vendredi 11 septembre 2015

Pháp: Vì sao di dân không được thương cảm như thuyền nhân Việt 1979 ?


Một tàu vượt biên Việt Nam được tàu "Đảo Ánh sáng" cứu.
Đăng ngày 11-09-2015

Trước làn sóng người nhập cư đổ vào châu Âu hiện nay, người Pháp vẫn có tâm lý e ngại, thờ ơ, cho đến khi những hình ảnh thương tâm của em bé Syria chết đuối đánh động được dư luận. Tâm lý này tương phản với phong trào cứu vớt thuyền nhân Việt Nam vào cuối thập niên 70.
Vào thời kỳ đó, một phong trào đầy cảm động đã nổi lên ở nước Pháp và nhiều quốc gia phương Tây khác, nhằm cứu vớt hàng chục ngàn thuyền nhân chạy trốn chế độ cộng sản Việt Nam trong các điều kiện bi thảm, và cả người Cam Bốt, người Lào.


Vô số hình ảnh những con tàu nhỏ bé trôi dạt trên Biển Đông được phổ biến rộng rãi, đã thức tỉnh lương tâm mọi người. Những hình ảnh này cũng giống những gì thấy được trên báo chí trong mấy tháng gần đây : những ánh mắt hoảng loạn, những thân người kiệt sức, chen chúc trên những con tàu thô sơ ở Địa Trung Hải.

Nhưng bối cảnh rất khác nhau. Nước Pháp vào lúc ấy với tỉ lệ thất nghiệp thấp (chỉ 3,3%, còn nay là 10%), đã nhiệt tình đón tiếp. Hơn nữa người Việt và người Cam Bốt đến từ Đông Dương thuộc Pháp cũ, biết được ngôn ngữ và ít nhiều thấm đẫm văn hóa Pháp, trong khi di dân hiện nay đa số là người Hồi giáo.

Đặc biệt là sự dấn thân ngoạn mục của giới trí thức Pháp thời ấy, cả cánh tả lẫn cánh hữu, từ nhà văn đồng thời là nhà triết học nổi tiếng Jean-Paul Sartre cho đến Raymond Aron – nhà báo kiêm nhà sử học, triết gia, chính khách.

Cuối năm 1978, tàu Hải Hồng chở 2.500 người Việt Nam đã đến được Malaysia nhưng bị đẩy ra, phải trôi dạt 45 ngày trên biển từ bến này sang bến khác, đã gây xúc động lớn. Các nhà báo quay phim những cảnh khốn khổ của thuyền nhân trên tàu trong đó có nhiều trẻ em: thiếu thức ăn, nước uống, thuốc men, trốn tránh ánh nắng đổ lửa dưới những tấm bạt rách nát. Cuối cùng, các nước châu Âu quyết định tiếp nhận những người Việt tị nạn này.

Bị chấn động trước số phận chiếc tàu vô tổ quốc, và thảm kịch của những người mà người ta bắt đầu gọi là « boat people », nhiều nhân vật tiếng tăm của Pháp tập hợp xung quanh bác sĩ Bernard Kouchner và triết gia André Glucksmann, năm 1979 đã quyết định tung ra chiến dịch « Một con tàu cho Việt Nam ».

Họ vận động quyên góp để cải tiến một chiếc tàu mang tên « L’île de lumière » (Đảo Ánh sáng) thành một tàu bệnh viện, đi vớt các thuyền nhân khác trên Biển Đông, rồi thả neo ở đảo Palau Bidong (Malaysia) để các bác sĩ Pháp tình nguyện chăm sóc cho 34.000 người Việt bị giam trên đảo.

Các nhà trí thức lớn Jean-Paul Sartre, Raymon Aron và André Glucksman (đứng) chung sức cứu thuyền nhân Việt.
Trên đài truyền hình TF1, người dẫn chương trình Roger Gicquel kêu gọi : « Hỗ trợ cho chiến dịch không chỉ là hào hiệp mà còn là điều cần thiết ». Người bác sĩ trẻ Kouchner từ trên boong tàu « Đảo Ánh sáng » thuyết phục nhà báo Jacques Abouchar trước ống kính đài truyền hình France 2. Vị « French doctor » muốn tuyên truyền rộng rãi trên truyền thông, trong khi những người khác lại muốn âm thầm hoạt động.

Ủy ban « Một con tàu cho Việt Nam » được thành lập, được nhiều nhân vật lỗi lạc ủng hộ : triết gia Michel Foucault, giáo sĩ Do Thái Josy Eisenberg, Đức Hồng y François Marty, nhà văn Đức Heinrich Boll, ca sĩ kiêm diễn viên Yves Montand…

Ông Michel Rocard, chính khách đảng Xã hội chống lại chủ nghĩa cộng sản, ký vào bản kiến nghị nhưng Tổng thư ký đảng là ông François Mitterrand thì không. Một bộ phận trong cánh tả Pháp vẫn e dè vì nhiều người vẫn coi chủ nghĩa cộng sản là một mô hình để noi theo.

Cảm động nhất là sự ủng hộ của nhà văn mác-xít Jean-Paul Sartre và nhà trí thức lớn chủ trương tự do Raymond Aron, hai nhân vật này vốn không nhìn mặt nhau suốt 30 năm qua. Hôm 20/09/1979, Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đã hội tụ ở điện Elysée nhiều tên tuổi, trong đó hai trí thức lừng lẫy trên đã siết chặt tay nhau. Đó là một hình ảnh gây tác động mạnh mẽ, chứng tỏ một nước Pháp đoàn kết, ít nhất là trong chủ đề thuyền nhân Việt.

Nhân dịp này, nhà văn nổi loạn Jean-Paul Sartre đã trở thành nhà hoạt động nhân đạo. Ông nhắc lại những từ ngữ mà chính ông đã chỉ trích nhà văn Albert Camus 25 năm về trước : « Tôi ủng hộ những con người mà có lẽ không phải là bạn tôi vào thời kỳ Việt Nam đấu tranh cho tự do, nhưng điều này có quan trọng gì, vì đó là những người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng ». 

Tiếp bước triết gia Aron, cánh hữu Pháp trở nên thoải mái hơn trong hồ sơ này. Đô trưởng Paris là ông Jacques Chirac đưa ra lời kêu gọi tiếp đón boat people, và bản thân ông cũng nhận một thuyền nhân trẻ Việt Nam – cô Anh Đào – làm con nuôi.

Năm năm sau đó, vào năm 1984, một nhóm nhạc rock Pháp mang tên Gold phát hành một album trong đó có bản nhạc « Gần bên những ngôi sao », nhằm vinh danh thuyền nhân Việt Nam, đã thành công rực rỡ với 900.000 đĩa bán ra.

Thuyền nhân đổ bộ lên đảo Lesbos, Hy Lạp ngày 10/09/2015.
Từ năm 1975 đến đầu thập niên 80, đã có trên 120.000 người Việt Nam được đón tiếp tại Pháp, được cấp giấy tờ chính thức là « người tị nạn ». Giáo sư Karine Meslin vào năm 2006 đưa ra con số « 128.000 người Đông Dương, trong đó có 47.356 người Cam Bốt đã nhập cư hợp pháp vào lãnh thổ nước Pháp ». Nhiều người khác đến Pháp nhưng không với tư cách tị nạn.

Từ năm 1975 đến 1985, trên một triệu người Việt đã bỏ trốn khỏi đất nước, trong đó có 800.000 boat people, và theo các nhà nghiên cứu, một phần tư những người vượt biên đã thiệt mạng.

Vì sao cuộc khủng hoảng di dân hiện nay không tạo nên được một làn sóng tương trợ như đối với thuyền nhân Việt Nam cuối thập niên 70 ? Bên cạnh nguyên nhân kinh tế và văn hóa như đã nói ở trên, còn có nhiều lý do khác.

Đợt sóng thuyền nhân Việt mang tính giai đoạn, trong khi áp lực dân số ở châu Phi, sự phức tạp của những cuộc xung đột ở lục địa đen và Syria, quân thánh chiến đủ các phe nhóm có thể tạo nên những cuộc di dân hàng loạt kéo dài.

Nhiều người còn nêu lên mặc cảm của cánh tả Pháp, trước đây ngưỡng mộ chủ nghĩa mác-xít, nên giang tay cứu vớt những người tị nạn cộng sản như một cách chuộc lỗi. Còn trước Hồi giáo cực đoan hiện nay, châu Âu không có cùng tình cảm này, ngược lại còn là nạn nhân. Bên cạnh đó, vai trò của trí thức Pháp cũng không còn như 36 năm về trước.

Thế nên cách đây vài tháng, khi xảy ra hàng loạt vụ chìm tàu làm chết hàng ngàn người trên biển, cũng đã có những lời kêu gọi tương trợ. Nhưng rốt cuộc, Địa Trung Hải năm 2015 không phải là vịnh Thái Lan năm 1979, và « Đảo Ánh sáng» đã không xuất hiện tại đây.

tags: Châu Âu - Quốc tế - Nhập cư - Tị nạn - Phân tích - Xã hội - Pháp - Việt Nam - thuyền nhân
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150911-vi-sao-di-dan-khong-duoc-thuong-cam-nhu-thuyen-nhan-viet-1979

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.