dimanche 20 avril 2014

Trung Quốc: Tiền xây đập Tam Hiệp đi về đâu ?

Bài đăng : Thứ bảy 19 Tháng Tư 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 19 Tháng Tư 2014 
Chính quyền hứa hẹn lượng điện do đập Tam Hiệp sản xuất có thể « chiếu sáng phân nửa đất nước Trung Quốc ». Và một khi đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện khổng lồ này sẽ giúp người dân được xài điện với giá rẻ hơn.Tuy nhiên khi thủy điện Tam Hiệp hoàn thành vào năm 2013, số lượng điện mà công trình này đóng góp vào mạng lưới quốc gia chỉ chiếm có 1,6% mà thôi. Còn về lời hứa giảm giá điện thì vẫn là lời hứa hão, trong khi lợi nhuận của tập đoàn phụ trách xây dựng đập tăng lên vùn vụt.

Tờ Courrier International số ra tuần này có bài viết mang tựa đề « Tiền từ đập Tam Hiệp đi về đâu ? » dịch từ Đông Phương Tảo Báo (Dongfang Zaobao) xuất bản ở Thượng Hải, cho biết việc thay đổi nhiều nhân sự quan trọng trong ban giám đốc Tam Hiệp đã làm dấy lên trở lại những câu hỏi về tài chính của công trường này, cùng với hệ quả trực tiếp của nó lên giá thành một kilowatt điện.


Đập Tam Hiệp hiện nay lại trở thành trung tâm tranh cãi dữ dội, với những vấn đề được đặt ra từ nhiều năm trời vẫn chưa có câu trả lời.

Ngày 12/10/2009, một người dân Bắc Kinh tên là Nhâm Tinh Huy (Ren Xinghui) đã đòi hỏi Bộ Tài chính Trung Quốc công khai tất cả các thông tin liên quan tới những nguồn thu chi của Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp (QXDDTH), theo như luật pháp cho phép. Bộ này trả lời là do ông Nhâm Tinh Huy không phải là người chịu ảnh hưởng trực tiếp nên không thể tham khảo thông tin. Đến 28/12/2009, công dân này khiếu nại nhưng bị Bộ Tài chính gạt sang một bên. Nhâm Tinh Huy bèn kiện lên tòa án Bắc Kinh hôm 26/01/2010. Hai tháng sau, tòa bác đơn của ông.

Song song đó, tuần báo Liêu Vọng (Liaowang) của Nhà nước đã nhiều lần xin phỏng vấn về Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp nhưng luôn bị Bộ Tài chính từ chối. Còn tập đoàn phụ trách xây dựng đập này là CTGPC (China Three Gorges Project Corporation) trả lời : « Quỹ này là một quỹ đặc biệt được ghi trong ngân sách Nhà nước, tập đoàn chúng tôi chỉ là một trong những tổ chức được quỹ tài trợ mà thôi. Thế nên chúng tôi thấy rằng không thích hợp với yêu cầu phỏng vấn của tòa soạn ». 

Rõ ràng là không thể có được một lời giải thích nào, cho dù yêu cầu đến từ một công dân hay một phương tiện truyền thông lớn của Nhà nước.

Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp được phép nhận tài trợ, qua một thông tư do bốn bộ trong đó có Bộ Tài chính cùng ban hành ngày 30/12/1992. Việc thành lập một quỹ chính phủ cho một công trình xây dựng là điều hết sức hiếm hoi, cả ở Trung Quốc lẫn ở nước ngoài.

Những lời hứa hão huyền

Nếu quyết định trên được nhân dân chấp nhận, đó là vì chính quyền đã hứa hẹn ngay trước khi dự án được hoàn tất, lượng điện do đập Tam Hiệp sản xuất có thể « chiếu sáng phân nửa đất nước Trung Quốc » (Nhân dân Nhật báo ngày 11/06/2003). Và một khi đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện khổng lồ này sẽ giúp người dân được xài điện với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên khi thủy điện Tam Hiệp hoàn thành vào năm 2013, số lượng điện mà công trình này đóng góp vào mạng lưới quốc gia chỉ chiếm có 1,6% mà thôi (84,7 terawatt/giờ trên tổng số 5.245,1 terawatt/giờ). Còn về lời hứa giảm giá điện thì vẫn là lời hứa hão, với những nguyên nhân không rõ ràng như lạm phát và chi phí bảo trì lưới điện. Ngược lại, các thần dân nhận thấy lợi nhuận của tập đoàn phụ trách xây dựng đập tăng lên vùn vụt.

Thoạt đầu, thông tư quy định được trích 0,3 nhân dân tệ trên một kilowatt/giờ cho Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp, cùng với một sắc thuế cố định. Nhưng sau đó số tiền trích cho quỹ được nâng lên 0,9 nhân dân tệ, thậm chí 1,5 nhân dân tệ ở một số nơi. Trong quãng thời gian mà Nhâm Tinh Huy chạy tới chạy lui từ cơ quan này sang cơ quan khác để đòi hỏi sự minh bạch, công trường xây dựng đập Tam Hiệp đã hoàn thành. Người ta tin tưởng một cách rất lô-gic là nhà máy xây xong thì việc trích nộp sẽ chấm dứt, nhưng thông tư khẩn cấp trên lại không ghi thời điểm kết thúc.

Đến ngày 31/12/2009, chính quyền công bố « các biện pháp tạm thời liên quan đến cung ứng, sử dụng và quản lý quỹ xây dựng các công trình thủy điện lớn của quốc gia », bắt đầu từ ngày 01/01/2010. Như vậy trên thực tế đã lập ra một quỹ mới để thay thế quỹ cũ, giúp kéo dài việc đánh thuế cho đến ngày 31/12/2019.

Dân chúng kêu rêu rất nhiều về cách làm này, nhưng không thể nào khiến chấm dứt được việc trích quỹ. Và thực ra, khi một quy định liên quan đến thuế được áp dụng ngay hôm sau khi được công bố, thì chính quyền không chừa cánh cửa nào cho đối thoại.

Courrier International trích lời bình của một blogger trên trang web của Tân Hoa Xã, cho rằng vấn đề tài chính của đập Tam Hiệp chỉ là phần nổi của tảng băng. Hồi tháng Hai, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã chỉ trích sự mập mờ trong việc gọi thầu và bổ nhiệm các thành viên tập đoàn CTGPC. Đến tháng Ba, Tổng giám đốc Tào Quảng Tinh (Cao Guangjing) và Phó tổng giám đốc Trần Phi (Chen Fei) đã bị đổi đi nơi khác. Cùng lúc đó, báo chí Trung Quốc tố cáo nhiều ca tham nhũng liên quan đến đập Tam Hiệp, dẫn đến việc nhiều quan chức của tỉnh Hồ Bắc bị cách chức.

Ukraina : Thắng lợi chính trị của Putin

Liên quan đến tình hình đang sôi động ở Ukraina, Le Monde có bài xã luận mang tựa đề « Ukraina : Thắng lợi chính trị của Putin ». Tờ báo nhận xét, Nga đang dần áp đặt được chính sách của mình lên Ukraina.
Matxcơva thực hiện với một sự pha trộn giữa sự thô bạo kiểu Liên Xô cũ và nghệ thuật ngoại giao. Thô bạo dành cho Crimée, bán đảo của Ukraina mà Nga đã sáp nhập hồi tháng trước. Còn nghệ thuật ngoại giao, là thỏa thuận đã ký kết hôm thứ Năm 17/04/2014 tại Genève.

Đã hẳn tất cả mọi người đều hoan nghênh hội nghị bốn bên Ukraina, Nga, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, có thể đánh dấu khởi đầu của việc xuống thang trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Điều này chưa đạt được, nhưng « tuyên bố chung » được các bên tham gia ký kết đi theo hướng này.Thông cáo kêu gọi giải giáp các nhóm vũ trang bất hợp pháp, ra lệnh cho các nhóm này phải rời khỏi các tòa nhà chính phủ đang chiếm đóng, chủ yếu ở miền đông. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tập hợp toàn thể các Nhà nước châu Âu, sẽ giúp đỡ chính quyền Kiev áp dụng các biện pháp xuống thang.

Đã hẳn, khi đặt bút ký tên bên cạnh chữ ký của người đồng nhiệm Ukraina là Andrei Dechtchitsa, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã có một cử chỉ hòa hoãn về phía Kiev. Đó là Matxcơva coi như đã ngầm công nhận chính phủ Ukraina và là một bước đi đúng đắn.

Nhưng về bản chất, văn bản ký kết bên bờ hồ Léman đánh dấu chiến thắng của điện Kremli. Vladimir Putin đã áp đặt được chính sách của mình. Một mặt, « tuyên bố chung » không nêu tên Crimée, cứ như là việc sáp nhập đã được chấp nhận rồi. Mặt khác, Nga áp đặt cách xử sự cho quốc gia láng giềng của mình.

Ông Putin không muốn có một Ukraina có trọn vẹn chủ quyền, và muốn làm chính quyền trung ương Kiev suy yếu. Matxcơva muốn Ukraina trở thành một liên bang phải chịu đựng sức ép tại các vùng miền đông và đông nam chủ yếu nói tiếng Nga, bị rơi vào vòng tay của Matxcơva. Ông ta đã thành công một phần.

Bản tuyên bố dự kiến tổ chức một cuộc « đối thoại quốc gia » tại Ukraina nhằm đảm bảo các quyền của công dân Ukraina. Mấy từ sáo rỗng đẹp đẽ này mang một ý nghĩa rõ ràng, một khi được diễn dịch theo cách nói thông thường : đó là quyền tự trị rộng rãi cho các địa phương miền đông.

Khi chiếm lấy Crimée rồi gây bất ổn cho miền đông Ukraina, với những lời dối trá cấp Nhà nước và cho các đơn vị đặc nhiệm Nga xâm nhập, ông Putin đã tổ chức việc biến đất nước này thành chư hầu. Ông có thể trông cậy vào sự yếu kém tột độ của tân chính quyền Kiev và cả những sai lầm chính trị của Ukraina, cũng như sự phức tạp của đất nước này. Nhưng Putin đã nói ra những ý nghĩ bên trong của mình hôm thứ Năm 17/4, cùng ngày với hội nghị bên Genève.

Trong một chương trình truyền hình, ông Putin đã đánh giá miền đông Ukraina là « nước Nga mới ». Ông ta nói : « Kharkov, Lugansk, Donetsk, Odessa trong thời kỳ Sa hoàng không thuộc về Ukraina. Có trời mới biết tại sao các vùng này lại bị chuyển sang cho Ukraina năm 1920 ! ». Và Putin nhắc lại rằng vẫn dành quyền can thiệp quân sự vào Ukraina.

Một trong những dự định chiến lược của Tổng thống Putin là tái lập vành đai dưới sự bảo hộ của Kremli xung quanh Nga. Những nước nào chớm có ý định thoát ra khỏi mưu đồ đó đều phải biểt rằng sẽ trả giá đắt như Ukraina.

Tân Thủ tướng Pháp đang ngồi trên núi lửa

Về tình hình nước Pháp, tuần báo L’Express đăng hình tân Thủ tướng Manuel Valls trên trang nhất với hàng tựa « Ông Valls ngồi trên núi lửa ». Tuy đang rất được lòng dân, nhưng ông đang phải đối diện với những vấn đề gai góc, là làm thế nào để làm việc được với Tổng thống François Hollande, xoa dịu các xung đột ngay trong nội bộ đảng Xã hội, thành công trong việc áp dụng hiệp ước trách nhiệm, tiết kiệm được 50 tỉ euro…

Tác giả bài viết nhận định, tân Thủ tướng hiện đang ở trên chín tầng mây, trong khi thật ra ông đang trên một ngọn núi lửa. Tầng mây đó là từ các cuộc thăm dò dư luận : người Pháp thích cá tính và phong cách nhìn thẳng vào sự việc của ông. Còn hỏa diệm sơn chính là thực tế : một tình hình kinh tế đáng thất vọng, rạn nứt xã hội trầm trọng, dân chúng bất tín nhiệm chính phủ.

Thủ tướng Manuel Valls không thiếu can đảm lẫn bản lãnh chính trị. Nhưng nhược điểm chính của ông là thiếu vắng một chủ thuyết. Cho đến nay, « chủ nghĩa Valls » chỉ mới là thái độ. Ngày mai, ông không thể tự hài lòng làm một chiếc cành đỡ cho đóa hoa « chủ nghĩa Hollande » đang tàn úa, mà phải đóng vai trò một bàn tay sắt. Nếu ông không thể thuyết phục được về sự hiệu quả của mình trong việc vực dậy đất nước, bằng cách áp dụng chương trình của một người khác, Manuel Valls sẽ phải bày tỏ niềm tin thực sự của mình về một chính sách khác. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu tân Thủ tướng có dám tiến hành cuộc nổi loạn này không, có dám làm một cuộc đảo chính nắm lấy quyền hành một khi đã được giao cho quyền hành ?

Ung thư còn giết người nhiều hơn cả SIDA

Trên lãnh vực y tế, Courrier International trích dịch một bài viết trên tờ The Economist xuất bản tại Luân Đôn, về tình trạng dân số càng lão hóa thì bệnh ung thư lại tăng lên ở những nước nghèo. Căn bệnh này gây chết người còn nhiều hơn cả ba loại bệnh SIDA, sốt rét và bệnh lao cộng lại.

Những người nghèo mắc bệnh ung thư không chỉ có nguy cơ tử vong, mà còn phải chịu nhiều đau đớn trong khi không tiền chạy chữa. Khi các nhà nghiên cứu hỏi chuyện các bệnh nhân người Tô Cách Lan đang trong giai đoạn cuối, họ nói về sự khủng hoảng và tuyệt vọng tinh thần, trong lúc bệnh nhân người Kenya kể về những đau đớn thể xác và âu lo về tiền bạc.

Ung thư giết hại nhiều nạn nhân hơn, nhưng lại không được hưởng các nguồn tài chính dành cho việc chống lại bệnh SIDA, sốt rét và lao. Ba trong số các « mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển » liên quan đến lãnh vực y tế, nhưng không hề nêu ra bệnh ung thư. Và hiếm có loại thuốc trị ung thư thế hệ mới nào được Tổ chức Y tế Thế giới coi là chính yếu, trong khi tình hình bệnh ung thư hiện nay có thể so sánh với SIDA của thập niên 80.

Trên thực tế 80% số bệnh nhân lẽ ra không thiệt mạng nếu được chữa trị đến nơi đến chốn, đều sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Các bác sĩ ước tính có thể cứu được khoảng 80% người mắc bệnh ung thư gan và 70% bệnh nhân ung thư cổ tử cung nếu họ được chủng ngừa viêm gan siêu vi C và VPH, với chi phí rất thấp.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140419-tien-xay-dap-tam-hiep-ve-dau

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.