tương tự). Chắc chắc rất nhiều người trong số đó đã chết vì không được điều trị. Bao nhiêu người đã chết ? Hoàn toàn không có số liệu thống kê, và không ai có ý định thống kê để đưa lên truyền thông.
Thứ hai. Sự kêu cứu của bệnh viện Ung bướu TP.HCM nói lên sự bất cập của cơ chế bệnh viện công của nước ta. Là một nước xã hội chủ nghĩa, lẽ ra phải bảo đảm ít nhất hai trụ cột : chữa bệnh tại bệnh viện công không mất tiền và học trường công không mất tiền. Nhưng cả hai trụ cột này đều bị xóa, trong khi nhiều nước không phải xã hội chủ nghĩa vẫn bảo đảm được : chữa bệnh ở bệnh viện tư và học trường tư mới mất tiền, còn công thì không.
Hàng ngàn thầy thuốc và nhân viên y tế tại những bệnh viện công như thế này được giao nhiệm vụ sống trên đầu người bệnh, người bệnh nhiều thì sống tốt, người bệnh giảm thì phải kêu cứu. Trong khi mục tiêu của hệ thống y tế quốc gia là giảm thiểu bệnh tật cho dân chúng, dân chúng ít bệnh thì nhà nước phải vui mừng. Trường hợp này không phải dân chúng giảm bệnh tật mà không được đi chữa bệnh, nhưng giả dụ dân chúng thật sự giảm bệnh tật thì bệnh viện công theo cơ chế đó cũng kêu cứu chớ không có vui mừng gì.
Thứ ba. Suy rộng ra, tất cả việc sản xuất thuốc men và dịch vụ chữa bệnh lấy lợi nhuận làm mục đích đều như vậy cả. Hy vọng các Big Pharma quốc tế sản xuất thuốc ngừa đại d.ch và các loại thuốc chữa bệnh mắc tiền giữ bản quyền, lấy sự khoẻ mạnh của nhân loại làm mục đích, cũng giống như hy vọng các nhà tài phiệt sản xuất vũ khí lấy hòa bình thế giới làm mục đích vậy.
Nhân loại đã bị dẫn dắt đi nhầm đường và không thể quay đầu. Những lời thề về y đức ngày càng như nước đổ đầu vịt, ở tầm vĩ mô trên toàn thế giới.
P/s : Một người bạn tôi làm việc ở Bộ Y tế có nhắn tin : "Hiện nay tỉ lệ người dân mua bảo hiểm y tế (BHYT) đạt khoảng 90% dân số. Điều đó có nghĩa là rất nhiều bệnh nhân điều trị tại bệnh viện được bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập". Tôi ghi thêm vào đây để rộng đường trao đổi.
Theo tôi thì : 1- Dù có BHYT hay không cũng không làm thay đổi tình trạng của những bệnh viện công "tự chủ tài chánh" như trường hợp của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tức là họ chỉ có thể "sống tốt" khi có nhiều bệnh nhân và phải "kêu cứu" khi có ít bệnh nhân. 2- BHYT không khiến cho bệnh viện công điều trị miễn phí, mà chỉ có thể chi trả một phần viện phí của bệnh viện công, đối với các bệnh nan y dùng thuốc mắc tiền thì BHYT chỉ trả một phần rất nhỏ.
HOÀNGHẢI VÂN 12.11.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.