Công nhân nhà máy Cafatex, Hậu Giang phân loại tôm xuất khẩu, 28/09/2015. |
Nhật báo Les Echos hôm nay có bài viết mang tựa đề « Trước tình trạng kinh tế Trung Quốc chậm lại, Việt Nam là một ngoại lệ », trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng khác nhau trước sự sa sút của Trung Quốc.
Tăng
trưởng chậm của Trung Quốc liên tục được khẳng định, và đè nặng lên
toàn khu vực. Michala Marcussen, kinh tế gia trưởng của ngân hàng
Société Générale nhận định : « Một số lãnh vực của kinh tế Trung
Quốc đang hạ cánh cứng, nhưng khu vực dịch vụ thì tiến triển hợp lý. Tuy
vậy chính sách kinh tế thay đổi bất thường, và đây sẽ là một sự hạ cánh chật vật ».
Những nạn nhân bị thiệt hại nhiều nhất là Hồng
Kông, Mông Cổ và Singapore, theo một nghiên cứu mới đây của Coface.
Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng Coface ghi nhận: « Rủi ro từ các
nước lớn mới nổi chuyển sang các nước nhỏ hơn thông qua các kênh nguyên
vật liệu, thương mại và chuyển tiền. Nhiều đồng tiền của các quốc gia
mới trỗi dậy đã bị mất giá từ tháng Tám so với đồng đô la ».
Hồng
Kông và Singapore bị tác động do hai nước này mua bán nhiều với Trung
Quốc, và cả do thị trường tài chính. Mông Cổ còn lệ thuộc nhiều hơn vì
đến 90% xuất khẩu là sang Trung Quốc, chủ yếu là nguyên vật liệu.
Nếu
Malaysia và Indonesia cũng bị ảnh hưởng do quan hệ thương mại với Bắc
Kinh, ngoài Ấn Độ, còn có một ngoại lệ đáng chú ý trong khu vực, đó là
Việt Nam. Với tỉ lệ tăng trưởng 6,81% trong quý III, quốc gia này nổi
bật qua sức sống mạnh mẽ. Đó là nhờ xuẩt khẩu (tăng 9,6% trong 9 tháng
đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái) và dịch vụ tăng, và cũng nhờ khả năng
thu hút đầu tư nước ngoài. Charlie Carré, nhà kinh tế chuyên về châu Á
của Coface giải thích : « Chất lượng người lao động Việt Nam tốt, cơ sở hạ tầng khá và mức lương lại thấp hơn Trung Quốc ».
Các
tập đoàn sản xuất xe hơi cũng như các nhà cung cấp sản phẩm công nghệ
(nhất là Samsung) đã dịch chuyển nhà máy đến Việt Nam. Một ưu thế khác :
ngoài dệt may, Việt Nam ngày càng lắp ráp nhiều các mặt hàng xuất sang
Hoa Kỳ và châu Âu. Lạm phát giảm (khoảng 1%) nhờ giá năng lượng giảm,
khiến tiêu dùng của các hộ gia đình cũng như số doanh nghiệp mới thành
lập tăng lên (tăng 29% trong năm nay).
Tương tự, « Ấn Độ và
các nước ASEAN không cần đến xuất khẩu nhiều như thế để tăng trưởng.
Tiêu dùng nội địa và nhu cầu đầu tư là các động cơ quan trọng hơn xuất
khẩu » - Elke Speidel-Walz, kinh tế gia trưởng về các thị trường
mới nổi của Deutsche Asset & Wealth Management nhận định. Nhưng để
thúc đẩy đầu tư, cần phải đẩy nhanh cải cách. Đó là việc mà Indonesia
đang cố gắng, do đang khiếm khuyết về quản lý, giáo dục, cơ sở hạ tầng.
Nước này vừa loan báo thủ tục rút gọn để lập công ty trong các khu công
nghiệp, và biện pháp kích thích về thuế khóa để lợi nhuận được giữ lại
trong nước.
Đó là điều mà Việt Nam cần phải làm, theo nhà kinh tế Charlie Carré. Việt Nam vẫn là «
một đất nước với nền kinh tế song đôi, dễ bị tổn thương do nhiều doanh
nghiệp nhà nước kém hiệu quả, lãnh vực ngân hàng yếu kém vì quan hệ quá
chặt với các doanh nghiệp này, và một Nhà nước quá nhiều nợ nần ».
Lỗ Vĩ bên cạnh Tập Cận Bình và Mark Zukerberk tại Washington, 23/09/2015. |
Lỗ Vĩ, Sa hoàng tuyên huấn mạng của Trung Quốc
Nhìn
sang Trung Quốc, thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải và Bắc Kinh
khắc họa chân dung của Lỗ Vĩ (Lu Wei), người lãnh đạo việc tuyên truyền
trên mạng của Trung Quốc. Ông quan báo này nắm giữ chiếc chìa khóa cửa
vào internet của 650 triệu cư dân mạng Trung Quốc.
Tờ báo cho
biết, ông ta xuất hiện bên cạnh Tập Cận Bình tại Seatle ở Hoa Kỳ, trong
tấm ảnh ghi lại cuộc gặp giữa người đứng đầu Trung Quốc và các tên tuổi
lớn của kinh tế kỹ thuật số Mỹ : Jeff Bezos, ông chủ của Amazon ; Mark
Zuckerberg, người sáng lập Facebook ; hay Tim Cook (Apple). Lỗ Vĩ, người
đàn ông thấp nhỏ, cằm vuông, thắt cà-vạt màu xanh được mệnh danh « Sa hoàng internet Trung Quốc » là người canh giữ cổng vào thế giới mạng của 650 triệu cư dân mạng.
Tại nền kinh tế thứ nhì thế giới, người lãnh đạo tuyên truyền trên mạng được cho là đã đưa mạng Vi Bác « vào khuôn phép ». Lỗ Vĩ cũng được Tập Cận Bình giao cho nhiệm vụ xúc tiến một khái niệm mới với thế giới, đó là « chủ quyền trên mạng ».
Theo đó, mỗi quốc gia phải « quét dọn sạch sẽ » trước cổng vào internet
của mình – một cách để hợp pháp hóa hệ thống kiểm duyệt Trung Quốc, mà
theo ngôn ngữ tuyên truyền của Lỗ Vĩ thì không cấm tự do ngôn luận, chỉ
nhằm « duy trì các lợi ích và bảo vệ an ninh ».
Từ đó cho đến việc quy kết các mạng xã hội là những công cụ « can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác » - một đề tài tuyệt đối cấm kỵ tại Trung Quốc - chỉ có một bước ngắn trong dự luật an ninh mạng đang được chuẩn bị, mà « Sa hoàng mạng » đang giám sát.
Lỗ Vĩ cùng các đại gia internet ở Mỹ, 23/09/2015. |
Muốn kinh doanh internet, phải biết nể mặt "Sa hoàng"
Tại
Seatle, nơi Lỗ Vĩ đi cùng với các siêu sao như tỉ phú Mã Vân (Jack Ma),
ông ta bắt đầu được vị nể. Nhà phân tích James Mulvenon của Defense
Group chuyến về gián điệp công nghiệp khẳng định, nhiều doanh nghiệp cho
biết đã bị đe dọa về hậu quả trong việc làm ăn tại Trung Quốc nếu không
gởi đến một người quản lý cấp tương đương đến gặp « Sa hoàng mạng ».
Le
Monde cho rằng thế lưỡng nan của Bắc Kinh là làm thế nào khai thác mọi
lợi ích kinh tế từ internet, không để bị qua mặt về kỹ thuật, nhưng
tránh được các tác động chính trị từ mạng xã hội.
Trường hợp
Facebook, bị chặn tại Trung Quốc là một ví dụ. Lỗ Vĩ « không gật cũng
chẳng lắc » lúc Mark Zuckerberg thăm Bắc Kinh tháng 10/2014. Hai tháng
sau, ông ta được Mark Zuckerberg đích thân tiếp đón tại Silicon Valley,
bên cạnh chiếc máy tính được cẩn thận đặt một chồng sách, diễn văn của
Tập Cận Bình. Muốn vào được thị trường Trung Quốc, Facebook buộc phải
chấp nhận việc kiểm soát các nội dung tiếng Hoa, như mọi mạng xã hội
khác. Facebook từ chối, nhưng cho đến bao giờ ?
Trong lãnh vực
internet, Lỗ Vĩ là minh chứng cho việc đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trên
hết là Tập Cận Bình, nắm lại việc kiểm soát toàn bộ xã hội. Đây là câu
trả lời cho cái tát vào mặt Bắc Kinh năm 2010 khi Google rời Hoa lục :
từ nay, Bắc Kinh là người áp đặt các quy định cho cuộc chơi.
Google vẫn luôn bị chặn tại Trung Quốc. |
« Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng » : Cái cớ cho kiểm duyệt
Từ tháng 12/2013, Lỗ Vĩ giải thích :
« Cũng như việc chủ quyền quốc gia mở rộng ra đại dương vào thế kỷ 17,
và trên không phận vào thế kỷ 20, nay được trải rộng sang không gian
mạng ». Một năm sau đó, ông ta mời các nhà quản lý mạng Trung Quốc và ngoại quốc dự « Đại hội thế giới về internet » tại thành phố Ô Trấn (Wuzhen) tỉnh Chiết Giang.
Trước hôm bế mạc, vào lúc nửa đêm các khách mời nhận được một dự thảo « tuyên bố chung cuộc », kêu gọi « tôn trọng chủ quyền của mỗi nước trên không gian mạng ». Nhiều vị khách phẫn nộ trước lối áp đặt này, và « Tuyên bố Ô Trấn » đã không thể ra đời.
Chuyên gia Séverine Arsène, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại ở Hồng Kông giải thích : «
Khi nói về chủ quyền, với tính chất xuyên quốc gia của internet (…)
chắc chắn là phương tiện để biện bạch cho việc kiểm duyệt, nhân danh duy
trì ổn định (…) Trung Quốc chia sẻ ý tưởng này với Nga, Uzbekistan ».
Năm 2013, Lỗ Vĩ hai lần mời nhóm « Big V »,
các blogger có hàng triệu người đăng ký theo dõi dự những buổi dạ tiệc «
hữu nghị », cổ vũ họ nên hợp tác hơn. Tháng Tám, một người trong số này
là Tiết Tất Quần (Charles Xue), một doanh nhân hai quốc tịch Mỹ-Trung
chuyên chỉ trích chế độ, đã bị bắt vì hành lạc với gái mại dâm. Ông này
sau đó bị bêu trên truyền hình trong bộ đồng phục tù nhân, một sự thú
tội đáng kinh ngạc đối với con người tự tin này. Đến tháng sau, hàng
loạt biện pháp « chống vu khống » đã dẫn đến một làn sóng bắt bớ các blogger.
Le
Monde cho biết, Lỗ Vĩ thường xuyên đến thăm ban biên tập các báo mạng
lớn, khiến họ hết sức lo ngại bị lọt vào tầm ngắm. Nhưng cũng như đối
với các tập đoàn đa quốc gia, Sa hoàng mạng luôn giơ ra « củ cà rốt » :
để thăng tiến, cần phải làm theo chỉ đạo. Tờ báo kết luận, còn phải chờ
xem phương pháp của ông ta có hiệu quả như Vạn lý Hỏa thành hay không.
Cuộc gặp Obama-Putin lần đầu từ 2 năm qua. |
Tuyên bố công khai và đi đêm ngoại giao
Về thời sự quốc tế, bài xã luận mang tựa đề « Obama-Putin : Các nguyên tắc…và (thủ thuật) ngoại giao » cho
rằng, ngành ngoại giao tuân theo một số quy định. Về mặt công khai,
người ta tái khẳng định quan điểm, nhưng ở chốn riêng tư thì có thể thay
đổi.
Tờ báo đặt câu hỏi, hai Tổng thống Obama và Putin đã nói
riêng với nhau những gì trong cuộc đàm đạo kéo dài 90 phút, cũng là lần
đối thoại tay đôi đầu tiên kể từ năm 2013 ? Ông Obama cần đến Matxcơva.
Không thể giải quyết được cuộc xung đột nếu không có người Nga, đang vũ
trang, tài trợ và thậm chí còn đưa quân sang để bảo vệ phần còn lại của
lãnh thổ Syria. Ngược lại, bị đe dọa bởi thánh chiến, Nga cũng cần đến
Mỹ để chấm dứt các vụ tấn công hoành hành từ bốn năm qua.
Hoa Kỳ
và châu Âu đã có những nhượng bộ đầu tiên : chấp nhận cho Assad vẫn tạm ở
lại trong thời kỳ chuyển đổi về chính trị. Theo Le Monde, đã có một cơ
sở cho việc hợp tác Mỹ-Nga, chỉ cần gác lại vài nguyên tắc, và điều này
được gọi là « ngoại giao ».
Một khu nhà đổ nát tại Idlib, Syria, 29/09/2015. |
Liệu có thương lượng được số phận Assad ?
Cũng
về Syria, La Croix giải thích thêm về vấn đề Bachar Al Assad gây chia
rẽ giữa Washington và Matxcơva. Tuy đồng ý rằng cần thiết phải có một sự
hợp tác quốc tế tại Irak và Syria để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi
giáo, nhưng hai nguyên thủ Mỹ-Nga vẫn luôn bất đồng về tương lai của
Tổng thống Syria.
Ông Putin đặt phương Tây trước việc đã rồi khi
loan báo đã hợp đồng với Irak, Syria và Iran để trao đổi các thông tin
về quân thánh chiến. Ông muốn lập một liên minh chống thánh chiến rộng
rãi, nhưng phương Tây nghi ngờ Nga trước tiên muốn tăng cường sức mạnh
quân sự cho Damas. Đối với Mỹ, Assad phải ra đi tuy thời điểm thì còn có
thể bàn bạc. Tờ báo đặt nghi vấn, liệu số phận của Tổng thống Syria có
thể thương lượng được hay không, khi ông ta từ đời cha đến đời con là
đồng minh của Nga từ hơn 30 năm qua.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.