Nicolás Maduro gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 01/09/2015. |
(Phóng sự của đặc phái
viên L’Obs tại Las Cristinas và Fuerte Tiuna, Venezuela, đăng trên số báo 10-17/09/2015) Các doanh
nghiệp Trung Quốc cầm chắc trong tay việc khai thác mỏ, xây dựng những công
trình địa ốc quy mô và biến Venezuela thành một thị trường béo bở cho hàng made in China…Giờ đây họ thất vọng. Tình
trạng mất an ninh và tham nhũng đang đe dọa công việc làm ăn.
Địa điểm từng là một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới
tại Las Cristinas ở miền nam Venezuela, đang bị bỏ hoang. Vùng đất mênh mông
hoang vu như Mặt trăng có trữ lượng ước tính 17 triệu ounce kim loại quý giá
này, được tập đoàn Trung Quốc China International Trust and Investment
Corporation (Citic) mua lại năm 2012.
Bắc Kinh đã cho chính phủ Venezuela vay 50 triệu trong số
470 triệu đô la dự kiến cho việc khai thác mỏ, nhưng công việc vẫn chưa bắt đầu
được. Mỗi ngày, hàng chục ngàn thợ mỏ đào lên lớp đất trộn mạt vàng của Las
Cristinas, một cách hoàn toàn bất hợp pháp. Họ nộp một tỉ lệ phần trăm lợi nhuận
cho giới quân sự và mafia vốn sát cánh nhau tại lãnh địa ngoài vòng pháp luật
này, nơi những kẻ tò mò không nên bén mảng tới.
Las Cristina không phải là dự án duy nhất đang bị chết cứng.
Đối với Citic cũng như nhiều công ty Trung Quốc khác đến Venezuela để làm giàu,
miền đất hứa mà ông Hugo Chávez hứa hẹn dần dà trở thành một cái bẫy rập.
Trong căn cứ quân sự Fuerte Tiuna rộng lớn, một phức hợp
được giám sát vô cùng nghiêm ngặt nằm cách trung tâm Caracas vài phút, tập đoàn
Citic cũng định xây dựng 116 tòa nhà xã hội. Đây là một công trường trọng điểm của
chính phủ Chávez, biểu trưng cho chính sách xã hội.
Nhưng dự án 1,6 tỉ đô la có tiến độ rất chậm. Ngân quỹ do
Nhà nước Venezuela và Trung Quốc hứa cấp gặp nhiều khó khăn, các vật liệu cần
thiết cho việc xây dựng rất hiếm hoi do tình trạng thiếu hàng hóa nói chung,
trong khi các công nhân ngại đến làm việc vì bị hăm dọa thậm chí ngay trong căn
cứ quân sự này.
Cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội sâu sắc, tham nhũng tăng lên
và cách quản lý tệ hại của Nhà nước mỗi làm các công ty Trung Quốc ngày lại thêm
vất vả. Để xây dựng một nhà máy sản xuất hàng điện tử gia dụng Haier ở phía nam
Caracas, Trung Quốc đã cho chính quyền cách mạng vay 800 triệu euro. Tiền thì
đã tiêu, nhưng công trình chỉ mới chậm chạp bắt đầu. Tập đoàn Kỹ nghệ khoan
thăm dò dầu lửa TQ-Venezuela (ICVT) mới khoan được 13 mũi thì đóng cửa, khiến
Nhà nước buộc phải nhập khẩu – luôn là từ Trung Quốc – các mũi khoan lớn còn
thiếu.
Tại Ciudad Guyana, các công nhân của China Railway
Engineering Corporation (Crec) sống khép kín trong các căn nhà tiền chế, di
chuyển bằng những chiếc xe buýt sơn chống nắng, còn đợi việc mở rộng khu bến
cảng công nghiệp bên bờ sông Orénoque, hợp tác với công ty Ferrominera của
Venezuela. Dự án không tiến triển. « Từ
khi toàn bộ ê-kíp lãnh đạo bị cách chức do tham nhũng năm 2013, công việc chưa
thực sự bắt đầu lại » - tùy viên báo chí tại chỗ của Ferrominera,
Manuel Páez cho biết.
Trong khi vùng này hết sức cần đến đầu tư ngoại quốc, sản
xuất của các doanh nghiệp Venezuela thuộc Tập đoàn xã hội Guyana gần như sụp đổ
sau khi bị quốc hữu hóa vào cuối những năm 2000. Nhưng cũng như các công ty
Trung Quốc khác, Crec « không muốn
thông tin » về những khó khăn gặp phải ở Venezuela.
Bắc Kinh cho vay để mua hàng Trung Quốc
Trung Quốc và các công ty của họ đã đầu tư rất lớn vào
Venezuela từ khi nhà cách mạng Hugo Chávez lên nắm quyền năm 1999. Trong không
đầy một thập kỷ, Bắc Kinh đã cho Nhà nước Venezuela vay trên 50 tỉ đô la để tài
trợ cho gần 300 dự án hợp tác kinh tế văn hóa. Nhưng thật ra họ cũng chẳng thiệt
thòi gì. Một phần lớn số tiền cho vay được chính quyền Venezuela sử dụng để
nhập hàng…Trung Quốc ! Phân nửa số tín dụng cho Venezuela được chi bằng
đồng nhân dân tệ, một đồng tiền không chuyển đổi được.
Nhà kinh tế Rafael Macquae giải thích : « Trong khi đa số các công ty ngoại
quốc phải chịu đựng khó khăn với ba tỉ giá hối đoái khác nhau và nạn thiếu
nguyên vật liệu trầm trọng, các công ty Trung Quốc thủ lợi từ các hiệp định hợp
tác dành cho họ những ưu tiên trong nền kinh tế ».
Tại Fuerte Tiuna, hàng ngày người dân Venezuela vẫn xếp hàng
trước địa điểm một chương trình nhà nước mang tên « Ngôi nhà được trang bị đầy đủ » với hy vọng mua được
một ti-vi hay một chiếc tủ lạnh Trung Quốc. Đó là nơi duy nhất có thể mua được
hàng điện tử gia dụng với giá phải chăng, chủ yếu mang nhãn hiệu Haier. Theo
Maria Fernandez, một nữ khách hàng : « Hàng
ở đây được trợ giá rất nhiều, lò vi sóng rẻ gấp năm lần so với ngoài tư
nhân ». Tuy nhiên rất khó biết được chính xác những loại hàng made in China nhập khẩu này gây tốn kém
bao nhiêu cho Nhà nước Venezuela.
Chính phủ chưa bao giờ công bố số tiền thu được từ 600.000
thùng dầu mỗi ngày xuất sang Trung Quốc để đối lấy đủ mọi thứ hàng và dạng thức
hỗ trợ. Một phần số tiền bán dầu được sử dụng để nhập hàng tiêu dùng thiết yếu,
hàng ngàn chiếc xe buýt công cộng và hai vệ tinh dân sự, có cả trang thiết bị
an ninh. Tháng 1/2013, Venezuela đã mua loại xe chống bạo động Norinco VN-4 của
Trung Quốc.
Một phần khác dùng để thành lập 9 công ty hỗn hợp theo kiểu
Huawei và ZTE, đã thành công trong việc lắp ráp hàng triệu điện thoại di động
tại chỗ. Phần cuối cùng của món tín dụng, liên quan đến đa số dự án đề ra trong
« hiệp định Trung Quốc –
Venezuela » được dành cho các doanh nghiệp nhà nước Venezuela sử dụng
tiền, thiết bị và cố vấn Trung Quốc.
Mời đọc lại:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.