Tàu sân bay USS Carl Vinson trong cuộc tuần tra tại Biển Đông, ngày 03/03/2017. Trong ảnh, chiến đấu cơ F-18 đang chuẩn bị cất cánh. |
Trung Quốc có sử
dụng vũ lực hay cưỡng chế ở Biển Đông hay không ? Đối với người Việt
nhất là ngư dân mưu sinh trên biển, thì đây là một câu khẳng định chứ
không phải ở thể nghi vấn. Tuy nhiên theo phân tích của tiến sĩ
Constantinos Yiallourides (*) trên The Diplomat, sức nặng của từ ngữ là rất đáng kể.
Căng
thẳng thường xuyên tăng lên tại Biển Đông trong những năm gần đây do
các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc, ngày nay đã trở
thành một chuỗi các căn cứ quân sự hoàn chỉnh, được trang bị các phi
đạo, thiết bị chiến tranh điện tử, hỏa tiễn chống hạm tầm xa và hỏa tiến
địa-không.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ hôm 03/06/2018 đã ra một thông cáo chung, truyền đạt « sự phản đối mạnh mẽ » của chính phủ các nước này «
về việc sử dụng vũ lực và cưỡng bức cũng như các hành động đơn phương
nhằm thay đổi nguyên trạng, và lợi dụng tính chất tranh chấp cho mục
đích quân sự tại Biển Đông ».
Gần đây nhất, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tố cáo Trung Quốc dùng quân đội« cho mục đích đe dọa và cưỡng bức », cảnh báo nếu tiếp tục sẽ nhận lãnh « những hậu quả ».
Sự chọn lựa từ ngữ đặc biệt này, nhất là dùng từ « cưỡng bức »
để mô tả các hành động của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, theo nhà
nghiên cứu Yiallourides, không phải là vô tình. Ngược lại, « mục đích cưỡng bức » là
một trong những tiêu chí mà theo đó hành động của một Nhà nước có thể
bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế về việc cấm sử dụng vũ lực, như đã
quy định ở Điều 2 Khoản 4 Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Theo chuyên gia về việc sử dụng vũ lực, giáo sư Olivier Corten, « mục đích cưỡng bức » phản ánh mục tiêu rõ ràng hoặc tác động của việc « áp đặt lên ý chí của một Nhà nước khác », buộc phải chấp nhận một hiện trạng mới.
« Mục đích cưỡng bức »
đặc biệt liên quan đến các tình huống như triển khai quân đội và chiếm
đóng một lãnh thổ tranh chấp mà không lâm chiến. Chẳng hạn như việc Ấn
Độ sáp nhập vùng Goa một cách chớp nhoáng năm 1961, hay Nga chiếm Crimée
năm 2014, và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đưa quân sang chiếm
đóng quần đảo Socotra của Yemen năm 2018.
Trong
vụ Israel dựng lên một bức tường tại lãnh thổ Palestine chiếm đóng năm
2004, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhận định đây là sự chiếm hữu lãnh
thổ bằng vũ lực, vi phạm Điều 2 (4) Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Dù phía
Israel bảo đảm rằng bức tường này chỉ là tạm thời, ICJ vẫn cho rằng « việc xây dựng bức tường tạo ra ‘việc đã rồi’ trên mảnh đất này, và rất có thể trở thành vĩnh viễn » - như đã được chứng minh – « tương đương với việc sáp nhập trên thực tế ».
Cho
dù vào năm 2015, ICJ vẫn chưa phân xử việc Nicaragua khi gởi quân sang
vùng biển tranh chấp với Costa Rica là sử dụng vũ lực hay không, thẩm
phán Patrick Robinson vẫn đưa ra ý kiến riêng về vấn đề này.
Ông Robinson nhận định «
không có phát súng nào được bắn ra, không có loại vũ khí hạng nặng nào
được sử dụng và chắc chắn là chẳng cần phải giết ai cả, trước khi một
Nhà nước được cho là đã vi phạm điều khoản cấm ». Tuy vậy ông lý luận « ý định và mục đích » cũng như« động cơ »
của Nhà nước xâm chiếm nằm trong các yếu tố liên quan để phán xét xem
đây có phải là một sự xâm phạm bất hợp pháp khu vực tranh chấp hay
không, cho dù không đi kèm với xung đột vũ trang, vẫn vi phạm Điều 2
(4).
Trong trường hợp đặc biệt này, « sự hiện diện kéo dài » của các nhân viên và doanh trại quân đội Nicaragua, cùng với việc từ chối rút quân khỏi lãnh thổ tranh chấp, việc « chĩa vũ khí » vào các máy bay của Costa Rica rõ ràng cho thấy Nicaragua có « mục đích cưỡng bức », cụ thể là« sẵn sàng sử dụng vũ lực mỗi khi Nicaragua cảm thấy cần thiết », như là phương tiện « để thách thức các quyền chủ quyền của Costa Rica ». Theo
thẩm phán Robinson, cách xử sự của Nicaragua dẫn đến kết luận là nước
này đã sử dụng vũ lực, vi phạm Điều 2 (4) Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Vì vậy, dù Trung Quốc bảo đảm « sẽ không sử dụng vũ lực » để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, các hoạt động đào đắp và tiếp tục quân sự hóa các lãnh thổ tranh chấp, rõ ràng đã tạo ra việc đã rồi
trên thực địa, cưỡng bức các bên yêu sách chủ quyền khác phải chấp nhận
hiện trạng mới. Điều này cấu thành việc bành trướng lãnh thổ bất hợp
pháp thông qua vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế. Chắc chắn là với việc
quân sự hóa các đảo tranh chấp, Trung Quốc đã buộc các đối thủ không có
chọn lựa nào khác : hoặc ngậm ngùi chấp nhận hiện trạng mới, hoặc phải
đối mặt với một cuộc chiến tranh nhiều tổn thất trước một Nhà nước hùng
mạnh, có vai trò chiến lược trong khu vực.
Ngay
cả sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã phán quyết yêu sách
hầu như toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh là vô căn cứ, Trung Quốc vẫn đều
đặn tiếp tục các hành động bành trướng trong khu vực. Theo nhà chính
trị học hàng đầu, giáo sư Taylor Fravel, Trung Quốc sử dụng vũ lực trong
tranh chấp lãnh thổ nhằm « tỏ ra cứng rắn về mặt chủ quyền và răn đe các đối thủ khác trong mọi xung đột ».
Vì
sao việc phân loại này là quan trọng trong luật pháp quốc tế ? Có gì
khác biệt về phương diện luật pháp, khi đánh giá các hành vi của Trung
Quốc trên Biển Đông là sử dụng vũ lực, theo ý nghĩa của Điều 2 (4) Hiến
chương Liên Hiệp Quốc ?
Trước
hết, việc đánh giá các hành động của Trung Quốc ở Trường Sa như là sử
dụng vũ lực, theo luật pháp quốc tế sẽ mở ra khả năng đáp ứng bằng hành
động tự vệ. Tuy nhiên, tự vệ chỉ có thể coi là chính đáng nếu đối mặt
với một cuộc tấn công vũ trang (Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc), như
ICJ đã nêu trong phán quyết giữa Nicaragua và Hoa Kỳ, một trong « những dạng thức sử dụng vũ lực trầm trọng nhất », khác với những dạng khác ít nặng nề hơn.
Việc
sử dụng vũ lực của Trung Quốc là tương đối nhỏ để có thể coi là tấn
công vũ trang theo nghĩa pháp luật, nhưng là một phần của các hành động
vũ trang tiệm tiến, mà khi cộng dồn lại sẽ trở thành một sự chuyển đổi
mang tính chiến lược trên lãnh thổ, có lợi cho Trung Quốc. Như vậy, theo
tác giả, cho dù mỗi lần triển khai lực lượng đơn lẻ không đủ nghiêm
trọng để coi là tấn công vũ trang, nhưng nhìn một cách tổng thể, các
hành động này có thể nằm trong phạm vi của Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp
Quốc (được gọi là lý thuyết « tích lũy các sự kiện »).
Thứ
hai, điều này có thể mở ra cánh cửa cho các biện pháp đối phó của bên
thứ ba. Có một sự đồng thuận rộng rãi là việc cấm sử dụng vũ lực là một
nghĩa vụ « erga omnes » (theo công pháp quốc tế, có nghĩa là nghĩa vụ mà một Nhà nước phải thuận theo « cộng đồng quốc tế nói chung »).
Chẳng hạn một nước có quyền xử lý các hành động hải tặc, diệt chủng, nô
lệ…xảy ra trên lãnh thổ mình, bởi công dân một nước không trừng trị
những hành động trên. Trong trường hợp xảy ra vi phạm nghĩa vụ « erga omnes »,
có nghĩa là tất cả các Nhà nước khác đều có quyền dùng biện pháp đối
phó không mang tính cưỡng bức để chấm dứt vi phạm, như là họ trực tiếp
bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng vũ lực này.
Có nhiều ví dụ khác nhau trên thực tiễn cho thấy các Nhà nước có thể đáp trả những vi phạm nghĩa vụ « erga omnes »
bằng cách sử dụng những biện pháp đối phó hợp pháp. Có thể kể : những
trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Liên Xô cũ vì đóng quân dọc theo biên giới
Ba Lan, được coi là đe dọa hòa bình thế giới ; Cộng đồng châu Âu trừng
phạt Achentina vì đã xâm lược vũ trang quần đảo Falkland và bị Hội đồng
Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án là « vi phạm hòa bình ».Hoặc các
biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đối với Nga vì đã
sáp nhập Crimée và can thiệp vào miền đông Ukraina.
Theo
đó, nếu việc Trung Quốc chiếm đóng và đơn phương triển khai lực lượng
vũ trang trên quần đảo Trường Sa được coi là sử dụng vũ lực chống lại
các nước đòi hỏi chủ quyền, cấu thành vi phạm tiêu chí « erga omnes »,
thì các nước thứ ba dù không bị ảnh hưởng trực tiếp vẫn có thể viện đển
trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc. Với vi phạm này, có nghĩa là các
quốc gia khác ngoài các bên đòi hỏi chủ quyền Biển Đông (Việt Nam,
Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan) cũng có thể áp đặt một loạt các
biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Tuy
vậy, nước nào có thể sẵn sàng sử dụng các biện pháp đối phó như trên
thì còn phải chờ xem. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, liệu có quốc
gia nào quyết tâm đưa Trung Quốc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế ?
(*)
Tiến sĩ Constantinos Yiallourides chuyên nghiên cứu Luật quốc tế về
tranh chấp lãnh thổ tại Viện Luật quốc tế và so sánh của Anh quốc
(BIICL) và là tác giả chính của công trình nghiên cứu, được công bố vào
tháng Bảy năm 2018 « Sử dụng vũ lực liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.