Là con gái Hoàng tử thứ hai của Quốc vương George Đệ ngũ, công chúa nhỏ
Elizabeth chào đời năm 1926. Công chúa chưa bao giờ đến trường mà được
giáo dục ngay trong Hoàng cung để trở thành một lady hoàn hảo – biết mỉm
cười, tiếp khách và khiêu vũ trong các cuộc tiếp tân thượng lưu ; chứ
không phải là người sẽ lên ngôi vị cao nhất trong vương triều.
Nhưng đến năm 1936, người chú Edward Đệ bát sau lên ngôi, lại muốn
cưới một phụ nữ Mỹ thứ dân, đã hai lần ly dị, nên bị truất ngôi vương
sau 327 ngày. Vương miện được trao cho người em trai với danh hiệu
George Đệ lục, và Elizabeth mới 10 tuổi, nhờ đó trở thành người kế vị.
Cũng như Nữ hoàng Victoria trước đây, Elizabeth Đệ nhị lập gia đình
vì tình yêu. Cô lấy người tình đầu tiên là Hoàng thân Philip, một chàng
trai 18 tuổi rất đẹp trai mà cô đã yêu từ năm mới 13 tuổi. Hoàng thân ở
bên cạnh Nữ hoàng trong vô số các chuyến công du. Ông năm nay 94 tuổi,
là chỗ dựa của bà, và có lẽ là người duy nhất biết được suy nghĩ thực sự
của Elizabeth Đệ nhị.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị và Hoàng thân Philip (Quận công Edinbourg) năm 2007. |
Trong vai trò Nữ hoàng, bà chưa bao giờ phạm một sai lầm nhỏ. Chiếc
váy chưa một lần bị gió thổi tung, chưa bao giờ lỡ lời, không quên những
cái bắt tay. Bà đã biết đến 12 đời Thủ tướng Anh, nhưng chưa bao giờ tỏ
ra thiên vị ai. Chỉ có một lần duy nhất, lúc Công nương Diana bị tai
nạn qua đời, Nữ hoàng vốn « chưa bao giờ than phiền cũng như giải thích », cuối cùng cũng hiểu ra rằng công chúng muốn lần này bà phá lệ, và sau đó đã lên truyền hình phát biểu.
Nữ hoàng không hề nao núng trước những tai tiếng của Hoàng gia, từ
những vụ ly dị đến ngoại tình. Trong Thế chiến, bà từng là lính cơ khí
của quân đội Anh, và không ngại du hành hàng ngàn cây số cho các hoạt
động ngoại giao của vương quốc.
« Nữ hoàng được lòng nhất mọi thời đại », theo như cuộc thăm dò của YouGov công bố cách đây vài ngày, có bí quyết gì ?
Giáo sư Bob Morris ở Luân Đôn trên nhật báo Les Echos cho rằng, trước
hết là ở sự kín đáo của bà. Elizabeth Đệ nhị chưa bao giờ trả lời phỏng
vấn, chưa bao giờ cho thấy cảm tưởng bà can thiệp vào chính trị. Không
ai biết được bà nghĩ gì – truyền thống này có từ đầu thế kỷ 20 trong
triều đại của Quốc vương Edouard Đệ thất.
Hoàng gia không có một nhiệm vụ chính thức nào, nên người ta có thể
đặt câu hỏi, vậy thì sự tồn tại của Hoàng gia Anh là để làm gì, và ngược
lại, nếu không hại gì đến ai, tại sao lại xóa bỏ ? Theo giáo sư Morris,
Hoàng gia Anh là một trong những định chế hiếm hoi đại diện cho toàn bộ
Anh quốc, vào thời điểm Scotland, xứ Galles và Bắc Ireland ngày càng
được tự trị nhiều hơn. Nữ hoàng rất được tôn trọng trong Khối thịnh
vượng chung, bà còn là người đứng đầu 15 quốc gia khác.
Theo Libération, Elizabeth Đệ nhị mang lại cho trí tưởng tượng của
thế giới phương Tây một vầng hào quang cổ tích. Dù dân chủ, các dân tộc
vẫn cần những biểu tượng cho sự đoàn kết, nối liền quá khứ với hiện tại.
Còn thần dân Anh coi vị Nữ hoàng như một chiếc bình từ lâu vẫn đặt trên
lò sưởi, nhắc lại cho cả gia đình những kỷ niệm chung và một thời huy
hoàng xưa cũ.
Đó là câu hỏi được đưa ra tranh luận trên Le Monde hôm nay. Nước Pháp
muốn cùng với Mỹ tiến hành không kích quân thánh chiến trên đất Syria,
việc này có thể đẩy lùi quân khủng bố hay ngược lại, làm tăng thêm sức
mạnh cho chúng ? Tờ báo đăng tải ý kiến khác nhau của hai nhà nghiên
cứu.
Theo bà Myriam Benraad, chuyên gia làm việc với CERI-Science Po và
Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), một chiến dịch trên bộ là cần thiết cho
vùng Cận Đông. Cần phải mở rộng hoạt động đa phương tại Irak, Syria,
Libya phối hợp với kế hoạch tái thiết các Nhà nước và đời sống xã hội
trên toàn vùng.
Không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các phe thánh chiến khác
có thể ngăn chận được phần nào đà tiến của quân khủng bố, cũng như
triệt hạ được một số lãnh đạo của chúng. Phá hủy cơ sở hạ tầng cũng giúp
cắt đường tiếp tế và viện quân. Tuy nhiên theo chuyên gia Benraad, nếu
chỉ không kích thì không thể thay đổi được thế cờ. Hiểu được điều đó,
Hoa Kỳ đã gởi đến các cố vấn quân sự. Đến lượt Nga cũng đưa ra kế hoạch
riêng, mà theo tác giả, chứng tỏ một sự đổi chiều mang tính thực dụng.
Việc can thiệp quân sự : vừa không kích vừa gởi liên quân dưới sự bảo
trợ của Liên Hiệp Quốc, cần đi kèm với hoạt động hỗ trợ dân sự và tái
thiết, đặc biệt tại các vùng đất mới giải phóng như Kobané đã biến thành
bình địa, người dân phải tự xoay sở để tồn tại.
Thế giới Hồi giáo Ả Rập đang chìm trong máu lửa, và những người tị
nạn đang chen chúc bên ngoài những cửa ngõ vào châu Âu, là những người
sống sót trong bạo lực ở Afghanistan, Irak, Libya, Syria. Những dân tộc
từ hơn một thập kỷ qua bị bỏ quên, nay đột ngột xuất hiện trước mắt một
thế giới đang sững sờ.
Trước sự trầm trọng của tình hình, chuyên gia Benraad cho rằng nhất
thiết phải đưa ra một chiến lược, nếu không có được giải pháp. Dù khó
khăn, nhưng cần phải nhìn nhận rằng ngõ cụt quân sự bắt đầu từ mặt trận
Afghanistan và Irak vào đầu thiên niên kỷ, lan đến Libya rồi Syria từ
năm 2011, sẽ còn kéo dài, nên vấn đề là tìm ra lối thoát ít tốn kém
nhất.
Ngược lại, giáo sư Philippne Droz-Vincent thuộc Viện nghiên cứu chính
trị ở Grenoble cảnh báo, không nên rơi vào chiếc bẫy do tổ chức Nhà
nước Hồi giáo giăng ra. Can thiệp quân sự của Mỹ vào Irak năm 2003 và
tình trạng hỗn loạn sau đó đã nuôi dưỡng các nhóm thánh chiến, sinh sôi
nảy nở thêm khi cuộc chiến Syria sa lầy. Ông kêu gọi không nên phạm phải
cùng một sai lầm.
Sa lầy là kết quả của tình trạng chế độ Bachar Al Assad đang yếu đi,
của cuộc chiến đấu ngay trong nội bộ các phe đối lập để kiểm soát phần
còn lại của Syria, và sự đối địch giữa IS với người Kurdistan ở Syria.
Các tác động gián tiếp của cuộc xung đột Syria không chỉ đè nặng lên
các nước láng giềng (Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordanie) mà còn lên cả trái tim
châu Âu, với luồng người tị nạn ồ ạt đổ về. Nhờ thông tin trên các mạng
xã hội, không một bức tường hay rào cản nào có thể ngăn bước họ. Tình
hình mới này đòi hỏi một lời đáp chính trị từ Liên hiệp Châu Âu, để quản
lý các yêu cầu tị nạn đông đảo, và một giải pháp quân sự mà chỉ có Pháp
và Anh có thể đáp ứng, do ngân sách quốc phòng nhiều nước châu Âu bị
cắt giảm nặng nề.
Không thể không đấu tranh chống khủng bố, trước các mối đe dọa như
các vụ hành hình, phá hủy di sản nhân loại, sự hiện diện của quân thánh
chiến châu Âu trong IS…Nước Pháp đã có kinh nghiệm qua việc can thiệp ở
Mali, Irak, Libya trong những năm gần đây.
Nhưng ông Droz-Vincent cho rằng can thiệp quân sự chống khủng bố lại
có nguy cơ rơi vào chiếc bẫy của IS, khi thánh chiến sẽ được lợi trước
sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc chống ngoại bang. IS tung hoành nhờ
hai cơ sở : cuộc chiến Syria sa lầy và cấu trúc Nhà nước Irak hậu Saddam
bị phá vỡ.
Không kích chỉ giúp tiến chậm trên thực địa, chưa kể những khó khăn
hiện nay nếu không cải tổ quân đội Irak và cải thiện đời sống thường
dân. Chắc chắn là từ nay cho đến bầu cử tổng thống Mỹ, sẽ không có can
thiệp quân sự vào Syria, và thay vào đó người Mỹ đành phải huấn luyện
một số chiến binh Syria (với chi phí lên đến 500 triệu đô la), và tung
ra chương trình tấn công bằng máy bay không người lái.
Nước Pháp với việc mở rộng không kích sang Syria, sẽ tiếp cận bàn cờ
khu vực phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh chống thánh chiến, nhưng
còn có ý đồ riêng : chắn lối người Kurdistan ; còn Nga đề nghị liên
minh riêng của mình trong đó có cả Damas. Tác giả nhắc nhở, đừng quên
Iran luôn bảo vệ một số nguyên tắc cơ bản, trong đó có việc duy trì vị
trí trong khu vực, đối địch với Ả Rập Xê Út, và Syria là một con cờ chủ
chốt.
Giáo sư Droz-Vincent tỏ ra ngờ vực, cho rằng động thái của Pháp chỉ
mang tính chính trị mà có rất ít hiệu quả, nếu chỉ tự bằng lòng với việc
không kích theo chủ trương của Mỹ.
Cũng liên quan đến Syria, thông tín viên Le Monde tại Matxcơva nói về « Sự hiện diện của quân Nga tại Syria bị các tấm ảnh tự chụp đăng trên mạng xã hội tố cáo ». Những bức ảnh này cho thấy dường như có một sự tăng cường hỗ trợ quân sự của Matxcơva cho Damas.
Can thiệp quân sự vào Syria liệu có quá sớm, như lời ông Vladimir
Putin khẳng định hay không ? Các hình ảnh đăng trên mạng Vkontakte, tức
Facebook của Nga, do những người lính Nga trẻ, thậm chí rất trẻ đăng
lên, đã gây bối rối.
Hôm 27/08, Pavel N. người gốc Sébastopol, Crimée của Ukraina đã bị
Nga sáp nhập, đã đăng trên tài khoản cá nhân một tấm ảnh mặc quân phục,
tay cầm vũ khí, trước một chiếc xe bọc thép sơn lá cờ Syria. Mới đây
thôi, Chủ nhật 06/09, Vania S., 19 tuổi, đăng ảnh bốn quân nhân với lời
bình : « Đây là Syria !!! Gay go lắm, các chàng trai ! ».
Nhiều ảnh khác đã bị xóa. Tấm ảnh mới nhất còn xem được của Maxime M.
27 tuổi, mặc đồ rằn ri trên boong một chiến hạm hôm 29/03 trước eo biển
Bosphore, Thổ Nhĩ Kỳ ; nhưng ảnh mới nhất trong đó anh lính đang tươi
cười trước một lán trại có treo tấm hình Bachar Al Assad và Vladimir
Putin chụp chung, thì đã biến mất. Các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết « có ba tàu lớn của Nga đã đi qua Bosphore ».
Còn nhiều ảnh khác của lính Nga chụp tại nhiều thành phố Syria khác
nhau như Tartous, Lattaquié, Homs…Loạt ảnh mới này chứng tỏ sự hiện diện
quân sự của Nga ngày càng tăng lên, nhất là những người lính này quá
trẻ để có thể là « cố vấn », « huấn luyện viên »…như Matxcơva vẫn nói.
Ở giai đoạn hiện tại, không có gì chứng tỏ những người trong ảnh có
tham gia chiến đấu, vì khuôn mặt họ tỏ ra thư thái. Nhưng một video đăng
trên YouTube ngày 23/08 do một dân quân thân Nga quay, cho thấy ngay
giữa trận chiến có những tiếng hô « Davai, davai ! Iécho raz ! » (Nào, nào, thêm một lần nữa !). Ngoài việc cung cấp thiết bị quân sự, không loại trừ lính Nga có tham gia chiến đấu.
Sự kiện này giống một cách kỳ lạ với các tấm ảnh selfies của các quân
nhân Nga gởi sang chiến đấu bên cạnh quân ly khai ở Donbass, miền đông
Ukraina. Ban đầu Matxcơva chối cãi, nhưng sau nhìn nhận đó là « tình nguyện quân ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.