mercredi 11 juillet 2018

Lưu Trọng Văn - Nỗi buồn dưới chân Khải Hoàn Môn



Gã đang ngồi dưới chân Cổng Mừng Chiến Thắng - Khải Hoàn Môn, Paris.

Đất nước gã ngàn năm bao cuộc chiến tranh, máu xương dân gã đổ như nước sông Hồng giành và bảo vệ Non sông của Tổ tiên, vậy mà không hề có nổi một Khải Hoàn Môn kỷ niệm chiến thắng muôn giặc ngoại xâm phương Bắc, phương Tây.

Lúc này gã bần thần nhìn bức tượng người lính ra trận trần truồng, chim cò như nòng súng của duy trì giống nòi và bức tượng người lính ấy chiến thắng trở về, cô gái dâng vòng nguyệt quế và bầu vú trinh nguyên.

Gã không khỏi xúc động khi dưới vòm của Khải Hoàn Môn này năm 1865 thi hài của văn hào Victor Hugo đặt ở đó, trong lễ quốc tang lớn nhất mọi thời đại của nước Pháp với những người cùng khổ và gã gù nhà thờ Đức Bà.

Không chỉ vó ngựa, thanh gươm làm nên chiến thắng, mà cả áng văn, bản giao hưởng, thi ca.

Nơi đặt thi hài Victor Hugo để dân Pháp đến viếng ngày ấy, giờ đặt ngôi mộ của một người lính vô danh đã hy sinh trong Thế chiến thứ Nhất bảo vệ nước Pháp.

Mộ người lính vô danh chứ không phải mộ Napoleon - vị chỉ huy vĩ đại và cũng là người năm 1806 cho xây dựng Khải Hoàn Môn này.

"Nơi đây yên nghỉ một người lính chết vì Tổ quốc - 1914-1918"
Nỗi buồn bám gã.

Làm sao không thấy đau khi bên cạnh mộ người lính vô danh và các bia tưởng niệm những lính Pháp đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh có cả tấm bia đồng tưởng nhớ, ghi ơn những người lính Pháp đã chết ở Đông Dương - Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chết vì xâm lược, giày xéo tổ quốc của gã.

"Đất nước biết ơn các chiến binh Đông Dương"
Với gã, dù muốn hay không muốn, cuộc xâm chiếm cướp bóc thuộc địa gây ra bao tang thương cho các nước thuộc địa không thể là trang sử vẻ vang, tự hào của một nước Pháp của Hugo được?

Ai? Và bao giờ người Pháp đủ dũng cảm gỡ bỏ tấm bia một thời xâm lăng thuộc địa này khỏi Khải Hoàn Môn?

Gã đến Côn Đảo, lặng im hồi lâu nơi nhà yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh bị người Pháp bảo vệ thuộc địa giam cầm.

Tội gì?

Yêu nước. Yêu Tự do.

FB LƯUTRỌNG VĂN 11.07.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.