jeudi 17 mai 2012

Obama bổ nhiệm đại sứ Mỹ đầu tiên tại Miến Điện từ hơn 20 năm qua


Các đại biểu quân đội trong Quốc hội Miến Điện, ngày 23/04/2012.
(AFP) Hôm nay 17/05/2012 Nhà Trắng loan báo, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bổ nhiệm đại sứ Mỹ đầu tiên tại Miến Điện từ hơn 20 năm qua. Hoa Kỳ cũng quyết định bãi bỏ một số hạn chế về đầu tư, bên cạnh đó Ngoại trưởng Hillary Clinton lên tiếng kêu gọi Miến Điện trả tự do cho các tù chính trị.

Trong thông cáo, Tổng thống Barack Obama khẳng định : « Ngày hôm nay đánh dấu sự khởi đầu một chương mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Miến Điện ». 

Miến Điện lần đầu tiên tổ chức Gay Pride

Bài đăng : Thứ năm 17 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 17 Tháng Năm 2012 
 
Hôm nay 17/05/2012 Miến Điện đã tổ chức Gay Pride – ngày hội của người đồng tính – lần đầu tiên tại nước này. Một nhà hoạt động nhân quyền nhận xét, việc tham gia vào một sự kiện quốc tế như Gay Pride sẽ giúp cộng đồng người đồng tính Miến Điện thêm tự tin.

Ông Aung Myo Min, thuộc Viện Giáo dục về Nhân quyền tại Miến Điện, cho biết lễ hội Gay Pride lần đầu tiên được tổ chức tại Miến Điện nhân ngày thế giới chống phân biệt đối xử với những người đồng tính luyến ái và chuyển đổi giới tính. Nhiều hoạt động như ca nhạc, sân khấu, chiếu phim tài liệu, hội thảo …diễn ra trong hôm nay, tại bốn thành phố trong đó có Rangoon, tuy nhiên không có diễu hành.

Ông Min nói thêm : « Trong quá khứ, các hoạt động tập trung đông người loại này bị coi là chống chính quyền, cũng như là biểu tình vậy. Nay thì cộng đồng những người đồng tính can đảm hơn, họ đã dám bộc lộ khuynh hướng tính dục của mình ».

Bộ Luật Hình sự có từ thời thuộc địa cấm đoán quan hệ tình dục giữa những người cùng phái, không được áp dụng nghiêm ngặt tại Miến Điện, tuy nhiên những người hoạt động nhân quyền cho rằng đây là nguyên nhân của tình trạng phân biệt đối xử.

Chính sách độc đoán, các định kiến về tôn giáo và đạo đức xã hội đã khiến những người đồng tính Miến Điện phải sống lén lút. Tình hình tại Miến Điện khác hẳn với quốc gia láng giềng Thái Lan, tuy đa số theo đạo Phật, nhưng cộng đồng người đồng tính và chuyển giới vẫn được chấp nhận như một bộ phận của xã hội.

Nhưng các đổi mới quan trọng về chính trị từ sau khi tập đoàn quân sự cầm quyền giải tán tháng 3/2011 nay đã lan rộng đến lãnh vực xã hội. Ông Aung Myo Min vốn đã kêu gọi chính phủ bãi bỏ các luật lệ kết tội các quan hệ đồng tính, cho rằng việc tham gia vào một sự kiện quốc tế như Gay Pride sẽ giúp cộng đồng người đồng tính Miến Điện thêm tự tin.

Việc giữ bí mật các quan hệ đồng tính luyến ái đã khiến cuộc đấu tranh chống nạn dịch SIDA thêm khó khăn. Theo báo cáo của chương trình chống SIDA của Liên Hiệp Quốc năm 2010, tại một số thành phố như Rangoon hay Mandalay, có đến 29% số người đồng tính bị nhiễm HIV.

tags: Châu Á - Miến Điện - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120517-mien-dien-lan-dau-tien-to-chuc-gay-pride
 

Trung Quốc cho phép xuất khẩu thêm đất hiếm

Bài đăng : Thứ năm 17 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 17 Tháng Năm 2012 
 
Chính quyền Trung Quốc hôm nay 17/05/2012 loan báo cấp hạn ngạch bổ sung để xuất khẩu đất hiếm. Quyết định này được đưa ra trong lúc Bắc Kinh đang bị các đối tác thương mại chỉ trích về việc hạn chế xuất khẩu loại nguyên liệu thiết yếu cho công nghệ cao này. 
 
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các công ty sản xuất đất hiếm có thể xuất khẩu thêm 10.680 tấn nữa trong năm nay, tổng cộng là 21.226 tấn cho năm 2012.
Hiện nay Trung Quốc sản xuất trên 95% lượng đất hiếm trên thế giới. Đây là một nhóm gồm 17 kim loại hiếm dùng làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng cao cấp như máy tính, màn hình, máy ảnh, máy quay phim, phụ tùng xe hơi…

Vào tháng Ba năm nay, Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và Nhật Bản đã kiện Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới, với lý do Bắc Kinh đã lợi dụng tình trạng độc tôn để thao túng. Không chỉ tăng giá đất hiếm, mà Bắc Kinh còn buộc các công ty ngoại quốc phải dịch chuyển sang Trung Quốc để có được nguồn cung ứng.

Hạn ngạch xuất khẩu trong năm 2011 được ấn định là 30.000 tấn. Chính quyền Bắc Kinh đảm bảo lượng đất hiếm xuất khẩu trong năm 2012 cũng tương đương với năm ngoái, và số hạn ngạch bổ sung sẽ được cấp tiếp trong năm.

tags: Châu Á - Kinh tế - Thương mại - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120517-trung-quoc-cho-phep-xuat-khau-them-dat-hiem
 

mercredi 16 mai 2012

Cưỡng chế thu đất tại Cam Bốt: Một thiếu nữ bị bắn chết

Bài đăng : Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 
Một cô gái trẻ Cam Bốt đã bị bắn chết hôm nay 16/05/2012, khi lực lượng an ninh đụng độ với dân làng biểu tình chống lại việc trưng thu đất đai. Đây là nạn nhân thứ hai bị sát hại trong vòng ba tuần qua, liên quan đến các vụ cưỡng chế đất. Một tổ chức nhân quyền đã cho biết như trên, được AFP đưa lại.

Thiếu nữ tuổi chưa đến đôi mươi này đã bị trúng đạn khi hàng trăm dân làng tại tỉnh Kratie, lâu nay vẫn xung đột với một công ty tư nhân, phải đương đầu với cảnh sát và quân đội. Ou Virak, chủ tịch tổ chức Cambodian Center for Human Rights, dẫn lời một người dân đã nói chuyện với nạn nhân trước khi cô gái này qua đời, cho biết, viên đạn đã trúng vào vùng xương chậu, và thiếu nữ đã chết trước khi đến bệnh viện.

Ou Virak nói thêm, theo người dân địa phương ở Kompong Domrey, lực lượng an ninh đã bắn chỉ thiên trong khi cuộc biểu tình diễn ra, nhưng không biết ai là người đã bắn ra viên đạn khiến cô gái tử vong.
Văn phòng cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh xác nhận cái chết của thiếu nữ, nhưng chưa rõ danh tánh nạn nhân, và cho biết đã gởi một nhóm nhân viên đến Kratie để thu thập thông tin.

Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Kirt Chantharith nói với AFP là chưa có tin tức gì về vụ sát thương trên, nhưng tuyên bố rằng lực lượng vũ trang được triển khai tại vùng này để ngăn ngừa việc dân làng « kiểm soát đẩt đai một cách bất hợp pháp ». Được biết, từ lâu nay, người dân ở Kompong Domrey vẫn đối kháng với công ty Casotim, đơn vị có đồn điền cao su trong khu vực.

Thảm kịch này xảy ra trong lúc người dân Cam Bốt vẫn đang bức xúc về vụ nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Chut Vuthy bị bắn chết ngày 25/04, trong khi đi thu thập bằng chứng về việc khai thác rừng trái phép.
Chính quyền Cam Bốt lâu nay thường bị Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền chỉ trích về các vụ tranh chấp đất đai mà bạo lực ngày càng tăng. Các lực lượng an ninh Cam Bốt bị lên án là đã bắn đạn thật vào những người phản kháng, ít nhất là trong bốn vụ.

Thủ tướng Hun Sen tuần qua đã loan báo ngưng giao đất cho các công ty tư nhân để kìm hãm lại các vụ dùng vũ lực trục xuất người dân cũng như việc phá rừng. Vấn đề đất đai đã bùng nổ tại Cam Bốt từ sau khi chế độ Khmer Đỏ hủy bỏ quyền sở hữu đất đai vào thập niên 70, và tiêu hủy nhiều giấy tờ sở hữu đất trong thời kỳ này.

tags: Các vấn đề xã hội - Cam Bốt - Châu Á 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120516-cuong-che-thu-dat-tai-cam-bot-mot-thieu-nu-bi-ban-chet

Tịch thu 10 sừng tê giác tại nhà một người Việt ở Nam Phi

Bài đăng : Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 
 
Cảnh sát Nam Phi hôm nay 16/05/2012 cho biết đã tịch thu được 10 chiếc sừng tê giác tại nhà một người Việt ở Johannesburg vào tối qua rạng sáng nay. Những chiếc sừng này được giấu trong tủ áo quần và các tủ ngăn vách.

Đại tá Vishnu Naidoo, một phát ngôn viên của cảnh sát Nam Phi nói rằng việc khám xét được tiến hành ở căn nhà nằm trong khu phố Bedforview dựa trên một nguồn tin nhận được. Cảnh sát tìm thấy 10 chiếc sừng tê giác và một ngà voi.

Căn hộ này không sang trọng nhưng khang trang và ngăn nắp. Chủ nhà là một người Việt, trước mắt chưa xác định chính xác được nghề nghiệp chính thức cũng như danh tính, sẽ phải hầu tòa ngày mai. Đại tá Naidoo nhận xét, rõ ràng nghi can có liên quan đến các hoạt động tội phạm, vì cảnh sát cũng tìm thấy một số hộ chiếu và tiền mặt lên đến 5 triệu đồng Rand, tương đương 469.000 euro.

Sừng tê giác được bán với giá đắt như vàng tại châu Á, vì được tin là phương thuốc thần diệu hoặc thuốc cường dương. Buôn lậu sừng tê giác mang lại món lời khổng lồ, thu hút các tay buôn lậu trên toàn thế giới.

Tại Nam Phi vốn là nơi cư trú của 70 đến 80% loài tê giác, nạn buôn lậu đã tăng vọt từ ba năm qua. Trên 200 con tê giác đã bị sát hại kể từ tháng Giêng năm 2012, tức mỗi ngày có hơn một con tê giác bị giết, hầu hết là ở vườn thú Kruger nổi tiếng của Nam Phi.

tags: Môi trường - Nam Phi - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120516-tich-thu-10-sung-te-giac-tai-nha-mot-nguoi-viet-o-nam-phi
 

Vợ ông Nguyễn Quốc Quân kêu gọi Washington yêu cầu Việt Nam trả tự do cho chồng

Bài đăng : Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 
 
Hôm qua, 15/05/2012, vợ tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, một Việt kiều Mỹ bị giam giữ tại Việt Nam vì tội « khủng bố » từ ngày 17/04, đã lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ để đòi tự do cho chồng bà.

Ông Nguyễn Quốc Quân, tức Richard Nguyen, đã bị bắt hôm 17/04 tại sân bay Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo chí chính thức ở Việt Nam, ông « mưu toan vào Việt Nam để xúi giục biểu tình và phá hoại các buổi lễ » nhân kỷ niệm ngày Sài Gòn sụp đổ năm 1975.

Bà Ngô Mai Hương, vợ ông Nguyễn Quốc Quân, đã nói trước một ủy ban Hạ viện Mỹ hôm qua tại Washington : « Tôi đến đây để xin các vị hỗ trợ trong việc trả tự do cho chồng tôi, bị giam giữ một cách tùy tiện ở Việt Nam ». Bà cũng kêu gọi Ngoại trưởng Hillary Clinton và đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear lên tiếng yêu cầu « trả tự do ngay lập tức » cho chồng bà.

Báo chí Việt Nam hồi cuối tháng Tư cho biết, ông Nguyễn Quốc Quân sẽ tiếp tục ở tù trong bốn tháng, thời gian dành cho việc điều tra về tội « khủng bố chống lại chính quyền nhân dân », một tội danh có mức án cao nhất là tử hình. Tuy vậy chính quyền Việt Nam chưa bao giờ tử hình các công dân ngoại quốc vì các tội chính trị.

Ông Nguyễn Quốc Quân, 59 tuổi, tiến sĩ toán học, là thành viên của đảng Việt Tân có trụ sở tại Hoa Kỳ. Đảng này bị chính quyền Hà Nội coi là một tổ chức khủng bố, nhưng Việt Tân khẳng định mục đích là xúc tiến dân chủ bằng các phương pháp hòa bình. Trong một thông cáo, Việt Tân cho rằng « việc kết tội ông Quân là khủng bố là hoàn toàn gán ghép và vô căn cứ », đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông Nguyễn Quốc Quân ngay lập tức.

tags: Nhân quyền - Việt Nam - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120516-vo-ong-nguyen-quoc-quan-keu-goi-washington-doi-viet-nam-tra-tu-do-cho-chong
 

Ông Trần Quang Thành lên án chính quyền Trung Quốc đánh đập một người thân

Bài đăng : Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 
 
Nhà ly khai Trần Quang Thành, hôm qua 15/05/2012, từ bệnh viện ở Bắc Kinh, đã gọi điện thoại đến Quốc hội Hoa Kỳ, lên án nhà cầm quyền Trung Quốc đã đánh đập và gán ghép tội sát nhân cho một người cháu của ông. 

Đây là lần thứ hai, ông Trần Quang Thành - luật sư mù bị quản thúc, đào thoát được một cách ngoạn mục hồi cuối tháng Tư - gọi điện cho Quốc hội Hoa Kỳ. Nhưng lần này, ông không bày tỏ sự lo ngại về tình thế của bản thân, mà nhằm lên án chính quyền địa phương tỉnh Sơn Đông tìm cách trả thù ông bằng cách gán cho người cháu của ông tội giết người.

Ông Trần Quang Thành nói với các thành viên của ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ : « Đó là một tội được quy chụp, những người ở huyện Nghi Nam này hoàn toàn không quan tâm đến luật lệ ở Trung Quốc ». Bob Fu, một trong những người ủng hộ nổi tiếng nhất của ông đã giúp dịch lại sang tiếng Anh.

Theo luật sư Trần Quang Thành, bọn côn đồ được chính quyền sai phái đã đột ngột xuất hiện tại nhà người cháu của ông là Trần Khả Quý, và đánh đập anh này suốt ba tiếng đồng hồ khiến mặt anh đầy máu. Cho dù anh bị kết tội sát nhân, nhưng không có người chết nào được khai tử. Ông Thành cho rằng, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng cho người cháu cùng một hình thức trấn áp như đã xử sự với ông.

Nhà hoạt động nhân quyền 40 tuổi đã từng ở tù bốn năm vì các tội trạng bị gán ghép. Sau đó, ông bị quản thúc tại gia ở Sơn Đông trong hai năm, tất cả chỉ vì ông đấu tranh chống lại việc cưỡng bức phá thai và triệt sản. Hiện ông đang điều trị các vết thương tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, nhưng không được phép ra ngoài, cũng như không được gặp những người ông muốn gặp. Ông Trần Quang Thành cũng chưa nhận được hộ chiếu để có thể rời Trung Quốc.

Trước các dân biểu Mỹ ngưỡng mộ lòng quả cảm của ông, luật sư Trần Quang Thành nói rằng : « Tôi không phải là một người hùng, tôi chỉ làm những gì mà lương tâm đòi hỏi. Tôi không thể im lặng xuôi tay khi bọn quỷ dữ làm hại phụ nữ và trẻ em ».

Được biết trong buổi điều trần hôm qua tại Hạ viện, các dân biểu và các nhà tranh đấu của Mỹ đã kêu gọi tăng cường áp lực, để Bắc Kinh cho phép ông Trần Quang Thành được sang Hoa Kỳ. Chủ tọa cuộc điều trần là dân biểu Chris Smith đã yêu cầu các nhà báo « đừng quên ông Trần và gia đình, thân nhân ông, cũng như những người bị nguy khốn vì bênh vực ông », nhấn mạnh « rất tiếc là câu chuyện này còn lâu mới chấm dứt ».

tags: Châu Á - Nhân quyền - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120516-ong-tran-quang-thanh-len-an-chinh-quyen-trung-quoc-quy-chup-va-danh-dap-mot-nguoi-th
 

« Quỷ Satan » Lady Gaga bị cấm biểu diễn ở Jakarta

Bài đăng : Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 16 Tháng Năm 2012 
 
Cảnh sát Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới đã cấm Lady Gaga trình diễn ở thủ đô Jakarto. Nữ hoàng nhạc pop này còn là nhà đấu tranh cho quyền lợi người đồng tính. Hãng tin AFP hôm qua 15/05/2012 cho biết, đó là do một tổ chức Hồi giáo nộp đơn kiện, cho nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ là « quỷ Satan ».
 
Saud Usman Nasution, một phát ngôn viên cảnh sát quốc gia cho AFP biết là đã không cấp phép trình diễn cho Lady Gaga tại Jakarta, và buổi diễn dự kiến ngày 3/6 sẽ bị hủy. Ông Nasution cũng nhìn nhận khả năng nữ ca sĩ có thể được diễn tại địa điểm khác ngoài thủ đô, tùy theo cảnh sát địa phương. 

Cảnh sát quốc gia đã nghe theo khuyến cáo của cảnh sát Jakarta, nói là đã nhận được đơn kiện của Hội đồng Giáo sĩ Hồi giáo, cấp cao nhất của tôn giáo này tại Indonesia. Một phát ngôn viên cảnh sát Jakarta nhận định là trang phục của Lady Gaga « quá sexy và khiêu dâm ».

Công ty tổ chức biểu diễn Big Daddy Production từ chối đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Bộ trưởng Nội vụ Gamawan Fauzi hoan nghênh quyết định của cảnh sát.

Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) nổi tiếng vì các cuộc tập kích vào các quán bar và cơ sở mát-xa, đã hứa hẹn sẽ tập hợp « ba chục ngàn » người biểu tình tại Jakarta để ngăn trở Lady Gaga « truyền bá đức tin Satan ». Chủ tịch FPI, Habib Salim Alatas tuyên bố rất hài lòng vì « cảnh sát đã cản trở kẻ hủy hoại đức tin đến đây ». Ông kêu gọi Lady Gaga, ca sĩ « chuyên mặc quần lót và áo ngực » hãy « ăn năn, mặc abaya (áo chùng che kín toàn thân) và ngưng hát các bài hát độc hại ».

Về phần Hội đồng Giáo sĩ Hồi giáo thì kêu gọi Lady Gaga « tôn trọng nền văn hóa và truyền thống của Indonesia. Chúng tôi không thể dung thứ cho các loại trang phục và những màn trình diễn sexy ».
Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với việc chống lại nữ ca sĩ luôn ủng hộ người đồng tính này. Đa số trong 240 triệu người dân Indonesia là những người Hồi giáo ôn hòa, và 50.000 vé xem Lady Gaga trình diễn đã bán hết trong vòng hai tuần. Nhiều fan của nữ ca sĩ tỏ ra bất bình trước quyết định cấm diễn của cảnh sát.

Trước đó, một số ca sĩ nổi tiếng có phong cách trình diễn khiêu khích cũng đã được diễn tại Indonesia, chẳng hạn như nhóm nhạc Mỹ Pussycat Dolls. Tuy nhiên, nhóm này cũng đã được đề nghị ăn mặc kín đáo hơn một chút.

Trong vòng lưu diễn thế giới, Lady Gaga đã đến Hồng Kông và Tokyo, cũng lác đác có một số cuộc biểu tình phản đối các cuộc trình diễn của cô nhưng không đáng kể. Còn tại Hàn Quốc, khi nữ ca sĩ bắt đầu trình diễn ở Seoul từ ngày 27/04, hàng trăm người đạo Tin Lành đã xuống đường đòi hủy bỏ các buổi diễn. Tuy vậy, ngôi sao thích khiêu khích này vẫn thản nhiên mặc bộ trang phục áo liền quần màu đen hết sức gợi cảm.

tags: Indonesia - Văn hóa 
 
http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120516-%C2%AB-quy-satan-%C2%BB-lady-gaga-bi-cam-bieu-dien-o-jakarta
 

Bóng ma nguyên tử ở Fukushima

Bài đăng : Thứ ba 15 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 15 Tháng Năm 2012 
 
Nhật báo Libération hôm nay 15/05/2012 đề cập đến « Fukushima, những bóng ma nguyên tử ». Trong lúc Nhật Bản vừa cho ngưng chạy lò phản ứng cuối cùng trong số 50 lò tại nước này, người dân ở khu vực xảy ra thảm họa luôn sống trong nỗi lo sợ bị nhiễm xạ. Công tác giải độc với quy mô khổng lồ đang được tiến hành.

Đặc phái viên của tờ báo tại Fukushima mô tả lại cảnh những xe ben, xe cần cẩu tấp nập làm việc tại thành phố này. Đất nhiễm độc ở khu vực cách nhà máy điện nguyên tử bị tai nạn 60 km không thể bị tiêu hủy hay mang đi nơi khác. Xe ben đào đất lên, đổ vào xe tải, rồi mang chôn tại một hố sâu khổng lồ sẽ được lấp lại ngay trong ngày.

Tất cả ưu tiên cho việc tẩy độc, nhưng không dễ dàng. Một viên chức của làng Kawamata, nằm cách nhà máy 40 km, cho biết : « Diện tích bị nhiễm độc rộng bao la, và tại khu rừng phía chân núi, do nước mưa chảy từ sườn núi xuống nên mười ngày sau khi xử lý mức độ nhiễm xạ trong đất lại y như xưa. Chúng tôi thử dùng sỏi, trồng hướng dương…và cầu nguyện Thượng đế phù hộ mà thôi ! ».

Xung quanh Kawamata, dọc theo con lộ 144 chỉ còn những xóm làng, đồng ruộng bỏ hoang, dân chúng đã tản cư gần hết. Một số rất ít nông dân còn bám trụ vì không nỡ bỏ đàn súc vật bị chết đói. Còn ở thành phố duyên hải Minamisoma chỉ cách nhà máy điện 20 km, các học sinh trung học ở đây mỗi ngày đều phải thay phiên nhau đo mức độ nhiễm xạ. Cả 1.200 trường học tại toàn vùng Fukushima được trang bị máy đo phóng xạ hết sức hiện đại, và Bộ Giáo dục ở Tokyo hàng ngày đều cập nhật kịp thời. Làng Namie nằm gần nơi xảy ra thảm họa nhất thì đã trở thành một vùng đất chết.

Một viên chức phụ trách chương trình di tản cho biết, số 73.000 người sống trong bán kính 20 km xung quanh nhà máy điện Fukushima đã đi sơ tán, biết rằng họ sẽ không có ngày trở lại, và nhiều người đã không chịu nổi cú sốc. Người ta ước tính tại Fukushima, khoảng 600 người còn ở lại, đa số là người già, đã tử vong vì hậu quả gián tiếp của thảm họa : kiệt lực, đau ốm hay tự tử.

Tại Iwaki, thành phố có 300.000 dân nằm cách lò phản ứng 40 km, thì thời gian đã dừng lại vào ngày 11/03/2011 khi sóng thần tràn vào, nhiều ngư dân đã mất tích. Ở cảng nhỏ Hisanohama, những ngư dân còn sống sót giết thời gian bằng cách sửa sang những con tàu mà họ biết rằng sẽ không bao giờ còn được hạ thủy, vì việc đánh cá đã bị cấm tại vùng biển bị nhiễm độc.

Ngày 10/5, chính phủ Nhật đã quốc hữu hóa tập đoàn Tepco sắp phá sản, nhờ đó có thể bồi thường cho các nạn nhân số tiền 5.000 tỉ yen, tương đương 48,3 tỉ euro. Nhưng đối với các ngư dân Hisanohama, cũng như những người đã mất hết mọi thứ sau thảm họa, đây chỉ là một niềm an ủi nhỏ nhoi mà thôi.

Kim Jong Un và các công viên giải trí ở Bình Nhưỡng

Cũng về châu Á, Le Monde nói đến « Đam mê của Kim Jong Un về các công viên giải trí ». Tờ báo cho biết tại thủ đô Bình Nhưỡng, tủ kính của chế độ Bắc Triều Tiên, hiện có ba công viên giải trí với đủ loại trò chơi.

Theo hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, thì tân lãnh tụ đã nặng lời trách mắng những người có trách nhiệm của công viên giải trí Mangyong ở Bình Nhưỡng là để công viên này ở tình trạng tệ hại : nước sơn bị tróc, những mảng trang trí xuống cấp … Kim Jong Un cho đây là « ý thức phục vụ nhân dân ở mức dưới số không ».

Tác giả bài báo nhận xét, hiếm khi KCNA lại đưa tin về những phê phán của lãnh đạo, và cũng là lần đầu tiên lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un đưa ra các chỉ trích được báo chí nhà nước thông tin rộng rãi. Theo các chuyên gia ở Seoul, thì đó là nhằm mang lại hình ảnh một Kim Jong Un gần gũi với dân và quan tâm đến lợi ích của người dân. Sự kiện này diễn ra sau khi trong một hội nghị của đảng Lao động, Kim Jong Un đã yêu cầu phải có một « kế hoạch tổng thể » về tái bố trí nông nghiệp nhằm cải thiện điều kiện sống của dân chúng.
Le Monde cho biết, công viên Mangyong trên đây đã được xây dựng cách đây khoảng ba chục năm, còn một công viên khác là Taesongan nằm gần sở thú Bình Nhưỡng về phía ngoại ô cũng đã cũ. Ngược lại công viên thứ ba là Kaeson mới mở năm 2010 gần trung tâm thành phố, thì siêu hiện đại.

Được những người ngoại quốc sống ở Bình Nhưỡng mệnh danh là « công viên Ý » vì đa số thiết bị nhập từ Ý, Kaeson có thể sánh vai với các công viên khác trên thế giới, từ đu quay, cầu tuột cho đến nhiều trò chơi mới mẻ, phòng game… Đây là nơi chốn bất ngờ nhất của thủ đô Bắc Triều Tiên, và một công viên quy mô khác đang được xây dựng ở đảo Rungna cũng tại Bình Nhưỡng.

Le Monde nhận xét, việc quốc tế hóa các công viên giải trí tại thủ đô là một trong những định hướng gần đây của chế độ Bắc Triều Tiên, song song với một sự mở cửa tương đối với nước ngoài. Những người tị nạn Bắc Triều Tiên đến được Hàn Quốc trong năm 2010 và 2011 cũng cho biết, người dân Bắc Triều Tiên đã biết được nhiều thông tin về thế giới bên ngoài hơn so với trước đây. Đó là nhờ các dĩa DVD, các USB được lén lút lưu truyền, hay điện thoại di động của Trung Quốc cũng được lén sử dụng dù bị cấm. Riêng internet thì chỉ có giai cấp ưu đãi mới được quyền dùng.

Ngoại giao Trung Quốc : Hoàn toàn thực dụng

Nhìn sang Bắc Kinh, trên mục diễn đàn của La Croix, một giáo sư đã bàn về « Trung Quốc và những quan hệ quốc tế mới ». Tác giả nêu lên sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Bắc Kinh trong dịp đối thoại chiến lược Mỹ - Trung, đúng lúc luật sư mù Trần Quang Thành đào thoát được vào đại sứ quán Mỹ, và cho rằng, các xung đột thời kỳ chiến tranh lạnh vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.

Bài viết cho rằng lịch sử quan hệ quốc tế của Trung Quốc khác hẳn so với phương Tây. Bắc Kinh không quan tâm mấy đến những gì mà các nước phương Tây coi là sứ mệnh, mà các hoạt động ngoại giao chủ yếu mang tính thực dụng : đảm bảo các nguồn cung ứng, phô trương mô hình của mình, củng cố các phương diện nhạy cảm nhất của nền chính trị ù lì.

Trung Quốc chỉ tham gia vào các vấn đề quốc tế khi thấy có lợi ích trước mắt, còn nếu không thì im lặng hay vắng mặt, chẳng hạn như cuộc xung đột Israel – Palestine, Afghanistan…Ngược lại nếu đề cập đến nhân quyền tại Trung Quốc, chế độ chính trị…thì Bắc Kinh phản ứng ngay. Tác giả đặt câu hỏi, phải chăng đây là một kiểu cách quan hệ quốc tế mới ?

Không dự G8: Putin chơi xỏ Obama

Về quan hệ Nga – Mỹ, Le Figaro nhận định, sự vắng mặt của ông Vladimir Putin tại hội nghị G8 cho thấy hai cường quốc này vẫn khó xích gần lại với nhau.

Cái tin ông Putin không tham gia hội nghị G8 được loan báo vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ sự ủng hộ hôn nhân đồng tính, nên ít được báo chí Mỹ chú ý, và Nhà Trắng cũng làm mọi cách để giảm thiểu tầm cỡ của nó. Việc Nhà Trắng dời địa điểm hội nghị sang Trại David thay cho Chicago, vì Putin không muốn đến nơi có hội nghị thượng đỉnh NATO, cũng đã không làm điện Kremlin thay đổi ý kiến.

Chuyên gia Nadia Diuk của National Endowment for Democracy cho biết không hề ngạc nhiên trước thái độ của Tổng thống Nga. Chính sách ngoại giao của Putin chú trọng mặt nội bộ hơn, trong khi ông ta đã liên tục có những phát biểu chống Mỹ trong suốt chiến dịch tranh cử. Đối mặt với những tố cáo gian lận bầu cử, Matxcơva ngày càng nói nhiều đến « thế lực thù địch bên ngoài ». 

Một chuyên gia khác là Fiona Hill của Brookings Institution cũng nhận xét: "Đối với Putin thì G8 không hẳn là ưu tiên, và quan hệ với Hoa Kỳ cũng thế. Hội nghị G20 thuận lợi hơn, vì Tổng thống Nga được xem là lãnh tụ không chính thức của các quốc gia mới trỗi dậy". Theo bà thì quyết định trên đây của Putin phù hợp với phong cách của ông ta là buộc mọi người phải ở thế phòng vệ, và tỏ ra nhập nhằng để khó có ai đoán được ý định.

Theo nhiều chuyên gia, thì việc Putin từ chối tham dự G8 cho thấy những khó khăn trong việc Nga – Mỹ xích lại gần nhau. Chuyên gia Andrew Kuchin thuộc CSIS nhận định, sự vắng mặt của ông Putin chứng tỏ việc tái thiết lập quan hệ thân thiện hơn giữa hai nước là khá nhạy cảm, và đã vũ trang thêm cho phe Cộng hòa vốn đang lên án ông Obama là quá nhu nhược trước Matxcơva.

Những hồ sơ đang chờ đợi tân Tổng thống : Tựa chính báo Pháp

Hôm nay nhân dịp chính thức chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Nicolas Sarkozy cho Tổng thống mới đắc cử là François Hollande, các báo Paris đều dành tựa chính cho sự kiện này. Le Monde đưa tựa trang nhất « Hollande vào điện Elysée : Những mong đợi của người Pháp ». Nhật báo công giáo La Croix phân tích « Những gì đang chờ đợi ông Hollande, và những gì mà ông Sarkozy lưu lại ». Tờ báo cộng sản L’Humanité kể ra : chính sách xã hội, châu Âu, hưu bổng, dịch vụ công – « Hollande đối diện với bốn hồ sơ nóng bỏng ». Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa « Chính phủ : Sự chọn lựa đau đầu » và đặt câu hỏi, giữa nam với nữ, lớp trẻ và kỳ cựu, những ai sẽ có mặt trong danh sách nội các ngày mai ?

Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến « Nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng euro làm thị trường lo sợ ». Còn tờ báo cánh hữu Le Figaro nhận xét « Châu Âu đang toan tính bỏ rơi Hy Lạp ».

Tình hình chính trị Hy Lạp đang đi vào ngõ cụt càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng, và khiến thị trường tài chính sút giảm. Những người có trách nhiệm của các nước châu Âu đang bất đồng trước giả thiết Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro.

tags: Châu Á - Fukushima - Nguyên tử - Nhật Bản - Phóng xạ - Điểm báo 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120515-bong-ma-nguyen-tu-o-fukushima
 

lundi 14 mai 2012

Trần Quang Thành : Luật sư khiếm thị sáng suốt và chế độ mù lòa


Luật sư Trần Quang Thành

(LND : Bài viết của giáo sư chính trị học Jean-Pierre Cabestan đăng trên mục ý kiến của báo Le Figaro nhận định, vụ đào thoát của luật sư Trần Quang Thành đã ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Mỹ vốn lệ thuộc lẫn nhau, mà ưu thế nghiêng về phía Mỹ. Tác giả giảng dạy tại đại học Hồng Kông, và là chuyên gia của Asia Centre).

Vụ vượt thoát của Trần Quang Thành mang lại điều gì mới cho chúng ta về Trung Quốc và quan hệ Trung – Mỹ ?

Trước hết, việc một người luật sư mù nổi tiếng vì đấu tranh cho nhân quyền bị quản thúc nghiêm ngặt tại Sơn Đông, lại đào thoát ra được, có vẻ hết sức độc đáo. Chẳng biết ông có được sự trợ giúp của người nào trong lực lượng an ninh - đã canh giữ quanh nhà ông một cách bất hợp pháp từ khi ông được trả tự do vào năm 2010 - hay không. Nhưng ông có thể trông cậy vào mạng lưới tổ chức rất tốt của các nhà hoạt động, đa số là công giáo, có chân rết ở Hoa Kỳ và liên hệ thường xuyên với đại sứ quán Mỹ.

Cuộc đào thoát thành công này cũng cho thấy hệ thống kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc đang rệu rã. Đã hẳn là những người bảo vệ cho ông, cũng như các nhà ngoại giao Mỹ đến đón ông đều bị an ninh theo dõi. Nhưng an ninh không can thiệp vào được chuyến đi trốn kéo dài của ông Trần, lẫn việc ông vô được đại sứ quán Mỹ.

Phản ứng của xã hội Trung Quốc về cuộc khủng hoảng mới này vẫn chưa rõ lắm - do bị kiểm duyệt, thậm chí có người còn chưa nghe đến cái tên Trần Quang Thành. Nhưng truyền thông xã hội đã nhanh chóng vượt qua trở ngại, để vinh danh sự can đảm của một David nhân quyền chống lại Goliath cộng sản trấn áp. Bất ngờ hơn nữa là một số người biểu tình đã tập hợp trước cổng bệnh viện nơi ông Trần đang bị giữ, để bày tỏ sự ủng hộ cuộc chiến đấu của ông.

Đó là vì cuộc đấu tranh cho công lý của ông Trần, trong mắt của nhiều người Trung Quốc, mang giá trị biểu tượng. Ông không đòi hỏi phải thay đổi chế độ, không đấu tranh cho một cuộc cách mạng hoa lài theo kiểu Trung Hoa. Ông chỉ đòi đảng Cộng sản và các chi bộ địa phương phải tôn trọng các luật lệ mà chính họ đã ban bố. Thế nhưng các lãnh đạo địa phương lại tự tung tự tác, liên tục lạm dụng quyền lực để trấn áp tất cả những ý định ly khai, và duy trì mối quan hệ ngày càng đáng lo ngại với bọn xã hội đen mà họ cần sử dụng đến khi đàn áp.

Nhưng trong trường hợp ông Trần, chính quyền trung ương không thể lẩn tránh sự bất lực này. Bị chính quyền địa phương áp bức suốt từ mười năm qua, ông đã trở thành một khuôn mặt nổi tiếng tại Trung Quốc cũng như ở nước ngoài. Bắc Kinh cho rằng nên đứng về phía địa phương để duy trì ổn định xã hội. Thà che chắn cho các chính quyền địa phương còn hơn phải đối phó với những hoạt động dấn thân không thể kiểm soát được, do hiệu ứng dây chuyền, của các luật sư trong phong trào bảo vệ nhân quyền.

Bây giờ đến tầm vóc quốc tế và ảnh hưởng tới Mỹ quốc của vụ này. Với sự giúp đỡ của chuyên gia về luật Trung Quốc tại New York - Jérôme Cohen - cũng là một người bạn của ông Trần Quang Thành, đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã cố thương lượng một thỏa thuận làm thỏa mãn ý nguyện ban đầu của ông Trần : vẫn ở lại Trung Quốc nhưng được theo học ngành luật (ông là một người tự học).

Dựa vào « tiền lệ » Ngải Vị Vị, thỏa thuận này có vẻ quá tham vọng và vội vã trước tình hình nội bộ Trung Quốc. Đó là vì khác với Ngải Vị Vị, Trần Quang Thành là một người dành toàn bộ thời gian cho những người bị áp bức, một nhân vật mà chế độ không thể gánh lấy cái rủi ro là không theo dõi người đó.

Tuy vậy, chính quyền Obama cũng giải quyết được vụ này không đến nỗi tệ. Lo sợ phe Cộng hòa sẽ trở lại, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phải giúp Washington bằng cách để cho ông Trần được sang Mỹ học. Nhưng quan trọng nhất là, ông Hồ Cẩm Đào đã cho thấy, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực kinh tế và chính trị tế nhị này, Trung Quốc hết sức cần có quan hệ ổn định với Hoa Kỳ.

Rõ ràng là việc giải quyết vụ Trần Quang Thành có hơi vội vàng, vào lúc sắp diễn ra cuộc họp đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên giữa hai nước, một lần nữa đã cho thấy mức độ Trung - Mỹ lệ thuộc lẫn nhau chặt chẽ như thế nào. Nó cũng bộc lộ tình trạng lệ thuộc này đang phần nào có lợi cho phía Mỹ.

Thực tế thì cho dù có một số lời đả kích trên truyền thông nội địa, chính quyền Trung Quốc tỏ ra hợp tác, linh hoạt - thích ứng với chuyển biến của tình hình, và cởi mở - nhìn nhận là ông Trần đã bị đối xử bất công tại Sơn Đông. Nhưng nhất là trong khi còn chưa hồi phục sau vụ Bạc Hy Lai, sự kiêu hãnh, ngạo mạn và quyền lực mềm của Bắc Kinh bỗng dưng bị lãnh thêm một đòn đau. Một lần nữa vấn đề cải cách chính trị tại Trung Quốc lại được đặt ra.

Chúng ta biết rằng phe cấp tiến tìm cách nhân xì-căng-đan Bạc Hy Lai để nêu ra vấn đề cải cách chính trị. Nhưng tất nhiên là trong lúc chuẩn bị nhường quyền vào mùa thu này cho một thế hệ lãnh đạo mới do bộ đôi Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường đứng đầu, ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đang bị chia rẽ. Họ do dự trong việc lao vào một cuộc cải cách mà hệ quả có thể là tai hại, khiến cho họ lo sợ và bị tê liệt.

Bị ám ảnh bởi việc ổn định xã hội trong ngắn hạn, chế độ đã mù lòa trước nguy cơ bất ổn chính trị trong trung hạn. Vụ chạy trốn khó tin của ông Trần Quang Thành liệu có thể làm cho họ sáng mắt ? Hy vọng là cuộc chiến đấu can trường vì công lý, do vị luật sư tuy khiếm thị nhưng sáng suốt dẫn đầu, sẽ giúp cho chế độ ý thức được rằng nguy cơ đang ngày càng tăng lên. Sự ù lì về chính trị đang đè nặng lên tương lai của cường quốc kinh tế đứng thứ nhì thế giới.

dimanche 13 mai 2012

Mỹ - Trung đối đầu tại Đông Nam Á

Lính Mỹ và Philippines tập trận chung tại Ternate, ngoại ô Manila ngày 19/04/2012.
Bài đăng : Chủ nhật 13 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 13 Tháng Năm 2012 
 
Le Monde nhận định, việc Bắc Kinh yêu sách chủ quyền tại Biển Đông làm cho các nước trong khu vực hết sức lo ngại. Các quốc gia này tăng cường hợp tác quân sự với Washington, đúng lúc đại cường này đang lại hướng về châu Á. Việc Hoa Kỳ quay về với khu vực, đặc biệt là trong quan hệ với Philippines, Việt Nam, Úc và Nhật Bản, được Trung Quốc coi là một dấu hiệu báo động. Thế là Bắc Kinh bèn đẩy nhanh những quân cờ, như đã hành động tại bãi Scarborough.

Phụ trang địa chính trị của báo Le Monde số ra cuối tuần này được dành cho hồ sơ mang tựa đề « Đông Nam Á : Trung Quốc và Hoa Kỳ mặt đối mặt ». Hồ sơ trên hai trang lớn bên trong mang tên « Biển Đông, một khu vực nguy cơ cao mới » với các bài viết công phu « Chiến lược việc đã rồi của Trung Quốc », « Hoa Kỳ tái cam kết lâu dài tại châu Á » « Philippines đang ở tuyến đầu » của các thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, Washington và Thái Lan.

Hoa Kỳ tái cam kết lâu dài tại châu Á

samedi 12 mai 2012

Biển Đông : Chiến lược « việc đã rồi » của Trung Quốc


Người dân Philippines đốt cờ TQ trước ĐSQTQ tại Manila ngày 08/05/2012 đòi Bắc Kinh rút khỏi Scarborough.

(Le Monde 12/05/2012) Một cuộc đối thoại vào năm 1988 giữa Tổng thống Philippines là bà Corazon Aquino và Đặng Tiểu Bình vẫn làm cho cư dân mạng Trung Quốc thú vị, mỗi khi có sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề lãnh hải tại Biển Đông.

 

« Về mặt địa lý, thì quần đảo này nằm gần Philippines hơn ! » - bà Aquino đã nói với ông Đặng về quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, như thế. Trường Sa vốn là một trong những chủ đề tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á. Đặng Tiểu Bình trả đũa ngay : « Về mặt địa lý, thì Philippines cũng chẳng ở xa Trung Quốc là bao! ».

 

Nếu cuộc đối thoại này chưa bao giờ được chính thức công nhận, thì một câu nói khác mà không ai có thể nghi ngờ, đã được phát biểu trong thời điểm diễn ra hội nghị khu vực ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) hồi tháng 7/2010 tại Hà Nội (Việt Nam). Bực tức với những điều được xem là chỉ trích Trung Quốc từ các nước thành viên, Ngoại trưởng Trung Quốc đã trả lời: « Trung Quốc là một nước lớn, còn những nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế ! ».

 

Liệu lý lẽ của kẻ mạnh sẽ chiếm ưu thế tại Biển Đông ? Cuộc đối đầu kỳ lạ đã kéo dài từ đầu tháng Tư giữa Philippines và Trung Quốc - với các tàu đánh cá và tàu hải giám tại vùng đảo san hô Scarborough, các bãi đá ngầm phần lớn bị ngập khi thủy triều lên - đã chứng minh cho chiến lược này của Trung Quốc.

 

Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo) nằm cách vùng duyên hải Trung Quốc trên 1.200 km, không thuộc vùng biển bao la (rộng lớn bằng Địa Trung Hải) được bao bọc bằng đường lưỡi bò mà Trung Quốc cho là có « chủ quyền lịch sử ». Nhất là tầm quan trọng về quân sự của vùng biển này : hòn đảo lớn Hải Nam của Trung Quốc trấn giữ Vịnh Bắc bộ ở phía bắc Biển Đông là nơi có căn cứ tàu ngầm lớn của Trung Quốc. Từ căn cứ này có thể phóng đi các hỏa tiễn, mà trong tương lai có thể đảm bảo khả năng trấn áp bằng vũ khí nguyên tử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

 

Trong số ba nhóm đảo lớn và đảo đá ngầm tại Biển Đông, Trung Quốc chỉ kiểm soát thực tế có một phần nhỏ (như quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa). Tuy nhiên Bắc Kinh lại yêu sách chủ quyền trên toàn bộ vùng này, gây thiệt hại cho các nước láng giềng (nhất là Philippines và Việt Nam, nhưng còn có cả Brunei, Malaysia và Indonesia), vốn không hề muốn bị cưỡng đoạt các nguồn lợi hải sản và năng lượng tại đây. Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan giải thích : « Hiện tại thì Trung Quốc có vẻ chưa muốn thay đổi nguyên trạng chiếm đóng lãnh thổ, nhưng chủ yếu tìm cách chiếm lấy các vùng biển liên quan ».

 

Một chuyên gia nước ngoài về hải quân tại Bắc Kinh phân tích : « Trung Quốc muốn sử dụng « chính sách đặt trước việc đã rồi », « trong khi vẫn tránh can thiệp bằng phương tiện quân sự : hải quân chính thống của Trung Quốc chẳng bao giờ dính líu vào. Ngược lại, Bắc Kinh gửi ra tuyến đầu các lực lượng bán quân sự ».

 

Các lực lượng này, đôi khi được trang bị vũ khí hạng nhẹ, gồm có năm cơ quan khác nhau. Trong đó có hai cơ quan mà đội tàu được nhanh chóng hiện đại hóa, và can thiệp thường xuyên vào các tranh chấp tại Biển Đông. Đó là cơ quan hải giám (CMS) trực thuộc Quốc gia Hải dương cục, tức dưới quyền Bộ Đất đai và Tài nguyên ; và cơ quan Kiểm ngư, trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Ba cơ quan kia là hải quan, tuần duyên (cảnh sát) và cơ quan an ninh hàng hải thuộc Bộ Giao thông.

 

Hiện nay bốn tàu hải giám đang bảo vệ hơn chục chiếc tàu cá Trung Quốc đánh cá gần đảo san hô Scarborough, không cho Philippines kiểm tra, trong khi đây là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Chiếc tàu tuần tra hiện đại nhất của Kiểm ngư là chiếc Yuzheng-310 (dài 110 m) cũng đã hiện diện tại vùng biển kế cận Scarborough từ ngày 20/4. Cơ quan Kiểm ngư dự kiến trang bị thêm bốn chiến tàu tuần tra tương tự có trọng tải trên 3.000 tấn, từ nay đến năm 2015.

 

Tổ chức phi chính phủ International Crisis Group chuyên giám sát các cuộc xung đột, trong bản báo cáo ngày 23/4 đã nhận định, việc sử dụng các cơ quan này để chiếm dụng hải phận là nguồn gốc của các rủi ro. Xin trích : « Việc mở rộng sử dụng các lực lượng bán quân sự và cảnh sát trong các tranh chấp chủ quyền làm gia tăng nguy cơ gây ra các vụ đụng độ. Nói chung, một chiến hạm của hải quân thường biết kìm chế hơn là các lực lượng này, vốn hiểu biết một cách giới hạn về các hệ quả ngoại giao. Trong khi đó các lực lượng bán quân sự thường hành động mạnh dạn hơn vì ít phải chịu hậu quả sự việc ».

 

Một chuyên gia về hải quân ở Bắc Kinh ghi nhận, nếu chiến lược này cho phép có được vùng đệm và giúp tiến hành tấn công một cách gián tiếp, nhờ đó chính quyền trung ương dễ dàng chối bỏ trách nhiệm, thì nó cũng lại là một điểm yếu. Trung Quốc thường gặp vấn đề về việc phối hợp hành động giữa các lực lượng vốn thường ganh đua lẫn nhau, cần có sự hỗ trợ giám định từ bên ngoài để có thể chỉ huy nhất quán.

 

Một thành tố khác trong sự tiến công của Bắc Kinh, là việc triển khai ngư dân Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Các chương trình tài trợ rộng rãi tại các tỉnh duyên hải Trung Quốc kích thích các đội tàu hiện đại hóa, và đi đánh cá ở các vùng biển ngày càng xa hơn. Trong lãnh vực này Trung Quốc cũng đè bẹp các láng giềng : tỉnh Hải Nam, trên lý thuyết thì trải rộng quyền hành chính trên toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, hiện đang điều tới Biển Đông chiếc Hải Nam Bảo Sa 001 - một tàu công xưởng khổng lồ 32.000 tấn, trên đó có 600 công nhân chuyên chế biến hải sản.

 

Các tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã từng dẫn đến các cuộc chiến quan trọng. Chẳng hạn năm 1974, Trung Quốc đã đánh nhau với Việt Nam để chiếm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Từ năm 2002, Bắc Kinh và các nước ASEAN đã ký kết bộ quy tắc ứng xử nhằm thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Và tất cả các nỗ lực nhằm liên kết các nước ASEAN trong một mặt trận thống nhất đều bị Bắc Kinh nhanh chóng vô hiệu hóa.

 

Chuyên gia về hải quân trên đây nhận xét : « Trong các hồ sơ này, Trung Quốc làm mọi cách để các tranh chấp được duy trì ở mức song phương, bác bỏ mọi ý định đưa ra giải quyết trước các định chế đa phương ». Ông nói thêm : « Người ta cũng nhận thấy Bắc Kinh sử dụng tối thiểu các từ ngữ pháp lý thích hợp, để liên tục dựa vào cái mà họ gọi là « quyền lịch sử » của họ ». Dấu hiệu chứng tỏ sự hai mặt của Bắc Kinh là, tuy phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (CNUDM) năm 1996, nhưng sau đó Trung Quốc lại ban hành một đạo luật ngăn trở Công ước này « làm ảnh hưởng đến các quyền lịch sử của Trung Quốc ».

 

Các quyền lịch sử này - được các quốc gia tại Biển Đông cho là « quá quắt » - liên quan đến một quan niệm có định nghĩa về pháp lý mù mờ. Quan niệm này lợi dụng huyền thoại về một đế quốc Trung Hoa hùng mạnh, mà tuyên truyền cộng sản không ngừng tán tụng « sự phục hưng huy hoàng » sau giai đoạn thuộc địa nhục nhã – gần như là kiểu nước Ý của Mussolini với tham vọng tái khẳng định uy quyền trên Địa Trung Hải, coi như « ao nhà » của mình.

 

Một blogger Trung Quốc thường bình luận về thời sự quốc tế giải thích : « Cần phải hiểu rằng Trung Quốc không coi là khu vực này được đặt dưới luật lệ quốc tế. Quy luật bất thành văn là tianxia (tức Thiên Hạ - hoàng đế Trung Hoa là Thiên tử, cai quản bất kỳ lãnh thổ nào dưới bầu trời này). Có nghĩa là một hệ thống các nước chư hầu chầu quanh đế quốc trung tâm của châu Á ».

 

Các chuyên gia Mỹ vào năm 2010 cho rằng thái độ của Trung Quốc cho thất ý định của Bắc Kinh, muốn thiết lập một loại chủ thuyết tương tự như chủ thuyết Monroe trên thực tế tại Biển Đông (Tổng thống Mỹ Monroe trong một bài diễn văn năm 1823 đã nhấn mạnh châu Mỹ là của người Mỹ, các nước châu Âu không được can thiệp vào, và ngược lại).

 

Một sự cố nghiêm trọng có thể xảy ra tại Biển Đông hay không ?  Chiến lược của Trung Quốc tuy cứng rắn nhưng lại bị hạn chế phần nào vì buộc phải cẩn trọng, cũng như tính thực dụng : mở cửa và phát triển kinh tế vẫn là hai ưu tiên của Bắc Kinh hiện nay. Và đảng Cộng sản không muốn có những xáo động trước đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 10 tới, thời điểm chuyển giao quyền lực giữa ê-kíp lãnh đạo đương nhiệm và lớp kế tục.

 

Nhưng với dư luận công chúng Trung Quốc vốn gắn bó sâu sắc với các « quyền lịch sử » trên biển, tất cả những « sai lầm trong tính toán » có thể gây ra những hậu quả bất ngờ. Nhất là khi bối cảnh chính trị trong nước hiện đang chao đảo. Một chuyên gia về xung đột tại Bắc Kinh phân tích : « Với sự hỗn độn hiện nay trong quân đội và chính quyền tại Trung Quốc, nhất thiết không nên giảm thiểu tầm quan trọng của các sự cố dù nhỏ nhất ».

Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh


Bài đăng : Thứ sáu 11 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 12 Tháng Năm 2012



Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, giảng viên đại học tại Bắc Mỹ, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, thì việc "khu đô thị sinh thái Ecopark" có tên trong số dự án được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải Công trình Kiến trúc Xanh 2012 chỉ mang tính khuyến khích. Theo ông thì các dự án cần phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải đẩy cộng đồng ra ngoài.

Việc chính quyền tỉnh Hưng Yên huy động một lực lượng cưỡng chế hùng hậu lấy đất của dân huyện Văn Giang hôm 24/04/2012 để lấy đất xây dựng dự án Ecopark đã gây xôn xao dư luận cho đến nay.

Được quảng cáo là khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc, trang web của chủ đầu tư là công ty tư nhân Việt Hưng và một số tờ báo trong nước cho biết Ecopark đã đoạt được « các giải thưởng danh giá của Việt Nam và thế giới ». Đó là giải Công trình Kiến trúc Xanh Việt Nam năm 2012, và giải thưởng Phát triển phức hợp lớn nhất Việt Nam của ban tổ chức giải thưởng Bất động sản châu Á – Thái Bình Dương.

Thực hư về các giải thưởng này ra sao ? Chúng tôi đã trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, đồng thời là giảng viên đại học tại Bắc Mỹ. Ông là con của cố kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ, hiện ông đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Việt Nam
 
11/05/2012
by Thụy My
 
 
RFI: Kính chào với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Thưa anh, giải thưởng Kiến trúc Xanh này được chọn lựa như thế nào ? Và cá nhân anh nhận xét dự án Ecopark ra sao ?

KTS Ngô Viết Nam SơnDự án Ecopark được giải Kiến trúc Xanh là giải đầu tiên của Hội Kiến trúc sư mới làm năm nay, có tính cách là khuyến khích những công trình hướng đến những tiêu chí xanh, nên mới cho giải công trình Ecopark. Nhưng thật ra trong giới chuyên môn có một số ý kiến về vấn đề này. Họ nói là trong tiêu chí chọn giải, thì công trình phải hoàn thành rồi, trong khi dự án này chưa hoàn thành, chỉ đang phát triển thôi. Cái thứ hai là nó có một số vấn đề về đất đai, nói chung là có những dư luận không được tốt lắm.

Về mặt kiến trúc xanh, thì đây là giải đầu tiên thành ra có những tác phẩm xứng đáng, mà cũng có những tác phẩm người ta đưa vào với tính cách là khuyến khích nhiều hơn. Vì nói chung hiện nay phát triển kiến trúc xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Xây dựng cũng như Hội Kiến trúc sư.

Giải thưởng này không có ý nghĩa là đứng về phía chủ đầu tư Ecopark, chỉ thuần túy về chuyên môn. Tức là những nhà thiết kế của Ecopark đã có xem xét những tiêu chí kiến trúc xanh này khi họ thiết kế.

RFI: Trong các tiêu chí có việc hòa nhập môi trường nhân văn, nhưng dự án này lại làm cho nhiều gia đình nông dân mất đất đai rẩt màu mỡ, là phương tiện mưu sinh chủ yếu của họ từ nhiều đời, thì như vậy có tính nhân văn hay không ?

Vâng thì tôi cũng nghĩ vậy – đây là ý kiến riêng của tôi thôi. Tôi nghĩ rằng khi mà ban giám khảo chọn giải, thì cũng có thông tin ở một mức độ nào đó thôi, cái tình trạng xung đột đỉnh cao xảy ra sau này.

Thật sự đã gọi là phát triển bền vững thì đúng là cần phải hòa nhập môi trường nhân văn, và dự án mới phải có sự liên kết, phải gắn kết với cộng đồng hiện nay. Và nhất là khu vực đó nếu lâu nay mình phát triển nông nghiệp, đã có cộng đồng rồi, thì phải xem xét chuyện đó như là một thành phần của dự án.

Tôi cho rằng khi xét những tiêu chí này của Ecopark, giải thưởng Kiến trúc Xanh thì mới thành ra ban giám khảo có phần nương nhẹ một tí, để cho có một số tác phẩm giới thiệu cho đồng nghiệp nhằm khuyến khích anh em kiến trúc sư phát triển theo tiêu chí đó.Tôi nghĩ rằng đây là một kinh nghiệm, có thể sang năm chuyện xét duyệt sẽ chi tiết hơn và khắt khe hơn.

Theo tôi biết thì có một số anh em đang đề xuất là nên rút lại cái giải thưởng này. Tôi nghĩ rằng với dự án Ecopark thì những xung đột cần phải được giải quyết bằng pháp luật. Và riêng về Hội Kiến trúc sư, thì việc có rút lại giải này hay không cũng phải theo luật pháp luôn, vì chúng ta đưa cái giải này ra, có muốn rút lại thì cũng phải theo quy trình.

RFI: Như anh có nói lúc nãy, đúng ra nên trao cho những dự án đã hoàn thành, vì thực tế nhiều khi không đúng như trên giấy tờ ?

Đúng rồi, tôi nghĩ cái giải này mới làm năm nay nên có du di một tí để cho có cái để trình làng nói chuyện. Nhưng có lẽ từ năm sau trở đi những tiêu chí này sẽ được Hội kiểm tra nghiêm ngặt.
Tức là khi mà đặt tiêu chí tác phẩm này phải hoàn thành, thì cũng phải để cho nó lắng xuống một tí. Và để coi thứ nhất là cộng đồng chuyên môn người ta có cảm nhận như thế nào, cũng như cộng đồng ở nơi phát triển dự án đó người ta nghĩ về dự án như thế nào. Như vậy lúc đó thì những giải thưởng cho dự án sẽ chính xác hơn.

RFI: Còn nếu nói về mặt đạo lý, nếu mua nhà ở một đô thị xanh, hưởng những tiện nghi môi trường, nhưng nghĩ đến vụ cưỡng chế thì những người có ý thức cũng không cảm thấy thoải mái…

Đúng vậy, thật ra trong chuyện này tác động của nhà thiết kế cũng rất là quan trọng. Tôi nhớ lại thời trước làm việc với các công ty (…) về dự án Bắc Hà Nội ở Đông Anh, hồi đó có những cái làng ở quanh khu vực. Khi nhóm thiết kế ngồi bàn với nhau, thì chúng tôi khoanh vùng những làng đó và tạo những vành đai xanh là ruộng đồng, đề xuất nên giữ lại.

Theo tôi biết, nhà thiết kế Ecopark là của Singapore, thì không biết tại sao người ta không đề xuất với chủ đầu tư việc đó. Chứ thực sự ra khi làm một dự án quy hoạch và nhất là một dự án gọi là sinh thái, thì việc mình bảo tồn những giá trị của cộng đồng ở tại nơi phát triển dự án là một điểm rất quan trọng.

Không những là vấn đề đạo lý, nhân văn vân vân, mà nó nâng cao bản sắc cho dự án rất nhiều. Tôi nghĩ dự án này Hội cho giải nhằm khuyến khích dự án xanh thôi, chứ còn nói sâu rộng về những tiêu chí, thì so với những dự án khác được giải Kiến trúc Xanh năm nay, dự án Ecopark chưa có ngang tầm.

Chẳng hạn như công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè của anh Hoàng Thúc Hào. Mặc dù chỉ là một công trình kiến trúc nhỏ thôi, nhưng người thiết kế người ta có cái tâm tư phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải là đẩy cộng đồng ra ngoài. Thành ra tôi thấy nếu mà so Nhà cộng đồng Suối Rè và cái giải cho Ecopark, thì Suối Rè đúng tầm hơn.

RFI: Khi mà người dân nhận tiền đền bù vài chục triệu hay vài trăm triệu chẳng hạn, rồi cả gia đình thất nghiệp luôn thì hậu quả xã hội chắc là rất lớn…

Vâng, tôi rất hy vọng là với những phản hồi như vậy, thì nhà đầu tư cũng như nhà thiết kế sẽ ngồi lại, và người ta sẽ xem lại mình. Nếu họ có điều đình, lắng nghe ý kiến của cộng đồng tại chỗ, thì tôi nghĩ sẽ có giải pháp.

RFI: Cũng trong tháng Tư, Ecopark lại được giải thưởng bất động sản châu Á - Thái Bình Dương. Thưa anh, giải thưởng này có giá trị gì ?

Thường thường mấy cái giải bất động sản thì có lẽ chúng ta đều hiểu rằng nó có tính chất thương mại nhiều hơn, và thường là giá trị không cao. Cái đó là để marketing cho vui thôi, chứ còn những người hiểu biết thì người ta không đánh giá cao những giải như thế này.

Giải thưởng kiến trúc thì nói chung cũng có bề dày, và có nhiều công trình có giá trị được giải. Còn những giải bất động sản thì tôi thấy ở Việt Nam nói chung là tạo ra được rất nhiều giải, nhưng thường thì giá trị không cao. Cái thứ hai là những giải bất động sản đứng về phía chủ đầu tư nhiều hơn. Tức là anh làm một dự án mà thâu được lợi nhiều nhất cho chủ đầu tư thì anh được giải. Cái chuyện giải bất động sản mà tính đến lợi ích cho nhân dân địa phương thì tôi thấy hầu như không có ở Việt Nam.

RFI: Nhưng trong bài viết nói là giải thưởng này được thẩm định bởi 60 chuyên gia từ mọi lãnh vực trong ngành bất động sản ?

Thì họ nói vậy thôi, chứ còn bây giờ nếu liệt kê danh sách những chuyên gia đó là những ai, thì tôi nghĩ là những chuyên gia có uy tín người ta không dám nhận đâu ! Đó là chuyện thương mại, người ta quảng cáo, nhưng mà thực chất nó ra sao thì mình phải hiểu thôi.

Tôi thì tôi thấy rằng chuyện này khi mình nêu lên thì nên nhìn một cách tích cực. Là khi có những xung đột, thì đó là những vấn đề để phản tỉnh, và khi chúng ta giải quyết được những vấn đề đó, thì sẽ có một dự án rất giá trị.

Chẳng hạn hồi nãy tôi nói, tôi cho rằng Ecopark chưa xứng đáng với giải năm nay. Nhưng bây giờ nếu nhà đầu tư và kiến trúc sư bên Singapore ngồi lại với nhau, có những điều chỉnh phù hợp, để cho người dân tại chỗ còn đất cắm dùi, và phát triển hài hòa với mối quan hệ đó, thì lúc đó tôi hoàn toàn ủng hộ việc trao giải cho Ecopark.

RFI: RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.
TAGS: KIẾN TRÚC VÀ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ - PHỎNG VẤN - VĂN GIANG - VIỆT NAM - XÃ HỘI
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120511-du-an-ecopark-khong-xung-dang-duoc-nhan-giai-kien-truc-xanh-0

Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến Luân Đôn nhận một giải thưởng hàng triệu euro


Bài đăng : Thứ năm 10 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 10 Tháng Năm 2012



Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng nay đã rút lui khỏi đời sống chính trị, sẽ đến Luân Đôn vào thứ Hai tới 14/05/2012 để nhận một giải thưởng trị giá hàng triệu euro vì các hoạt động mang lại lợi ích cho việc nghiên cứu khoa học và cho sự hài hòa giữa các tôn giáo.

Giải Templeton trị giá 1,3 triệu euro do một quỹ của Mỹ tài trợ hàng năm được trao cho một nhân vật có những « đóng góp đặc sắc vào việc khẳng định tầm vóc tinh thần của sự hiện hữu », trong lúc người đó còn sống. 

Buổi lễ trao giải sẽ được tiến hành tại giáo đường Saint Paul, thủ đô nước Anh từ 13 giờ 30 đến 15 giờ, trong tiếng nhạc cổ điển và các bài hát Phật giáo truyền thống. Trong buổi lễ, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ cho biết ngài sẽ tặng số tiền này cho ai. 

Sau chuyến đi nhận giải vài tuần, giải Nobel hòa bình năm nay 76 tuổi sẽ quay lại Anh quốc từ ngày 16 đến 23/06, để giảng đạo tại nhiều thành phố, chủ yếu là tại thủ đô Luân Đôn. 
Chuyến viếng thăm nước Anh trước đây vào năm 2008 đã gây ra nhiều tranh cãi, do Thủ tướng Anh Gordon Brown từ chối tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dinh Thủ tướng. Những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma lên án ông Brown là đã lùi bước trước áp lực của Trung Quốc, do quan hệ kinh tế giữa Luân Đôn và Bắc Kinh. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng sẽ thăm nước Áo 11 ngày từ 17 đến 27/5, và gặp gỡ Thủ tướng phe dân chủ xã hội Werner Faymann cũng như Phó thủ tướng phe bảo thủ Michael Spindelegger của Áo. Phía Áo cho biết cuộc tiếp xúc này là « trong bối cảnh tôn giáo », và Trung Quốc đã được báo trước về cuộc hội đàm trên đây. 

Bắc Kinh vẫn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một « nhà ly khai » nguy hiểm, tuy ngài chỉ đòi hỏi quyền tự trị thực sự cho Tây Tạng. Trung Quốc vốn khẳng định đã « giải phóng một cách hòa bình » Tây Tạng vào năm 1951, luôn kiểm soát chặt chẽ vùng đất tự trị này.
TAGS: ANH - CHÂU Á - QUỐC TẾ - TÂY TẠNG - THEO DÒNG THỜI SỰ
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120510-duc-dat-lai-lat-ma-se-den-luan-don-nhan-mot-giai-thuong-hang-trieu-euro

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo lên án vụ hành hung phóng viên ở Việt Nam


Bài đăng : Thứ năm 10 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 10 Tháng Năm 2012


Theo hãng tin Pháp AFP, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) hôm qua 09/05/2012 đã lên án việc hành hung các nhà báo tại Việt Nam. Ủy ban này nhận định, việc hai phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV bị tấn công cho thấy rủi ro đối với giới báo chí càng cao khi đưa tin về các vụ cưỡng chế đất vốn rất nhạy cảm.

AFP nhắc lại, trong vụ cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên hôm 24/4, có hai chục nông dân đã bị bắt, và hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long của Đài Tiếng nói Việt Nam bị đánh đập dã man. Trang web của đài này cho đến hôm nay 10/5 mới chính thức đăng bài viết mang tựa đề : « Yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm vụ hai nhà báo bị hành hung tại Văn Giang ». 

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York chuyên đấu tranh cho tự do báo chí và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, cho rằng : « Vụ tấn công các phóng viên trên cho thấy khả năng mở rộng việc đàn áp báo chí, mà cho đến nay chủ yếu là nhắm vào các nhà báo không chính thức và các blogger ». 

Ủy ban này đề cập đến sự kiện ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên báo cáo với chính phủ, video clip lan truyền trên mạng về vụ hành hung trên là « video clip giả được dàn dựng để vu khống, bôi nhọ chính quyền » - được hãng tin AP đưa lại. 

Trên blog tòa soạn của VOV cũng đề ngày hôm nay đã chỉ trích việc ông Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng ủy ban tỉnh Hưng Yên yêu cầu « phóng viên phải đưa ra băng gốc của đoạn clip đó thì mới xử lý được ». Bài báo viết, xin trích : « Thưa với ông chánh, nếu ông bị vụt túi bụi như thế thì ông có ba đầu sáu tay cũng không thể tự quay phim được ». Tác giả cũng cho rằng ông Thanh có đủ quyền hành để kiểm chứng sự việc với đội cưỡng chế, công an, kiểm sát và y tế. 

Theo ghi nhận của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, thì tuy bị hạn chế chỉ trích chính sách nhà nước cũng như các chính khách ở cấp quốc gia, nhưng báo chí Việt Nam vẫn có thể đưa tin về các vụ tham nhũng, lạm dụng quyền lực của chính quyền địa phương, kể cả cán bộ đảng.

Trong vụ Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp can thiệp. Trợ lý thân cận của ông là Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ biểu dương báo chí đã « thông tin kịp thời, đầy đủ », giúp các cơ quan chức năng đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. 

Tuy nhiên theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, thì vụ Văn Giang có quy mô lớn hơn, liên quan đến công ty tư nhân Việt Hưng được cho là có quan hệ chặt chẽ với các cấp cao nhất. Nếu chính phủ Việt Nam muốn chứng tỏ sự chân thành, thì cần có thái độ rõ ràng trong vụ hai nhà báo trên đây, đảm bảo rằng tất cả những lạm dụng chống lại báo chí khi làm nhiệm vụ đưa tin sẽ bị trừng phạt.
TAGS: VIỆT NAM
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120510-uy-ban-bao-ve-nha-bao-len-an-vu-hanh-hung-phong-vien-o-viet-nam