mercredi 12 septembre 2018

Lê Phan - Tổng thống và sách vở: Điều ám ảnh ông Trump



Nhà báo kỳ cựu Bob Woodward và cuốn “Fear: Trump in the White House.” (Hình: Alex Wong/Getty Images for Meet the Press & thoughtgallery.org)

(NgườiViệt 08/09/2018) Tổng Thống Donald Trump thường rất chú ý đến cách ông được trình bày trên bản tin của các đài truyền hình.

Là một cựu tài tử truyền hình reality television, ông luôn tham gia các quyết định về ai được gửi đến các chương trình truyền hình để bênh vực Tòa Bạch Ốc, họ phải nói điều gì, và chiến lược chung để chống lại những chương trình phát tuyến tiêu cực đối với tổng thống.

Trong lãnh vực này, tổng thống chú ý từng chi tiết, đến nỗi có nguồn tin nói là tổng thống đã quyết định quay lại một số những tuyên bố ở Vườn Hồng vì tổng thống tin là ánh sáng ngoài trời khiến ông trông bảnh bao hơn.

Thành ra thật mỉa mai là một số những cuộc khủng hoảng truyền thông lớn trong giai đoạn ông làm tổng thống có nguồn gốc từ một phương tiện truyền thông cổ hơn, chậm hơn và có nội dung nhiều hơn: từ những cuốn sách.

Chiều hướng này bắt đầu từ Tháng Bảy, 2017, với “Devil’s Bargain,” một cuốn sách của nhà báo Joshua Green, mà đề tài là nhân vật lúc đó rất quan trọng nhưng nay đã mất chức, cựu chiến lược gia trưởng của tổng thống, ông Steve Bannon, người có thể nói đã giúp ông Trump đắc cử.

Rồi đến mùa Xuân thì cuốn sách của cựu Giám Đốc Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Jim Commey. Cuộc hồi ký “A Higher Loyalty,” vốn đặt nghi vấn về sự lương thiện của tổng thống. Cả hai cuốn hiện nay vẫn còn đứng đầu trên danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của nhật báo The New York Times.

Năm nay là một loạt những cuốn sách tả lại sự rối loạn trong chính Tòa Bạch Ốc. Nhà báo Michael Wolff đã dành được thành công đáng kể cho cuốn “Fire and Fury,” tuy những người chỉ trích đã chỉ ra điều mà một số người bảo là lối tường thuật cẩu thả của ông Wolff.

Cô Omarosa Manigault Newman, một cựu thí sinh trong loạt chương trình truyền hình “Celebrity Apprentice” của tổng thống và là một phụ tá ở Tòa Bạch Ốc đã bị cách chức vì bị nói là đã lạm dụng chức vụ, đã có đóng góp của riêng mình với “Unhinged,” một cuốn sách đầy những chuyện xầm xì nhưng không ngờ lại được những đoạn tape thu lén hỗ trợ. Cả hai cuốn này cũng đã vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tờ Times.

Nhưng cuốn thứ ba mới là cuốn mà nay trở thành “bộ ba rối loạn”mà Tòa Bạch Ốc đang cố gắng hết sức để chống trả trong thị trường văn chương chữ nghĩa. Cuốn sách “Fear: Trump in the White House,” phải đến Thứ Ba tuần tới, 11 Tháng Chín, mới phát hành là của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward.

Tuy chưa phát hành những đoạn được tiết lộ trước về nội dung của cuốn sách, kể cả nhiều câu chuyện nói là các phụ tá đã đặt câu hỏi về sự thông minh và thái độ của tổng thống, đã tạo bùng nổ trên tin tức truyền hình và khiến Tòa Bạch Ốc vội vàng chống trả.

Cuốn sách của ông Woodward có thể coi là một cái nhìn trước về cách mà các sử gia trong tương lai sẽ viết về triều đại của Tổng Thống Trump. Điều đó không có nghĩa là những sử gia đó sẽ nhiều chỉ trích như vậy, nhưng họ cũng sẽ lấy từ cùng một nguồn tài liệu – những cuộc phỏng vấn rộng rãi với các viên chức cựu và đang tại chức. Câu chuyện của thời đại tổng thống của ông Trump đang ngày càng vượt ra khỏi quyền kiểm soát của ông.

Có thể có những chỉ trích về lối trình bày sự kiện của ông Woodward, nhưng ông David Greenberg, giáo sư sử và báo chí ở Đại Học Rutgers, giải thích “cứ tính cho kỹ, năm này sang năm khác, không ai dạy cho chúng ta nhiều hơn và đưa ra nhiều những thông tin hơn trong việc cho chúng ta thấy chuyện gì đang xảy ra ở tột đỉnh của bộ máy chính quyền.” Ông Greenberg cũng là tác giả của một cuốn sách lý thú “Republic of Spin: An Inside History of the American Presidency.”

Ở một khía cạnh nào đó phản ứng của Tòa Bạch Ốc trước những cơn gió giật mà báo chí đưa ra về cuốn sách mới của ông Woodward phản ảnh chủ đề của cuốn sách về một Tòa Bạch Ốc vốn xáo trộn hằng ngày – bị các phe phái chia rẽ, coi thường người ngồi trong Văn Phòng Bầu Dục, và thường xuyên đi sau mọi biến cố một bước.

Những viên chức trong chính phủ đã chậm phản ứng trước bản tin của tờ Washington Post về nội dung của cuốn sách, vốn bao gồm những câu chuyện là các phụ tá chính đã gọi Tổng Thống Trump là “người ngu” hay “người đần độn,” một đôi khi còn có những lời chửi thề kèm theo.

Tờ Post cũng cho phổ biến một đoạn tape của cuộc nói chuyện giữa tổng thống và ông Woodward hồi Tháng Tám, trong đó tổng thống nói là chưa có ai cho ông biết là ông Woodward muốn phỏng vấn ông. Nhưng sau đó tổng thống lại hầu như nói ngược lại, nói là Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham của South Carolina đã nói với ông, nhưng ông không nhận được thông báo chính thức nào về một yêu cầu phỏng vấn từ các nhân viên lo về truyền thông.

Chiều hôm Thứ Ba và đến ngày Thứ Tư, 5 Tháng Chín, thì Tòa Bạch Ốc mới mở máy, với Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis và Chánh Văn Phòng John Kelly đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ bác bỏ việc họ đã dùng những chữ ngạo mạn chê bai ông “chef” của mình, và gọi cuốn sách là “một cuốn tiểu thuyết.”

Nhưng các phụ tá của Tòa Bạch Ốc không nói là Tòa Bạch Ốc là “một bộ máy chạy êm ru” như tổng thống thỉnh thoảng vẫn cả quyết. Cuốn sách của ông Woodward đã kể lại một số những cảnh thật đáng lo sợ, chẳng hạn như ông Kelly tuôn ra một tràng những lời chỉ trích ông “chef,” đến các cuộc phỏng vấn với nhiều viên chức (ẩn danh) vốn đã có mặt lúc đó. Việc này thật khó là bác bỏ.

Đến chiều Thứ Tư, những phóng viên tường thuật về Tòa Bạch Ốc ghi nhận một sự hơi đổi giọng trong các thông cáo chính thức, ngấm ngầm chấp nhận là có những lủng củng, tranh chấp nội bộ.

Tổng Thống Trump tweet hôm Thứ Tư rằng: “Hầu như ai cũng đồng ý là chính phủ của tôi đã làm nhiều hơn là bất cứ một chính phủ nào khác trong lịch sử đất nước chúng ta trong hai năm qua. Tôi rất khó tính với người ta và nếu tôi không thì chẳng có gì nên chuyện cả. Và tôi đặt câu hỏi về mọi người và mọi sự – đó là tại sao tôi đắc cử.”

Dầu sao chăng nữa, có vẻ là vài chục viên chức, cựu và đương nhiệm, của tổng thống quả đã có nói chuyện với ông Woodward. Nhiều người ngồi nhiều tiếng đồng hồ. Nếu như thói quen trong quá khứ, ông Woodward hẳn đã thu thanh nhiều cuộc phỏng vấn này, theo Giáo Sư Greenberg, vốn đã từng là phụ tá cho nhà báo trong ba năm vào đầu thập niên 1990.

Những ủng hộ viên trung thành của tổng thống sẽ không tin vào cuốn sách của ông Woodward, hay là họ bất cần câu chuyện có đúng sự thật hay không. Những người chỉ trích tổng thống thì chắc chắn là vội tin những điều tệ hại nhất. Trên phương diện đó, “Fear” có lẽ sẽ không thay đổi lập trường của bao nhiêu người vốn đã chia rẽ về triều đại của Tổng Thống Trump.

Nhưng nói chung, tổng thống quả không nổi tiếng cho việc hoàn toàn tuân thủ sự thật, mà bằng cớ là biết bao những người đã cho thấy những điều ông nói sai sự thật. Ông Woodward, ngược lại, đã nổi tiếng là một người tuân thủ sự thật từ thời Tổng Thống Richard Nixon còn tại chức.

Theo ông Greenberg, ông Woodward không phải là một nhà phân tích, hay bàn tán cao xa, ông chỉ thuần túy là một nhà báo “kể lại sự việc.”

Các Tổng Thống George W. Bush, Bill Clinton và Barack Obama đều đã hợp tác với ông Woodward ở một mức độ nào đó trong các cuốn sách của ông Woodward về thời họ làm việc. Tất cả đều có những than phiền về một số những điểm đặc biệt hay một câu chuyện kể lại. Nhưng nói chung, họ không bảo là ông nói láo.

Và đó sẽ là điều ám ảnh tổng thống.

LÊ PHAN (Theo Christian Science Monitor)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.