Diễu binh tại một căn cứ hải quân ở Hồng Kông nhân ngày thành lập quân đội TQ 1/8. |
(Le Monde 11/08/2012) Từ cuối tháng Bảy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc họp tại Bắc Đới Hà, một thành phố biển nằm không xa Bắc Kinh, để tiến hành vòng thương lượng quan trọng cuối cùng trước khi bước vào Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng Mười, khi đa số trong ban lãnh đạo sẽ rời chức vụ.
Bên cạnh việc thay mới Ban thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan tối cao của Đảng, và dưới nữa là Bộ Chính trị, cơ cấu sắp tới của Quân ủy Trung ương cũng là một trong những chủ đề được bàn bạc. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc do Đảng kiểm soát qua hệ thống lãnh đạo song đôi, gồm các chính ủy và một ban lãnh đạo (Quân ủy Trung ương), hiện do Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương chỉ đạo.
Phó chủ tịch Quân ủy là Tập Cận Bình, người được chỉ định lên thay ông Hồ Cẩm Đào sau đại hội tháng Mười. Các ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là hai ủy viên thường vụ Bộ Chính trị duy nhất có chân trong Quân ủy, một vị trí đảm bảo ưu thế tuyệt đối so với bảy vị « hoàng đế » khác trong ban lãnh đạo. Đến nỗi mà theo gương Đặng Tiểu Bình rồi Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào sẽ giữ lại chiếc ghế Chủ tịch Quân ủy một hay hai năm, cho dù Tập Cận Bình đã lên nắm chức Tổng bí thư. Mục đích là gì ? Để tiếp tục theo dõi di sản chính trị của mình.
Đề tài được lặp đi lặp lại là việc « quốc hữu hóa » quân đội - tức quân đội phục vụ đất nước và Hiến pháp chứ không phải phục vụ Đảng, được một số cán bộ quân đội và giới dân chủ đòi hỏi - trở nên vô cùng nhạy cảm trong thời kỳ chuyển tiếp. Một nhà báo Trung Quốc đã phải trả giá mới học được điều đó.
Đội quân 2,3 triệu người
Yu Chen, biên tập viên chính của bộ phận điều tra thuộc Nam Phương đô thị báo ở Quảng Đông, một trong những tờ báo có khuynh hướng tự do nhất tại Trung Quốc, đã phải từ nhiệm hồi tháng Năm sau khi mục của ông trên mạng Vi Bác đưa lên thông điệp như sau : « Nếu phải xem Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là thuộc về Đảng Cộng sản, thì nhân dân cần phải thành lập một quân đội khác ! ».
Yu Chen công nhận sự kiện này (với Le Monde) nhưng không muốn nói thêm chi tiết.
Không phải là vô tình khi thông điệp trên đánh trúng điểm nhạy cảm nhất. Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là hai thành viên dân sự duy nhất của Quân ủy Trung ương, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng là tướng Lương Quang Liệt chỉ là một ủy viên. Số còn lại đều thuộc giới quân sự. Thế nhưng cần phải thay thế 7/12 thành viên hiện nay sau đại hội.
Quân đội với 2,3 triệu người có những toan tính chính trị riêng của mình. Chẳng hạn Đoàn Thanh niên Cộng sản, xuất thân của Hồ Cẩm Đào và những người thân cận, không có chân trong đó. Thế nên ông Tổng bí thư phải xây dựng một lực lượng trung thành của riêng mình trong quân đội, bằng cách thăng cấp cho những người chủ chốt. Trong khi đó quân đội có một số lượng quan trọng các « hoàng tử đỏ » (con cái các nhà lão thành cách mạng). Cùng là « con giòng cháu giống », họ có thể liên kết lại những nhóm nhỏ với tham vọng đôi khi quá mức – như đã thấy trong trường hợp Bạc Hy Lai.
Nhà trí thức Hu Xingdou nói với Le Monde : « Lăng-xê những con ông cháu cha này là điều cần thiết (cho một nhà lãnh đạo) nhằm đảm bảo có được sự ủng hộ của thế hệ trước và củng cố quyền hành. Những sự thu xếp trong Quân ủy là với mục đích đảm bảo việc Đảng tiếp tục lãnh đạo quân đội. Sự chọn lựa các ứng viên tùy thuộc vào sự cân bằng giữa các phe nhóm lẫn cảm tình của các lãnh đạo. Bắc Triều Tiên theo hệ thống cha truyền con nối, còn Trung Quốc thì kế tục theo tập thể, trong số hàng trăm gia đình có máu mặt ».
Không khí phê bình
Hồi tháng Ba, báo chí Hồng Kông đã loan tải các rắc rối mà tướng Chương Thấm Sanh (Zhang Qinsheng) gặp phải, nhân vật mà có lúc đã từng được cho là sẽ lên làm Tổng tham mưu trưởng quân đội. Ông đã bày tỏ sự ủng hộ việc « phi chính trị hóa », và gây ồn ào nhân một buổi tiệc mừng Tết âm lịch có sự hiện diện của Hồ Cẩm Đào, về những « thủ đoạn » chi phối trong sự thăng tiến ở Quân ủy.
Vị tướng này vẫn ở nguyên vị trí, nhưng cơ hội bước vào cơ quan quyền lực cao nhất coi như tiêu tùng. Tuy vậy vấn đề vẫn nóng bỏng : « Việc Bộ trưởng Quốc phòng tương lai có được cho giữ một chức vụ như là Phó chủ tịch Quân ủy trung ương hay không, là một trong những câu hỏi quan trọng về cơ cấu ». Một quan sát viên ngoại quốc chuyên về quân sự Trung Quốc giải thích như trên. Nhà quan sát này không chờ đợi một thay đổi lớn nào về cơ cấu, trong không khí phê bình ở quân đội hiện nay.
Phải nói rằng bối cảnh chính trị hiện giờ là đặc biệt tế nhị : xì-căng-đan Bạc Hy Lai đã khiến quyền lực đang tập trung quanh bộ tứ « Hồ Ôn Tập Lý » (Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và hai người kế tục là Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường). Và thời gian chuyển giao thế hệ đang đến gần cũng làm tái sinh hy vọng về dân chủ hóa phần nào, dưới sự kiểm soát của chế độ. Cách đây vài năm còn là đề tài cấm kỵ, nay sự cần thiết phải « cải cách chính trị » tại Trung Quốc đang ngày càng được nhiều người ủng hộ.
Nhưng các đấu đá kịch liệt trong nội bộ cũng đang làm sôi bỏng Đảng Cộng sản Trung Quốc : nhất thiết đây không phải là thời điểm để Đảng buông lơi « thương cán tử » - quân đội là bảo đảm duy nhất cho việc nắm vững quyền lực.
Bây giờ là lúc phải tỏ lòng trung thành tuyệt đối với chế độ. Thông điệp trên đã được đưa ra nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc 1/8. Những hoàng tử đỏ « quậy » nhất đã tỏ ra ngoan ngoãn hơn – chẳng hạn như tướng Lưu Nguyên, con của cựu Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và là người tổ chức chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội, từng gây tiếng vang rất lớn.
Mời đọc lại:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.