Con người ta, nếu để tồn tại, thì chỉ
cần ăn uống và hít thở không khí là đủ. Nhưng để làm con người xã hội, thì phải
có trao đổi thông tin. Thông tin là thứ không thể thiếu. Thiếu nó, con người
chả khác chi con vật.
Vấn đề là thông tin nằm trong tay ai, kẻ
nào. Xưa nay có lệ, ai nắm quyền cai trị thì cũng nắm quyền chi phối thông tin.
Tất nhiên thông tin sẽ công bố dưới dạng không đầy đủ, méo mó, bị xuyên tạc
(hay hơn hoặc dở hơn), cắt xén... Nhà cai trị xứ này, nhất là đám tuyên giáo,
luôn mồm kêu gào phải thông tin chân thực, khách quan, nhưng chính họ lại giày
xéo, vò nát thông tin kinh nhất, với tâm thế “chẳng cầm được vững, thì giày
cho tan”.
Mấy hôm nay, nhà nước kỷ niệm Quốc khánh
(theo tôi, những lễ lạt kiểu này, ngay cả Quốc khánh, cũng nên bớt dần đi, làm
sao dân chúng có cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Cười vui quanh năm còn hơn vài ba
ngày vui gượng gạo, xong lễ lại đâm đầu lo cái ăn cái mặc một cách khổ sở),
nhiều kênh, đài truyền hình nhà nước đồng loạt phát bộ phim tài liệu “Nhớ
mùa thu năm ấy”. Cũng chỉ là những tư liệu cũ được xào lại.
Tôi để ý thấy, khi nói về cuộc lao dốc
không phanh tới bờ vực sau “sự biến” năm 1975, phim này chỉ ra một loạt
nguyên nhân… khách quan. Đó là: Thiên tai liên tiếp, chiến tranh biên giới tây
nam và chiến tranh biên giới phía bắc, Mỹ cấm vận, thiếu tư liệu nguyên liệu
sản xuất, thiếu lương thực… Hàng chục thứ trời ơi đất hỡi hại nước này, tất cả
đều do bên ngoài. Cái đáng nói nhất và là nguyên nhân cơ bản nhất, là thói
ngông cuồng, ngu dốt, duy ý chí, khinh mọi quy luật… của người cộng sản thì bộ
phim cố tình lờ đi.
Đấy là một ví dụ cụ thể, điển hình về dạng thông tin “cai
trị”.
Lại nhớ, có lần tôi đọc cái tin công an
đang “truy lùng” ai là người đã đưa cái tin “thất thiệt” máy bay rơi ở sân bay
Nội Bài. Nếu tin này xảy ra cách nay vài chục năm thì cộng đồng xã hội sẽ tin
sái cổ, nhưng bây giờ thì không thế. Chả ai tin, bởi đó là tin thất thiệt. Tại
sao? Đơn giản là bây giờ những vụ việc nghiêm trọng như vậy không thể nào giấu
được.
Xã hội lúc này trăm tay nghìn mắt,
chuyện nhỏ như con kiến vừa xảy ra nơi thôn cùng xóm vắng cũng được lan truyền
tức thì, huống hồ cái máy bay rơi ngay địa phận thủ đô. Loại tin như trên người
ta gọi là tin đồn nhảm, tin vịt. Chỉ những kẻ khờ khạo mới tin. Công an mà bắt
được đương sự, cứ buộc nó ngồi trong phòng kín vẽ 1 tỉ con vịt rồi hẵng thả,
cho chừa.
Như đã nói ở trên, con người sống trên
đời cần có thông tin. Tuyên ngôn độc lập của những nước văn minh như nước Mỹ,
nước Pháp (hai đế quốc to mà nhà cai trị xứ ta đã sướng rằng ta có vinh dự đánh
cho cả hai bị bại) cũng như tuyên ngôn độc lập xứ này đều khẳng định “con
người ta sinh ra có quyền tự do và bình đẳng”, trong các quyền ấy có quyền
được thông tin và bình đẳng về thông tin.
Nói lý luận kiểu bắc vậy thôi chứ “áp
dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam” thì nó lại khác, thậm chí ngược hoàn
toàn. Viết đến đây, tôi thấy cần phải điểm lại một vài chuyện đã và đang xảy ra
ở xứ mình, liên quan đến thông tin.
Tôi cả đời chỉ có hai việc chính là dạy
học và làm báo. Dạy học mãi đến khi không sống nổi với đồng lương chết đói thì
bung ra tìm cách thoát khỏi sống mòn, rồi đi làm báo. Mỗi chặng đời cũng đều
ngót nghét 20 năm. Trong suốt gần 40 năm ấy tôi có dịp tiếp xúc với bản tin
chính thống của nhà nước, bản tin Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Đây là hãng thông tấn quốc gia, số 1,
chính thức của chính thức. Có những vụ việc, các báo đều nhận được chỉ đạo của
cấp trên (Ban Tuyên giáo (Ban Văn hóa - Tư tưởng), Vụ Báo chí)… là chỉ được đưa
tin theo bản tin của TTX. Nếu TTX không đưa thì sẽ tịt, còn TTX đã đưa sao thì
phải thông tin vậy, không được khác biệt.
Hồi làm ở tòa soạn báo Thanh Niên, bộ
phận chuyên về tin tức, tôi biết rõ TTXVN chia bản tin ra làm nhiều loại, có
loại mật, loại lưu hành nội bộ, hạn chế phổ biến, rồi mới tới những bản tin
thường (trong giới gọi là tin xanh tin đỏ tin vàng, theo màu của bản tin). Có
loại chỉ dành cho cán bộ cấp cao, loại thì cán bộ cấp vừa, loại cho báo chí,
loại phổ biến cho dân chúng.
Ngày ấy có nhiều vị quan chức thích ra
vẻ ta đây, chứng minh mình thuộc đẳng cấp cao, thỉnh thoảng “vô tình” hé lộ ra
những bản tin TTX mật, lưu hành nội bộ. Những bản tin quý hiếm, bí mật ấy thời
đó đúng là thứ ghê gớm, nhưng bây giờ thì nó phải gọi những thông tin trên
Facebook bằng cụ.
Bộ máy cai trị hiểu rất rõ về sự lợi hại
của thông tin nên họ chủ trương bưng bít thông tin, hạn chế thông tin, phân cấp
thông tin. Cái gọi là quyền bình đẳng chẳng qua chỉ là thứ bánh vẽ, trưng ra
cho đẹp thế thôi, chứ làm gì có bình đẳng.
Mấy ông trung ương, những ông bà cán bộ
to to được TTXVN cung cấp hằng ngày những thông tin đủ kiểu, nhưng đại đa số
dân chúng chỉ được ăn thứ thông tin thải, thông tin thừa, thông tin bị bóp méo
hoặc vo tròn theo chủ ý, bởi bàn tay nhà cai trị. Vô lý nhất là chính dân chúng
lại phải lao động, đóng thuế để nuôi cái bộ máy, cái cơ quan đối xử phân biệt
quyền thông tin ấy, nuôi những kẻ tự cho mình cái quyền hưởng thụ thông tin bậc
cao ấy.
(còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 03.09.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.