mardi 11 septembre 2012

Cam Bốt xử nhà đối lập chuyên bênh vực dân mất đất, 500 người biểu tình

Cảnh sát chống bạo động xô xát với những người ủng hộ ông Sonando, ngày 11/09/2012.
Bài đăng : Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 

Cảnh sát chống bạo động Cam Bốt hôm nay 11/09/2012 đã được huy động để ngăn trở hàng trăm người biểu tình trước một tòa án, nơi chủ nhân một đài phát thanh đối lập với chính phủ bị đem ra xét xử.

Ông Mam Sonando, 71 tuổi, người chủ của đài phát thanh độc lập Beehive đã bị bắt vào tháng Bảy, vì tội nổi dậy và xúi giục khởi nghĩa vũ trang chống lại Nhà nước.

Ông Sonando bị kết án đã âm mưu lập vùng tự trị tại tỉnh Kratie ở miền đông, nơi một thiếu nữ đã bị thiệt mạng hồi tháng Năm, trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và dân làng phản đối trưng thu đất. Ông có nguy cơ bị lãnh bản án đến 30 năm tù, tuy ông bác bỏ các tội danh bị quy.

Hãng thông tấn Pháp AFP ghi nhận, có khoảng 500 người tụ tập trước tòa án, một số mang theo ảnh của nhà đối lập trên, nhưng họ đã bị lực lượng cảnh sát đẩy lùi. Touch Naruth, giám đốc cảnh sát Phnom Penh nói rằng cuộc biểu tình bị cấm vì « tiếng ồn làm trở ngại cho phiên tòa ». Theo các nhân chứng thì các nhà báo cũng bị cấm tham dự phiên xử.

Mam Sonando đã bị bắt hai lần vào năm 2003 và 2005, do quan điểm chính trị của ông, và bị buộc tội « vu khống » chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Năm nay 60 tuổi, trở thành người quyền lực nhất Cam Bốt từ năm 1985, ông Hun Sen đã hứa hẹn sẽ nắm quyền cho đến năm 90 tuổi.

Vụ bắt giữ ông Sonando ngay sau chuyến viếng thăm chính thức của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bị nhiều tổ chức trên thế giới phản đối, trong đó có Human Rights Watch, và một liên minh 22 nhóm bảo vệ nhân quyền trong nước.

Cam Bốt ngày càng bị chỉ trích sau một loạt các vụ bạo động do tranh chấp đất đai. Nhiều cuộc biểu tình có nguồn gốc từ việc trưng thu đất đai đã diễn ra trong năm nay, người dân lên án chính quyền đã tăng cường trấn áp những người phản kháng.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Đối lập
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120911-tai-cam-bot-gan-nam-tram-nguoi-bieu-tinh-nhan-phien-xu-mot-nha-doi-lap 

Hàng ngàn gia đình bị cô lập vì vỡ đê tại Thanh Hóa

Bài đăng : Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 

Theo báo chí Việt Nam, cho đến hôm nay 11/09/2012, hơn 6.000 người dân tại huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa vẫn đang bị cô lập, do đê sông Cầu Chày bị vỡ vào đúng nửa đêm 6, rạng 7/9, gây ra lũ lụt lớn.

Linh mục Antôn Trịnh Đình Thiệu, chủ tịch Ủy ban Bác ái đồng thời là giám đốc Caritas địa phận Thanh Hóa, cho biết :
Linh mục Antôn Trịnh Đình Thiệu - Thanh Hóa
 
11/09/2012
by Thụy My
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120911-hang-ngan-gia-dinh-bi-co-lap-vi-vo-de-tai-thanh-hoa 
More
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
tags: Thiên tai - Việt Nam - Xã hội

13 nhà ly khai Cuba tuyệt thực phản đối chính quyền

Nhà đối lập Marta Beatriz Roque
Bài đăng : Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 
 
Nhà ly khai Marta Beatriz Roque, được mệnh danh là « Người đàn bà thép » của Cuba cùng với 12 nhà đối lập khác từ hôm qua 10/09/2012 đã bắt đầu tuyệt thực để tố cáo điều mà họ gọi là chiến dịch quấy nhiễu đối lập của chính quyền.

Bà Marta Beatriz Roque, 67 tuổi, nhà kinh tế và cựu giáo sư đại học đã bắt đầu hoạt động đối lập từ năm 1989, là người phụ nữ duy nhất trong số 75 nhà hoạt động bị bắt năm 2003. Chiến dịch bắt bớ này của chính quyền Cuba lúc đó đã khiến thế giới lên tiếng phản đối. Bà Roque bị kết án 20 năm tù giam vì « gây nguy hại cho độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Nhà nước », nhưng năm sau được trả tự do vì lý do sức khỏe.

Nhà ly khai tuyên bố tuyệt thực chống lại một chính quyền có những hành động « không thể dung thứ và không thể chịu đựng nổi » đối với các nhà đối lập. Bà bắt đầu tuyệt thực tại nhà ở La Habana từ hôm qua, cho biết chỉ uống nước và từ chối mọi sự can thiệp của « các bác sĩ nhà nước », dù bà bị tiểu đường. Mười hai nhà ly khai khác tại nhiều nơi ở Cuba cũng đồng loạt dùng đến hình thức phản kháng này.

Từ khi ông Raul Castro lên nắm quyền thay anh là Fidel Castro vào năm 2006, rất ít bản án tù vì tội phạm chính trị đã được tuyên. Tuy nhiên các lãnh đạo đối lập thường xuyên bị trấn áp hay bị bắt tạm giam. Chỉ riêng trong tháng Tám, đã có 521 nhà đối lập bị bắt, rồi được thả ra sau đó vài giờ hay vài ngày, mà không bị buộc một tội danh nào. Chính quyền Cuba thường gọi các nhà ly khai là những tên « lính đánh thuê » cho đế quốc Mỹ.

tags: Cuba - Nhân quyền - Quốc tế - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120911-muoi-ba-nha-ly-khai-cuba-tuyet-thuc-phan-doi-chinh-quyen

Trung Quốc điều hai tàu hải giám đến gần Senkaku/Điếu Ngư


Hải giám 46, một trong hai tàu được điều đến gần Senkaku.
Bài đăng : Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 
 
Bắc Kinh điều hai tàu hải giám đến biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Tân Hoa Xã hôm nay 11/09/2012 loan báo như trên, cho biết hành động này « nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc ».

Các tàu hải giám này không thuộc lực lượng hải quân Trung Quốc, nhưng do Cục Hải dương Quốc gia quản lý, và cục này trực thuộc Bộ Tài nguyên Lãnh thổ.

Hành động trên đây của Bắc Kinh diễn ra, khi Tokyo thông báo đã hoàn tất việc mua lại một số đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm qua đã cảnh báo, Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhượng một centimet nào trong vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại đây.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Vùng biển xung quanh rất giàu hải sản và có thể có mỏ dầu khí. Năm 2010, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc hết sức căng thẳng, sau vụ một tàu đánh cá Trung Quốc cố tình đâm vào hai chiếc tàu tuần duyên Nhật tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư.

Hôm nay Tokyo khẳng định đã hoàn tất việc mua lại các đảo thuộc quần đảo này, từ một gia đình người Nhật được xem là chủ của các đảo không người ở trên với giá 20 tỉ yen (20 triệu euro) nhằm « duy trì hòa bình và ổn định tại quần đảo ».

Về phía Đài Loan - vốn bị Trung Quốc xem là lãnh thổ của mình, nhưng độc lập trên thực tế - hôm nay tuyên bố « cực lực phản đối » việc Nhà nước Nhật Bản dùng tiền ngân sách để mua lại quần đảo nhỏ bé này, và đã triệu hồi đại diện ở Tokyo về nước. Ngoại trưởng Đài Loan Timothy Yang, tức Dương Tiến Thiêm, khẳng định : « Hành động đơn phương và bất hợp pháp của Nhật Bản không thể đảo ngược được sự thực là quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Hoa Dân Quốc ».

tags: Châu Á - Chủ quyền - Nhật Bản - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120911-trung-quoc-dieu-hai-tau-hai-giam-den-gan-senkakudieu-ngu 
 

Hoa Kỳ-Hàn Quốc tập trận theo kịch bản chiếm đóng Bắc Triều Tiên


Bài đăng : Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 11 Tháng Chín 2012 
 
Trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ tiến hành vào tháng trước, có kịch bản chiếm đóng và « ổn định » Bắc Triều Tiên. Nhật báo Dong A Ilbo của Hàn Quốc hôm nay 11/09/2012 tiết lộ như trên.

Theo tờ báo, thì hai nước đồng minh đã từng thực hiện một kịch bản tương tự vào năm 2010, nhưng năm nay vai trò của lực lượng Hàn Quốc đã được nhấn mạnh, còn lực lượng Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đa phần thường được giả định trên máy tính, nhưng cũng có tiến hành trên thực địa. Tờ Dong A Ilbo dẫn lời một viên chức cao cấp của chính phủ cho biết, cuộc tập trận mang tên « Wind of Freedom » (Làn gió tự do) bao gồm việc tập luyện hỗ trợ nhân đạo tại Bắc Triều Tiên sau khi chiếm đóng lãnh thổ, và tái lập các cơ quan hành chính.

Theo tờ báo, một nguồn tin quân sự đã khẳng định: « Đây là lần đầu tiên quân đội Hàn Quốc đóng vai trò chỉ huy các hoạt động ổn định Bắc Triều Tiên, được phía Hoa Kỳ hỗ trợ ». Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã từ chối bình luận, nói rằng các chi tiết về những cuộc tập trận này là thông tin mật.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc - Hoa Kỳ - Quân sự - Quốc tế
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120911-hoa-ky-va-han-quoc-da-tap-tran-chiem-dong-bac-trieu-tien 
 

lundi 10 septembre 2012

Trung Quốc, khối BRICS và trật tự quốc tế mới

Bài đăng : Thứ hai 10 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 10 Tháng Chín 2012 
 
Theo tác giả Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Ifri (Viện Quan hệ Quốc tế Pháp) thì thế giới hiện vẫn đang trên đường đi tìm một trật tự mới. Bài viết mang tựa đề « Trung Quốc, khối BRICS và trật tự quốc tế » đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay nhận định, BRICS không thể thay thế được một phương Tây đang yếu đi, và một trong những trở ngại chính là vai trò thống trị của Trung Quốc trong khối này.

BRICS là tên gọi tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (ban đầu không có chữ S ở cuối vì chưa có Nam Phi). Khái niệm này do nhà kinh tế Jim O’Neil của Goldman Sachs đưa ra vào năm 2001, để chỉ thế mạnh đang lên của « các quốc gia mới trỗi dậy » không thuộc phương Tây, nay đã trở thành một thực thể kinh tế thiết yếu. Khối BRICS lớn gấp năm lần nước Pháp và sắp tới sẽ chiếm một phần ba kinh tế thế giới. Nhưng về mặt địa chính trị, thì những khác biệt cơ bản cùng với những lợi ích trái ngược sẽ khiến cho sự tồn tại của khối này trở nên bất định.

Tuy trong 90% trường hợp các nước BRICS có thể bỏ phiếu theo cùng một hướng ở Liên Hiệp Quốc, nhưng các nước này lại không sẵn sàng hợp thành một khối. Đồng thời cũng không thể hoặc không muốn có được một tổng thư ký và các công cụ cần thiết cho một định chế chính thức.

Theo tác giả bài viết, thì trở ngại quan trọng nhất cho sự hiện diện chính trị của BRICS là vai trò đặc biệt của Trung Quốc trong khối này. Người ta có thể công nhiên đặt dấu hỏi, phải chăng đôi khi Bắc Kinh lợi dụng danh nghĩa của khối để giấu mặt trên trường quốc tế khi cần thiết ? Trung Quốc cũng không ngần ngại làm áp lực với các đối tác cũng như đối thủ khi cho rằng « lợi ích cốt lõi » của mình bị đe dọa.

Chỉ về kinh tế và quân sự, Trung Quốc đã mạnh gấp ba Ấn Độ - một người khổng lồ khác của châu Á. Về mặt chiến lược, Trung Quốc khá lý tưởng về địa lý cũng như dân số dù tỉ lệ tăng dân đang giảm dần, còn nước Nga thì hoàn toàn ngược lại. Về vị thế, đối với Nga, việc thông qua BRICS để lại trở thành một nhân tố trong thế giới đa cực không bù đắp được tâm trạng cay đắng của một quốc gia thời Liên Xô cũ từng là một trong hai cực của thế giới lưỡng cực.

Ngược lại đối với Ấn Độ và Brazil, BRICS là một sự công nhận thành công của hai nước này. Còn Nam Phi hoàn toàn ý thức được sự hiện diện của mình trong khối vẫn đang bị tranh cãi, và qua đó là sự công nhận toàn bộ Phi châu - một lục địa chỉ trong vòng một thế kỷ (1950-2050) sẽ từ 180 triệu người lên 2 tỉ người.
Ngoài vị trí quan trọng của Trung Quốc, còn phải kể đến những bất đồng ngay trong các nước BRICS. Hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga và Trung Quốc không hề muốn đón nhận thêm Brazil, Ấn Độ hay Nam Phi.

Câu lạc bộ các nền kinh tế mới trỗi dậy hiện đang được mở rộng, trong tương lai sẽ rất đa dạng như thêm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mehico, Hàn Quốc, và một ngày nào đó có thể thêm Philippines, Việt Nam. Điều này sẽ làm tổng thể mới này khó hình thành được một khối thống nhất. Cũng như Liên hiệp châu Âu với 27 nước hoạt động khó khăn hơn nhiều so với lúc chỉ có 15 nước, các nước BRICS mai đây sẽ khó tổ chức hơn khi có 10 nước thay vì 5.

Tác giả kết luận, nhưng thế giới hiện nay đang tìm kiếm một trật tự mới. Từ thế giới lưỡng cực trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đã trở thành thế giới đơn cực trong một thời gian ngắn với nước Mỹ dẫn đầu sau khi Liên Xô sụp đổ, rồi đến lượt các tòa tháp Manhattan cũng đổ sụp. Ngày nay, không có G zero, G2, G3 hay G20, chỉ có một thế giới đa cực bất bình đẳng, hoạt động kém…và vấn đề là ở chỗ đó.

Đầu tư khổng lồ của Trung Quốc gây lo ngại khủng hoảng nợ

Liên quan đến kinh tế Trung Quốc, nhiều tờ báo Pháp cùng quan tâm đến kế hoạch đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh để tái thúc đẩy nền kinh tế. Le Monde nhấn mạnh : « Đối mặt với khủng hoảng, Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư công ». Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng « Bắc Kinh đưa ra vũ khí là một kế hoạch tái thúc đẩy hãy còn mơ hồ ». Còn nhật báo công giáo La Croix lo ngại : « Kế hoạch tái thúc đẩy của Trung Quốc gây lo ngại về khủng hoảng nợ ».

Tờ báo kinh tế kể ra 25 dự án xe điện ngầm tại khoảng hai chục thành phố Trung Quốc, xây dựng các xa lộ, hơn 2.000 km đường bộ, chín nhà máy xử lý nước thải, dự án giao thông đường thủy… tổng cộng khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (123 tỉ euro). Tuy nhiên nếu tính đến đầu tư của các địa phương thì phải lên đến 7.000 tỉ nhân dân tệ.

La Croix cho rằng đây là một kế hoạch tái thúc đẩy khổng lồ tuy không có tên gọi chính thức, được đưa ra trong bối cảnh đang được các nhà quan sát lo ngại là « hard landing » - một sự hạ cánh khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường tài chính phấn khởi đón nhận tin này, trong khi nhiều nhà kinh tế cảnh báo nguy cơ lạm phát và những hậu quả tai hại như đã thấy trong kế hoạch năm 2009 : số tiền 450 tỉ euro đã được xài một cách lãng phí, với những công trình hoành tráng vô dụng.

Quan ngại lớn nhất là nợ công của các địa phương, được ước tính tối thiểu là 1.200 tỉ euro vào cuối 2010, tức ít nhất 27% tổng sản phẩm nội địa (PIB). Nhiều chuyên gia cho rằng thực ra con số này lớn hơn rất nhiều, vì chính quyền địa phương giấu diếm. Nhà kinh tế Bằng Hưng Nguyên (Feng Xingyuan) ở Bắc Kinh cho rằng nợ công phải đến 50% PIB, và chính phủ đã « uống thuốc độc cho đỡ khát nước ».

Nhiều nhà quan sát nhận định, đây còn là vấn đề cơ cấu. Tiền thu thuế được chia đều giữa chính quyền trung ương và địa phương, nhưng đa số chi tiêu công (hạ tầng, giáo dục, y tế…) thì địa phương phải gánh, nên đa số chính quyền cơ sở thường phải bán đất. Gần đây bị hạn chế để kìm lại nạn tăng giá nhà đất, nên các địa phương thường phải đi vay, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ tiềm tàng. Nợ nần chồng chất, và rốt cuộc chính nhân dân là những người sẽ phải trả giá.

Le Monde nhấn mạnh đến việc đầu tư tập trung vào khu vực quốc doanh thay vì tư nhân là đi ngược lại tinh thần cải cách. Ban đầu Bắc Kinh cũng đã định tạo điều kiện cho thị trường, khu vực tư nhân và người tiêu dùng, nhưng do sốt ruột khi chỉ còn một tháng nữa là đến đại hội đảng, nên lại quyết định dành ưu tiên cho các tập đoàn nhà nước.

Đức: Hoặc lãnh đạo, hoặc ra khỏi khu vực đồng euro

Cũng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos đăng bài nhận định của George Soros, tỉ phú tài chính nổi tiếng của Mỹ, cho rằng « Đức nên lãnh đạo khu vực đồng euro hoặc rời khỏi khu vực này ».

Theo tác giả, Ngân hàng Trung ương Đức vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ đã lỗi thời, do bị ám ảnh bởi nạn lạm phát trước đây, nên không nhận ra nạn giảm phát mới là nguy cơ thực sự. Đức buộc các nước vay nợ phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt. Điều này giúp cứu vãn đồng euro, nhưng tiếp tục chia rẽ châu Âu thành hai khối rõ rệt, gồm những nước cho vay và nước gặp khó khăn phải đi vay. Một ngày nào đó, các nước này sẽ chối bỏ một châu Âu hai vận tốc.

Như vậy theo George Soros, thì tốt nhất là Đức nên đóng vai trò lãnh đạo trong một liên hiệp chính trị, hoặc là rời khỏi khu vực đồng euro. Trong trường hợp sau, đồng tiền chung châu Âu sẽ bị mất giá, các nước đang mắc nợ sẽ lại có tính cạnh tranh và nợ nần được giảm đi, các nước cho vay bị thiệt thòi nhưng rồi hai bên sẽ cùng gánh trách nhiệm duy trì ổn định cho châu Âu, và như thế tránh được nạn giảm phát. Cả hai chọn lựa trên đều tốt hơn so với việc hình thành một châu Âu hai tốc độ, mà theo tác giả, sẽ không tồn tại được lâu dài.

Giáo dục tẩy não: Dân Hồng Kông phản đối mạnh mẽ, chính quyền lùi bước

Bước sang lãnh vực chính trị, nhật báo cánh tả Libération nhận xét, phong trào phản kháng huy động được đông đảo người Hồng Kông chống lại chương trình học « ái quốc » che giấu các sự thật lịch sử, đã làm cho Bắc Kinh phải chùn bước.

Theo thông tín viên Libération tại Bắc Kinh, bảy triệu dân Hồng Kông lâu nay vẫn lo âu tự hỏi, bao giờ và bằng cách nào Bắc Kinh sẽ buộc họ phải theo ý thức hệ độc đảng. Tháng trước khi cơ quan quản lý giáo dục quyết định áp đặt chương trình học « ái quốc » cho trẻ em từ khi lên 5 tuổi, người Hồng Kông đã phản đối mạnh mẽ.

Với khẩu hiệu « Không được tẩy não trẻ em chúng tôi », dân Hồng Kông đã tiến hành phong trào phản kháng hết sức quy mô, làm cho nhà cầm quyền lúng túng. Những cuộc biểu tình tập hợp hàng trăm ngàn người liên tục diễn ra. Hàng ngàn sinh viên còn đóng đô cả tuần lễ trước trụ sở chính quyền, và theo bước Thiên An Môn, một số sinh viên đã tuyệt thực, tượng Nữ thần Tự do được dựng lên.

Trưởng đặc khu hành chính, ông Lương Chấn Anh cuối cùng đã phải nhượng bộ vào cuối tuần qua, tuyên bố chương trình không mang tính bắt buộc mà chỉ là khuyến cáo. Libération cho biết, chương trình « giáo dục ái quốc » dành cho học sinh trung học mang tên « Mô hình Trung Quốc », đã lờ đi những sự thật lịch sử. Chẳng hạn như nạn đói khủng khiếp năm 1958-1962 làm 45 triệu người chết, những tàn bạo trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976) và vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đã không được nhắc đến.

Do một phần lớn dân Hồng Kông đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc vì các sự kiện trên, nên phong trào phản kháng vừa tự phát vừa rất mãnh liệt. Một nhà sử học Hồng Kông cho biết, người dân tại đây rất sợ một ngày nào đó sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc.

Hơn nữa, Bắc Kinh lại không ngần ngại hù dọa một Thiên An Môn mới. Bài xã luận tuần rồi trên tờ Global Times viết : « Các thanh niên thiếu chín chắn, không hiểu gì về lịch sử đã gánh lấy rủi ro. Lịch sử đã cho thấy những bi kịch cho xã hội khi sinh viên biểu tình, tuyệt thực, tiến lên trận tiền của các xung đột chính trị ».

Hai bộ phim về nhà kháng chiến Pháp Raymond Aubrac

Một sự kiện có phần nào liên quan đến Việt Nam về mặt lịch sử : một nhà báo, nhà văn Pháp đã lên tiếng trên mục diễn đàn của tờ báo cộng sản L’Humanité, phê phán việc hai bộ phim tài liệu về Raymond Aubrac chưa được phổ biến như dự kiến. Nhà kháng chiến nổi tiếng của Pháp cũng là bạn của Hồ Chí Minh, đã từng làm trung gian để mong chấm dứt được chiến tranh Đông Dương. Ông đã âm thầm, bền bỉ làm chiếc cầu nối bí mật giữa Hồ Chí Minh và Tổng thống Pháp Mendès France, và sau đó với các Tổng thống Mỹ Johnson và Nixon.

Hai bộ phim tài liệu « Raymond Aubrac, những năm tháng chiến tranh »« Raymond Aubrac, sự tái thiết » đã không được phát hành vào ngày 4/9 dưới dạng băng video như dự tính ban đầu. Theo tác giả, sau những cuốn sách trước đây viết về Raymond Aubrac, hai bộ phim này cho phép hiểu hơn về quá trình của nhà kháng chiến – một người hiểu rằng sự kín đáo là vũ khí tốt nhất đối với những người không màng đến vinh quang cá nhân, mà chỉ chú trọng kết quả thực tế. Đó là tránh sự hủy hoại hàng loạt những sinh mạng, và góp phần giành độc lập kinh tế cho những nước vừa thoát khỏi ách thực dân.

tags: BRICS - Châu Á - Chính trị - Kinh tế - Quốc tế - Trung Quốc - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120910-trung-quoc-khoi-brics-va-trat-tu-quoc-te
 

dimanche 9 septembre 2012

Thủy điện Sông Tranh 2: Động đất liên tục, người dân lo sợ muốn tản cư

Bài đăng : Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 
Hôm nay, 09/09/2012, tại khu vực thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam lại liên tục xảy ra hai vụ rung chấn mạnh có kèm theo tiếng nổ. Như vậy từ tối 03/09 đến nay, đã có ít nhất 12 vụ động đất tại khu vực gần đập thủy điện Sông Tranh 2. Người dân tại chỗ hết sức lo sợ, nhiều người mong muốn được tản cư.

Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, một người dân Bắc Trà My đã cho biết chi tiết như sau :

Một người dân Bắc Trà My - 09/09/2012
09/09/2012
Tình hình động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 ở Trà My, đến giờ phút này – chiều hôm nay – thì các ban ngành như ngành quân sự, tức là Bộ Tư lệnh Quân khu 5, rồi kể cả các nhà khoa học, cũng lên đây. Sáng nay thì cũng có động đất nhưng mà nhẹ chứ không nặng, không có lớn như mấy bữa 4,2 độ Richter vừa rồi, nói chung là có chấn động đấy. 

Bà con họ rất hoang mang. Nhà nào mà cấp 4 thì cũng bị rung rồi nứt, chứ còn chưa có ảnh hưởng gì tới cuộc sống hay là tính mạng, đe dọa này khác. Nhưng mà về mặt tư tưởng đối với dân thì họ sợ, hoang mang, kể cả cấp lãnh đạo của huyện cũng đang rất lo, lo lắm ! Họ cũng đang đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, tìm mọi biện pháp. 

Chứ còn như thế này thì đối với dân, thực sự mà nói, ví dụ như một hai lần họ còn chịu được, nhưng mà đây đã quá nhiều lần ! Tức là từ bữa đó đến nay đã có 42, 43 rung chuyển rồi. Như thế thì không biết về lâu dài sẽ như thế nào. 

Các nhà khoa học trả lời vẫn bảo đảm an toàn. Nhưng mà theo tôi, cái đập chính sẽ không thể vỡ, nhưng mà ngược lại, bên phải và bên trái, giữa kết cấu bê-tông với đất, thì chuyện đó sẽ xảy ra. Tức là hai cánh sẽ bị phá vỡ, cánh đi lên dòng sông thì bên phải, nhưng mà bên trái sẽ sụp xuống, kéo lại bên phải, bởi vì kết cấu vô mà - để gãy bê-tông là rất khó, lẽ dĩ nhiên là nó có nứt nẻ nhưng sẽ xảy ra như thế.

RFI : Các vụ động đất diễn ra như thế nào ?

Tức là nó rung chuyển, cả vùng đều bị rung chuyển, nhà cửa thì có thể mình để ly nước hay vật gì khác trên bàn rung hết, bị đổ ngã.

RFI : Mỗi lần như vậy người dân có chạy ra khỏi nhà không ?

Chạy chớ sao không chạy ! Bà con cứ chực chạy chứ đâu có dám ở đó, nghe rung cái là chạy ra khỏi nhà liền chớ. Nói chung đa số người dân hiện nay là tư tưởng hoang mang. Bà con rất, rất hoang mang về việc này. Nếu thủy điện tích nước nó sẽ xảy ra nữa. 

Bởi vì sao ? Nếu động đất, nó sẽ phá vỡ cái « cánh gà » của đập, tức là hai bên. Vì hai bên đập vô trong núi, việc sạt lở sẽ xảy ra. Nhất là bên tây, hiện nay gọi là đường DT616, nếu mà có động đất hay là lũ chặn dòng lớn ; có lũ, có mưa hai ngày đến ba ngày thì nước sẽ bung theo đường đó. Nước sẽ không phá vỡ đập, nhưng phá vỡ cái vai của đập.

Đường DT616 là đường đi lên trên ngọn sông, đất bên trái là đất rất yếu. Nó đã nứt rồi, vì là đất đã có nước sình ra từ hồi xưa tới giờ rồi, nhưng mà mỗi lần thì lại bị trục đất, vì đất rất yếu. Nói chung là không bảo đảm được nếu sự cố xảy ra - tức là động đất. Đập thì không vỡ, nhưng giữa vai đập vô trong đất liền sẽ vỡ. Điều đó là chắc chắn.

RFI : Nếu vai đập vỡ như ông nói thì sẽ có ảnh hưởng gì ?

Nếu mà đập vỡ thực sự, nói chung là sinh mạng con người thì ít nhất cũng thiệt hại, ảnh hưởng cỡ sáu, bảy trăm nghìn người. Nhất là toàn bộ hạ lưu sẽ bị hết, nó cuốn chiếu mấy huyện luôn. Dân số ở dọc sông hiện nay sẽ bị cuốn trôi hết. Đó là tính mạng, chứ chưa nói tài sản, của cải.

Bởi vì cao trình của nó tới 195 m, mức lũ bình thường lúc chưa làm thủy điện. Chỉ cần lũ một ngày thôi là ở dưới đã thiệt hại biết bao nhiêu rồi, huống chi cái này nếu bị vỡ đi nó sẽ phá kể cả đập thủy điện Sông Tranh 3 nữa.

RFI : Như vậy đồng bào sống xung quanh có nghĩ tới chuyện di cư đi nơi khác không thưa ông?

Thì cũng đang tính. Hiện nay di cư là di cư tự do. Sáng nay bên quân đội họ đã tới tính toán để di cư dân. Bên quân đội đã khảo sát, xem xét địa hình để di tản dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhưng mà quyết định ngày nào thì chưa. Quyết định của ai thì chưa, chủ trương di cư thì chưa, nhưng hiện nay thì như thế. Còn riêng địa phương, đối với huyện thì họ muốn để di cư dân.

RFI : Trước tình hình bất an như vậy thì người dân cũng như chính quyền địa phương có ý định kiến nghị cho ngưng kế hoạch đập thủy điện Sông Tranh 2 không ?

Hiện nay chính quyền địa phương họ vẫn đề nghị là thứ nhất, phải bảo đảm an toàn đối với sinh mạng nhân dân địa phương, thứ hai là phải ổn định cuộc sống cho dân. Chứ còn để cho dân hoang mang này khác, nó sẽ ảnh hưởng cả về mặt chính trị rồi kinh tế của dân, nhứt là về mặt kinh tế. Dân bây giờ không có tư tưởng làm ăn gì thì làm sao.

Đó là cái điều hiện nay đang trăn trở về khó khăn của địa phương. Mà địa phương thì với tầm tay không được, đang đề nghị cấp trên thôi. Kể cả EVN, tập đoàn nước ngoài họ cũng khẳng định là bảo đảm được, không có gì. Nhưng mà về mặt tư tưởng, họ nói vậy nhưng dân thì đang hoang mang lắm, kể cả cấp lãnh đạo huyện thì họ rất hoang mang về chuyện này.

RFI : Xin rất cảm ơn ông.

tags: Thủy điện - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120909-thuy-dien-song-tranh-2-dong-dat-lien-tuc-nguoi-dan-lo-so-muon-tan-cu 

Tham vọng của ông Putin tại châu Á – Thái Bình Dương

Ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh APEC, ngày 09/09/2012.
Bài đăng : Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 
Khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, nước Nga đã bày tỏ tham vọng ở khu vực Thái Bình Dương cũng như mong muốn trở thành cầu nối giữa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, Nga sẽ phải đối diện với những thử thách như sự hiện diện của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực.

Nước Nga « thực chất là thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương ». Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố như trên trong hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), tổ chức lần đầu tiên tại Nga, ở Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông.

Theo các nhà phân tích, thì đây không phải là một sự chọn lựa vô tình. Chuyên gia Dimitri Trenine, thuộc trung tâm Carnegie ở Matxcơva nhấn mạnh, tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Vladivostok, thành phố quân sự khép kín trước đây, mang tính biểu tượng rất cao. Một trong những lý do là như thế « buộc nước Nga tự xem mình là một cường quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương ».

Tại Vladivostok, chặng cuối huyền thoại của đoạn đường Xuyên Siberia, một chiếc tàu ngầm S-56 nằm hùng dũng trước biển, được bao phủ bằng những ngôi sao đỏ xô-viết, biểu tượng của Liên Xô hùng mạnh trước đây.

Ông Trenine cho biết, Liên Xô từng « có năng lực quân sự khổng lồ » « ảnh hưởng chính trị tại nhiều quốc gia châu Á ». Tuy nhiên khả năng của Liên Xô đã giảm dần cũng với hồi cuối của cuộc chiến tranh lạnh, trong khi ngược lại Trung Quốc và Ấn Độ lại nổi lên. Theo chuyên gia này, thì « Sự thăng bằng giữa các cường quốc về chính trị và kinh tế đã thay đổi, và Nga trở thành một đất nước đứng bên lề. Nhiều nước châu Á không nghĩ về Nga như là một quốc gia châu Á ».

Trung Quốc – Mối đe dọa

Nhưng nay dường như Nga muốn sửa đổi tình trạng này. Matxcơva lớn tiếng khẳng định chủ quyền ở các đảo cực Nam quần đảo Kouriles, tiếng Nhật gọi là Chishima theo một sắc dân ở Bắc Nhật Bản. Đến nay Tokyo vẫn đòi chủ quyền trên các đảo đã bị sáp nhập vào Nga sau Đệ nhị Thế chiến.

Tuy vậy Nga phải tính đến ảnh hưởng to lớn của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh không ngừng củng cố sự hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương, và năm ngoái đã cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. Còn Washington thì đã ký hợp đồng với Canberra về việc đóng quân tại Bắc Úc.

Olga Oliker, nhà phân tích của Rand Corporation nhận đinh: “Có những người ở Nga xem Trung Quốc là mối đe dọa trong tương lai”, cho dù đến nay quan hệ hai nước vẫn tốt đẹp. Theo bà, nếu Nga tìm ra phương cách trở thành một nhân tố nổi bật hơn tại châu Á, thì có thể cần phải xác định các lợi ích của chính mình và theo đuổi chúng, chứ không luôn thích ứng theo nhu cầu của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Nga cũng có thể thấy rằng hai nước « có những mục tiêu chung trong một số lãnh vực ». 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC cũng tuyên bố Washington thấy « không có vấn đề gì trước ý tưởng nước Nga đóng một vai trò trách nhiệm tại châu Á ». 

Tuy nhiên một thành viên phái đoàn Mỹ đã nhắc nhở rằng năm 1986, lãnh tụ cuối cùng của Liên Xô cũ là Mikhail Gorbachev trong một bài diễn văn cũng đã nhấn mạnh việc Nga muốn đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực, nhưng cho đến nay vẫn chưa thủ vai tích cực.

Còn Richard Bitzinger, trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore cho rằng, trong lịch sử Nga thường ít coi trọng vùng Viễn Đông, và những cam kết của Nga tại khu vực này sẽ không kéo dài. Ông kết luận : « Nước Nga về lịch sử thường nghiêng qua ngả lại, khi thiên về Âu, khi lại ngả sang Á (…) Nói chung, khi nào thất vọng về khu vực này thì Nga lại có khuynh hướng nhấn sang khu vực kia. Có thể chúng ta đang nhìn thấy điều này trong hiện tại ». 

tags: APEC - Châu Á - Chính trị - Hoa Kỳ - Nga - Quốc tế - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120909-tham-vong-cua-ong-putin-tai-chau-a-%E2%80%93-thai-binh-duong 

Philippines - Trung Quốc không gặp gỡ bên lề APEC

Bài đăng : Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 
Tổng thống Philippines đã không gặp gỡ được lãnh đạo Trung Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương - APEC. Ngoại trưởng Philippines, hôm nay 09/09/2012, cho biết như trên, nhìn nhận tình hình tiếp tục căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển.

Theo Ngoại trưởng Albert Del Rosario, hai bên đã cố gắng tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, trong hai ngày Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Vladivostok, tuy nhiên, Bắc Kinh và Manila đã không sắp xếp được thời gian.

Các trợ lý của ông Aquino trước đó nói rằng, việc gặp ông Hồ Cẩm Đào là ưu tiên hàng đầu trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh.

Cuộc hội kiến bất thành giữa Tổng thống Benigno Aquino và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tương phản với cuộc hội đàm của Chủ tịch Trung Quốc và người đồng nhiệm Việt Nam là ông Trương Tấn Sang, được phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc mô tả là rất hữu nghị.

Ông Hồ Cẩm Đào cũng gặp Quốc vương Brunei vốn ít lớn tiếng khẳng định chủ quyền nhất, và đại diện của Đài Loan.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi được cho là giàu tiềm năng dầu khí và hải sản, đồng thời là tuyến đường hàng hải chiến lược cho thương mại quốc tế. Tuy nhiên Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng đòi hỏi chủ quyền tại vùng biển này. Đặc biệt Manila và Hà Nội đã lên án chính sách hung hăng, đe dọa của Bắc Kinh nhằm độc chiếm Biển Đông.

tags: APEC - Châu Á - Philippines - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120909-ben-le-apec-philippines-trung-quoc-khong-gap-nhau 

Pakistan : Tạm tha cô bé bị kết tội báng bổ đạo Hồi, bắt giữ giáo sĩ vu cáo

Các nhân viên an ninh Pakistan đưa Rimsha (áo xanh lá cây, trùm đầu) lên trực thăng.
Bài đăng : Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 
Cô bé theo đạo Thiên Chúa người Pakistan bị vu oan là đã đốt kinh Coran, bị giam giữ hơn ba tuần qua, đã được rời khỏi nhà tù bằng trực thăng vào ngày hôm qua, 08/09/2012. Đây là lần đầu tiên, một nghi can có thể bị tử hình về tội báng bổ đạo Hồi, có được ân huệ này. Ngược lại, giáo sĩ đã vu cho cô tội này đã phải ngồi tù từ cuối tuần trước.

Rimsha, một cô bé mù chữ, mà theo các bác sĩ đã khám nghiệm thì cô khoảng 14 tuổi, đã bị tù từ hơn ba tuần qua, do bị cho là đã đốt những tờ kinh Coran – một tội danh có thể bị tù chung thân, thậm chí tử hình. Hôm thứ Sáu 7/9, tòa án Islamabad đã cho phép tạm trả tự do, với điều kiện đóng tiền bảo chứng. Sáng nay, các luật sư của cô đã làm đủ các thủ tục cần thiết, kể cả đóng số tiền một triệu rupi (khoảng 8.300 euro).

Một phóng viên ảnh của AFP nhìn thấy Rimsha được di chuyển bằng xe bọc thép từ nhà tù Rawalpindi gần Islamabad, đưa lên máy bay trực thăng. Bộ trưởng Bộ Hài hòa Quốc gia của Pakistan, Paul Bhatti, cho biết, cô bé được đưa đến một nơi cư ngụ mới cùng với gia đình, được bảo vệ an ninh chặt chẽ. Ông Bhatti vui mừng tuyên bố : « Công lý đã được thực thi ».

Vụ án này đã có một diễn biến ngoạn mục vào cuối tuần trước, khi cảnh sát bắt giam vị giáo sĩ ở đền thờ Hồi giáo gần nhà Rimsha, vì ông này đã bỏ các trang kinh Coran vào những tờ giấy bị đốt do một người hàng xóm mang đến để vu oan cho cô bé, nhằm « trục xuất » những người Thiên Chúa giáo ra khỏi khu vực.
Bị những người chủ trương tự do lên án là công cụ cho các xung đột cá nhân, luật về báng bổ đạo Hồi được những người Hồi giáo cực đoan quyết liệt bảo vệ, là chủ đề vô cùng nhạy cảm trong một đất nước có đến 97% dân theo đạo Hồi.

Ngoài Shahbaz Bhatti, cố Bộ trưởng Bộ Hài hòa Quốc gia và là anh ruột của Bộ trưởng đương nhiệm, bị sát hại vào năm ngoái, một chính khách khác ủng hộ việc sửa đội bộ luật trên là Thống đốc bang Pendjab, Salman Taseer, cũng đã bị ám sát trong năm vừa rồi.

Tuy việc Rimsha được tạm tha không có nghĩa là vụ án đã kết thúc, nhưng nhiều tổ chức đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của tòa án, đồng thời kêu gọi Pakistan xem xét lại bộ luật báng bổ Hồi giáo. Amnesty International nêu lên các vụ giết hại những người bị cho là báng bổ đạo Hồi hoặc chỉ trích đạo luật trên trong thời gian gần đây, cho rằng Rimsha và gia đình cô cũng như cộng đồng người Thiên Chúa giáo ở Islamabad đang đối mặt với hiểm nguy.

Ngoài Vatican, Pháp và Hoa Kỳ, Rimsha còn nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội các giáo sĩ Pakistan, tập hợp nhiều tổ chức Hồi giáo. Theo các tổ chức Thiên Chúa giáo, đây là sự kiện chưa có tiền lệ đối với các vụ báng bổ đạo Hồi tại Pakistan. Chủ tịch hiệp hội, ông Tahir Ashrafi cho biết, nếu chính phủ không bảo đảm được an ninh cho cô bé Rimsha và gia đình, thì Hiệp hội các giáo sĩ Hồi giáo Pakistan sẽ tìm cho gia đình cô một nơi trú ẩn.

tags: Châu Á - Pakistan - Tôn giáo - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120909-pakistan-tam-tha-co-be-bi-ket-toi-bang-bo-dao-hoi-bat-giu-giao-si-vu-cao 

Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được « chữa trị » bằng phương pháp của Scientologie

Bài đăng : Thứ sáu 07 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 07 Tháng Chín 2012 
Các nạn nhân chất độc màu da cam được Mỹ sử dụng làm chất khai quang trong chiến tranh Việt Nam, sẽ được chữa trị bằng phương pháp hiện đang gây tranh cãi của Giáo hội Scientologie, trên cơ sở tập luyện thể thao và dùng vitamine. Hãng tin AFP dẫn nguồn tin trong giới y khoa Việt Nam hôm nay 07/09/2012 cho biết như trên.

Hà Nội khẳng định có đến ba triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất dioxin có trong chất da cam, và một triệu người trong số đó đang bị nhiều bệnh tật, 150.000 trẻ em bị dị dạng.

Ông Hoàng Mạnh An, giám đốc bệnh viện quân y 103 ở Hà Nội cho AFP biết, có 24 bệnh nhân nhiễm độc sẽ được chữa trị thử nghiệm trong vòng một tháng, theo « phương pháp Hubbard » - gọi theo tên của nhà văn chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng Ron Hubbard, người sáng lập Giáo hội Scientologie.

Theo ông Hoàng Mạnh An, thì phương pháp này dựa trên các buổi tắm hơi, tập luyện cơ thể và chích các loại vitamine « chưa bao giờ được sử dụng trong việc chữa trị các loại bệnh liên quan đến chất dioxin trước đó, và chúng tôi muốn kiểm tra hiệu quả như thế nào ».

Tại Hà Nội, đại sứ quán Hoa Kỳ - nước xem Giáo hội Scientologie là một tôn giáo – tỏ rõ là đứng ngoài cuộc. Phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ, Christopher Hodges nói với AFP : « Chúng tôi không biết bất cứ một phương pháp chữa trị nào chắc chắn và hiệu quả để tẩy độc cho những người bị nhiễm chất dioxin ».

Khoảng 80 triệu lít chất độc da cam đã được người Mỹ phun xuống các khu rừng miền Nam Việt Nam để phá hủy rừng rậm và những cánh đồng được du kích cộng sản sử dụng.

Giáo hội Scientologie được thành lập vào năm 1954, hiện có trên 10 triệu tín đồ trên thế giới, bị nhiều báo cáo của Quốc hội Pháp xếp loại giáo phái. Tại Pháp, hai cơ sở chính của Giáo hội Scientologie trong năm nay đã bị tòa phúc thẩm phạt lần lượt 400.000 và 200.000 euro vì tội « lừa đảo có tổ chức ».

tags: Chất độc da cam - Sức khỏe / Y tế - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120907-nan-nhan-chat-doc-da-cam-viet-nam-duoc-%C2%AB-chua-tri-%C2%BB-bang-phuong-phap-gay-tranh-cai 

mercredi 5 septembre 2012

Vương Lập Quân: Giám đốc công an quyền uy bỗng chốc thành "kẻ phản bội"

Vương Lập Quân trong một hội nghị ở Trùng Khánh, ngày 07/01/2012.
Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 
Là người đã gây ra vụ xì-căng-đan chấn động chưa từng thấy ở Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, chỉ trong vài giờ Vương Lập Quân từ tư cách một lãnh đạo công an siêu quyền lực được kiêng dè, trở thành một kẻ phản bội có nguy cơ ngồi tù nhiều năm.

Tân Hoa Xã hôm nay 05/09/2012 đã công bố các tội danh của Vương Lập Quân : đào nhiệm, lạm dụng quyền lực và tham nhũng, nhưng không cho biết thời gian cũng như địa điểm của phiên tòa tương lai.
Tất cả đã sụp đổ đối với ông, vào một ngày tháng Hai, khi bỗng chốc bị thất sủng trước cấp trên là Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đầy quyền lực, Vương Lập Quân đã cố tìm đường thoát bằng cách trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, gần Trùng Khánh.

Tại đây, trước những nhà ngoại giao sững sờ không tin nổi những gì nghe được, ông ta đã đưa ra thanh thiên bạch nhật những chuyện xấu xa tại Trùng Khánh. Và nhất là vụ vợ ông Bạc Hy Lai là bà Cốc Khai Lai đã sát hại một doanh nhân Anh.

Vương Lập Quân tìm kiếm sự bảo vệ, nhưng thực tế thì ông đã khiến mình rơi xuống vực sâu nhanh hơn. Vừa ra khỏi lãnh sự quán Mỹ, ông ta đã được đưa đến Bắc Kinh, và từ đó đến nay không ai còn nhìn thấy ông nữa.

Cứ như trong tiểu thuyết gián điệp, nhân vật 52 tuổi này cho đến lúc đó đã thành công trong vai trò một lãnh đạo công an đáng gờm, thậm chí bị ghét bỏ. Cái nhìn lạnh lẽo sau cặp kính gọng nhẹ, khuôn mặt hiếm khi thấy nụ cười, Vương Lập Quân nổi tiếng là một « siêu cớm » không thể mua chuộc và có cách làm việc thô bạo.

Là người gốc thiểu số Mông Cổ, Vương Lập Quân rất giỏi võ nghệ. Ông ta có ít nhất hai chục vết thẹo trên người, kỷ niệm của những lần bị thương do đạn bắn hay dao chém trước đây. Ông bắt đầu sự nghiệp tại tỉnh Liêu Ninh, vùng công nghiệp đông bắc Trung Quốc. Chỉ là một công an viên bình thường vào đầu thập niên 80, Vương Lập Quân thăng tiến dần và đặc biệt thích thú việc đấu tranh chống tội phạm.

Chính tại Liêu Ninh mà Vương Lập Quân gặp gỡ Bạc Hy Lai, một lãnh đạo có tương lai đầy hứa hẹn trong bộ máy đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi được giao chức vụ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông Bạc đã kéo Vương Lập Quân về, trở thành cánh tay phải của ông, phụ trách vấn đề an ninh. Cặp đôi này đã tạo dấu ấn sâu sắc tại Trùng Khánh.

Bạc Hy Lai, Bí thư đầy sức cuốn hút luôn đứng ra trước hào quang danh vọng, chú tâm vào việc chuyển đổi Trùng Khánh thành một thành phố kiểu mẫu một cách ngoạn mục. Còn Vương Lập Quân ở trong bóng tối, lo quét sạch bọn tội phạm khỏi thành phố một cách hiệu quả. Ông ta đã tung ra cuộc thập tự chinh chống mafia được cho là sử dụng những thủ đoạn vi phạm trầm trọng nhân quyền.

Chiến dịch lên đến cao trào vào năm 2009, với hàng ngàn vụ bắt giữ, nhiều nghi can cho biết đã bị tra tấn tàn bạo, và các phiên tòa chống mafia diễn ra một cách ồn ào, trong đó có vụ ông Văn Cường, người đứng đầu cơ quan tư pháp Trùng Khánh, bị kết án tử hình và đã bị thi hành án.

Vương Lập Quân, chỉ huy cơ quan an ninh cũng nổi tiếng là một Eliot Ness của Trung Quốc – người đấu tranh không mệt mỏi chống mafia ở Chicago. Một bộ phim truyền hình nhiều tập mà nhân vật chính là một chỉ huy công an có tinh thần thép, không ngại vấy máu, cũng đã lấy cảm hứng từ Vương Lập Quân.

Trở thành Phó thị trưởng Trùng Khánh, Vương Lập Quân có vẻ là một nhân vật đầy thế lực, hiếm khi bị ảnh hưởng bởi những chỉ trích, chẳng hạn sở thích của ông ta về đồng hồ hàng hiệu và các bộ vét sang trọng.

Là người cẩn trọng và làm việc có phương pháp, Vương Lập Quân không quên gì cả : Chẳng phải ông đã bí mật ghi âm lời thú nhận giết người của Cốc Khai Lai đó sao ? Cũng chính ông ta đã lặng lẽ lấy mẫu tế bào từ xác nạn nhân của bà Cốc !

Một Vương Lập Quân siêu năng động cũng đã vẽ mẫu và được cấp bằng sáng chế về kiểu áo mưa màu đỏ dùng do lực lượng an ninh Trùng Khánh.

Vương Lập Quân còn là chuyên gia về pháp y, có thể tự giảo nghiệm tử thi. Ông đã được một tổ chức Mỹ, Henry Lee Institute of Forensic Science (Viện Khoa học Pháp y Henry Lee) phong chức giáo sư danh dự.

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120905-vuong-lap-quan-quan-chuc-day-quyen-luc-nay-bi-quy-toi-phan-boi 

Thủy điện Sông Tranh 2 có an toàn khi động đất ?

Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 

Đêm 03/09/2012, tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, động đất đã xảy ra ngay tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, nơi trước đây từng có những thông tin về các vụ rò rỉ nước ở thân đập chính, và sau đó bị phát hiện có những vết rạn nứt.

Theo báo chí trong nước, có đến năm vụ rung chấn ở cường độ từ 2 đến 4,2 độ Richter kèm theo những tiếng nổ lớn khiến người dân rất lo sợ. Ngay trong đêm thứ Hai 03/09/2012, tin đồn sắp có sóng thần cũng đã khiến cho người dân thuộc ba xã ở tỉnh Quảng Ngãi kế cận phải thu gom đồ đạc đi lánh nạn. Dư luận cho rằng do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã làm tăng cường độ đứt gãy.

Cũng theo báo chí Việt Nam, trong cuộc họp báo hôm qua 04/09/2012, các cơ quan chức năng gồm Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, chính quyền tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My vẫn khẳng định việc chống thấm cho đập đã hoàn thành với mức độ nước thấm giảm 80-90%.
Ông Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu, Hà Nội
05/09/2012
Tư vấn Colenco của Thụy Sĩ cũng cho biết đập đảm bảo an toàn, có khả năng chịu được cường độ động đất cao hơn trong thiết kế.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, RFI Việt ngữ đã liên lạc với tiến sĩ Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu ở Hà Nội.

tags: Phỏng vấn - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120905-thuy-dien-song-tranh-2-lieu-co-an-toan-truoc-dong-dat 

Kinh tế Trung Quốc bị chậm lại, đe dọa đến tăng trưởng châu Á

Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 
Theo một cuộc điều tra thực hiện với các nhà lãnh đạo và những nhân vật có ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương được công bố hôm nay 05/09/2012, thì tình trạng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại là mối đe dọa chủ yếu đang đè nặng lên sự tăng trưởng của châu Á.

Công trình nghiên cứu do Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) tiến hành đã nhận định : « Về các đe dọa đối với tăng trưởng, những nhân vật hàng đầu trong khu vực tỏ ra quan ngại trước tác động của tình trạng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, hơn là tại châu Âu và Hoa Kỳ ». Có 56% người được hỏi « chuẩn bị trước một nền kinh tế Trung Quốc yếu kém hơn trong 12 tháng tới », so với tỉ lệ 36% cách đây một năm.

Cuộc điều tra được thực hiện với 500 nhà lãnh đạo trong khu vực, trong đó có giới doanh nhân, học thuật và viên chức chính phủ, đã được công bố vào thời điểm hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Vladivostok, ở miền Viễn Đông nước Nga.

Ông Donald Campbell, đồng chủ tịch PECC nhấn mạnh, kết quả trên đây cho thấy vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc - nền kinh tế thứ nhì thế giới – động lực chính của tăng trưởng toàn cầu. Ông nói : « Cách đây mười năm, châu Á -Thái Bình Dương chỉ chiếm 20% sản xuất, nhưng nay lên đến 35%. Đây là khu vực năng động nhất, được kéo đi bởi đầu tàu Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đã trở thành một nhân tố chủ chốt cho tăng trưởng ». 

Trung Quốc tuy từng chứng tỏ khả năng trụ vững trước khủng hoảng nợ châu Âu và sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Hoa Kỳ, trong thời gian gần đây đã cho thấy các dấu hiệu yếu kém.

Trong tháng Tám, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Tổng sản phẩm nội địa trong quý II chỉ tăng 7,6%, thấp nhất từ ba năm qua. Còn các số liệu của tháng Bảy về thương mại, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đều xuống dốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tập hợp 10 nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

tags: Châu Á - Kinh tế - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120905-kinh-te-trung-quoc-bi-cham-lai-de-doa-den-tang-truong-chau-a 

Samsung nhìn nhận những chỉ trích về điều kiện lao động

Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 
Hôm nay 05/09/2012, tập đoàn Hàn Quốc Samsung Electronics đã công nhận những chỉ trích từ tổ chức China Labor Watch về điều kiện lao động của công nhân các nhà máy của hãng này tại Trung Quốc, nhưng bác bỏ lời kết án là « vô nhân đạo ».

Phát ngôn viên của Samsung, James Chung nói rằng tập đoàn đã ghi nhận báo cáo của China Labor Watch, tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã phát hiện việc các công nhân phải làm việc tăng ca quá sức, và không được ngồi trong khi lao động. Ông Chung nhìn nhận Samsung có khuyến khích việc làm ngoài giờ, nhưng nói thêm là chỉ khi lắp đặt những dây chuyền sản xuất mới.

Về việc công nhân phải đứng, thì đó là do « cấu trúc cơ bản của dây chuyền sản xuất », và tại các nhà máy ở Hàn Quốc cũng tương tự. Ông James Chung cho biết, điều này là từ thiết kế dây chuyền lắp ráp, và không thể giải quyết được ngay, tuy nhiên công nhân thường xuyên được nghỉ giải lao.

Tổ chức China Labor Watch đã điều tra tám nhà máy, trong đó sáu nhà máy do Samsung trực tiếp quản lý, hai nhà máy còn lại được điều hành bởi các công ty Trung Quốc cung cấp phụ tùng cho tập đoàn này. Báo cáo của tổ chức này đã lên án nặng nề tập đoàn Hàn Quốc, cho rằng Samsung đã buộc công nhân tại các nhà máy ở Trung Quốc phải lao động ngoài giờ gấp năm lần so với quy định, không tôn trọng các quyền căn bản của người lao động.

Theo China Labor Watch, Samsung đã vừa vi phạm luật pháp vừa vô nhân đạo, và nhấn mạnh rằng công nhân thiếu các kênh khiếu nại để chỉnh đốn lại tình hình. Ông Chung bác bỏ từ « vô nhân đạo » và cho rằng đánh giá trên là hoàn toàn không lành mạnh và quá đáng.

Hôm qua, Samsung đã trả lời một báo cáo khác của China Labor Watch cho rằng một nhà cung cấp của tập đoàn là HEG Electronics tại Huệ Châu, Quảng Đông đã sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy nhiên kiểm tra của Samsung cho thấy nhà máy này tuyển dụng các sinh viên và thực tập sinh dưới 20 tuổi, nhưng không có ai dưới 16 tuổi.

Tập đoàn Hàn Quốc cho biết đã thanh tra gần 250 nhà máy của đối tác Trung Quốc, và đã đưa ra một kế hoạch nghiêm khắc để hạn chế những vi phạm dù nhỏ nhất. Samsung sẵn sàng chấm dứt hợp đồng với các đối tác nào không tôn trọng luật lao động.

tags: Châu Á - Hàn Quốc - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120905-samsung-nhin-nhan-nhung-chi-trich-ve-dieu-kien-lao-dong 

Đảng Québec giành thắng lợi nhân bầu cử Quốc hội

Bà Pauline Marois, nữ Thủ tướng đầu tiên của Québec, ngày 04/09/12.
Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 
Với 32% số phiếu đạt được hôm qua 04/09/2012 trong cuộc bầu cử Quốc hội, đảng Québec (PQ) đã vượt được đảng Tự do (PLQ) vốn lãnh đạo Québec suốt 9 năm qua. Tuy nhiên, bà Pauline Marois, thủ lãnh đảng Québec trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của tỉnh nói tiếng Pháp thuộc Canada, sẽ khá vất vả khi lãnh đạo vì không đạt được đa số.

Năm nay 63 tuổi, người đứng đầu đảng Québec, bà Pauline Marois sẽ phải điều hành chính phủ với các phe đối lập rất mạnh, vì đảng của bà chỉ chiếm được 54/125 ghế tại Quốc hội Québec. Đảng Tự do về nhì chiếm 50 ghế, còn đảng Liên minh Tương lai Québec được 19 ghế. Đây là một chiến thắng hết sức khít khao.

Từ Québec, thông tín viên RFI Pascale Guéricolas tường trình :

« Đảng Québec đã thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội nhưng chỉ hơn đảng Tự do có 1% số phiếu. Như vậy đảng Tự do đã nắm quyền quá lâu và bị nhiều tai tiếng tham nhũng, đã không bị sụp đổ như dự đoán. 

Như vậy đảng Québec chủ trương độc lập cho vùng đất nói tiếng Pháp của Canada, sẽ phải điều hành với sự hỗ trợ của các đại biểu hoàn toàn tin vào một nước Canada thống nhất. Đó là những người thuộc đảng Tự do và Liên minh Tương lai Québec – một đảng mới trên chính trường. 

Trong những điều kiện như thế, việc tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề Québec trở thành một quốc gia độc lập sẽ không diễn ra trong tương lai gần cũng như trung hạn. Một hồ sơ gây tranh cãi nữa là việc tăng học phí đại học, vốn đã làm cho hàng trăm ngàn sinh viên xuống đường trong mùa xuân năm nay. 

Trong chiến dịch tranh cử, bà Pauline Marois đã cam kết sẽ ngưng tăng học phí cho sinh viên. Nay bà sẽ phải dàn xếp với các đại biểu đảng Tự do đối lập vốn ủng hộ chủ trương cải cách này, và giới sinh viên phản kháng, và như vậy sân khấu chính trị tương lai sẽ còn nhiều sóng gió ». 

Một người chết trong vụ nổ súng tại lễ mừng chiến thắng 

Vào nửa đêm hôm qua, khi nữ Thủ tướng đầu tiên của Québec đang phát biểu trên khán đài tại lễ mừng chiến thắng ở Montréal, và cử tọa đang rất phấn khích, thì bỗng nhiên hai nhân viên an ninh xuất hiện đẩy bà vào hậu trường.

Sau đó người ta được biết, một người đàn ông khoảng 50 tuổi, trang bị súng trường và súng ngắn, đã đột nhập vào từ mặt sau, bắn chết một người và làm bị thương nặng một người khác. Đương sự cũng toan phóng hỏa tòa nhà.

Nhiều nhà báo hiện diện tại chỗ cho biết người này đã hô bằng tiếng Pháp giọng Anh : « Những người Anh tỉnh thức », sau khi bà Pauline Marois vừa tuyên bố : « Tương lai của Québec là trở thành một quốc gia có chủ quyền ».

Các đơn vị tinh nhuệ của cảnh sát Montréal đã được triển khai tại khu vực, tân Thủ tướng quay lại đề nghị cử tọa giải tán trong trật tự, tuy nhiên không khí tưng bừng của buổi lễ đã không còn nữa.

Canada vốn là một đất nước ít tội phạm cũng như bạo động chính trị. Vụ ám sát chính khách gần đây nhất là vào tháng 10/1970, tức cách đây 42 năm, nạn nhân là Bộ trưởng Lao động bị bắt cóc và sát hại.

tags: Canada - Quốc tế - Theo dòng thời sự
http://joko.viet.rfi.fr/quoc-te/20120905-dang-chu-truong-quebec-doc-lap-gianh-thang-loi-nhan-bau-cu-quoc-hoi 

Sinh viên Hồng Kông tiếp tục biểu tình chống «tẩy não»

Sinh viên Hồng Kông phản kháng tiếp tục đóng đô trước cơ quan chính phủ ngày 04/09/12.
Bài đăng : Thứ ba 04 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 04 Tháng Chín 2012 

Phong trào phản kháng của sinh viên và giáo viên Hồng Kông chống lại kế hoạch đưa giáo dục lòng yêu nước Trung Quốc vào chương trình giảng dạy, hôm nay 04/09/2012 đã bước sang ngày thứ sáu, trong bối cảnh căng thẳng về chính trị trước cuộc bầu cử Quốc hội.  

Những người phản kháng cho biết họ sẽ không bầu cho những đảng nào ủng hộ chương trình « giáo dục công dân », mà theo họ là nhằm tẩy não trẻ em bằng những luận điệu tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lãnh thổ từng là nhượng địa của Anh quốc, sẽ tiến hành bầu 70 dân biểu vào Chủ nhật tới, tuy nhiên quyền hành vẫn nằm trong tay Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông thân Trung Quốc - ông Lương Chấn Anh. Ông Lương đã làm ngơ trước lời kêu gọi của những người biểu tình đòi tổ chức gặp gỡ, và từ chối hủy bỏ chương trình giáo dục công dân mới, mà các trường có thể tùy nghi áp dụng từ tuần này, và trở nên bắt buộc từ năm 2016.

Ông Lương Chấn Anh nói với các nhà báo : « Chúng tôi cũng muốn đối thoại với các phe chống chương trình giáo dục công dân, nhưng điều kiện tiên quyết không thể là việc bỏ hay không bỏ chương trình này ».

Đa số các trường học ở Hồng Kông cho biết sẽ không áp dụng chương trình giáo dục công dân mới trong năm nay, và muốn biết thêm chi tiết về việc giảng dạy chủ đề này.

Chính quyền nói rằng chương trình là rất quan trọng để khơi dậy tình cảm với đất mẹ Trung Quốc cũng như bản sắc, nhìn nhận khuynh hướng chống Trung Quốc đang tăng lên tại thành phố bán tự trị có bảy triệu dân.

Nhưng những người chỉ trích cho rằng các bài học nhằm đề cao phẩm chất của đảng Cộng sản đang cầm quyền, và bưng bít các sự kiện như cuộc đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình đòi dân chủ của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, cũng như nạn đói khủng khiếp và giết người vô tội vạ trong Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông.

Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, nhưng vẫn duy trì được quyền tự chủ về chính trị và hệ thống pháp luật đảm bảo các quyền tự do của công dân, vốn thiếu vắng ở Hoa lục.

tags: Châu Á - Hồng Kông - Theo dòng thời sự - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120904-sinh-vien-hong-kong-tiep-tuc-bieu-tinh-chong-%C2%AB-tay-nao-%C2%BB
 

Dân biểu Đài Loan đến đảo Ba Bình-Trường Sa thị sát tập trận


Bài đăng : Thứ ba 04 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 04 Tháng Chín 2012 
Hôm nay 04/09/2012 ba dân biểu Đài Loan đã bay đến đảo Ba Bình của Việt Nam, nhưng hiện do Đài Bắc kiểm soát, thuộc cụm Nam Yết, quần đảo Trường Sa, nhằm thị sát cuộc tập trận bắn đạn thật của đơn vị quân đội trên đảo. AFP nhận xét, hành động này của Đài Loan có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa trong thời Pháp thuộc, có một trạm khí tượng do Pháp xây dựng. Cuối năm 1946 lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã chiếm đóng đảo Ba Bình, nhưng năm 1950 đã rút đi khi Tưởng Giới Thạch thua quân cộng sản. Đến năm 1956 Đài Loan quay lại chiếm đảo Ba Bình và đặt tên là đảo Thái Bình, xây dựng sân bay và nhiều công sự kiên cố.

Ba dân biểu Đài Loan, trong đó hai thuộc Quốc dân đảng và một người thuộc đảng Dân Tiến, đi trên một chiếc máy bay vận tải C-130 từ một căn cứ không quân ở miền nam Đài Loan, đã hạ cánh xuống đảo Ba Bình sau ba tiếng rưỡi đồng hồ bay. Một phát ngôn viên của lực lượng tuần duyên Đài Loan cho AFP biết, nhóm dân biểu này đã thị sát cuộc tập trận bắn đạn thật của đơn vị tuần duyên trên đảo.

Hồi tháng Bảy, Đài Loan đã tăng cường các loại đại bác và súng cối có tầm bắn xa hơn trên đảo Ba Bình. Tuần rồi Tổng thư ký Hội đồng An ninh cùng Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan đã đến thăm đảo, gây giận dữ cho phía Việt Nam. Bất chấp cảnh báo của các nước khác, một số chính khách cánh hữu Đài Loan đã gây áp lực với chính phủ đòi tăng cường quân đội, thay thế đơn vị tuần duyên đang đóng ở Ba Bình bằng một đơn vị hải quân tinh nhuệ.

Quần đảo Trường Sa đang được Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei đòi hỏi chủ quyền toàn bộ hay một phần. Nhìn chung, Biển Đông đang là trung tâm của một loạt các tranh cãi ngoại giao liên quan đến yêu sách chủ quyền.

Tình hình thêm căng thẳng vào tháng Bảy, khi Trung Quốc loan báo việc thành lập cái gọi là « thành phố Tam Sa » và thành lập đơn vị quân đội tại đảo Phú Lâm - thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam – khiến Hoa Kỳ phải lên tiếng.

tags: Biển Đông - Châu Á - Trường Sa - Việt Nam - Đài Loan
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120904-dan-bieu-dai-loan-den-dao-ba-binh-truong-sa-thi-sat-tap-tran 

Tàu tiếp liệu cho tàu ngầm Mỹ đến vịnh Subic-Philippines

Bài đăng : Thứ ba 04 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 04 Tháng Chín 2012 
Chiếc tàu USS Frank Cable chuyên tiếp liệu cho các tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, đã đến vịnh Subic của Philippines hôm qua 03/09/2012 trong khuôn khổ một chuyến thăm 12 ngày. Chuyến viếng thăm này trùng hợp với thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công du Đông Nam Á 11 ngày, nhằm thúc đẩy các nước trong khu vực đoàn kết lại trước sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tân Hoa Xã và trang web businesssmirror.com dẫn thông báo của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila cho biết, chiếc USS Frank Cable (AS-40) sẽ neo đậu tại cảng Subic « trong khuôn khổ chuyến viếng thăm hữu nghị nhằm nhấn mạnh đến quan hệ lịch sử, cộng đồng và quân sự mật thiết giữa Hoa Kỳ và Philippines ». 

Cũng trong hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gặp gỡ Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono. Theo báo chí thì Hoa Kỳ muốn hỗ trợ mạnh mẽ cho một kế hoạch nhằm giảm bớt căng thẳng trong việc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và bà Clinton khuyến khích các quốc gia Đông Nam Á nên đoàn kết lại để tăng sức mạnh trong việc đàm phán.

Tuy vậy đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila không hề nêu ra sự liên hệ giữa chuyến công du của bà Hillary Clinton, với sự hiện diện của USS Frank Cable. Thông báo chỉ nói chiếc tàu này đến đây để « tham gia với các đối tác Không quân Philippines, và cho phép thủy thủ đoàn có dịp nghỉ ngơi, thư giãn ». 

Chiếc USS Frank Cable là loại tàu con thoi thuộc lớp LY Spear, chuyên hỗ trợ cho loại tàu ngầm nguyên tử tấn công nhanh lớp Los Angeles, vốn là trụ cột của lực lượng tàu ngầm Mỹ. Tàu USS Frank Cable có trọng tải 23.000 tấn, có thể cung cấp đủ loại thực phẩm, nhiên liệu, vũ khí và các thiết bị khác cho tàu ngầm. Đây là một trong hai tàu ngầm con thoi của đơn vị tiếp liệu gồm 26 tàu của quân đội Mỹ.

Hôm nay Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin đã hoan nghênh lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ về một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời thúc đẩy hoàn chỉnh bộ « quy tắc ứng xử ». Ông Gazmin nói : « Đây cũng là điều chúng tôi đang tìm kiếm. Chúng tôi cần nói chung một tiếng nói. Nếu đoàn kết lại, mới có thể thương lượng với một nước lớn, tìm ra một giải pháp duy nhất giữa ASEAN và một nước thứ ba ».

Cũng trong hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez tuyên bố Philippines tìm kiếm một « phương pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp và đa phương » cho Biển Đông.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Philippines - Quân sự
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120904-tau-ngam-my-den-vinh-subic-cua-philippines 

Tây Ban Nha : Gần 4,7 triệu người thất nghiệp

Người thất nghiệp đăng ký tìm việc tại Madrid, 04/09/12.
Bài đăng : Thứ ba 04 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 04 Tháng Chín 2012 
Tỉ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha lại tăng lên trong tháng 8/2012 sau bốn tháng liền ở mức thấp, với 4,63 triệu người đăng ký tìm việc. Bộ Lao động Tây Ban Nha hôm nay 04/09/2012 đã thông báo như trên. Hiện tỉ lệ thất nghiệp của nước này vẫn đang ở mức cao nhất trong số các nước phát triển.

Nền kinh tế đứng thứ tư trong khu vực đồng euro trong tháng Tám đã có thêm 38.179 người thất nghiệp, tăng 0,83% so với tháng Bảy, đặc biệt là trong lãnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì đã có thêm gần nửa triệu người thất nghiệp, tăng gần 12%, với tổng số người đăng ký tìm việc hiện nay là 4.625.634 người.

Viện Thống kê Quốc gia với cách tính toán khác cho biết, số người không công ăn việc làm trong quý II đã tăng lên dù đây là mùa du lịch, với tỉ lệ 24,63%, còn đối với thanh niên thì lên đến trên 53%. Trong khi đó chính phủ dự kiến đến cuối năm tỉ lệ thất nghiệp sẽ là 24,6% và sẽ giảm nhẹ vào 2013.

Quốc vụ khanh phụ trách việc làm Engracia Hidalgo cho rằng, dù thất nghiệp tăng là một tin xấu, nhưng tỉ lệ này trong tháng Tám vẫn thấp nhất từ 2006 đến nay cho dù kinh tế đang suy thoái.

Do quả bóng địa ốc bùng nổ vào năm 2008, Tây Ban Nha đã rơi vào suy thoái từ cuối năm 2011. Chính phủ dự đoán tổng sản phẩm nội địa năm nay giảm 1,5%, nhưng tăng trưởng sẽ quay lại từ 2014.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Quốc tế - Tây Ban Nha - Thất nghiệp - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120904-that-nghiep-tai-tay-ban-nha-lai-tang-len-voi-47-trieu-nguoi-khong-viec-lam