Khẩu hiệu "hãy cấp visa cho chúng tôi" trong một cuộc biểu tình tại Tokyo kêu gọi cho người xin tị nạn vào Nhật hôm 9/9/2015. |
Chỉ riêng trong ngày hôm qua, đã có 1.151 di dân
được cứu vớt trên Đại Tây Dương, và nếu tính từ đầu năm thì đã có trên
430.000 người vượt biển tìm đến đất hứa châu Âu. Tuy nhiên các nước đang
tỏ ra khắt khe hơn trong chính sách nhập cư.
Thủ
tướng Hungary đến Mỹ để bảo vệ chủ trương cứng rắn của mình trước Đại
hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày mai. Chính phủ Đức hôm nay 29/09/2015
thông qua nhiều biện pháp siết chặt quy chế tị nạn, không chấp nhận
người nhập cư từ các nước vùng Balkan. Còn Nhật Bản, một trong những
quốc gia xưa nay ít tiếp nhận người nhập cư nhất, chi ra 850 triệu đô la
để giúp đỡ di dân Syria và Irak, thay vì chấp nhận cho tị nạn.
Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết :
«
Năm ngoái, trong số 5.000 đơn xin tị nạn, Nhật Bản chỉ chấp thuận có 11
người, và năm 2013 chỉ nhận 6 người trong đó có 3 người Syria. Vào
tháng Bảy, văn phòng Tokyo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc (HCR) về người tị
nạn đã yêu cầu chính phủ Nhật tiếp nhận người tị nạn Syria vì tình nhân
đạo. HCR vẫn luôn chờ đợi câu trả lời.
Trong khi đó, Bộ
Tư pháp Nhật Bản đã quyết định siết chặt các điều kiện được hưởng quy
chế tị nạn. Người tị nạn chỉ được cấp các visa đặc biệt về hỗ trợ nhân
đạo, nhưng không được công nhận tư cách tị nạn với toàn bộ các quyền lợi
để được hưởng các phúc lợi xã hội.
Nhật Bản đang phải
đối mặt với nạn dân số giảm sút mạnh mẽ. Tuy dân số giảm đi, nhưng chính
phủ tiếp tục ưu tiên trợ cấp tài chính thay vì tiếp nhận di dân. Các
công ty Nhật đang thiếu nhân công, đang kêu gọi mở cửa rộng rãi cho dân
nhập cư.
Nhật cũng là một trong những nước có chính sách
khắt khe nhất trên thế giới. « Chính sách Nhật Bản đang thực hiện trong
lãnh vực này cũng là điều chúng tôi mong muốn áp dụng tại Pháp » - một
người có trách nhiệm trong đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia đã giải thích
cho RFI như thế khi đến Tokyo cách đây vài năm ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.