dimanche 27 mai 2012

Trung Quốc : Tranh cãi vì dùng tên rượu đặt cho phi trường

Bài đăng : Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 
 
Báo chí Trung Quốc hôm nay 27/05/2012 cho biết, quyết định dùng tên một loại rượu nổi tiếng để đặt tên cho một sân bay ở miền tây nam nước này đã gây ra nhiều tranh cãi trên cả nước, và nhiều giễu cợt trên internet.

Chính quyền thành phố Nghi Tân thuộc tỉnh Tứ Xuyên tuần này đã khẳng định, việc đặt tên cho phi trường mới được xây dựng là Ngũ Lương Dịch, tên một loại rượu nổi tiếng của địa phương, sẽ có tác động tích cực đến thành phố cũng như của doanh nghiệp. Tờ Global Times trích lời phát ngôn viên chính quyền Nghi Tân nói thêm, quyết định đặt tên này đã được Hội đồng Kinh doanh Nhà nước thông qua.

Ngũ Lương Dịch là nhãn hiệu rượu được rất nhiều người Trung Quốc biết đến. Sản phẩm nổi tiếng nhất của thương hiệu này là Ngũ Lương Dịch, một loại rượu trắng được chưng cất từ năm loại ngũ cốc, trong đó có nếp và bo bo. Tập đoàn có tất cả 40.000 nhân viên, theo như thông tin trên trang web của doanh nghiệp.

Trụ sở của tập đoàn này nằm cách phi trường thành phố Nghi Tân chỉ vài kilômét. Báo chí nói rằng, phi trường trên đây có khả năng tiếp đón 800.000 hành khách mỗi năm, vào năm 2020.

Nhiều chuyên gia được báo chí trích lời đã khẳng định, việc lấy tên một thương hiệu đặt cho phi trường vừa vi phạm luật pháp, vừa trái với thông lệ, theo đó, tên của các sân bay phải phù hợp với vị trí địa lý.

Cư dân mạng Trung Quốc cũng nhảy vào tranh luận, với sự giễu cợt vốn có. Một thành viên mạng Vi Bác viết : « Ha ha, thêm một ví dụ mới về sự thông đồng giữa chính quyền và giới kinh doanh ». Những người khác đề nghị đặt lại tên của sân bay quốc tế Bắc Kinh là « phi trường Nhị Oa Đầu » - tên một loại rượu nổi tiếng khác, còn sân bay thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây là « phi trường Nhục Giáp » - tên một loại bánh mì thịt của địa phương.

tags: Châu Á - Kinh tế - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120527-trung-quoc-tranh-cai-vi-dung-ten-ruou-dat-cho-phi-truong
 

Việt Nam: Bà Đặng Thị Hoàng Yến bị Quốc hội bãi nhiệm vì khai man hồ sơ

Bài đăng : Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 
 
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, một trong số những người giàu nhất Việt Nam đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội vào hôm qua 26/05/2012. Hãng tin Pháp AFP dẫn tin từ báo chí trong nước nói rằng nguyên do là bà ta đã muốn giấu thông tin người chồng Việt kiều Mỹ của bà đang bị truy nã vì tội lừa đảo.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, 53 tuổi, chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo, đã bị mất ghế đại biểu trong Quốc hội Việt Nam khóa XIII gồm 500 thành viên. Có 457 đại biểu bỏ phiếu tán thành việc bãi nhiệm bà Yến, trong cuộc bỏ phiếu sáng hôm qua.

Các thông tin trước đó trên báo chí cho biết bà Đặng Thị Hoàng Yến – người đứng thứ 37 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2011, và trong số 10 người giàu nhất từ năm 2008 đến 2010 – đã che giấu không khai báo việc chồng bà đang bị truy nã.

Ông Jimmy Trần, 57 tuổi, chồng bà Đặng Thị Hoàng Yến là người Việt mang quốc tịch Mỹ sinh sống ở Hoa Kỳ, năm 2010 đã bị cáo buộc về tội « lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản », và bị truy nã quốc tế. Công ty tư nhân Vietnam Land tố cáo ông chiếm đoạt số tiền đặt cọc rất lớn của các đối tác rồi bỏ trốn về Mỹ.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng không khai báo việc bà là đảng viên trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội. Theo luật Việt Nam, thì một đại biểu có thể bị miễn nhiệm nếu khai báo gian dối. Một số nhà phân tích cho rằng chiến dịch đả kích bà Yến có thể là do ganh tị với tài sản của bà.

tags: Quốc hội - Việt Nam 
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120527-ba-dang-thi-hoang-yen-bi-quoc-hoi-bai-nhiem-vi-khai-man-ve-nguoi-chong-bi-truy-na

Lady Gaga hủy buổi diễn tại Indonesia do phản đối của phe Hồi giáo

Bài đăng : Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 
 
Ngôi sao nhạc pop Lady Gaga đã từ bỏ ý định trình diễn tại Indonesia, đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, sau những “đe dọa”’ của phe phản đối người Hồi giáo là sẽ gây rối. Công ty tổ chức buổi trình diễn hôm nay 27/05/2012 cho biết là đã hủy chương trình này.

Sau nhiều ngày thương lượng khó khăn nhằm xin được giấy phép, các nhà tổ chức cuối cùng đã bỏ cuộc. Ông Michael Rusli, giám đốc công ty Big Daddy chịu trách nhiệm tổ chức chương trình của cô ca sĩ tuyên bố trong cuộc họp báo : « Rất tiếc là phải hủy buổi biểu diễn của Lady Gaga ».

Luật sư của công ty Big Daddy, Minola Sebayang cho biết : « Các lý do rất phức tạp. Không chỉ là vấn đề an ninh của Lady Gaga, mà còn cho các khán giả ». 

Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) vốn nổi tiếng là thường tổ chức các cuộc đột kích thô bạo vào các quán bar và cơ sở mát-xa, đã hứa hẹn sẽ gây « rối loạn » nếu ngôi sao thường gây xì-căng-đan này biểu diễn ở Jakarta. FPI đe dọa sẽ tập hợp 30.000 người biểu tình để cản trở Lady Gaga, ca sĩ ủng hộ đồng tính luyến ái, « loan truyền đức tin của quỷ sa-tăng ». Tổ chức này đã mua các vé vào cửa để có thể vào được khu vực trình diễn.

Tuần trước cảnh sát Indonesia đã cho biết không cấp giấy phép cho buổi trình diễn dự kiến ngày 3/6, trong khi 50.000 vé đã bán hết chỉ trong vòng hai tuần. Sau đó đã có các cuộc thương lượng kéo dài nhằm cố gắng đạt đến một thỏa thuận, và nhà tổ chức cam đoan rằng Lady Gaga sẵn sàng giảm nhẹ những phần khiêu khích nhất của buổi diễn.

Trước đó Troy Carter, người quản lý của ngôi sao ca nhạc cho rằng Lady Gaga vẫn sẽ trình diễn. Còn hôm nay giám đốc Big Daddy cam đoan là việc hủy chương trình không phải do vấn đề giấy phép, mà do các quan ngại về mặt an ninh.

Trả lời AFP, chủ tịch FPI, Habid Salim Alatas giải thích vì sao chống đối việc Lady Gaga đến biểu diễn : « Cô ta chỉ mặc mỗi quần lót và áo ngực. Hãy hối cải đi Lady Gaga. Hãy ăn năn đi. Cô phải mặc một chiếc abaya (áo choàng trùm kín người), choàng khăn trên đầu và ngưng hát các bài hát độc hại ».
Hội đồng Giáo sĩ Hồi giáo, định chế tôn giáo cao nhất tại Indonesia cũng đã yêu cầu cấm diễn, cho biết « Không thể dung thứ cho các loại trang phục và kiểu trình diễn sexy của Lady Gaga ».

Vòng lưu diễn thế giới của ngôi sao ca nhạc này, bắt đầu từ ngày 27/4 tại Seoul, đã gây ra nhiều phong trào phản đối tạo châu Á, đặc biệt là tại đất nước công giáo Philippines. Lady Gaga sẽ bắt đầu biểu diễn tại Singapore ngày mai, và theo chương trình thì tiếp đến sẽ là Indonesia, Úc, New Zealand và châu Âu.

tags: Âm nhạc - Châu Á - Indonesia - Quốc tế - Văn hóa - Đạo Hồi 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120527-lady-gaga-huy-buoi-dien-tai-indonesia-do-phan-doi-cua-phe-hoi-giao
 

Đảng cầm quyền Singapore thất bại trong cuộc bầu cử bổ sung


Bài đăng : Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 
 
Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đang nắm quyền tại Singapore đã mất cơ hội quay lại tại một khu vực bầu cử quan trọng, sau chiến thắng của phe đối lập trong cuộc bầu cử bổ sung vào hôm qua 26/05/2012. Theo các nhà phân tích, thất bại này cho thấy con đường để chiếm lại lòng tin của cử tri nơi đảng cầm quyền hiện nay hãy còn rất dài, từ sau kết quả tồi tệ của cuộc tổng tuyển cử năm ngoái

Đại biểu thuộc đảng đối lập Công nhân của vùng Hougang đã bị bãi nhiệm hồi tháng Hai do quan hệ bất chính ngoài hôn nhân, tạo cơ hội cho Đảng Hành động Nhân dân giành lại một khu vực bầu cử do đối lập nắm giữ suốt 21 năm qua. Đảng cầm quyền đã dồn mọi nỗ lực cho chiến dịch tranh cử. Đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long và Phó thủ tướng Trương Chí Hiền (Teo Chee Hean) đã đến tận nơi vận động.

Dù vậy, ứng viên Png Eng Huat của đảng Công nhân vẫn thắng cử trước ứng viên Desmond Choo của PAP với 62% số phiếu. Cuộc bầu cử bổ sung này được xem như một cuộc trưng cầu dân ý đối với những cải cách gần đây của đảng Hành động Nhân dân, và như vậy đảng cầm quyền còn phải nỗ lực rất nhiều trước những bất mãn ngày càng tăng của dân chúng đảo quốc.

Các vấn đề chủ yếu trong kỳ bầu cử năm ngoái như nhập cư, giá sinh hoạt, khoảng cách thu nhập, lương của các thành viên chính phủ quá cao, vận chuyển công cộng quá tải, hiện vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Nhiều người dân chỉ trích chính phủ quá chú tâm vào tăng trưởng kinh tế, làm ngơ trước tình trạng hố sâu cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn.

Đảng Hành động Nhân dân (PNP) cầm quyền từ năm 1959 đến nay đã tạo được uy tín khi đưa Singapore trở thành một trong những nền kinh tế vượt trội nhất châu Á. Nhưng đảng này cũng bám chặt vào quyền lực – một hệ thống bầu cử khác thường đã giúp PNP giữ được 81/87 ghế trong Quốc hội vào năm ngoái. Việc đảng đối lập giành được 6 ghế cũng đã làm cho PNP, vốn bị chỉ trích vì từ chối các quyền dân sự và chính trị, phải rúng động.

Sau cuộc bầu cử năm 2011, chính phủ đã có những bước tiến trong việc xây dựng nhà ở xã hội, chi hàng trăm triệu đô la để nâng cấp phương tiện giao thông công cộng, giảm lượng lao động nhập cư. Lương của các thành viên chính phủ cũng được giảm xuống, tuy nhiên vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, với lương cơ bản của Thủ tướng là 2,2 triệu đô la Singapore một năm, tương đương 1,73 triệu đô la.

Tuy vậy người dân vẫn bất mãn, và sự cố khiến hệ thống xe điện ngầm bị tê liệt vào cuối năm ngoái khiến người ta cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của chính phủ. C ác mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc phản biện, vì đa số báo chí được cho là thân chính phủ.

Nhiều người dân Singapore cho là các lãnh đạo PAP quá xa cách với người dân thường. Thủ tướng Lý Hiển Long, vừa lập một trang Facebook để có thể lắng nghe dân chúng, hôm qua cho rằng ứng cử viên của PAP tại Hougang tuy thất cử nhưng cũng đã giành được tỉ lệ phiếu bầu cao hơn trước đây. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận là « PAP đã có những tiến bộ, nhưng còn cần phải làm nhiều hơn nữa ».

tags: Bầu cử - Châu Á - Singapore - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120527-dang-cam-quyen-singapore-that-bai-trong-cuoc-bau-cu-bo-sung
 

Bị chỉ trích, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn sau thảm sát ở Syria

Bài đăng : Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 27 Tháng Năm 2012 
Cộng đồng quốc tế hôm nay 27/05/2012 đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt 14 tháng bạo động đã làm trên 12.600 người chết tại Syria, sau vụ thảm sát ở Houla khiến hàng trăm người thiệt mạng. Kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan vốn hiếm khi được áp dụng trên thực tế, và nay rõ ràng đã thất bại.

Tuy nhiên, ông Annan vẫn đến Syria ngày mai để cố gắng giải quyết khủng hoảng. Thông tín viên Karim Lebhour của RFI tại New York tường trình:

Đối với ông Kofi Annan, đây là kịch bản tệ hại nhất. Không chỉ là thỏa thuận ngưng bắn ở Syria chưa bao giờ được tôn trọng, mà vụ thảm sát ở Houla còn đánh dấu một sự leo thang, với 60 người lớn và 32 trẻ dưới 10 tuổi bị sát hại. Các quả đạn súng cối bắn đi từ xe tăng được các quan sát viên Liên Hiệp Quốc tìm thấy tại chỗ, cho thấy trách nhiệm của lực lượng an ninh Syria là khó thể nghi ngờ.

Ông Kofi Annan đang được chờ đợi tại Syria trong những ngày tới, nhưng công việc hòa giải của ông xem ra đã cùng kiệt. Đã hẳn là sự hiện diện của các quan sát viên cũng có lợi trong việc chứng kiến các vụ bạo lực, nhưng họ lại không thể ngăn cản bạo lực diễn ra.

Trong nội bộ, các nhà ngoại giao tại New York nhìn nhận là nhiệm vụ của ông Kofi Annan trên thực tế không có cơ hội thành công. Bản thân ông Annan cũng đã thổ lộ là ông sẽ không theo đuổi vô hạn định nhiệm vụ, nếu không có tiến triển. Nhưng biện pháp ngoại giao đang ở trong ngõ cụt. Những người chống đối ông Assad chỉ còn mỗi một cách là cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy, với nguy cơ làm cho cuộc xung đột thêm trầm trọng.

Hoa Kỳ có ý định đối thoại với Nga để thảo luận một kế hoạch trong đó Tổng thống Al Assad phải ra đi. Pháp kêu gọi Nhóm các nước bạn của nhân dân Syria họp lại ở Paris, và Koweit với tư cách chủ tịch Liên đoàn Ả Rập quyết định triệu tập một cuộc họp khẩn về tình hình Syria. Về phần Quân đội Syria Tự do cho biết sẽ không tiếp tục tôn trọng ngưng bắn, nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không can thiệp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng biển máu tại đây.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn tối nay 27/05/2012 về tình hình Syria, sau vụ thảm sát ở Houla khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ủy hội Hồng thập tự Quốc tế kêu gọi các bên tại Syria không tấn công vào thường dân.

Chính quyền Damas hôm nay chối bỏ trách nhiệm về vụ thảm sát Houla. Hàng ngàn người đã biểu tình tại nhiều tỉnh trên toàn quốc để tố cáo tội ác của chế độ Assad, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ vì các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đã không đến ngay hiện trường sau khi vụ thảm sát xảy ra. Lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình, khiến một thiếu niên bị chết. Chỉ trong hôm nay có 24 người thiệt mạng trong cả nước trong đó có 15 thường dân, theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria.

tags: Liên Hiệp Quốc - Quốc tế - Syria 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120527-vu-tham-sat-houla-syria-khien-lien-hiep-quoc-bi-chi-trich

vendredi 25 mai 2012

33 triệu đô la và 33 năm tù

Bác sĩ Afridi
Bài đăng : Thứ sáu 25 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 25 Tháng Năm 2012 

Hôm qua 24/5/2012 các thượng nghị sĩ Mỹ đã đề nghị cắt giảm viện trợ quân sự cho Pakistan, vì cho rằng Islamabad đã chơi trò hai mặt trong cuộc xung đột Afghanistan. Vụ Pakistan kết án bác sĩ Afridi - người đã giúp phát hiện trùm khủng bố Ben Laden - 33 năm tù là giọt nước tràn ly, khiến các nghị sĩ Mỹ nổi cơn thịnh nộ.

Trước ủy ban phụ trách phân bố viện trợ Mỹ cho nước ngoài, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói rằng, Hoa Kỳ cần Pakistan và ngược lại, nhưng Pakistan lại chơi trò nước đôi. Ông đề nghị cắt giảm 33 triệu đô la viện trợ, tức cứ mỗi năm tù dành cho bác sĩ Afridi là Pakistan mất đi một triệu đô la. Các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong ủy ban đều đồng lòng thông qua, với 30 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống nào !

Hôm thứ Tư, tòa án Pakistan đã tuyên án 33 năm tù cho bác sĩ Shakeel Afridi, người đã giúp CIA tìm ra Oussama Ben Laden. Bác sĩ phẫu thuật Afridi bị kết tội là đã đưa ra một chiến dịch tiêm chủng giả hiệu ở Abbottabad, thành phố nơi trùm khủng bố và vợ con ẩn náu, để có thể lấy được ADN của các trẻ em đang sống trong một ngôi nhà mà CIA nghi ngờ là nơi trú ngụ của Ben Laden.

Sau khi Oussama Ben Laden bị đặc nhiệm Mỹ đột kích và tiêu diệt vào tháng 5/2011, bác sĩ Shakeel Afridi đã bị tình báo Pakistan bắt giữ và không ai có tin tức gì từ đó đến nay. Ông vắng mặt tại tòa, và tòa án bộ tộc cấm ông nhờ luật sư bào chữa. Phát ngôn viên chính quyền quận Khyber cho AFP biết, bác sĩ Afridi bị 33 năm tù về tội phản bội và âm mưu lật đổ Nhà nước, bị phạt 320.000 rupi (tương đương 2.700 euro).

Tức giận trước bản án trên đây, các nghị sĩ Mỹ đã quyết định tấn công vào túi tiền của chính quyền Islamabad. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho rằng bản án dành cho bác sĩ Afridi là « bất công và vô căn cứ ».

Pakistan là nước nhận viện trợ Mỹ đứng hàng thứ ba sau Israel và Afghanistan, nhưng Washington nghi ngờ Islamabad biết Oussama Ben Laden đang trốn tại nước này mà vẫn làm ngơ. Bên cạnh đó là việc ngầm hỗ trợ cho mạng lưới Hồi giáo Haqqani, một trong những phong trào nổi dậy chính tại Afghanistan.

Việc Quốc hội Mỹ đề nghị cắt giảm viện trợ diễn ra vài ngày sau một thất bại ngoại giao khác. Nhân Thượng đỉnh NATO hôm Chủ nhật 20/5 và thứ Hai 21/5 tại Chicago với sự hiện diện của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, hai bên định thương thảo mở lại đường tiếp vận cho quân đồng minh tại Afghanistan. Nhưng theo các viên chức Mỹ, thì các đòi hỏi về tài chính của Pakistan đã khiến cuộc thương lượng bất thành.

Ngoài cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng hôm qua, các đại biểu dân cử Mỹ đã giảm 58% viện trợ cho Pakistan. Quốc hội chỉ thông qua 184 triệu đô la cho hoạt động của Bộ Ngoại giao tại Pakistan, và trên 800 triệu đô la viện trợ cho Islamabad, trong khi Tổng thống Barack Obama đề nghị tổng cộng 2,2 tỉ đô la. Chỉ có viện trợ quân sự bị cắt giảm, còn viện trợ kinh tế được giữ nguyên. Biện pháp này sẽ được Thượng viện sẽ xem xét rồi đến Hạ viện.

Các nghị sĩ thuộc Ủy ban Quốc phòng hôm qua cũng thông qua dự án luật tài chính, đe dọa ngưng viện trợ cho Pakistan cho đến khi đường tiếp liệu được mở lại và bác sĩ Afridi được trả tự do.

tags: Chính trị - Hoa Kỳ - Pakistan - Pháp luật - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120525-thuong-vien-my-de-nghi-giam-vien-tro-cho-pakistan-vi-ket-an-nguoi-giup-phat-hien-be

Facebook : Từ thất bại khi yết giá cổ phiếu đến kiện tụng

Bài đăng : Thứ năm 24 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 24 Tháng Năm 2012 
 
Sự kiện cổ phiếu của Facebook, mạng xã hội quy mô nhất hành tinh sụt giá thê thảm ít lâu sau khi được đưa lên sàn chứng khoán, được nhiều nhật báo Pháp hôm nay cùng chú ý. Phụ trang kinh tế của nhật báo Le Figaro trong bài viết mang tựa đề « Facebook : Từ thất bại đến xì-căng-đan » cho biết, đang có nhiều cuộc điều tra, đơn kiện tập thể, và mọi nghi vấn hiện nay đang tập trung về phía giám đốc tài chính của Facebook, ông David Ebersman.

Làm thế nào mà cổ phiếu của một tập đoàn được xem là sáng giá nhất trong năm, lại có thể bị sụt giá đến 20% chỉ sau ba ngày niêm yết trên sàn chứng khoán ? Sau khi chỉ trích ngân hàng Morgan Stanley và thị trường chứng khoán điện tử Nasdaq, nay thì giám đốc tài chính Facebook đang là đích nhắm.

Le Figaro cho biết theo tờ Wall Street Journal, thì chính ông David Ebersman là người đã đưa ra mọi quyết định về việc niêm yết cổ phiếu, trong khi các công ty khi lên sàn chứng khoán thường giao cho các ngân hàng tư vấn. Cũng chính ông Ebersman, ba ngày trước khi lên sàn, đã quyết định tăng 25% số lượng cổ phiếu tung ra thị trường. Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc ấn định giá cổ phiếu là 38 đô la, mức giá cao nhất trong khi giá đưa ra ban đầu đã thuộc loại cao.

Số lượng cổ phiếu đưa ra bán quá nhiều, định giá quá cao, hai yếu tố này đã làm cho cổ phiếu Facebook mất giá nhanh chóng. Nhưng trách nhiệm của David Ebersman không dừng ở đó, mà còn do không thông tin cho các nhà đầu tư về việc cả ba ngân hàng tư vấn cho Facebook đều hạ mức dự báo tăng trưởng của mạng xã hội khổng lồ này.

Cơ quan giám sát thị trường chứng khoán Mỹ SEC loan báo mở cuộc điều tra, và Financial Industry Regulatory Authority, cơ quan điều chỉnh thị trường Wall Street cũng xem xét lại việc niêm yết của Facebook. Người phụ trách ngoại giao của bang Massachussetts đã kiện ngân hàng Morgan Stanley. Nhiều đơn kiện tập thể của các nhà đầu tư nhỏ nhắm vào Facebook, ba ngân hàng tư vấn Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley và thị trường chứng khoán Nasdaq cũng đã được nộp cho tòa án hôm qua.

Iran và dầu lửa : Mối đe dọa thực sự

Bài viết của giáo sư Jean-Marie Chevalier đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos nhận định, hội nghị thượng đỉnh G8 mới đây tại Camp David lại một lần nữa cho thấy sự lệ thuộc vào dầu lửa, và mọi chú ý đều tập trung vào Iran.

Trước hết đó là vì đất nước rất có thể là sở hữu vũ khí hạt nhân này là một cơn ác mộng đối với Israel, cũng như với Mỹ, trong trường hợp Israel tấn công Iran để phá hủy các địa điểm nguyên tử. Bên cạnh các khía cạnh quân sự và kỹ thuật, còn cần phải tính đến hậu quả trên thị trường dầu lửa.

Tác giả bài báo cho rằng, vấn đề trung tâm nhưng lại ít được nêu ra một cách công khai, đó là Iran vốn rất tự hào khi có được bom nguyên tử, sẽ phản ứng như thế nào khi bị tấn công ? Liệu Teheran có trả đũa bằng cách phong tỏa eo biển Ormuz, nơi vận chuyển 35% lượng dầu lửa và sản phẩm từ dầu lửa của cả thế giới ?

Theo tác giả, thì giả thiết này khó thể xảy ra, tuy Iran có đủ phương tiện để làm điều đó. Việc phong tỏa eo biển Ormuz sẽ gây hậu quả nặng nề lên giá cả các sản phẩm dầu khí, phí vận chuyển hàng hải và phí bảo hiểm tàu. Về ngắn hạn thì Cơ quan Năng lượng Quốc tế có thể huy động dự trữ chiến lược về dầu thô và dầu lọc, như G8 đã đề nghị. Nhưng hành động của Teheran sẽ bị cộng đồng quốc tế coi là một hành động chiến tranh.

Việc này cũng vi phạm luật quốc tế, làm thiệt hại về an ninh năng lượng của các quốc gia nhập khẩu dầu, làm giảm thu nhập của các nước xuất khẩu dầu lửa. Một loạt các quốc gia sẽ cùng chống đối : Hoa Kỳ, châu Âu, các nước lớn ở châu Á, và các nước vùng Vịnh. Chỉ có Nga vốn không liên quan trực tiếp với eo biển Ormuz và thân cận với Iran, là bênh vực Teheran.

Người ta cho rằng có thể diễn ra các hoạt động quân sự quy mô do Mỹ cầm đầu, vì Hạm đội 5 Hoa Kỳ hiện diện trong vùng Vịnh có thể can thiệp nhanh chóng để tái lập trật tự. Và đương nhiên sẽ có các thiệt hại nhân mạng, và làm tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực. Iran cũng sẽ bị thiệt thòi khi đối đầu với cộng đồng quốc tế, trong cái thế không tương sức.Tác giả kết luận, như vậy giải pháp thương lượng và trừng phạt kinh tế vẫn tốt hơn can thiệp quân sự, có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho toàn vùng.

Trung Quốc : Cường quốc rượu vang 2015 ?

Nhìn sang châu Á, phụ trang của Le Figaro nói về « Trung Quốc, một nước sản xuất rượu vang mới », và cho biết nếu lâu nay vẫn được xem như thị trường tiêu thụ, thì giờ đây Bắc Kinh đang hy vọng sẽ trở thành một trong ba nước sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới trong vòng mười năm tới.

Với gần 128 triệu thùng rượu loại 9 lít, sản lượng này tương đương hai phần ba sản lượng của nước Úc và toàn vùng Bordeaux của nước Pháp, hiện nay Trung Quốc là nước sản xuất rượu vang đứng thứ 7 trên thế giới. Nhưng trong vòng mười năm tới, lượng nho trồng tại đây sẽ tăng lên rất nhiều, với trên 500 nhà sản xuất. Nhiều chuyên gia rượu vang được gởi sang Pháp học, và chính quyền Bắc Kinh tài trợ cho việc nghiên cứu các giống nho thích hợp với thổ nhưỡng.

Trung Quốc dự kiến tăng gấp đôi sản lượng rượu vang từ nay cho đến năm 2015, và như vậy sẽ vượt lên hàng thứ 5 thế giới, sau Hoa Kỳ, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Ưu tiên hàng đầu là thị trường nội địa khổng lồ, và giai đoạn đầu tiên là tiến gần tiêu chuẩn quốc tế vì hiện nay chất lượng nhiều loại rượu vang nội địa khá tồi. Le Figaro kết luận, chỉ trong vòng vài năm Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất bia hàng đầu thế giới, và rượu vang có lẽ cũng sẽ không lâu.

Vụ án Erika và luật hàng hải quốc tế

Quay lại với nước Pháp, đề tài được nhiều tờ báo Paris chú ý là Tòa Phá án Pháp hôm nay sẽ xem xét vụ tàu dầu Erika bị đắm, gây ra thảm họa sinh thái nghiêm trọng vào cuối năm 1999. Tập đoàn Total đã bị kết án, nhưng lần này tại Tòa Phá án, bản án có nguy cơ bị hủy vì những khác biệt trong luật lệ hàng hải Pháp và quốc tế.

La Croix ghi nhận, lâu nay luật hàng hải chỉ nhắm vào một mục tiêu là đảm bảo tự do lưu thông trên biển, và an toàn cho thương mại. Trong trường hợp tàu bị đắm, thì chỉ cần bảo hiểm hàng hóa. Nhưng sự bùng nổ nhu cầu dầu lửa trong thế kỷ 20, và việc chuyển dầu bằng đường hàng hải, đã làm thay đổi hẳn tình thế. Các thiệt hại từ những vụ đắm tàu có tầm mức hết sức to lớn so với bản thân giá trị hàng hóa trên tàu.

Vụ tàu dầu Torrey Canyon bị chìm làm ô nhiễm vùng duyên hải của cả Anh và Pháp năm 1967, đã thúc đẩy sự ra đời của hiệp ước quốc tế đầu tiên năm 1969, đưa ra các quy định về việc bồi thường cho các nạn nhân của thủy triều đen. Chỉ có chủ tàu chịu trách nhiệm, và hãng bảo hiểm của công ty chủ tàu sẽ tự động bồi thường một phần thiệt hại cho các ngư dân, các địa phương hoặc tất cả những người bị ảnh hưởng. Còn nếu tàu mang cờ các nước khác, thì Fipol, quỹ bồi thường do các tập đoàn dầu lửa đóng góp sẽ là cơ quan chi trả.

Vấn đề là Fipol không bồi thường tất cả mọi thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về uy tín, về tinh thần và về mặt đơn thuần sinh thái ; đồng thời mức bồi thường cũng không thể vượt trần. Muốn được bồi thường nhiều hơn thì các nạn nhân phải kiện ra tòa từ công ty tàu biển, công ty thuê tàu cho đến công ty đăng kiểm. Đồng thời phải chứng minh được các đơn vị này đã phạm lỗi nặng, và nhất là phải tìm ra được « thủ phạm » - trong vô số tàu mang một rừng cờ của nhiều nước khác nhau.

Như vậy chỉ còn một giải pháp cho vấn đề an ninh hàng hải về dầu khí : các tập đoàn dầu lửa phải là sở hữu chủ các tàu dầu, tức là chịu trách nhiệm về chiếc tàu cũng như hàng hóa. Các tập đoàn dầu khí cho rằng việc này là bất khả thi, vì không thể quản lý hàng ngàn con tàu. Nhưng theo một chuyên gia, thì những người khổng lồ dầu khí là các nhân tố quyết định trên thị trường, và chính họ phải xem lại vấn đề đạo đức kinh doanh.

Tham quan phim trường Harry Potter huyền thoại

Trên lãnh vực văn hóa, Le Monde đưa người đọc đến một địa điểm du lịch thú vị. Đó là phim trường ở Leavesden, Anh quốc, nơi đã quay loạt phim Harry Potter dựng theo bộ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng thế giới của nhà văn Anh J.K.Rowling.

Khách tham quan sẽ kinh ngạc với không gian huyền thoại của ngôi trường phù thủy trong Harry Potter bỗng chốc hiển hiện trước mắt. Gian triển lãm thứ hai tập trung các con vật, các vật dụng và đồ đạc trong suốt 8 tập phim, được các nghệ nhân Anh thực hiện một cách tỉ mỉ, khéo léo. Sau ba giờ viếng cảnh, khách du lịch sẽ học hỏi được rẩt nhiều về nghệ thuật điện ảnh, mà Harry Potter vẫn giữ nguyên sự quyến rũ.

Tình hình chính trị và xã hội trong nước : Tựa chính báo Pháp

Le Monde hôm nay quan tâm đến « Vụ Bettencourt : Cuộc điều tra đụng chạm đến ông Sarkozy ». Theo các tài liệu mà tờ báo có được, thì điều tra về « lạm dụng đối với người không đủ năng lực phán đoán » liên quan đến nữ tỉ phú giàu nhất nước Pháp Liliane Bettencourt, hiện đang nhắm vào cựu Tổng thống. Thẩm phán phụ trách hồ sơ này cho rằng ít nhất 150.000 euro tiền mặt đã được bà Bettencourt tặng cho đảng cánh hữu UMP trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì nêu ra « Trường hợp ông Montebourg : Bị lãnh án vì tội mạ lỵ » và nhấn mạnh, Bộ trưởng Bộ Phục hưng Sinh lợi vẫn ở lại trong tân chính phủ cho dù cánh hữu kêu gọi từ chức.

Nhật báo cộng sản L’Humanité chạy tựa « Bước đầu quay lại với tuổi về hưu 60 » và nhận xét, cuộc tranh luận về hạn tuổi về hưu theo luật định mà phe hữu ngỡ rằng đã khép lại, bây giờ lại được đưa ra bàn bạc. Khuynh hướng kéo dài tuổi về hưu ở châu Âu trong những năm gần đây như vậy là đã bị đảo ngược. Tương tự, nhật báo cánh tả Libération chạy tít trang nhất « Tuổi về hưu : Những bước đầu khó khăn ». Khi loan báo ý định lại cho phép về hưu ở tuổi 60 đối với những người bắt đầu làm việc từ năm 18 tuổi, chính phủ mới đã làm cho cánh hữu giận dữ. Trong bài xã luận, Libération nhận định, trước một chủ đề cũng đã từng làm phân hóa ngay trong cánh tả, vấn đề ở đây là khả năng của ông François Hollande – thực hiện những gì đã hứa, và thử nghiệm ảnh hưởng của phe đa số.

Về mặt giáo dục, nhật báo La Croix nói về việc « Các trường công giáo muốn cải cách », đăng bài phỏng vấn Tổng thư ký các trường học công giáo, cho biết sẵn sàng ủng hộ kế hoạch cải tổ giáo dục do ông François Hollande đề xướng. Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos cho biết « Renault muốn đưa ra hai nhãn hiệu hạng sang », để cạnh tranh với tập đoàn Volkswagen vốn có đến 12 nhãn hiệu.

tags: Chứng khoán - Internet - Kinh tế - Quốc tế - Điểm báo 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120524-facebook-tu-that-bai-trong-niem-yet-co-phieu-den-kien-tung
 

mercredi 23 mai 2012

Các ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt đã về đến Việt Nam

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Hôm nay 23/05/2012, các ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ khi đang hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa vào tuần trước, đã được trả tự do và về đến Việt Nam.

Tàu cá mang số hiệu QNg-50003 TS của ông Nguyễn Thành Nhất ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã bị mất hoàn toàn liên lạc với đất liền từ ngày 16/05, trên tàu có bảy ngư dân.

Theo báo chí trong nước, thì một tàu khác cũng đang hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa lúc đó cho biết đã bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, và tàu ông Nguyễn Thành Nhất bị bắt.

Bà Trần Thị Đức, vợ ông Võ Minh Quân, thuyền trưởng chiếc tàu trên cho chúng tôi biết, cả bảy ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trái phép đã được trả tự do và về đến nhà vào sáng sớm hôm nay. Theo bà thì còn có một tàu khác cũng bị bắt, bảy ngư dân trên chiếc tàu đó được gộp chung vào tàu của ông Nguyễn Thành Nhất trả về Việt Nam, tổng cộng là mười bốn ngư dân.


Bà Trần Thị Đức - Quảng Ngãi
 
23/05/2012
by Thụy My
 
 
« Nó bắt hai tàu lận, ngày 15, 16 gì đó ở ngoài biển mất liên lạc,do Trung Quốc bắt bữa đó là tám giờ sáng. Rồi chiều nó dắt về đồn ở ngoài đảo của nó nhốt, xong rồi ba bốn ngày sau nó làm giấy tờ rồi thả ra cho về. Nhưng mà ảnh ở ngoải không có thông tin liên lạc gì cho nên ở nhà mình không có biết đâu hết, mình báo cáo lên nói là mất liên lạc.

Bắt đầu hồi hôm qua, hồi ba, bốn giờ gì đó nghe nói Bộ ở trển báo về là hai chiếc ghe về rồi. Trên tàu bảy người về được hết, hai tàu mười bốn người dồn chở về. Phóng viên nhà báo bảy giờ sáng sớm xuống dưới cảng Sa Kỳ điều tra rồi, hiện giờ họ đang kêu xuống xã, đang hỏi ở dưới nữa. 

Nó lấy đồ sạch sẽ luôn rồi đó : cá, hàng hóa lấy sạch luôn, thiệt hại là cũng gần năm trăm triệu một ghe đó. Hiện giờ ảnh đang đi cũng không liên lạc được, tại vì đi làm bọc theo (điện thoại) di động bỏ trong (túi) xách, rồi vô trong đảo là Trung Quốc nó lục xét lấy sạch sẽ luôn, lấy không còn một cái gì nữa hết.

Sức khỏe ảnh thì cũng bình thường, cũng hơi ốm tại vì nó nhốt, cho ăn bữa đói bữa no. Nghe ảnh kể là tàu đang đi, thì trên tàu của họ cả năm chục người, chừng chục người của họ sang tàu mình rồi biểu hốt cá qua. Họ biểu sao mình làm vậy, biểu mình ký giấy thì mình ký giấy. Họ biểu mình ra đằng trước, họ lấy cái khăn họ bịt mắt…biểu sao làm vậy thì họ không đánh. 

Chứ biểu mình ký giấy mà không ký là bắt đầu dùi cui họ đánh, họ châm điện vô người mình, nghe ổng về ổng kể vậy đó. Hiện giờ là mang một tờ giấy của Trung Quốc về mà ! Tiếng Trung Quốc nên bây giờ mấy ông ở đồn giữ, mấy ổng thu rồi…Ai mà hễ cãi cái gì là họ đạp giày vô mặt, trên ghe giơ tay đầu hàng thì họ không đánh thôi ».

tags: Biển Đông - Hoàng Sa - Lãnh hải - Việt Nam 
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120523-cac-ngu-dan-quang-ngai-bi-trung-quoc-bat-da-ve-den-viet-nam
 

HRW đòi Bắc Kinh chấm dứt sự lộng hành của lực lượng an ninh địa phương

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch hôm nay 23/05/2012 đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt tình trạng để mặc các lực lượng an ninh địa phương tự do tung hoành mà không hề bị trừng phạt. Đây là một loại « công an không chính thức », thường bị lên án là hay sử dụng bạo lực, bắt giữ người tùy tiện.

Trong bản báo cáo dài 76 trang mang tên « Hãy đánh đập và tịch thu mọi thứ của hắn », Human Rights Watch giải thích, loại công an không chính thức này « trong một số trường hợp, là một mối đe dọa thay vì đảm bảo an ninh công cộng, vì vừa thiếu sự giám sát chính thức, vừa không được đào tạo, và vô kỷ luật ».

Được thành lập vào năm 1997, lực lượng « thành quản » được giao việc duy trì trật tự tại các thành phố Trung Quốc (có thể tương tự như lực lượng trật tự mang băng đỏ hay các đội quy tắc ở Việt Nam), thường bị lên án về các hành động thô bạo, bị cư dân mạng Trung Quốc phỉ nhổ.

Về lý thuyết, thì lực lượng « thành quản » có nhiệm vụ giám sát việc tôn trọng các quy định hành chính, và không có quyền bắt người hay sử dụng vũ lực với người khác. Tuy nhiên « đối với nhiều người dân Trung Quốc, lực lượng này đồng nghĩa với bạo lực, bắt bớ tùy tiện và trộm cướp » - Human Rights Watch khẳng định.

Dẫn ra các trường hợp cụ thể, bản báo cáo nhận định : « Các vụ bạo lực do lực lượng thành quản tiến hành, và sự tự tung tự tác của lực lượng này là nguyên nhân của một số vụ biểu tình mạnh mẽ tại các thành phố trên khắp đất nước Trung Quốc. Lực lượng thành quản tham gia vào các vụ cưỡng chế nhà đất bất hợp pháp ». Trong số các nạn nhân của lực lượng này có nhiều người bán hàng rong, cả các nhà báo định điều tra về các chủ đề nhạy cảm. Và « thành quản » hầu như không bao giờ bị truy tố vì các vụ lạm dụng quyền lực.

Bà Sophie Richardson của Human Rights Watch nói thêm: “Thái độ quá quắt của lực lượng thành quản thực sự là một sự chối bỏ khái niệm Nhà nước pháp quyền. Việc coi thường pháp luật và bức hại dân chúng của lực lượng công an không chính thức này sẽ gây thêm lòng thù hận nơi người dân, và tạo ra các vụ bạo động mới ».

tags: Châu Á - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120523-hrw-yeu-cau-trung-quoc-cham-dut-su-tung-hoanh-cua-cac-luc-luong-cong-an-khong-chinh-
 

Bình Nhưỡng: Buộc phải viện đến vũ khí nguyên tử đối phó với sức ép của Mỹ

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên hôm qua 22/05/2012 đã lý giải rằng, áp lực ngoại giao của Mỹ sau vụ bắn hỏa tiễn mới đây khiến Bình Nhưỡng không có chọn lựa nào khác ngoài việc cầu viện đến năng lực răn đe bằng vũ khí hạt nhân để « tự vệ ».

Trong thông cáo được hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa lại, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên cho biết sẽ tiếp tục « củng cố khả năng răn đe bằng nguyên tử, một khi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chính sách thù địch ».
Cả năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong đó có Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên, hồi đầu tháng đã khuyến cáo Bình Nhưỡng không nên tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Hoa Kỳ cảnh cáo có thể đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt mới, nếu Bắc Triều Tiên cứ tiếp tục chính sách này.

Vào cuối tháng Tư, các nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã cho biết, việc chuẩn bị cho vụ thử nguyên tử lần thứ ba, sau hai vụ năm 2006 và 2009 của Bắc Triều Tiên, đã gần như hoàn tất. Bình Nhưỡng nói rằng « các tin đồn về thử nghiệm hạt nhân » là do Washington tung ra.

Các nhà phân tích lo ngại Bình Nhưỡng sẽ sử dụng uranium đã làm giàu ở mức cao trong lần thử nghiệm sắp tới. Đây là một giai đoạn mới trong các bước chế tạo bom nguyên tử, và Nhà nước Bắc Triều Tiên đã có một lượng dự trữ plutonium giới hạn. Theo các chuyên gia, thì Bắc Triều Tiên đang có trong tay các vật liệu đủ để chế tạo ít nhất sáu quả bom hạt nhân.

Hoa Kỳ cho rằng hỏa tiễn Unha được phóng đi ngày 13/4 và bị nổ tung ngay sau đó, tuy về mặt chính thức là để đưa một vệ tinh quan sát vào quỹ đạo, nhưng thực ra là một hỏa tiễn tầm xa có thể mang theo đầu đạn nguyên tử.

Tân lãnh tụ Kim Jong Un từ khi lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái luôn đề cáo chính sách quân sự của người cha là Kim Jong Il. Đặc biệt Kim Jong Un đã cho ngưng thỏa thuận với Hoa Kỳ hồi tháng 2/2011 về việc Mỹ viện trợ lương thực để đổi lấy việc Bắc Triều Tiên chấm dứt các vụ bắn hỏa tiễn, và cho phép các thanh tra đến các địa điểm nguyên tử.

Hôm qua Viện Nghiên cứu Mỹ-Hàn Johns Hopkins cho biết, Bắc Triều Tiên đang tiến rất nhanh trong việc hiện đại hóa địa điểm phóng vệ tinh Tonghae, hay còn gọi là Musudan-ri. Các hình ảnh chụp được từ vệ tinh cho thấy địa điểm này có thể phóng đi các tên lửa quan trọng hơn loại Unha – hoặc là các hỏa tiễn không gian sử dụng nhiên liệu lỏng, hoặc các loại hỏa tiễn liên lục địa.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120523-binh-nhuong-buoc-phai-vien-den-vu-khi-nguyen-tu-de-doi-pho-voi-suc-ep-cua-my
 

Phong trào biểu tình tại Miến Điện chống cúp điện lan đến Rangoon


Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Sau các cuộc biểu tình ở Mandalay chống tình trạng cúp điện tại Miến Điện, phong trào đã lan đến Rangoon vào hôm nay 23/05/2012. Hãng tin AFP cho biết hai cuộc biểu tình tập hợp khoảng 150 người tại khu trung tâm thành phố đã nhanh chóng bị cảnh sát giải tán.

Hãng tin Pháp ghi nhận, những người biểu tình trong đó có các cựu tù nhân chính trị, đã hô to : « Hãy cung cấp điện cho người dân 24/24 giờ ». Cảnh sát đã ra lệnh cho họ giải tán.

Miến Điện đang bị thiếu điện trầm trọng, nên phải dùng biện pháp cúp điện có khi sáu giờ một ngày tại Rangoon. Còn tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện, thì số giờ bị cúp điện nhiều gấp ba lần, nên đã phát sinh ra phong trào biểu tình.

Khoảng 1.000 người đã xuống đường vào tối Chủ nhật 20/5 tại Mandalay, và khoảng 1.500 người vào tối thứ Hai 21/5. Đây là phong trào phản kháng quy mô nhất từ sau « Cuộc nổi dậy Áo cà sa » năm 2007. Người dân chỉ trích việc chính quyền đã bán điện cho Trung Quốc trong khi dân chúng Miến Điện không đủ điện sinh hoạt.

Tối hôm qua, sự hiện diện đông đảo của cảnh sát đã khiến những người biểu tình phải thay đổi địa điểm. Khoảng 400 người đã tập trung trước một ngôi chùa, và các nhà sư cũng tham dự vào phong trào. Hơn một chục thành viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, đã bị cảnh sát Mandalay thẩm vấn vì tham gia biểu tình.

Trong thông cáo được nhật báo chính thức New Light of Myanmar đăng hôm qua, Bộ Điện lực đã yêu cầu người dân Miến Điện “thông cảm” trước tình hình, cho rằng cần phải “tiết kiệm điện” bằng cách cúp điện luân phiên.

Không hề nhắc đến phong trào biểu tình ở Mandalay, Bộ Điện lực giải thích là trong mùa khô, lượng điện tiêu thụ cao hơn hẳn so với năng lực sản xuất. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2009, chỉ có 13% dân số Miến Điện có được điện sinh hoạt.

tags: Châu Á - Miến Điện 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120523-phong-trao-bieu-tinh-tai-mien-diechong-cup-dien-lan-den-rangoon
 

Ngân hàng Thế giới : Trung Quốc cần tăng chi để hỗ trợ tăng trưởng

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm nhanh trong năm nay, và các nhà lãnh đạo nước này sẽ phải tăng chi ngân sách để tránh cho tăng trưởng bị khựng lại một cách đột ngột. Ngân hàng Thế giới hôm nay 23/05/2012 đã nhận định như trên, và nhấn mạnh vai trò động lực của châu Á Thái Bình Dương đối với thế giới.

Các khoản chi tiêu này giúp khắc phục các khó khăn của các nhà xuất khẩu Trung Quốc tại các thị trường chủ chốt, mà châu Âu đứng hàng đầu. Báo cáo bán niên của Ngân hàng Thế giới khẳng định : « Thử thách trước mắt của Trung Quốc là hỗ trợ nền kinh tế để đạt đến một sự giảm tốc nhẹ nhàng ».

Theo dự báo, thì tăng trưởng của Trung Quốc năm 2012 là 8,2%, so với 9,2% của năm 2011 và 10,4% năm 2010. Ngân hàng Thế giới lo ngại tăng trưởng bị hãm phanh một cách đột ngột, tuy nhiên Trung Quốc vẫn còn khả năng xoay sở để đối phó với nguy cơ này.

Tiêu thụ của các nước có thu nhập cao tiếp tục chậm lại sẽ nhanh chóng làm ảnh hưởng đến các dây chuyền sản xuất và hoạt động thương mại ở châu Á, nơi Trung Quốc đóng vai trò trung tâm. Còn ngay tại Trung Quốc, nguy cơ nội tại chủ yếu từ việc chỉnh đốn lại thị trường địa ốc.

Các lo ngại cho nền kinh tế thứ nhì thế giới lại bùng lên trước những chỉ số tệ hại được Bắc Kinh công bố vào tháng Tư. Tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, nhập khẩu và xuất khẩu, đầu tư vốn cố định và lượng cấp tín dụng mới…tất cả đều đã giảm sút trong tháng rồi.

Do vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã loan báo giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, đồng thời tăng lượng tiền cho vay. Chính phủ Trung Quốc không còn chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa 7,5% trong năm nay, để tránh gia tăng thất nghiệp cũng như các bất ổn xã hội.

Tuy khuyến khích chính phủ Trung Quốc tăng chi tiêu ngân sách, nhưng Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo khuynh hướng đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng - như Bắc Kinh đã từng làm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trước đây, gây ra nạn lạm phát. Bản báo cáo cho rằng cần phải ưu tiên ngân sách cho việc kích thích tiêu dùng, như giảm thuế, chi phúc lợi và các biện pháp mang ý nghĩa xã hội khác.

Tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm sẽ đè nặng lên toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, khu vực mà Ngân hàng Thế giới dự kiến mức tăng trưởng là 7 ,6% trong năm nay thay vì 8,2% của năm 2011. Tuy xuất khẩu nguyên liệu từ các nước trong khu vực tăng vọt trong năm ngoái, nhưng nếu kinh tế Trung Quốc bị chậm lại thì giá nguyên vật liệu sẽ giảm xuống.

Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, nhìn chung thì khu vực châu Á -Thái Bình Dương vững vàng hơn so với phần còn lại của thế giới. Pamela Cox, Phó giám đốc phụ trách châu Á Thái Bình Dương nhận xét : « Trong một thế giới mà tăng trưởng đang chao đảo ở nhiều khu vực, Đông Á và Thái Bình Dương tạo thành một cụm ánh sáng. Đó là một khu vực vẫn còn tăng trưởng, gợi ra nhiều hy vọng (…). Châu Âu là một đám mây ở chân trời xa, nhưng mưa vẫn chưa rơi xuống được châu Á ». Tuy vậy kinh tế gia trưởng Bert Hofman cũng cảnh báo là « các rủi ro từ châu Âu có thể ảnh hưởng đến châu Á qua các chu chuyển thương mại và tài chính ».

tags: Châu Á - Kinh tế - Ngân Hàng Thế Giới - Tăng trưởng - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120523-ngan-hang-the-gioi-trung-quoc-can-tang-chi-de-ho-tro-tang-truong
 

Trung Quốc điều tra vụ ngư dân bị Bắc Triều Tiên bắt

Bài đăng : Thứ ba 22 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Hôm 22/05/2012 Bắc Kinh loan báo đã mở cuộc điều tra về các điều kiện giam cầm 28 ngư dân Trung Quốc bị Bình Nhưỡng bắt giữ. Vụ này lúc ban đầu đã được cho là một vụ bắt con tin để đòi tiền chuộc.

Màn bí mật bao trùm lên sự kiện này, và có thể thấy rõ sự lúng túng của Bắc Kinh qua nhiều bài báo liên tục mâu thuẫn nhau trên báo chí chính thức Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông Bắc Kinh khi thì mô tả những người Bắc Triều Tiên là « bọn bắt cóc chưa rõ xuất xứ », khi lại nói đó là các đại diện chính quyền Bình Nhưỡng.

Hôm nay từ Bắc Kinh phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: « Theo các thông tin của chúng tôi, thì Bộ Ngư nghiệp Trung Quốc đang tiến hành điều tra về các tình huống của vụ này. Bộ Ngoại giao xem sự cố này là hết sức quan trọng ».

Ông Hồng Lỗi tuyên bố : « Trung Quốc khuyến khích Bắc Triều Tiên tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận lãnh sự đôi bên, nhất là quyền thăm viếng của đại diện lãnh sự ». Nhìn nhận là các ngư dân Trung Quốc hiện đang nằm trong tay chính quyền Bắc Triều Tiên chứ không phải bị hải tặc bắt giữ, ông Hồng Lỗi nói thêm : « Chúng tôi cũng yêu cầu Bình Nhưỡng đảm bảo an toàn, các quyền và lợi ích chính đáng, đối xử nhân đạo với ngư dân Trung Quốc ».

Các ngư dân (ban đầu báo chí đăng là 29 người nhưng thực ra là 28) đã bị những người Bắc Triều Tiên vũ trang bắt giữ cùng với tàu của họ vào ngày 8/5 ngay trên biển. Họ được trả tự do 13 ngày sau đó và đã trở về cảng Đại Liên của Trung Quốc.

Các vụ xung đột liên quan đến ngư dân Trung Quốc vốn có khuynh hướng đi đánh bắt ngày càng xa, vẫn thường xuyên xảy ra tại châu Á, do các tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Nhưng các sự cố trên biển giữa Trung Quốc với đồng minh Bắc Triều Tiên thì hết sức hiếm hoi.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hải tặc - Lãnh hải - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120522-bac-kinh-mo-dieu-tra-ve-viec-bac-trieu-tien-bat-giu-ngu-dan-trung-quoc
 

Việt Nam cần áp dụng tam quyền phân lập để tránh một Nhà nước toàn trị


Bài đăng : Thứ hai 21 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5 vừa bế mạc ngày 15/05/2012 đã khẳng định một số vấn đề rất được dư luận chú ý trong thời gian gần đây. Trước hết là tái công nhận đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Kế đến là quyết định lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu, và bỏ các ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Luật gia Lê Hiếu Đằng_Việt Nam
 
21/05/2012
by Thụy My
 
 
RFI Việt ngữ đã trao đổi với Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề trên.

RFI: Xin chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, vừa qua Hội nghị trung ương lần thứ 5 đã tái khẳng định « đất đai thuộc sở hữu toàn dân ». Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Vừa qua sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 nhiều người rất là thất vọng. Bởi vì những chủ trương đưa ra trong nghị quyết hoàn toàn đi ngược lại với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, nhất là vấn đề đất đai. Mà tôi cho rằng làm như vậy là không thực hiện dân chủ. Bởi vì lẽ ra phải để cho dân, cho nhân sĩ trí thức, rồi các tổ chức, đoàn thể bàn bạc trao đổi trong việc sửa đổi Hiến pháp, mà trong đó có điều khoản về đất đai. Và sau khi đã bàn bạc rồi, trên cơ sở đó Đảng có quyết định và chịu trách nhiệm trước dân, trước lịch sử về quyết định của mình, bằng cách ra nghị quyết. Chứ làm như vậy là một quy trình ngược - bây giờ còn trao đổi gì nữa, nếu khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân ?

Có nhiều ý kiến đề nghị phải xác định là đất đai là có ba quyền sở hữu : sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Thật ra sở hữu cá nhân không ảnh hưởng gì vì khi có nhu cầu quốc phòng, nhu cầu an ninh thì nhà nước có thể trưng thu, trưng mua. Điều này thì nước nào cũng vậy cả. 

Nhưng nếu nói đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, thì dễ đi đến sự tùy tiện của các cấp chính quyền. Mặc dù có quy định là bao nhiêu năm mới hết hạn, nhưng mà người dân vẫn không an tâm. Mà nhất là tôi thấy vô lý ở chỗ, trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vừa rồi, thì khẩu hiệu của chúng ta là ruộng đất cho dân cày, nên tập hợp được nông dân - chính đây là lực lượng chủ yếu để làm cách mạng.
Nhưng khi cách mạng về, thắng lợi rồi thì bỗng dưng mình lại tuyên bố là đất đai của toàn dân, không thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, và nhất là nông dân. Có thể nói đây là một sự phản bội đối với nông dân. Thành ra mới xảy ra nhiều hoàn cảnh đau lòng, như gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng hay mới đây là ở Văn Giang (Hưng Yên), và ở Nam Định.

Chúng tôi nghĩ là Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5, và phát biểu khai mạc cũng như bế mạc của ông Tổng bí thư đi ngược lại nguyện vọng của người dân. Bởi vì trước đó, trong khi thảo luận để sửa đổi Hiến pháp, nhiều nhân sĩ trí thức và kể cả những người có chân trong chính quyền cấp cao trước đây, cũng đề nghị là phải công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân.

Tôi nghe nói là « Ý Đảng, lòng dân », thì rõ ràng là lòng dân đi một đường mà ý Đảng lại đi một nẻo. Như vậy sẽ tiếp tục là một nguy cơ làm mất ổn định chính trị. Chứ không có kẻ xấu, không có đám phản động nào hết, mà chính những chủ trương chính sách bất hợp lý, không phù hợp lòng dân sẽ là một trong những nguyên nhân gây mất ổn định chính trị.

Vì vậy mà chúng tôi thấy rất là thất vọng và rất buồn, vì lãnh đạo của Đảng Cộng sản lại không thấy hết nỗi khổ của người dân trong những vụ bị thu hồi đất. Và như vậy nó liên quan đến vấn đề chống tham nhũng. Có nghĩa là tham nhũng hiện nay lớn nhất là tham nhũng về đất đai, mà kẽ hở của luật pháp chính là việc không công nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân.

RFI: Có vẻ chính quyền vẫn chưa muốn rút kinh nghiệm từ vụ Tiên Lãng, hoặc là lo ngại xảy ra tác động dây chuyền, ông nghĩ thế nào ?

Như trong bài viết « Ai biến chất chính trị và ai là người tự diễn biến ? » trên mạng Bauxite Việt Nam tôi cũng đã phân tích, chính vấn đề là những vụ như Văn Giang hay Nam Định đã gây nên sự công phẫn của người dân. Ví dụ như đánh dân – dùng lực lượng công an để đánh dân, mà chính quyền lại chối, nhưng cuối cùng lại lòi ra là đánh không phải dân mà còn đánh hai nhà báo của đài phát thanh Việt Nam. 

Vấn đề không phải là đánh nhà báo - vì dân thì anh đánh được à ? Như vậy hoàn toàn không phù hợp với cái mà chúng ta thường nói là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chuyện xảy ra ở Văn Giang rất đáng buồn ở chỗ lẽ ra từ vụ Tiên Lãng chúng ta rút kinh nghiệm. Mà Văn Giang đâu có xa Hà Nội bao nhiêu, nhưng chính phủ trung ương không có một phản ứng gì để giải quyết vụ Văn Giang, đi đến tình hình là xua một ngàn cảnh sát công an đi dẹp dân.

Chính quyền phải thấy rằng những vụ đó sẽ là manh nha nhiều vụ việc khác nữa. Bởi vì không phải chỉ ở Tiên Lãng, Văn Giang hay Vụ Bản, mà ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở các tỉnh miền Nam đều có những bức xúc về đất đai cả. Vì vậy đây là vấn đề rất lớn trong tình hình hiện nay. 

Mà nếu giải quyết không khéo, không đứng về phía quyền lợi của người dân, mà đứng về phía lợi ích của các tập đoàn, thì Nhà nước không phải là Nhà nước của dân do dân vì dân. Không phải là Nhà nước để bảo vệ người nghèo, những người cô thế nữa, mà là Nhà nước để bảo vệ những người có tiền, người giàu, giới chủ, hay như chúng ta thường nói là những tư sản đỏ. 

RFI: Có lẽ là chấp nhận cho người dân có được quyền sở hữu đất đai mới là lạ, vì hiện nay không dễ gì thay đổi nhanh như vậy phải không thưa ông ?

Tôi cho rằng một Đảng cầm quyền phải dựa trên ý nguyện của người dân để mà ra chính sách, chứ không phải dựa trên lợi ích nhóm, lợi ích của các nhà đầu tư. Mà nếu dựa trên lợi ích của người dân và nhất là nông dân, thì việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có Luật đất đai tôi cho là đương nhiên thôi.
Nhưng vấn đề ở đây, nếu nói sửa đổi « lạ » là ở chỗ hiện nay tình hình thực tế là các nhóm lợi ích đã chi phối chính quyền quá nhiều rồi - hay là các nhà đầu tư thông qua đồng tiền đã chi phối các cấp chính quyền quá nhiều ! Thành ra có nhiều người tin rằng việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có Luật đất đai là sẽ không thay đổi. 

Mà quả thật qua nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5, thì rõ ràng suy nghĩ đó là đúng sự thật. Và có thể nói đã gây ra một cú sốc rất lớn đối với số nhân sĩ trí thức và các tầng lớp nhân dân mà từ trước đến giờ đã thảo luận và đã có ý kiến nên công nhận quyền sở hữu về đất đai của người dân, trong đó có nông dân.

RFI: Còn về vấn đề lập Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, và bỏ các ban chỉ đạo cấp tỉnh, theo ông sẽ có tác động được nhiều hơn trong việc chống tham nhũng không ?

Tôi cho là tình hình tham nhũng hiện nay, như ngay báo chí công khai của nhà nước, cũng như một số cuộc họp lãnh đạo cũng thừa nhận là một căn bệnh ung thư đã di căn rồi. Có nghĩa là nó đã đục ruỗng bộ máy nhà nước của chúng ta rất nhiều rồi.

Mà qua công tác từ trước tới giờ tôi vẫn biết, là cấp chính quyền nhỏ thì ăn hối lộ, tham nhũng theo cấp nhỏ, cấp quận thì ăn theo cấp quận, cấp thành phố thì theo thành phố, cấp tỉnh theo cấp tỉnh, trung ương theo trung ương…Nó ăn ruỗng trong nhiều lãnh vực liên quan đến đời sống con người. Ví dụ như lãnh vực giáo dục, lãnh vực y tế, xây dựng chẳng hạn, rồi lãnh vực đất đai. Có thể nói là đã đụng chạm rất nhiều đến đời sống, quyền lợi của người dân.

Vì vậy tôi cho là biện pháp nào để chống tham nhũng cũng phải xuất phát từ chỗ, có thực sự muốn chống tham nhũng hay không. Và có thoát khỏi những ràng buộc, bao vây của những thế lực – mà không phải thế lực thù địch hay thế lực xấu gì, nhưng là những thế lực tài phiệt, kể cả từ các nhóm lợi ích cho đến những nhà đầu tư không « ngay ngắn ». Vấn đề là ở chỗ đó. Còn phương pháp nào thì cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu không thực sự muốn chống tham nhũng, không thực sự chống lại cái xói mòn của tiền bạc vào trong các cấp chính quyền. 

Bây giờ ngoài ban chống tham nhũng của chính phủ ra, thì có ban chỉ đạo.Tôi thì ở Thành phố Hồ Chí Minh hồi còn đương chức đã tham gia rất nhiều ban chỉ đạo, nhưng rồi cuối cùng cái tác dụng của các ban chỉ đạo cũng không có gì ghê gớm cả. Vì nói gì thì nói thì ban chỉ đạo cũng chỉ là ban tổng hợp của nhiều ngành tham gia.

Vấn đề tổ chức cũng rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ là nếu bây giờ Tổng bí thư đứng đầu Ban chỉ đạo thì tôi cũng trông chờ xem hiệu quả của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng như thế nào. Nhưng tôi thấy trước mắt những vụ như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), ở Văn Giang, ở Vụ Bản (Nam Định), đứng về mặt Đảng thì những vị giữ chức vụ cao trong Đảng không động tĩnh gì hết. Như vậy chưa chắc gì khi có ban chỉ đạo sẽ có tác dụng tích cực, mà vẫn để cho chính quyền hoành hành trong việc giải tỏa đền bù, rồi trong nhiều việc khác, hay là trong vấn đề đầu tư công.

Đầu tư công là một lãnh vực mà tham nhũng hết sức là to lớn. Những vụ làm thất thoát hàng chục ngàn tỉ hay hàng trăm ngàn tỉ sẽ giải quyết thế nào. Dù sao thì chúng ta cũng chờ xem thử ban chỉ đạo mới thành lập sau nghị quyết trung ương 5 sẽ hành xử như thế nào, từ đó mới thấy rằng Đảng và Nhà nước có quyết tâm thực sự chống tham nhũng hay không. Hay là cũng như những lần trước đây đề ra rất nhiều biện pháp nhưng cuối cùng là không hiệu quả vì không thực sự muốn chống tham nhũng.

RFI: Được biết sẽ thành lập lại Ban Nội chính Trung ương đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, như vậy có gì khác không thưa ông ?

Thật ra trước đây đã có Ban An ninh Nội chính trung ương và ở cấp tỉnh, thành phố rồi, nhưng mà sau đó giải tán, bây giờ lập lại. Tôi nghĩ vấn đề khó khăn ở chỗ đây chỉ là một ban của Đảng thôi. Đứng về mặt luật pháp thì một tổ chức chính quyền được luật pháp quy định thì mới có quyền. Còn ban Đảng, ngay cái tên là chỉ « chỉ đạo » thôi mà, chứ đâu có quyền. Có nghĩa là anh chỉ đạo cái này cái kia, nhưng mà bên chính quyền làm hay không làm thì cũng không sao cả.

Cái này là cái mà từ trước tới giờ gặp rất nhiều khó khăn- có nhiều ban chỉ đạo nhưng không hiệu quả. Mà điều này liên quan đến việc có giao quyền thật sự cho ban chỉ đạo này hay không, hay lại cũng chỉ là hình thức như các ban chỉ đạo khác.

RFI: Thưa ông, bên cạnh đó còn có chuyện bố trí người thường dựa vào quen biết, thế lực chứ không phải tài năng. Có lẽ khi nào chưa có cơ chế chọn được người có năng lực vào những vị trí quan trọng thì vẫn còn tham nhũng?

Nhân đây tôi cũng muốn nói một ý mà trong hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 ông Tổng bí thư cũng có nêu, đó là vấn đề tam quyền phân lập. Thật ra muốn chống tham nhũng, muốn một chính quyền hoạt động có hiệu quả, thì phải chấp nhận tam quyền phân lập.

Mà đây không phải là sản phẩm của giai cấp tư sản, nhưng là thành quả từ các kinh nghiệm - kinh nghiệm quản lý đất nước, con người mà ra. Bởi vì tam quyền phân lập mới làm cho các bộ phận được độc lập. Ví dụ như tư pháp có độc lập thì mới dám xử mấy ông tham nhũng chứ ?

Chứ bây giờ tình hình ở Việt Nam là gì ? Là xử theo bản án đã có sẵn, nhất là những vụ nghiêm trọng là cấp ủy đảng đôi lúc có xen vào. Hay là hành pháp cũng vậy. Thành ra vấn đề là phải độc lập thì mới có đủ quyền lực để mà hành xử, để xử lý một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra. 

Ví dụ như ở các nước, Tổng thống tuy là « hạ cánh an toàn » rồi nhưng mà sau họ cũng lôi ra xử. Chứ không phải như Việt Nam chúng ta, hễ « hạ cánh an toàn » rồi thì thôi, hoặc là đương chức thì cũng không thể nào xử được.

Thành ra tôi cho rằng việc tam quyền phân lập là một trong những biện pháp để chống lại một cái Nhà nước toàn trị. Nếu không tam quyền phân lập thì vai trò của Đảng như thế nào ? Đảng trở thành một siêu quyền lực ! Ai giám sát Đảng ? Như vậy sẽ trở thành một siêu quyền lực và dễ đi đến chỗ đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật và đi đến lộng quyền. Đó là điều mà người dân đâu có ủy nhiệm thông qua lá phiếu của mình ?

Vì vậy tôi cho là vấn đề chống tham nhũng, cũng như vấn đề đất đai, thì nó liên quan đến một Nhà nước pháp quyền, trong đó tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập thì mới có hiệu quả. Chứ còn nếu không sẽ dẫn đến chỗ « vừa đá bóng vừa thổi còi » và sẽ không đi đến đâu cả.
Trong thảo luận về sửa đổi Hiến pháp thì nhiều nhân sĩ trí thức cũng đặt ra vấn đề tam quyền phân lập. Ngay ông Nguyễn Văn An từng là Chủ tịch Quốc hội cũng nói, tuy không rõ, nhưng cũng nói hơi hơi cái ý đó. 

Đó là mối tương quan giữa vấn đề đất đai, vấn đề chống tham nhũng với một Nhà nước pháp quyền thật sự. Trong đó phải tôn trọng một nguyên tắc chung mà một Nhà nước dân chủ phải tuân thủ : tam quyền phân lập. Và trong tam quyền phân lập thì Đảng cầm quyền cũng phải được người dân giám sát, chứ không thể tự tung tự tác !

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi.


tags: Chính trị - Dân chủ - Pháp luật - Phỏng vấn - Việt Nam 
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120521-viet-nam-can-ap-dung-tam-quyen-phan-lap-de-tranh-mot-nha-nuoc-toan-tri
 

mardi 22 mai 2012

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cải chính tin bị cấm xuất cảnh


Tiểu thuyết "Tướng về hưu" ấn bản bỏ túi của NXB L'Aube.
(AFP) Hôm nay 22/05/2012 nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đính chính với AFP về thông tin chính quyền Việt Nam cấm ông xuất cảnh đi Pháp để tham gia hoạt động ra mắt một cuốn sách của ông. Theo nhà văn thì ông đã từ chối chuyến đi này vì lý do sức khỏe.

Nguyễn Huy Thiệp nói với hãng thông tấn Pháp là « Thông tin về việc tôi bị cấm xuất cảnh sang Pháp là không đúng ». Ông cho biết như trên sau khi nhà xuất bản Pháp L’Aube, cũng trong hôm nay, nêu ra việc chính quyền Hà Nội cấm Nguyễn Huy Thiệp xuất cảnh.

Nhà văn nói thêm : « Tôi được nhà xuất bản L’Aube mời sang Pháp để tham dự sự kiện này, cách đây khoảng một tháng bằng email. Tôi đã trả lời rằng tôi không đi được vì lớn tuổi và bệnh hoạn – tôi bị bệnh tim và tiểu đường ».

Về phía L’Aube, nhà xuất bản sẽ phát hành toàn tập các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vào tháng Sáu tới, nói rằng : « Nguyễn Huy Thiệp, mà tội duy nhất là viết lách, một lần nữa lại bị cô lập – thư từ bị lấy trộm, điện thoại bị cắt và bị cấm xuất cảnh ».

Theo AFP, thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà tác phẩm nổi tiếng nhất là tiểu thuyết « Tướng về hưu », không hẳn là một nhà ly khai đối với chế độ, tuy quan hệ với chính quyền đôi khi có căng thẳng, đặc biệt là với Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị cấm xuất cảnh


Tác phẩm "Tuổi hai mươi yêu dấu" do NXB L'Aube phát hành tại Pháp.

(AFP) Chính quyền Việt Nam vừa cấm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không cho đi Pháp vào đầu tháng Sáu nhân dịp ra mắt tác phẩm « Tình yêu, tội ác và trừng phạt » của ông do nhà xuất bản Pháp L’Aube giới thiệu. Hôm thứ Hai 21/05/2012 nhà xuất bản L’Aube đã cho AFP biết như trên.

Theo nhà xuất bản này, vốn sẽ xuất bản bộ truyện ngắn toàn tập của nhà văn vào tháng Sáu, thì « Nguyễn Huy Thiệp – mà tội duy nhất là viết lách – một lần nữa lại bị cô lập : thư từ bị lấy trộm, điện thoại bị cắt và bị cấm xuất cảnh ».

Trong một thông báo, nhà xuất bản L’Aube nhắc lại, để có thể tự do gặp gỡ các độc giả, « nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phải thành lập một nhà hàng dưới chân cầu Long Biên ở Hà Nội ». Thông cáo nói tiếp : « L’Aube nhấn mạnh sự ủng hộ vô điều kiện đối với nhà văn hiện đang bị mất quyền tự do di chuyển và tự do ngôn luận – mà chúng tôi hy vọng là chỉ tạm thời – và đề nghị mỗi người trong chúng ta cũng ủng hộ cho ông ».

Từ khi thành lập, nhà xuất bản L’Aube luôn cam kết dành tiếng nói cho các nhà văn bị ngăn trở trong việc tự do diễn đạt ở trong nước. Chẳng hạn như đã xuất bản cuốn « Thẩm vấn từ xa » của Vaclav Havel năm 1989 khi ông đang còn trong nhà tù. L’Aube cũng là nhà xuất bản đã in các tác phẩm của Cao Hành Kiện, nhà văn đã rời Trung Quốc từ năm 1988 và sau đó đoạt giải Nobel văn chương. Hoặc Abed Charef, bị buộc phải đi khỏi Algérie sáu tháng sau khi cho ra đời tác phẩm « Algérie, bước trượt ngã dài ».

dimanche 20 mai 2012

Các điểm yếu của Trung Quốc phơi bày ra ánh sáng


Luật sư mù Trần Quang Thành (thứ ba từ trái sang) phát biểu trước báo chí khi vừa đến nơi tạm ngụ ở New York ngày 19/05/2012.
(Le Monde) Nắm quyền từ năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc liệu có thể trụ được lâu dài như đảng Cộng sản Liên Xô (74 năm) hay Quốc dân đảng (tại Trung Quốc rồi đến Đài Loan, trong vòng 73 năm) hay không ? Không có gì là chắc chắn cả ! Giáo sư Pei viết : « Sự thống trị của đảng Cộng sản Trung Quốc bước vào một thời kỳ hiểm nghèo ».

Vốn nhanh chóng giải quyết những xung đột trong hậu trường và cáo buộc mọi sự chỉ trích là can thiệp vào việc nội bộ của nước khác, chính quyền Trung Quốc trong những tháng gần đây lại bị đặt trong một hoàn cảnh khó xử chưa từng thấy. Những vụ đấu đá bí mật nhất trong nội tình bỗng chốc bị lôi ra trước thanh thiên bạch nhật, phơi bày ra trước mắt toàn thế giới, với hai câu chuyện hình sự ly kỳ.

Tất cả bắt đầu vào tháng Hai, khi một viên chức công an cao cấp ở tỉnh cảm thấy nơi chốn tốt nhất để trốn tránh trận lôi đình của cấp trên, là lãnh sự quán Mỹ. Vị siêu cớm đó là Vương Lập Quân ở Trùng Khánh, đã được giao lại cho chính quyền trung ương Bắc Kinh. Còn thủ trưởng của ông Vương là Bạc Hy Lai thì bị cách chức, nay đang chờ đợi hình phạt, trong khi sự nghiệp chính trị của ông Bạc khởi đầu đầy hứa hẹn.

Một đột phá khẩu khác là từ một nhà ly khai khiếm thị. Bị công an quấy nhiễu bằng cung cách mafia, vị luật sư mù không có chọn lựa nào khác để kêu đòi công lý ngoài việc trông cậy vào sự bảo vệ của Mỹ, ngay tại thủ đô Trung Quốc. Sự hoảng loạn của ông Trần Quang Thành - khi phát hiện rằng, một khi đã được đưa vào bệnh viện ở Bắc Kinh hôm 02/05/2012 thì không còn có nhà ngoại giao nào được phép ở cạnh - đã trở thành một chủ đề chính trị tại nước Mỹ.

Tuần báo Time đã chạy tít « Cộng hòa Nhân dân Xì-căng-đan », và trang bìa này được cư dân mạng Trung Quốc truyền cho nhau. Đã hẳn là các cơn bão tố chính trị lan đi khá chậm chạp, và tiếng vọng ở thế giới bên ngoài đã được giảm sốc trong nội địa nhờ tuyên truyền. Nhưng dù sao đi nữa nó cũng cho thấy sự mong manh của mô hình chủ nghĩa toàn trị kiểu mới của Trung Quốc, trong lúc chỉ vài tháng nữa là đến đại hội Đảng lần thứ 18, lúc đó « thế hệ thứ năm » sẽ lên nắm quyền lãnh đạo. Nghệ sĩ ly khai Ngải Vị Vị nhận xét : « Giống như là một mảng lớn của bức tường thành đã bị lở ra, nó mang tính quốc tế, liên quan tới rất nhiều người, và tại Trung Quốc mọi con mắt đều đổ dồn vào đây ».

Ngay cả việc khóa kín thông tin trên báo chí về vụ Trần Quang Thành cũng không hoàn hảo. « Trong sự yên tĩnh của đêm thâu, đây là thời điểm để gỡ bỏ chiếc mặt nạ giả dối, để nói với cái nghiệp của chính mình điều gì là sự thực : Rất tiếc. Chúc ngủ ngon ». Thông điệp trên đây được Tân Kinh báo, một tờ báo có khuynh hướng tự do gởi đến 1,4 triệu thành viên trên tài khoản Vi Bác của tờ này. Đó là vào buổi tối 04/05/2012, sau khi toàn bộ các báo ở Bắc Kinh bị bắt buộc phải đăng các bài xã luận đả kích « âm mưu của Mỹ » trong vụ Trần Quang Thành.

Cho dù muốn tăng trưởng bằng mọi giá, sự thức tỉnh lương tri và những tiếng nói công dân trong nước đã xuẩt hiện rộng khắp. Đó là cuộc khủng hoảng của một Nhà nước phi luật lệ, hay đúng hơn là quản lý theo kiểu « cái lý của kẻ mạnh » – và thường thì ai mạnh nhất trong đảng là thắng – đã gây nhiều bất bình.

Minh họa mới nhất cho sự phẫn nộ này : Ngày 10/5 một phụ nữ trong lúc phải ký thỏa thuận giao lại căn nhà mình bị một địa phương ở Vân Nam trưng thu để đập bỏ, đã kích hoạt chất nổ mang theo bên mình, làm cho ba người khác chết cùng với bà ta. Hành động tuyệt vọng vừa bi thảm vừa kịch tính này, đã cộng thêm vào một loạt các vụ tương tự, trong đó có hơn một chục vụ tự thiêu của những người bị cưỡng chế và tiêu hủy nhà.

Sự chối bỏ Nhà nước pháp quyền là trung tâm của cuộc khủng hoảng đang đe dọa Trung Quốc. Hai vụ mới đây là điển hình. Trước hết, là trường hợp Vương Lập Quân được Bạc Hy Lai bổ nhiệm làm giám đốc công an đồng thời cũng đứng đầu về tư pháp, trong một địa phương có đến 30 triệu dân. Nhân danh lợi ích của Đảng, Vương Lập Quân đã tiến hành một chiến dịch chống mafia thuộc loại chóng vánh nhất. Còn ôngTrần Quang Thành từ nhiều năm qua là tù nhân của một khoảng trống luật pháp, vì không bị buộc vào một tội danh nào. Vị luật sư mù là hiện thân của những đòi hỏi không khoan nhượng của công dân, trong cuộc thập tự chinh vì công lý.

Theo giáo sư Minxin Pei ở Claremont McKenna College, California, « những triệu chứng thoái hóa của chế độ như thế là điềm báo cho một cuộc khủng hoảng hệ thống ». Trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal ông đã viết rằng, đối với những người nghiên cứu các chuyển đổi dân chủ như ông, thì các chỉ số đã vượt ngưỡng, hoặc đang vượt. Trung Quốc đã vượt qua mức 6.000 đô la tổng sản phẩm nội địa trên đầu người. Đây là giới hạn mà « rất ít quốc gia không có nguồn tài nguyên dầu lửa có thể duy trì được sự trị vì (độc đoán) của Nhà nước ».

Nắm quyền từ năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc liệu có thể trụ được lâu dài như đảng Cộng sản Liên Xô (74 năm) hay Quốc dân đảng (tại Trung Quốc rồi đến Đài Loan, trong vòng 73 năm) hay không ? Không có gì là chắc chắn cả ! Giáo sư Pei viết : « Sự cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc bước vào một thời kỳ hiểm nghèo ».

Trong số tháng Năm, tạp chí nghiên cứu lịch sử Viêm Hoàng Xuân Thu, cơ quan của các trí thức chủ trương cải cách trong đảng, đã dành bảy trang cho cuộc hội thảo tổ chức vào tháng Tư về sự cần thiết phải cải cách chính trị.

« Đảng chúng ta sinh ra từ cuộc nổi dậy, và điều này đã tạo ra thói quen coi thường pháp luật rất khó sửa chữa ».Hồ Đức Hoa, con của Hồ Diệu Bang - nhà lãnh đạo cải cách bị cách chức, mà đám tang ông đã khởi đầu cho các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 - đã giải thích như thế. Ông Hồ Đức Hoa nói tiếp : « Hồi đó khi cha tôi, Hồ Diệu Bang, nói rằng ông hy vọng biến Trung Quốc thành một đất nước bình thường, tôi không hiểu ông muốn nói gì. Ngày nay tôi cho rằng điều đó có nghĩa là cần phải chọn lựa giữa sự thống trị của đảng và sự ngự trị của luật pháp ».

Đối với nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn, đây là một cách nói lịch sự thay cho câu « cần phải nhốt con quái vật vào chuồng ». Nhà văn cho rằng : « Bộ máy Nhà nước, đó là một con quái vật hợp thành bởi 80 triệu đảng viên ». Thời gian gần đây con quái vật đó làm gì ? Ông trả lời : « Nó quanh đi quẩn lại quanh chuồng  mà không chịu vào».