Gìa đình đòi công lý cho Trần Huỳnh Duy Thức. |
Mấy ngày nay tôi định viết về một số vấn đề đang nóng, tỉ
như “công nghệ giáo dục “của Gs Hồ Ngọc Đại” và “mưu toan” cải tiến
chữ viết tiếng Việt của Gs Bùi Hiền”. Tôi thấy không khí tranh luận có vẻ
sặc mùi đao to búa lớn mà không đi vào tranh luận khoa học nghiêm túc trước
những vấn đề hệ trọng và khẩn cấp như vậy của nền giáo dục nước nhà.
Tại sao có hiện tượng con của rất nhiều quan chức, trong đó có nhiều quan chức lớn của ngành giáo dục phải cho con cái của mình đi “tị nạn giáo dục“. “Tị nạn” khác xa với đi du học bình thường của sinh viên các nước. Ví dụ sinh viên Pháp, sinh viên Mỹ, Nhật hay nhiều nước khác cũng được cho sang nước ngoài du học. Đó là chuyện thường ngày ở huyện. Không có chi là lạ. Các trường Đại học ở Việt nam ta cũng thường xuyên tiếp nhận những du học sinh như vậy.
Cái lạ là ở chỗ nó đã trở thành một “làn sóng” du học, nó báo hiệu một
sự công khai mất niềm tin vào ngành giáo dục nước ta. Ngay cả việc tranh luận
nảy lửa về cải tiến chữ viết tiếng Việt và công nghệ giáo dục cũng chưa thấy Bộ
Giáo dục lên tiếng chính thức một cách sớm sủa.
Mạng xã hội đăng tràn lan mọi thứ về các đề tài này, kể cả những người tôi biết là họ không hề có tí kiến thức nào về ngôn ngữ và giáo dục cũng chém gió ào ào!
Sáng nay tôi đọc một bài trên trang cá nhân của Gs Nguyễn Đăng Hưng, thì tôi thấy có văn hóa tranh luận. Có nhiều bài như vậy. Rất là mừng.
Tôi thấy chuyện tranh luận chung quanh về cuốn sách “Gạc Ma - vòng tròn bất tử” cũng vậy. Ta phải hoan nghênh những người làm sách. Họ bỏ công bỏ tiền ra để làm một việc đại sự như vậy, đáng lẽ ra việc của Nhà nước phải làm. Chỉ có một chỗ cần phải làm rõ mà bấy lâu nay các vị tướng của hai phía quan điểm đang cãi nhau, cần phải được làm rõ. Và lịch sử nước ta cũng cần phải minh bạch chuyện này.
Đó là, vào năm 1988, lúc Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma
của ta, 64 chiến sĩ của ta đã hy sinh khi bám giữ Đảo. Bộ trưởng Quốc phòng lúc
đó đã có lệnh ”không được nổ súng trước”, hay là lệnh chỉ có “không
được nổ súng “ mà không có chữ “trước”.
Đó là gốc của vấn đề. Tôi nghĩ rất nhiều người trong quân
đội có mặt vào thời điểm đó còn sống và làm nhân chứng. Thứ hai là, tôi tin
rằng trong kho tư liệu lưu trữ của quân đội không thể không còn những sử liệu
quan trọng cỡ này.
Hãy làm rõ chuyện này trước lịch sử và minh oan cho những nhân vật lịch sử. Mọi việc đều phải minh bạch rõ ràng. Dân chúng, ai cũng có quyền muốn biết sự thật lịch sử. Và bất cứ ai có quyết định sai, có hại cho đất nước, cho dân tộc này đều phải được công khai để được phán xét. Còn nếu ai trích dẫn sai sự thật thì cũng phải lãnh chịu trách nhiệm.
Còn một việc nữa, mấy hôm nay, râm ran trên mạng xã hội, và các cơ quan báo chí nước ngoài đang nói chuyện tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực 27 ngày có nguy cơ dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Trần Huỳnh Duy Thức cũng được trên mạng xã hội và truyền thông nước ngoài đánh giá là một người có trí tuệ trong giới bất đồng chính kiến. Thế thì tại sao trước một tin tức như vậy, phía Nhà nước và báo chí chính thống không hề có một dòng nào, hoặc có việc đó, hay không có?
Tôi luôn nghĩ rằng, và luôn nhắc lại rằng, bài toán minh bạch thông tin sẽ giải quyết được rất nhiều vấn nạn trong xã hội ta, và từ đó mới loại được những tin giả, tin ”bịa như thật“ trên mạng xã hội.
Và tôi cũng tin rằng, hai nhân vật chủ yếu nắm công tác tư tưởng hiện nay làm được việc này. Đó là ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Mạnh Hùng.
NGUYỄN CÔNG KHẾ 11.09.2018 (Tựa
bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.