jeudi 10 septembre 2015

Lính Nga tại Syria : Tiền lệ Crimée sẽ lặp lại ?

Một máy bay Sukhoi của Nga cất cánh từ Crimée ngày 27/08/2015.
(AFP 09/09/2015) Những căn nhà tiền chế có thể đón tiếp hàng trăm binh lính, một tháp kiểm soát, các phi cơ vận tải…Nhiều yếu tố cho thấy Nga tăng cường hiện diện quân sự tại miền tây bắc Syria, gây quan ngại cho Hoa Kỳ.

Về mặt chính thức, Nga chỉ có mặt trên lãnh thổ Syria với các cơ sở hậu cần cho quân đội tại cảng Tartous, bên bờ Địa Trung Hải.

Nhưng những ngày gần đây, các thông tin trên báo chí về sự tăng cường hiện diện quân sự, rồi đến những tấm ảnh trên mạng xã hội Nga với các lính Nga khẳng định đang ở trên đất Syria, khiến người ta lập tức phải đặt ra câu hỏi : Matxcơva đang âm mưu những gì tại Syria ?


Từ nhiều tháng qua, Vladimir Putin khoe ra hai phương pháp tiếp cận cho cuộc xung đột Syria : thúc đẩy các phe đối lập Syria thống nhất quan điểm để thương lượng với Damas nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị ; và thành lập một liên minh quân sự mở rộng với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và quân đội chính phủ Syria để chiến đấu chống quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Đề nghị này hiện nay chỉ nhận được rất ít ủng hộ.

Ngoài ra Tổng thống Nga còn nói rõ : ở thời điểm này, không có chuyện quân đội Nga tham gia các hoạt động quân sự trực tiếp tại Syria.

Chính trong bối cảnh này, những dấu hiệu đầu tiên của một sự hiện diện quân sự quy mô lại xuất hiện !

Nhật báo Mỹ New York Times chạy tít trước tiên hôm thứ Bảy 5/9, khẳng định Nga đã triển khai một đạo quân biệt phái, và đưa sang trang thiết bị cần thiết để xây dựng một căn cứ không quân ở vùng Lattaquié, thành trì của Bachar Al Assad ở miền tây bắc Syria. Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi cho người đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov để bày tỏ sự quan ngại trước nguy cơ « leo thang » xung đột. Hai Ngoại trưởng sẽ có cuộc điện đàm lần thứ nhì vào ngày thứ Tư 16/9 tới về vấn đề Syria.

Trước đó, các quan chức Mỹ cho AFP biết người Nga mới đây đã dựng lên các khu nhà tiền chế có thể làm chỗ trú ngụ cho « hàng trăm người », và một tháp kiểm soát không lưu cơ động. Có ít nhất ba chiếc phi cơ – gồm hai máy bay vận tải khổng lồ Antonov 124 Condor và một máy bay chở khách – đã hạ cánh xuống phi trường Lattaquié trong những ngày gần đây, cũng theo các viên chức Mỹ ẩn danh.

Họ kết luận : « Tất cả những sự kiện trên cho thấy việc thành lập một căn cứ không quân hiện đại », và cho biết không có « thông tin » về sự hiện diện tại chỗ của quân Nga.

Hậu quả đầu tiên : Bulgari, nước thành viên NATO loan báo đóng cửa không phận từ ngày 1/9 đối với các phi cơ Nga, mà theo Matxcơva là chỉ chở hàng viện trợ nhân đạo cho Syria. Tuy vậy Bulgari sẵn sàng cho phép bay qua nếu Matxcơva chấp nhận cho kiểm tra hàng hóa mang theo.

"Đội quân áo xanh" không quân hàm quân hiệu xuất hiện tại Crimée năm 2014.
Tiền lệ Crimée

Về phía Nga thì cải chính không hề tăng cường hiện diện quân sự. Matxcơva khẳng định chưa bao giờ giấu diếm sự hỗ trợ bằng vũ khí và cố vấn quân sự cho quân đội Syria « để chiến đấu chống khủng bố », nhưng từ chối nói rõ các máy bay Nga chở sang Syria những gì.

Chế độ Damas cũng lên án « tình báo phương Tây và Ả Rập » lan truyền những thông tin sai lạc.

Trả lời AFP, nhà phân tích độc lập Alexandre Golts nhắc lại rằng « khi cung cấp vũ khí, có thêm các loại cố vấn quân sự là chuyện bình thường ». Về các tấm hình những người lính hải quân trẻ tuổi đăng trên mạng xã hội, ông cho rằng đây là « những binh lính được đưa sang để giám sát chu vi bao quanh căn cứ Tartous ».

Đối với nhà phân tích Jeffrey White thuộc Viện Washington nghiên cứu chính sách Cận Đông, « nhiều trang thiết bị Nga được đưa đến qua eo biển Bosphore », nhất là các xe bọc thép, và « mục đích trước tiên là củng cố chế độ Syria ».

Sự hiện diện của Nga « sẽ làm giảm cơ hội thành công của phe nổi dậy », đặc biệt trong khu vực Lattaquié - vốn mang tính chiến lược đối với Bachar Al Assad vì được coi là vùng đất có thể là căn cứ địa cho Tổng thống và phe nhóm của mình. Từ nhiều tháng qua, quân nổi dậy đã tăng cường áp lực tại đây.

Vào lúc Crimée bị sáp nhập, những đơn vị tinh nhuệ của quân đội Nga đã được triển khai, và ban đầu, Matxcơva khăng khăng chối cãi mọi sự can thiệp. Một năm sau đó, Vladimir Putin mới nhìn nhận rằng ông ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch tiến chiếm Crimée.

Mời đọc lại:

Ba Lan: Putin muốn chia chác Ukraina từ năm 2008


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.