Ông Hạ Đình Nguyên. Ảnh Trần Bang. |
(Bauxite Việt Nam 04/07/2018) Hạ
Đình Nguyên sinh năm 1943 tại Quảng Nam. Trước 1975, anh là sinh viên Ban Triết
của Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tuổi trẻ căng tràn nhựa
sống, đầy ước mơ và lãng mạn, như một tổ chức sinh viên thời ấy có tên là “Bừng
sống”.
Hạ Đình Nguyên đã đi theo tiếng gọi của lý tưởng
yêu nước, mơ đến ngày đất nước thống nhất, đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam,
xóa bỏ đi chế độ Sài Gòn tham nhũng, xóa bỏ chế độ bầu cử độc diễn không sòng
phẳng của các chính khách Sài Gòn... Nguyên cùng những bạn sinh viên thời ấy
hòa mình vào đoàn quân náo nhiệt bãi khóa, tuyệt thực, xuống đường biểu tình, tấn
công vào hàng rào kẽm gai và cảnh sát...
Anh đã trưởng thành từ phong trào sinh viên học
sinh Sài Gòn một thời oanh liệt, ghi đậm dấu ấn vào lịch sử Cách mạng miền Nam
trước 1975. Hạ Đình Nguyên trở thành Chủ tịch Ủy ban hành động đấu tranh của Tổng
hội Sinh viên Sài Gòn. Và, cái gì đến đã đến. Anh bị bắt đi tù Côn Đảo, đến cuối
năm 1973 mới được trả tự do.
Sau ngày thống nhất, Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học Sài Gòn cũ sáp nhập thành Đại học Tổng hợp, Nguyên được phân công làm Bí thư Đoàn trường. Say mê với cuộc sống mới, anh càng ra sức cống hiến để xây dựng chủ nghĩa xã hội mà một thời thế hệ các anh đã từng mơ về xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc!
Sở dĩ tôi ví Hạ Đình Nguyên là Jean-Paul Sartre của Việt Nam, vì, xét ở bản lĩnh dám thay đổi tư duy thì ông rất giống với triết gia Jean-Paul Sartre. Sartre (1905-1980) lúc còn trẻ từng tuyên bố: “Tất cả những thằng chống cộng đều là con chó!” (Tous les anti-communistes sont des chiens). Sartre mê Liên Xô, như Hạ Đình Nguyên từng mơ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng khi Liên Xô đàn áp dã man những người đấu tranh dân chủ ở Tiệp Khắc thì Sartre lại tuyên bố như trên. Có người bảo Sartre là đã phản bội. Sartre trả lời: “Tôi đi tìm miền trung thành mới” (recherche de la nouvelle fidélité).
Sau 36 năm sống trong lòng chủ nghĩa xã hội, tháng 3 năm 2011, trong tác phẩm Ngày ấy giảng đường (sách tự in vi tính), ông già Hạ Đình Nguyên 68 tuổi này tâm sự với thanh niên: “Thanh niên không nhất thiết phải trung thành với quá khứ, nhưng không phủ nhận nó. Quá khứ chỉ để tham khảo, thậm chí tham khảo một cách cẩn trọng.
Thanh niên dứt khoát phải trung thành với tương
lai, đó là dự phóng căn bản về Dân chủ - Dân sinh và những giá trị đích thực.
Đó là những phạm trù biến thiên vô tận khó lường mà không một định chế nào, dù
tôi luyện bằng thép gì đi nữa, có thể chụp nó lại, bắt nó đứng yên, vì sợ nó.
Bao nhiêu thế hệ đã yêu nó, vì nó mà chịu đau đớn hy sinh... Nó không bao giờ dừng
lại, nó đang đi mà ta không biết đó thôi...” (trang 76, sách đã dẫn).
Có một thế hệ trước 1975 ở miền Nam, đã từng tù đày, “đau đớn, hy sinh”... như Hạ Đình Nguyên, còn đang “không bao giờ dừng lại” mà tác giả đã biết, đã gặp như các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Lê Thân... đang dấn thân cho Dân chủ - Dân sinh ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Các anh vẫn phản biện, vẫn xuống đường như thời trai trẻ năm xưa. Nhưng bây giờ các anh là “ngòi nổ”, là tấm gương cho lớp trẻ trong những cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Tổ Quốc, chống thảm họa Formosa, chống Tập Cận Bình “đến thăm” Việt Nam, v.v. và v.v.
Lịch sử đã lặp lại. Lại chặn cửa từng nhà, lại
hàng rào kẽm gai trên đường phố, lại cưỡng chế từng người... Ngày 3.11.2015, tại
khuôn viên nhà riêng Hạ Đình Nguyên ở Thủ Đức bên bờ sông Sài Gòn lộng gió, các
thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã “tụ tập đông người” để chuẩn bị “đón
tiếp” Tập Cận Bình sắp sang “thăm” Việt Nam.
Ngày hôm sau, cuộc mít tinh phản đối họ Tập được
tổ chức dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo tại trung tâm thành phố, sau đó biến
thành cuộc diễu hành biểu tình ôn hòa hô to khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược
biển đảo Việt Nam... Ngày hôm sau nữa (5.11.2015), cuộc biểu tình chống Tập Cận
Bình vừa đặt chân xuống Hà Nội, diễn ra tại hồ Con Rùa (Sài Gòn) đã bị đàn áp
thô bạo. Kỹ sư Trần Bang bị đánh trào máu mặt.
Hình ảnh Trần Bang bị đánh trào máu đã nhanh
chóng được lan truyền trên mạng xã hội, làm cho người ta lại nhớ đến những cuộc
xuống đường của các sinh viên yêu nước Sài Gòn những năm trước 75. Không ai “xúi
giục”, “kích động” những người như Hạ Đình Nguyên và các đồng chí của anh đứng
lên vạch mặt, cầm bút phản biện, “xuống đường lần thứ hai” này cả! Chính
lương tâm các anh đã kêu gọi phải “sống và đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp
như hành nhân đi trên đường thiên lý” (trang 73, Ngày ấy giảng đường).
Là một cây bút giầu chất lãng mạn và đượm màu
thiền, triết..., anh tự ví cuộc đời dấn thân của mình như một “hành nhân đi
trên đường thiên lý.” Độc giả cả nước và người Việt ở nước ngoài hàng chục
năm nay luôn chờ đón những bài viết theo sát thời cuộc, giầu hình tượng, và bay
bướm của ngòi bút Hạ Đình Nguyên. Anh kêu gọi các nhà lãnh đạo đất nước phải có
tư duy độc lập Việt Nam, “không tư duy theo cái vẫy đuôi của Trung Quốc”.
Đau xót cho một đất nước mà những người cầm quyền tự xưng là đỉnh cao trí tuệ
chỉ biết “tư duy theo cái vẫy đuôi” của kẻ khác! Yêu mến Hạ Đình Nguyên,
có bạn đọc đã tập hợp các bài viết của anh thành một tập sách gần 500 trang có
nhan đề là: Hãy ngồi xuống đây.
Là một tù nhân ở chốn địa ngục trần gian Côn Đảo, Hạ Đình Nguyên không viết gì về những năm tháng máu lửa của mình. Anh chọn viết về sinh viên Nguyễn Văn Nhã, một người tù nổi tiếng gan góc, bị tra tấn cực kỳ dã man nhưng nhất định không khai ra đồng đội của mình, để “cảm nhận những gì mình đã trải qua”, như lời anh trong tác phẩm Ngày ấy giảng đường mà tôi đã nhắc đến ở đầu bài viết này. Thú thật là, tôi không thể hình dung ra có những người anh hùng như sinh viên Nguyễn Văn Nhã. Có những đoạn tôi không dám đọc nữa, phải nghỉ, vì nó tàn bạo quá, quá sức chịu đựng của “một người đọc”!
Nhã bị tra tấn ở Nha Cảnh sát Đô Thành Sài Gòn!
Ở đây có một “kỷ luật” là, nếu tù nhân đã khai rồi thì đánh chết cũng không
sao! Nhưng chưa khai gì cả mà đánh chết thì người tra khảo bị cách chức. Vì thế
người ta chỉ đánh người sinh viên nhỏ con, gầy yếu này chỉ đến mức cận kề cái chết,
để sau đó còn đánh tiếp, lấy lời khai. Tất cả các ngón đòn tra tấn của Nha Cảnh
sát đều không khuất phục được Nhã, họ phải cầu cứu các chuyên gia bên cơ quan
Phản gián để giúp sức nhưng vẫn vô hiệu! Nhã chỉ được thả về lúc 13 giờ chiều
ngày 29.4.1975 khi Sài Gòn sắp thất thủ!
Cái con người trẻ tuổi Nguyễn Văn Nhã khát khao cuộc sống cao đẹp ấy, chấp nhận vượt qua mọi thách thức ấy, sau 1975 lại trở về giảng đường tiếp tục học và làm Phó bí thư đoàn bên cạnh Bí thư đoàn trường Hạ Đình Nguyên. Ít lâu sau, Nhã đã nghỉ làm việc nhà nước... Hai mươi năm sau, một lần gặp Nhã trên đường phố, thấy Nhã đi chiếc Dream II (Giấc mơ II), Nguyên hỏi: Anh đã chuyển sang Giấc mơ II? Nhã trả lời: Giấc mơ I là độc lập hòa bình, giấc mơ II là phồn vinh, dân sinh, dân chủ! Nguyên viết: “Chúng tôi chia tay. Anh hòa nhập vào dòng người trên đường phố, tôi thoảng nhớ đến nhiều người khác cùng thế hệ...” (trang 74, Ngày ấy giảng đường).
Ngày ấy giảng đường chính là một tác phẩm viết về sự vỡ mộng của một thế hệ trí thức trẻ ở Miền Nam đã tin theo những người Cộng sản khi họ giương lá cờ yêu nước, độc lập dân tộc để dành lấy chính quyền. Nhưng khi đã toàn thắng và thiết lập được một nhà nước toàn trị trên cả đất nước thì những người Cộng sản thực thi một chủ nghĩa không tưởng là chủ nghĩa xã hội.
Khi “Những thiên đường vỡ chợ, những học
thuyết đứng đường” (thơ Trần Mạnh Hảo) này tan rã trên phạm vi toàn cầu thì
với khẩu hiệu: Đổi mới, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... một
chủ nghĩa tư bản man rợ đã ngự trị đất nước. Với kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa, các tập đoàn mafia ra đời. Từ những năm 90, nhà thơ Nguyễn
Duy đã viết:
Thời buổi thị trường mọi việc đều có thể
Có thể nước này mua trọn gói nước kia
Có thể lập những liên minh ma quỷ
những công ty bán nước từng phần
(Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn 2010, trang 387)
Ông Hạ Đình Nguyên và CLB Lê Hiếu Đằng biểu tình chống Tập Cận Bình. Ảnh Trần Bang. |
Vụ cướp đất của dân nghèo Thủ Thiêm diễn ra suốt
hơn 20 năm, tàn bạo và trắng trợn của “những liên minh ma quỷ” là một
minh chứng rằng cái xã hội cao đẹp mà thế hệ Nguyễn Văn Nhã, Hạ Đình Nguyên, Lê
Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm khao khát chỉ là một giấc mơ (dream) không bao giờ có!
Lại bắt đầu dấn thân “trên đường thiên lý”! Đó là thông điệp về một tấn bi kịch từng có ở trời Âu với những Jean-Paul Sartre, Bertrand Russel, Jane Fonda... vào thế kỷ trước, và Việt Nam hôm nay. Ngày ấy giảng đường là một tác phẩm triết học đích thực được sáng tạo từ một hình tượng không hư cấu, đó là sinh viên cuồng tín Nguyễn Văn Nhã. Có ai đó đã nói một câu thế này: Sáng tạo ra một chủ nghĩa bao giờ cũng là những bậc thiên tài, thực hiện cái chủ nghĩa đó bao giờ cũng là những người cuồng tín và hưởng thành quả của chủ nghĩa đó bao giờ cũng là bọn lưu manh. Phải chăng...?
Trong những nhà đấu tranh dân chủ ở Sài Gòn hiện nay mà chính quyền toàn trị gọi là “những thế lực thù địch”, Hạ Đình Nguyên là một trong những người được “chăm sóc” cẩn thận nhất! Bất cứ một sự kiện nào sắp xảy ra như biểu tình chống Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển chủ quyền nước ta, biểu tình chống Formosa hủy diệt môi trường biển miền Trung, phản đối Tập Cận Bình qua Việt Nam, v.v. thì an ninh, dân phòng... đều cắm chốt trước cửa nhà anh từ mấy ngày trước. Họ dựng lều ngủ qua đêm, họ canh phòng ở dưới mé sông Sài Gòn cặp vườn nhà anh.
Phải chăng anh từng là Chủ tịch Ủy ban hành động
năm xưa?! Ngày biểu tình lịch sử 10 tháng 06 năm 2018 vừa qua, tôi và anh bạn đồng
hương T. R. của anh vượt được “rào cản” quyết tâm đến thăm anh vì nghe tin dữ,
anh đang bệnh rất nặng, khó qua khỏi, sự sống tính bằng ngày... Vậy mà tới cổng
đã thấy an ninh canh giữ anh từ xa, từ gần. Vào đến nhà vợ anh than: Bệnh nặng
thế mà vẫn canh! Tôi an ủi chị: Vậy là anh Nguyên đã “chia lửa” với đồng
bào đang biểu tình rầm rộ ở trung tâm thành phố chống luật đặc khu! Hạ Đình
Nguyên yếu quá rồi, người gầy tong, tóc tai phờ phạc...
Bây giờ thì đã muộn quá rồi, bạo bệnh đã cướp mất anh rồi. Con người Quảng Nam mà chẳng “cãi” ai bao giờ. Anh chỉ mủm mỉm cười sắt đá! Nguyên ơi! Sao anh nỡ vội ra đi, không chịu “nán lại cái phút giây cực lạc để sống thêm ít phút nhọc nhằn trên cõi đời ô trọc này!” (Shakespeare).
Đất nước đang cần có anh, đồng bào đang cần có
người “hành động” như anh. Cuộc sống sẽ thiếu anh, sẽ thiếu Hạ Đình Nguyên ở tất
cả những nơi nào cần có tình thương và lẽ phải! Anh nỡ nào ra đi để những hàng
sao cao vút trong vườn vẫn lao xao trong gió mỗi sớm chào đón anh. Anh nỡ nào
ra đi để bầy chim ngói vẫn sà xuống sân vườn đi bộ mỗi chiều chờ anh cho chúng
ăn...
Nguyên ơi! Hẹn Nguyên trên đường thiên lý...
Sài Gòn, ngày 04 tháng 07 năm 2018
LÊ PHÚ KHẢI
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.