samedi 8 septembre 2018

Ngô Nhân Dụng - Tổng Thống Trump nói đúng



Tổng Thống Trump nói đúng: Tác giả bài op-ed trên báo New York Times hèn nhát (gutless). (Chú thích của Ngô Nhân Dụng. Ảnh của Angela Weiss/AFP/Getty Images)

(NgườiViệt 08/09/2018) Khoảng năm 224 Trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng leo núi Lương Sơn, nơi có khu cung điện ông thích nhất. Đứng trên núi ngó xuống ông thấy đoàn người ngựa xe tấp nập, hỏi ra biết là các tùy tùng đi theo Thừa Tướng Lý Tư. Thủy Hoàng không vui.

Mấy ngày sau đó, Lý Tư đã tự giảm số ngựa, xe tháp tùng khi ra đường. Tần Thủy Hoàng biết, nghi có viên thái giám nào đã tiết lộ với Lý Tư. Ông bèn ra lệnh bắt tất cả những người có mặt chung quanh ông bữa trước, đem giết hết.

Tư Mã Thiên kể chuyện này trong “Sử Ký”, để mô tả Thủy Hoàng hành tung bí mật thế nào: “Từ đó không ai biết Thủy Hoàng đi đâu, ngày nào và ở chỗ nào nữa. Chỉ khi bàn quốc sự với quần thần thì họ biết ông ta đang ở Hàm Dương”.

Ngày nay, chỉ có ông Kim Jong Un mới so sánh được với Tần Thủy Hoàng; nghi ngờ ai thì giết cho khỏi mất công điều tra. Ông Tập Cận Bình hay ông Putin cũng không dám hành động trắng trợn đến thế.

Tổng Thống Donald Trump thì chắc chắn không làm như vậy. Ông sinh trưởng trong một xã hội dân chủ tự do suốt đời.

Nhưng ông Trump cũng đang mang một nỗi nghi ngờ lớn. Ông không biết ai trong đám người cộng sự của mình là tác giả một bài bình luận “vô danh” mới đăng trên nhật báo The New York Times. Bài “Op-Ed” này nói ông Trump là một người “phi luân lý” (amoral, nghĩa là không theo một quy tắc luân lý nào; khác với immoral là vô luân, biết có những quy tắc đạo lý nhưng không làm).

Tác giả vô danh này nói rằng ông ta, hay bà ta, cùng một nhóm thân cận tổng thống đã thành một “nhóm phản kháng,” họ tìm cách ngăn cản không cho ông Trump quyết định những điều sai lầm vì những xu hướng tệ hại nhất (worst inclinations) của ông. Tác giả được tờ báo giới thiệu là một “viên chức cao cấp trong chính quyền” (senior administration official) và họ giữ bí mật không tiết lộ danh tánh để bảo vệ công việc của người đó; hàm ý nói rằng ông hay bà này vẫn còn làm việc cho ông tổng thống.

Phải nói ngay: Hành động viết một bài bày tỏ lập trường chính trị mà không dám ký tên không thể chấp nhận. In một bài nặc danh như vậy trên mặt báo là hoàn toàn sai lầm.

Ngay sau khi bài báo xuất hiện trong ngày Thứ Tư, 5 Tháng Chín, Tổng Thống Trump đã lên án tác giả là “hèn nhát” “phản phúc.” Ông yêu cầu báo Times cho các cơ quan điều tra biết tác giả là ai. Ngày Thứ Sáu, 7 Tháng Chín, ông nói với các nhà báo rằng Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions phải điều tra vụ này; vì đây là một vấn đề an ninh quốc gia.

Chưa thấy ông Trump chính thức ra lệnh đó cho ông Sessions, và Bộ Tư Pháp cũng từ chối không phủ nhận hay xác nhận. Nhưng nhật báo The Wall Street Journal cho biết Tướng John Kelly, chánh văn phòng phủ tổng thống, đã kín đáo mở một cuộc điều tra ngay từ hôm đầu.

Cũng ngay từ hôm đầu, dư luận đã bàn tán đoán ai là tác giả bài báo nặc danh này. Những chữ “chức cao cấp trong chính quyền” có thể bao gồm rất nhiều người, không nhất thiết đang làm việc trong Tòa Bạch Ốc.

Nhưng ngay lập tức, rất nhiều người đã lên tiếng xác nhận mình không phải tác giả: Tướng John Kelly, Tham Vụ Báo Chí Sarah Sanders, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, Bộ Trưởng Nội An Kirstjen Nielsen, Giám Đốc An Ninh Quốc Gia Dan Coats, và cả bà Melania Trump đều kết án kẻ đã viết bài báo đó. Chính trị Hạ Viện Paul Ryan gọi người này là người “sống không lương thiện” (living in dishonesty).

Nhật báo Wall Street Journal công nhận rằng cảnh chia rẽ trong chính quyền Trump không phải là điều mới lạ. Ngay từ đầu đã có bao nhiêu người từ chức, các ý kiến chống đối trong nội bộ và có khi nói công khai.

Báo Wall Street tiết lộ có “những người biết chuyện” (people familiar with the matter) nói với họ rằng ngay từ khi Tổng Thống Trump nhậm chức, trong chính quyền đã có nhiều người, có người bảo thủ, có người cấp tiến, tìm cách ngăn cản ông.

Wall Street Journal là một tờ báo thường ủng hộ lập trường Cộng Hòa, cho biết ông Steve Bannon, cựu “chiến lược gia” của ông Trump, đã bảo người chung quanh mình cứ “lờ như không biết” các mệnh lệnh (to ignore direct orders) của ông tổng thống, như “những người biết chuyện” kể. Những người này còn nói ông Gary Cohn, cựu cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc, đã nhiều lần cản không cho ông Trump thực hiện các ý kiến có ý hướng bảo hộ mậu dịch (như tăng thuế nhập cảng).

Những tiết lộ trên đây được đưa ra đúng vào lúc cuốn sách mới của nhà báo Bob Woodward ra đời mang tựa đề “Sợ” (Fear), với những tiết lộ về hậu trường Tòa Bạch Ốc dưới thời Trump. Woodward cũng kể trong sách rằng ông Gary Cohn có lần lấy một bức thư đặt trên bàn tổng thống, đem giấu đi, không để cho ông Trump ký, vì bức thư này dọa chấm dứt thỏa ước mậu dịch với Nam Hàn, mà ông Cohn coi là có thể nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Nhưng các hành động của ông Cohn, hay ông Bannon, tuy là những chi tiết cụ thể hấp dẫn, cũng không làm nhiều người ngạc nhiên. Vì đối với những người theo dõi Tòa Bạch Ốc từ năm ngoái, tất cả những chuyện đó có thể đoán thế nào cũng xảy ra. Với một ông tổng thống “ngoại lệ” như ông Donald Trump, thế nào cũng có những người cộng tác tìm cách ngăn không cho ông quyết định vội vàng những lúc cao hứng.

Cho nên có thể nói bài “op-ed” trên nhật báo The New York Times không đem lại điều gì mới lạ, ngoài lời thú nhận rằng chính tác giả bài báo đã và đang tìm cách thay đổi các ý kiến và hành động của ông Donald Trump trong lúc ông làm tổng thống Mỹ, nhân danh “quyền lợi” của đất nước.

Nhưng việc “ngăn cản hành động của ông tổng thống” do bất cứ lý do nào, cũng trái với chế độ dân chủ và hiến pháp nước Mỹ. Vị tổng thống là do dân chúng bầu ra. Còn những “viên chức cao cấp” do ông tổng thống chọn thì không được ai bầu. Họ không có quyền ngăn cản việc ông tổng thống đang làm, dù họ không đồng ý vì thấy nguy hiểm cho quốc gia!

Chính cựu Tổng Thống Barack Obama, ngày Thứ Sáu, cũng nhận xét: “Đó không phải là cách hoạt động trong chế độ dân chủ của chúng ta,” khi nói chuyện với sinh viên Đại Học Illinois. Ông Obama lên án những người “phản kháng” như tác giả bài báo op-ed, “Những người này không được ai bầu lên. Họ không phải chịu trách nhiệm về việc họ làm (đối với dân chúng Mỹ).”

Nghị Sĩ Chris Murphy, đảng Dân Chủ, tiểu bang Connecticut, còn hỏi rằng: “Nếu (tác giả bài báo) lo lắng về tính khí mất quân bình của tổng thống, và lo cho quốc gia bất ổn, thì tại sao anh (chị) đó lại thọc gậy vào mạng sườn ông ta, làm cho ông ta ‘bất ổn’ hơn nữa?”

Như vậy thì, nếu một “viên chức cao cấp” thấy ông tổng thống làm điều gì mình lo rằng “có hại cho quốc gia,” thì phải làm gì?

Cách giản dị nhất là từ chức, rồi công khai kể tội và phản đối người chủ cũ của mình. Ai cũng có quyền vận động dân chúng và Quốc hội đàn hặc, hoặc truất phế ông tổng thống theo điều thứ 25 trong Hiến pháp.

Tác giả bài op-ed có thể tự biện hộ rằng ông, hay bà ta, cần “hy sinh” ngồi lại trong chính quyền, vì nếu không thì sẽ không còn ai ở đó để ngăn cản ông tổng thống “làm bậy.” Ông, hay bà ta, còn xác định ý nguyện là muốn chính quyền Trump thành công, nghĩa là Tổng Thống Trump còn tại vị thì tốt hơn là mất chức! Nhưng còn Hiến pháp nước Mỹ thì sao?

Hiến pháp Mỹ đã có sẵn những biện pháp để ngăn không cho ông tổng thống làm bậy. Chế độ tam quyền phân lập là một. Quyền đàn hặc của Hạ Viện và quyền xét xử của Thượng Viện là biện pháp cụ thể nhất để kiềm chế các quan chức cao cấp, từ tổng thống trở xuống.

Tác giả bài op-ed phải hiểu rằng nếu một vị tổng thống không đủ trí khôn để làm nhiệm vụ, thì phải can đảm tìm cách đẩy ông ta ra khỏi Tòa Bạch Ốc. Không thể cứ loanh quanh ở trong đó rồi tìm cách ngăn cản ông ta. Hành động đó có thể coi là không trung tín, đối với người chủ của mình và đối với quốc gia, xã hội.

Không dám công khai tố cáo, không dám từ chức, tác giả bài báo tự phong cho mình trách nhiệm “đoạt quyền” của một ông tổng thống được dân bầu lên! Tổng Thống Trump nói đúng: Tác giả bài op-ed trên báo New York Times hèn nhát (gutless).

Nếu một vị tổng thống khác (Clinton, Bush, hay Obama?) thì chắc họ chỉ nói đúng một tiếng đó: Hèn nhát. Sau đó, họ có thể im lặng, và yêu cầu những người chung quanh mình hoàn toàn im lặng, không ai cần nói một câu nào về bài báo này.

Nhưng ông Trump thì vẫn không nhịn được, dễ nổi giận, phải lớn tiếng ngay lúc thấy bất cứ ai đụng tới mình. Đúng là nghiệp dĩ, cứ khăng khăng buộc lấy vào mình!

Tần Thủy Hoàng thì mang cái nghiệp “bí mật.” Mười bốn năm sau chuyến lên núi Lương Sơn, Thủy Hoàng chết trong lúc du hành. Bọn cận thần cũng giữ bí mật; làm như ông vẫn sống. Hằng ngày vẫn có người tới ngự xa bẩm báo, dâng cơm rượu. Họ đem cá chết chất quanh xe chở thi hài để át mùi xác chết, trên đường đưa xác về cung. Trong khi đó, họ bày mưu lập kế thay đổi người kế vị, đảo ngược di chúc của ông hoàng đế.

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.