vendredi 6 juillet 2018

Trần Trung Đạo - Liên Xô của Tố Hữu và Vi Thùy Linh



Tháng 5, 1953, Tố Hữu viết bài thơ Đời Đời Nhớ Ông trong đó có nhiều câu gần như ai cũng thuộc, không phải thuộc để ngâm nga khi cao hứng nhưng để khinh bỉ một con người đồng nghĩa với vong thân, nô lệ. 

Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
………….
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười.

(Tố Hữu, Đời Đời Nhớ Ông, tháng 5, 1953) 
Stalin đã chết và người cháu da vàng của y ở Việt Nam là Tố Hữu cũng đã chết, nhưng 65 năm sau dòng máu độc tuyên truyền cộng sản (CS) vẫn còn chảy trong nhận thức của một nhà thơ khác, lần này là Vi Thùy Linh. 

Nhà thơ Vi Thùy Linh phát biểu trong phần bình luận trận banh giữa Tây Ban Nha và Nga trên hệ thống VTC, trận đó Nga thắng bằng phạt đền: 

“Cuối cùng, tôi thấy rằng, sức mạnh của Hồng quân Xô Viết từng giải phóng châu Âu, sức mạnh của tình cảm, nền tảng cổ động viên lớn giúp chàng trai Nga tuyệt vời, vượt qua hai trận đấu chính, vượt qua hai hiệp phụ".

Một người làm thơ tuyên truyền, một người làm thơ kiêm bình luận đá banh nhưng cả hai đều tôn sùng Liên Xô giống nhau. 

Việc nhà thơ Vi Thùy Linh đưa hồn ma CS Liên Xô chẳng liên quan gì vào trận banh đã bị nhiều người nhận xét là “ngô nghê”, “lạc lõng” hay “Vi Thùy Linh không biết xem bóng đá thì ở nhà ngủ cho lành, đừng Bình Loạn cho dân mê bóng đá nhờ!” 

Thật ra, ai mà chẳng có lần ăn nói “lạc lõng”, “vô duyên” và chuyện cô không rành kỹ thuật đá banh cũng có thể cảm thông. 

Điều đáng nói ở đây, Vi Thùy Linh thật sự tin rằng tinh thần Liên Xô dù đã cáo chung 27 năm vẫn còn cháy bỏng trong từng cầu thủ Nga. 

Liên Xô giải phóng châu Âu?

Tùy theo phạm vi nghiên cứu và góc độ chủ quan của người nghiên cứu, Stalin được xếp hạng nhất, hạng nhì, hạng ba nhưng y luôn được hầu hết các sử gia và thống kê xếp vào một trong ba kẻ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại thời hiện đại gồm Hitler, Stalin và Mao Trạch Đông.

Timothy Snyder, sử gia Mỹ chuyên về lịch sử châu Âu và Holocaust, viết trên New York Time 10 tháng 3, 2011 một cách chi tiết: 

“Cho tới Thế Chiến Thứ Hai, chế độ Stalin giết người nhiều hơn Đức Quốc Xã. Đức chỉ bắt đầu giết người với tầm mức như Stalin sau Mật ước Molotov-Ribbentrop và cùng với Xô Viết xâm lăng Ba Lan vào tháng Chín, 1939. Khoảng 200 ngàn thường dân Ba Lan bị giết trong thời gian từ 1939 đến 1941, mỗi chế độ chịu trách nhiệm một nửa số người bị giết. Con số này bao gồm khoảng 50 ngàn công dân Ba Lan bị mật vụ và quân đội Đức bắn chết vào mùa thu 1939, 21,892 công dân Ba Lan bị mật vụ Liên Xô giết tại Katyn vào mùa xuân 1940, và 9,817 công dân Ba Lan bị giết vào tháng 6, 1941 trong một chiến dịch chớp nhoáng sau khi Hilter bội ước với Stalin và tấn công Liên Xô”. 

Mật ước Molotov-Ribbentrop bị che giấu mãi cho tới năm 1989, và ngay cả TT Nga Putin cũng đã thừa nhận là “phi đạo đức”. 

Phân tích để thấy Liên Xô không “giải phóng châu Âu” mà ngay từ đầu là tòng phạm giết người tập thể

Đức Quốc Xã và Liên Xô xâm lăng Ba Lan cùng một thời điểm, và cùng chịu trách nhiệm cho cái chết 200 ngàn dân Ba Lan đầu cuộc chiến. Stalin bắt tay chia phần với Hitler và đưa quân xâm lược ba nước vùng Baltic và một phần của Romania. Stalin đứng nhìn hàng triệu người dân Âu châu bị Hitler tàn sát cho tới sáng 22 tháng 6, 1941 khi Hitler mở chiến dịch Barbarossa.

Lịch sử nhất thời thuộc về kẻ thắng trận và nhất là mật ước Molotov-Ribbentrop bị giữ kín khá lâu nên Liên Xô vẫn thuộc vào phe đồng minh và chia chác vùng ảnh hưởng ở Đông Âu và Baltics chứ chẳng thật tâm giải phóng ai cả.

Ca ngợi một chế độ giết người nhiều nhất trong lịch sử nhân loại không chỉ thể hiện sự dốt nát về kiến thức mà quan trọng hơn chứng tỏ bản chất độc ác CS thấm quá sâu vào một con người do chế độ nhào nặn đến nỗi phát ngôn như phản xạ. 

Đó là chưa kể việc Vi Thùy Linhh thiếu đọc sách đến mức nghĩ Liên Xô là Nga. 

Các binh đoàn lớn của Liên Xô tấn công Đức ở châu Âu không chỉ có người Nga mà từ 15 nước “cộng hòa” kể cả ba nước Baltic bị Liên Xô chiếm trước đó không lâu. 

Nước chịu đựng tổn thất nặng nhất trong khối Liên Xô không phải là Nga mà là Ukraine. Dân số Ukraine trước Thế Chiến Thứ Hai là 41.5 triệu người nhưng sau chiến tranh chỉ còn 21.7 triệu người. Người lính cắm ngọn cờ lên tòa nhà Quốc Hội Đức Quốc Xã cũng là người Ukraine. 

Một người có sáng tác, sống ở thành phố, có học mà còn nhái như vẹt các tài liệu tuyên truyền của đảng thì kỳ vọng gì các cháu sinh ra vùng núi cao, lớn lên chỉ bằng sách vở tuyên truyền CS có thể hiểu khác hơn?

Viết tới đây, tôi lại nghĩ đến anh xe thồ trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng hôm 10 tháng 6 vừa qua. Anh lặng lẽ bước xuống đứng sau lưng Võ Hồng Ly để em khỏi cảm thấy cô đơn và hô “đả đảo Trung Cộng xâm lược” với em. 

Trước nỗi bất hạnh khi đất nước có những cánh chim công nghiệp như Vi Thùy Linh, dân tộc Việt còn may mắn có những chiếc cầu nối kết lòng yêu nước mà trái mìn CS không giật sập được. 

Trong lúc những kẻ có học nịnh bợ, a dua theo giới cầm quyền vì chút bả lợi danh, những người Việt yêu nước chơn chất như anh xe thồ không để họ tên kia sẽ giữ gìn đất đai, biển đảo, mồ mả tổ tiên và lịch sử Việt Nam.

FB TRẦN TRUNG ĐẠO 05.07.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.