Buổi làm việc giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình bên lề G20 ở Buenos Aires ngày 01/12/2018. |
(Le Figaro 03/12/2018) Chuyên gia về Trung Quốc François
Godement, giám đốc nghiên cứu European Council on Foreign Relations, phân tích
sự so găng hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Le Figaro : Liệu ông Trump đang thay đổi cung cách trong sự đối mặt
Mỹ-Trung, qua việc tấn công trực diện về thương mại ?
François Godement : Tôi tin rằng ông ấy đang mở ra một kỷ nguyên
mới trong quan hệ Mỹ-Trung. Quan hệ này từ năm 1972 vẫn xoay chuyển xung quanh
một điểm trung bình. Có những tranh chấp trước bầu cử tổng thống, tiếp theo là
một sự hòa hoãn mà người Trung Quốc muốn gọi là đối tác chiến lược, còn người
Mỹ chưa bao giờ chấp nhận.
Đặc thù của ông Trump, là ông đã đưa vào tính bất trắc, và
loan báo rằng ông sẽ khó lường. Đối với Bắc Kinh, đó là một sự thay đổi khổng
lồ, vì như vậy trên thực tế, Trump đã cướp mất lợi thế về sự bí ẩn của
họ - nguyên tắc cơ bản của ngoại giao Trung Quốc.
Bắc Kinh đầu tư rất nhiều để gây ảnh hưởng ở Washington,
nhưng nay nhận ra rằng hệ thống Washington chẳng có tác động gì đối với Trump. Donald
Trump khi thì cứng rắn, lúc lại lơi tay. Mùa xuân năm ngoái, có vẻ như sắp có
thỏa thuận với Bắc Kinh, rồi một tuần sau, Trump giải thích rằng chẳng có thỏa
thuận nào, và đa dạng hóa các áp lực.
Giờ đây, chúng ta lại có thêm một cuộc hưu chiến mới, được
quyết định từ Buenos Aires, nhưng mỗi bên diễn dịch một cách khác nhau. Trump
làm cho các nhà thương thuyết Trung Quốc mất phương hướng, tìm kiếm sự hỗ trợ
của các nước khác trong đó có châu Âu, nhưng họ buộc lòng phải nhượng bộ ông
Trump – ít nhất là trên bề mặt.
Steve
Bannon, cựu cố vấn chiến lược của Trump, khẳng định sau trò chơi này, trên thực
tế là sự chọn lựa chiến lược của chính quyền, định nghĩa lại quan hệ với Trung
Quốc, chấm dứt chấp nhận việc đã rồi về thương mại. Tóm lại, là tổ chức tái cấu
trúc quan hệ, không còn chấp nhận việc không chịu trả tiền về quyền sở hữu trí
tuệ, hay buộc chuyển giao công nghệ mà không có gì đáp lại.
Dưới thời Obama, người ta đã vỡ mộng và bắt đầu thay đổi mục
tiêu, nhưng chính quyền Obama chẳng bao giờ muốn tìm hiểu đến nơi đến chốn mọi
tác động. Với Trump, chúng ta có một đơn vị đặc nhiệm mạnh hơn rất nhiều, giữa
ê-kíp của ông ở Nhà Trắng, đại diện thương mại và Lầu Năm Góc. Và có sự khởi
đầu của việc phối hợp về quyền sở hữu trí tuệ với các đồng minh.
Dưới thời Trump, Hoa Kỳ sẵn sàng nhìn nhận Trung Quốc là
người cạnh tranh chiến lược, cần phải ngáng chân Bắc Kinh trong một số lãnh vực
liên quan đến quân sự hay các công nghệ nhạy cảm. Và cần phải hủy bỏ các lợi
thế mà Trung Quốc được dành cho với tư cách là quốc gia đang phát triển. Đó là
một mặt trận rộng lớn.
Khó khăn là ở chỗ nếu bổ sung các yêu sách của Hoa Kỳ đối
với Bắc Kinh, được lặp lại trong thông cáo tối thứ Bảy 01/12/2018, có nghĩa là
đòi Trung Quốc phải thay đổi hệ thống kinh tế, và như vậy là thay đổi cả hệ
thống chính trị.
Ông Steve
Bannon nói về tình hình tương tự trong quan hệ Hoa Kỳ - Liên Xô vào đầu thập
niên 80, khi mọi người đều nghĩ rằng không thể ngăn chận được Liên Xô, cho đến
khi Reagan quyết định chứng minh ngược lại…
Có một sự khác biệt chủ yếu. Liên Xô là một cường quốc
nghèo, với mức độ hội nhập rất thấp trong các nền kinh tế phương Tây. Còn Trung
Quốc đã hội nhập sâu rộng, thế nên mọi trừng phạt hoặc quy định sẽ có tác động
boomerang, sẽ có những người phản đối trong kinh tế toàn cầu. Đối với Trung
Quốc, có hai cách đối phó. Hoặc là tự do hóa, hoặc là nhượng bộ một cách có
chọn lọc với đối tác này hay đối tác khác.
Hiện nay Trung Quốc có những nhượng bộ cho từng trường hợp
đối với châu Âu, một cách để nói với người Mỹ là họ cũng có thể trừng phạt lại.
Nếu chấp nhận phiên bản một Donald Trump – nhà thương lượng thay vì người
chuyển đổi, thì Trung Quốc có thể nhượng bộ Mỹ tùy nơi, tùy lúc. Dường như đó
là những gì đã diễn ra ở G20.
Ông có ngạc
nhiên vì sự thay đổi cách nhìn, sự cứng rắn của Mỹ ?
Các think-tank Washington, lâu nay chịu ảnh hưởng của các
nhà xuất khẩu lớn, đã cường điệu sự lệ thuộc của Hoa Kỳ. Trên thực tế, Trung
Quốc bị lệ thuộc nhiều hơn, chứ không phải ngược lại. Hơn nữa, cạnh tranh chiến
lược không chỉ có cạnh tranh về kinh tế.
Tôi cho rằng chính quyền Obama đã đánh mất Biển Đông vì quá
do dự, và nay chúng ta đang trong tình trạng không thể đảo ngược. Điều này
chứng tỏ chính sách của Bắc Kinh đã thành công trong quá khứ, làm xói mòn những
quan điểm. Cũng chính điều này đã làm Washington ngày nay thay đổi chủ trương.
Về hậu quả một cuộc chiến tranh thương mại – nếu nó xảy ra
cho dù hiện nay đang hưu chiến – tôi cho rằng nói chiến tranh là sai lầm. Bởi
vì nếu áp dụng tăng mức thuế, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ hóa giải được một
phần, tương tự đối với các nhà sản xuất. Chúng ta không phải sống trong thập
niên 30.
Điều quan trọng nhất là thay đổi xu hướng đầu tư và chuyển
giao công nghệ, nhìn nhận rằng có hai khối, và toàn cầu hóa sản xuất không thể
tiếp diễn trong những điều kiện hiện tại, trước thái độ của Trung Quốc.
Tôi tin rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu, với việc tái
dịch chuyển sản xuất trở về, và phong trào rút đầu tư khỏi Trung Quốc đưa sang
nước khác đang diễn ra…Người Trung Quốc cảm thấy rõ điều đó. Hãy nhìn cách mà
họ tránh trừng phạt Apple, một tập đoàn rất dễ tổn thương tại Trung Quốc. Nhưng
Apple đã mở các nhà máy tại Ấn Độ, Brazil và những nước khác, tái đầu tư tại
Hoa Kỳ.
Người Trung Quốc đánh giá ông Trump như thế
nào ?
Nếu châu Âu cũng như dư luận tự do ở Mỹ chú ý đến khía cạnh
thất thường và những khuyết điểm cá nhân của Trump, người Trung Quốc dao động
giữa hai cách nhìn. Đó là một doanh nhân lọc lõi đầy kinh nghiệm, nhưng có thể
giao thiệp và làm ăn, cho dù coi ông Trump là biểu tượng của sự suy tàn. Nhưng
chủ yếu trong đa số trường hợp, họ coi Trump là một địch thủ nguy hiểm chết
người, đáng sợ nhất, vì ông tập hợp một ê-kíp luôn quan niệm Trung Quốc là kẻ
thù. Một nhà lãnh đạo nhìn rõ được các điểm yếu của Trung Quốc.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.