Nhân chuyến công du của Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin đến
Pháp hôm nay 01/06/2012, Tổng thống Pháp François Hollande sẽ cố thuyết
phục Nga không sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp
Quốc, để cản trở các nghị quyết trừng phạt Syria. Đây là đề tài được các
báo Paris chú ý nhất trong ngày.
Bài viết của thông tín viên Le Figaro tại Matxcơva mang tựa đề « Ảnh hưởng chính trị và việc bán vũ khí là trung tâm của chiến lược Nga ». Tác
giả nhận định, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Syria, Matxcơva đã lại đặt
mình vào trung tâm ván cờ chính trị thế giới, và hành động vì lợi ích
chính mình trước nhất.
Là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Damas, năm ngoái Nga đã giao cho
Syria lượng khí tài quân sự có giá trị lên đến 960 triệu đô la – theo
ước tính của tổ chức phi chính phủ Cast, chuyên phân tích các hoạt động
của Rosoboronexport, công ty đại diện bán hàng cho công nghiệp vũ khí
Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cam đoan rằng các chuyến hàng giao cho Syria chỉ là
các dàn hỏa tiễn, tức không có loại vũ khí nào dùng để đàn áp phe nổi
dậy. Nhưng những viên chức chính phủ Syria đào thoát cho biết, số lượng
vũ khí hạng nhẹ do Nga cung cấp đã tăng lên, với nhịp độ cứ mỗi tháng
lại có một chuyến hàng.
« Nga giao hàng theo các hợp đồng đã có nhưng không ký thêm hợp
đồng mới. Matxcơva đã rút được bài học từ Libya : ký hợp đồng và bắt đầu
sản xuất, rồi chẳng bao giờ được thanh toán ».
Rouslan Poukhov,
giám đốc Cast giải thích. Ông đính chính thông tin trên báo chí Nga về
một hợp đồng mới đặt mua 36 máy bay tiêm kích Yak-130 được ký kết hồi
tháng Giêng. Thậm chí một nhà tư vấn thân cận với công nghiệp vũ khí cho
biết : « Dưới áp lực của phương Tây, Nga đã ngưng giao các vũ khí hạng nhẹ từ ít nhất ba tháng qua ».
Dù sao đi nữa, theo Rouslan Poukhov, « nghĩ rằng Matxcơva ủng hộ Damas để bán vũ khí là hoàn toàn sai lầm ». Tương tự đối với căn cứ hải quân Tartous dành cho hạm đội Nga ở Hắc hải : « Chỉ là một điểm tiếp liệu mà thôi. Căn cứ ở Việt Nam (Cam Ranh) quan trọng hơn rất nhiều về mặt chiến lược ».
Ông Fiodor Loukianov, tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs cũng nhận định:
« Ban đầu thì quan điểm của Nga một phần cũng dựa trên lợi ích của công
nghiệp quân sự, không nên chối cãi điều đó. Nhưng nay thì mọi người đều
hiểu là tiến trình không thể đảo ngược : Bachar Al Assad sẽ phải ra đi.
Không còn có thể làm ăn như trước nữa ».
Hồi tháng Hai, Matxcơva đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội
đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo quan sát của Fiodor Loukianov, thì «
Chính ảnh hưởng chính trị mới là điều mà Matxcơva đang cần. Nga đã
thành công trong việc bác bỏ ý định đặt điều kiện tiên quyết là ông
Assad phải ra đi. Đa phần trong kế hoạch của ông Annan là dựa trên đề
nghị của các nhà ngoại giao Nga. Nước Nga muốn được thế giới lắng nghe,
và đã đạt được điều đó ».
Nhưng từ sau vụ thảm sát Houla đã khiến cho trên 100 thường dân Syria
thiệt mạng vào tuần trước, Matxcơva bắt đầu thấy đuối lý. Evgueni
Satabnovski, Viện trưởng Viện Cận Đông nhận xét : « Nếu đối mặt với nạn dịch tả, dịch hạch và sốt chấy rận, lấy khăn tay bịt mũi chẳng làm được gì cả, và với Assad cũng thế ».
Lên án NATO đã sử dụng nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc để lật đổ
chế độ Kadhafi, Nga luôn chống lại mọi hình thức can thiệp quân sự.
Ngược lại, Matxcơva có thể chịu trách nhiệm thương lượng việc ra đi của
Bachar Al Assad, mà theo Fiodor Loukianov, thì « Điều này giúp Mátxcơva kiểm soát được tiến trình chuyển đổi, và mở một cánh cửa cho lợi ích của Nga ».
Còn theo Rouslan Poukhov, từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga trở nên cô độc.
Đàn em không còn mấy, ngoài những nước như Syria chẳng hạn. Nhưng theo
Loukianov, thì « Nga vẫn có thể nói với Assad : Chúng tôi đã làm tất
cả những gì có thể làm được rồi đấy nhé, giờ thì đừng chờ đợi gì thêm
từ chúng tôi nữa ».
Bài báo kết luận, được ve vãn chưa từng thấy, Vladimir Putin cũng có phần muốn lòe phương Tây. Cũng theo chuyên gia Loukianov :
« So với các nước phương Tây, thì Matxcơva có quan hệ chặt chẽ hơn với
Damas, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta có được một chiếc đũa thần
».
Đồng nhân dân tệ chuẩn bị cạnh tranh với đồng đô la
Nhìn sang Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích mang tựa đề « Khi Trung Quốc chuẩn bị cạnh tranh với đồng đô la ».
Tờ báo nhận định, trong khi đồng euro đang chao đảo thì đồng nhân dân
tệ lặng lẽ lên ngôi. Hiện tượng này báo hiệu một sự đổi ngôi trong nền
tài chính thế giới, chỉ xảy ra một lần trong thế kỷ.
Trong tháng Ba và tháng Tư, các chuyên gia của ngân hàng Société
Générale ghi nhận được đến 17 dấu hiệu mở cửa của Trung Quốc, từ việc
tăng biên độ dao động của đồng nhân dân tệ đối với đô la, cho đến việc
đưa ra các sản phẩm phái sinh bằng nhân dân tệ tại Hồng Kông. Tháng
9/2011, Air Liquide là tập đoàn Pháp đầu tiên vay bằng đồng tiền Trung
Quốc, như Caterpillar hay Volkswagen đã làm trước đó. Theo Louis Gave,
người đồng sáng lập trung tâm phân tích kinh tế Gavekal, thì việc thành
lập thị trường trái phiếu bằng nhân dân tệ ở Hồng Kông sẽ được lưu lại
trong lịch sử như là « sự kiện tài chính quan trọng nhất trong năm 2011
».
Nếu Trung Quốc đã trở thành một người khổng lồ thương mại, thì cho
đến nay vẫn bị xem là một chú lùn về tiền tệ. Nhưng tác giả bài báo ví
von, đứa bé nhân dân tệ giờ đây đang bước vào tuổi thiếu niên. Đây là
một chọn lựa mang tính chính trị, vì hai lý do chính.
Trước hết, việc đồng nhân dân tệ ở dưới giá trị thật, đã khiến sau
nhiều năm, Trung Quốc có được lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục là trên
3.300 tỉ đô la. Năm 2006, ba phần tư lượng tiền này được đầu tư bằng đô
la. Nhưng nay thì Hoa Kỳ không còn được xem là đất nước ổn định nhất
nữa, và trong những năm gần đây thâm hụt ngân sách được Quỹ Dự trữ Liên
bang in tiền để bù vào. Bắc Kinh phải đa dạng hóa ngoại hối dự trữ :
ngưng tích trữ đô la và để cho giá trị đồng nhân dân tệ lớn dần.
Lý do thứ hai : các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã quyết định thay đổi động
cơ tăng trưởng, đó là hướng về tiêu thụ thay vì xuất khẩu. Lương tăng,
xuất khẩu chậm lại, nhập khẩu tăng lên, và thặng dư thương mại vốn chiếm
tỉ lệ 10% tổng sản phẩm nội địa vào năm 2007, năm nay có thể chỉ còn
hơn 2%.
Tuy nhiên theo Les Echos thì để đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền
quốc tế, con đường hãy còn rất dài, cần ít nhất là hai thập kỷ. Trước
tình hình đồng euro không đủ mạnh để đối phó với đồng đô la, thì đồng
nhân dân tệ có thể trở thành địch thủ hàng đầu của đồng tiền Mỹ, vốn
thống trị thế giới tài chính từ gần một thế kỷ qua.
Chương Tử Di là tình nhân của Bạc Hy Lai ?
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro đề cập đến « Những mối quan hệ nguy hiểm của ngôi sao điện ảnh Trung Quốc ». Bài báo nhắc đến những tin đồn là Chương Tử Di, nữ diễn viên hàng đầu nổi tiếng với bộ phim « Hồi ức của một kỹ nữ » có quan hệ tình dục với Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.
Thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh nhận xét, trận bão tố chính
trị lớn nhất tại Trung Quốc từ hai thập kỷ qua, ngày càng có nét giống
với vụ Watergate ở Mỹ trước đây và xì-căng-đan DSK (Dominique
Strauss-Kahn) của Pháp. Theo như báo chí Hồng Kông, thì vụ Bạc Hy Lai
trộn lẫn giữa hậu trường quyền lực đỏ và bí mật phòng the.
Người ta từng đồn rằng vợ ông Bạc Hy Lai có các tình nhân, nay đến
lượt cựu lãnh đạo Trùng Khánh được cho là có các cô bồ xinh đẹp. Nhưng
không phải là một người đẹp vô danh nào, mà chính là Chương Tử Di, một
trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của điện ảnh Trung Quốc.
Theo tờ Apple Daily của Hồng Kông và trang web Boxun.com đặt tại Mỹ,
thì Chương Tử Di đã trở thành người tình của Bạc Hy Lai từ năm 2007. Hai
người đã quan hệ tình dục mười lần, cho đến năm ngoái, và nữ diễn viên
đã được trả 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,2 triệu euro). Tỉ phú Từ
Minh, chủ nhân tập đoàn Shide cũng đã ngủ với cô và trả công hậu hĩnh,
trước khi giới thiệu cho Bạc Hy Lai. Tổng cộng Chương Tử Di đã nhận được
700 triệu nhân dân tệ (85 triệu euro). Nữ diễn viên nổi tiếng đang bị
điều tra, vì vậy cô đã vắng mặt tại Liên hoan điện ảnh Cannes vừa rồi.
Chương Tử Di đã kịch liệt phản bác các tin đồn này, luật sư của cô
đòi các tờ báo trên phải cải chính và đe dọa sẽ kiện ra tòa. Theo Le
Figaro, thì hơn lúc nào hết, người dân Trung Quốc chờ đợi Bắc Kinh vén
bức màn bí mật xung quanh nhân vật mà trước đây từng là ngôi sao đang
lên của Trùng Khánh.
Bảy biểu tượng truyền thống Anh trong đại lễ của Nữ hoàng
Nhân kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elisabeth đệ nhị, nhật
báo công giáo La Croix nêu ra bảy biểu tượng trong dịp đại lễ này nhằm
làm nổi bật những đặc sắc của người Anh.
Lễ hội bắt đầu ngày mai bằng cuộc đua ngựa, một truyền thống xưa cũ
của nước Anh có từ năm 1780, với các trang phục cổ : phụ nữ đội những
chiếc nón đủ kiểu, còn nam giới thì mặc quân phục hoặc áo đuôi tôm. Nữ
hoàng Elisabeth đệ nhị rất yêu thích môn này, và mỗi năm chuồng ngựa của
bà đều bổ sung những chú ngựa thuần chủng mới.
Đến trưa Chủ nhật, người dân Anh sẽ tham gia Big Lunch, bữa ăn trưa
trên các đường phố và công viên mỗi lần Hoàng gia có lễ lạc, cũng là một
truyền thống từ 30 năm qua. Hôm sau 12.000 khách mời sẽ tham dự buổi
tiệc rất là Ăng-lê tại điện Buckingham, trong đó có món gà cung đình đặc
biệt, được sáng tạo trong dịp Nữ hoàng lên ngôi năm 1953.
Trên dòng sông Thames, « thuyền rồng” sẽ lướt sóng với đầy đủ các
khuôn mặt của hoàng tộc. Thủ tướng Anh cùng các chính khách khác sẽ theo
dõi từ trên bờ, nhưng không có khách mời ngoại quốc nào, vì lễ hội này
hoàn toàn Ăng-lê. Theo truyền thống, thì Vua hoặc Nữ hoàng Anh sở hữu
toàn bộ các sinh vật sống trên dòng sông này, từ cá heo, cá voi và các
loài cá khác cho đến thiên nga.
Người vợ mới cưới của hoàng tử William sẽ được chú ý nhất, và hoàng
gia, rút kinh nghiệm từ những sai lầm đối với công nương Diana trước
đây, đã tạo nhiều điều kiện cho cô. Buổi trình diễn nhạc pop tối thứ Hai
tới do hai vị hoàng tử William và Harry tổ chức, quy tụ nhiều ngôi sao
ca nhạc Anh quốc như Paul McCartney. Thứ Ba sẽ đến buổi lễ tại đại giáo
đường Saint-Paul, rồi tại Westminster. Cuối cùng Không lực Hoàng gia
Anh, niềm hãnh diện của vương quốc, sẽ kết thúc đợt lễ hội bằng buổi
biểu diễn trên không.
Pháp bãi bỏ thông tư hạn chế sinh viên ngoại quốc
Còn tại nước Pháp, việc tân chính phủ bãi bỏ thông tư về việc hạn chế
nhận vào làm việc những sinh viên ngoại quốc đã học xong tại Pháp, cũng
được các báo Paris chú ý.
Vì sao hủy bỏ ? La Croix giải thích, với chủ trương của chính phủ cũ,
hàng trăm thanh niên ngoại quốc trình độ đại học có nguy cơ bị trục
xuất. Các trường đại học, các tổ chức sinh viên và giới chủ lo ngại sẽ
ảnh hưởng đến quan hệ với các nước liên quan. Đại học Pháp cũng rất muốn
thu hút được nhiều chất xám. Với gần 280.000 du học sinh ngoại quốc,
nước Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước có nhiều sinh viên đến du
học, chỉ sau Hoa Kỳ và Anh.
Tờ báo cho biết, trong số các chỉ thị mới, có việc cấm cảnh sát ra
lệnh trục xuất các sinh viên nước ngoài mà giấy phép tạm trú đã hết hạn,
và rút ngắn thời gian cứu xét hồ sơ của du học sinh.
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120601-nga-ung-ho-syria-de-giu-anh-huong-va-ban-vu-khi