vendredi 20 janvier 2012

Pakistan: Cựu tổng thống Musharaff có thể hoãn hồi hương vì sợ bị bắt

Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 
 
Cựu tổng thống Pakistan đang lưu vong, ông Pervez Musharaff có thể hoãn việc quay trở lại đất nước dự kiến vào cuối tháng này vì lo ngại sẽ bị bắt. Hôm nay, 19/01/2012, một nhân vật thân cận của ông đã cho biết như trên.

Sau khi chính phủ Pakistan thông báo nếu ông Musharaff trở về thì sẽ bị bắt ngay, bạn bè và các cố vấn đều khuyên ông nên hoãn lại dự định về nước. Ông Mohammad Amjad, phó chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML), đảng của ông Musharaff, nói với AFP là việc này đã được những người thân cận của ông bàn thảo trong cuộc họp hôm qua, và cựu tổng thống có thể loan báo quyết định vào hôm nay.

Tướng Pervez Musharaff đã lên nắm chức vụ tổng thống Pakistan từ năm 1999 sau một cuộc đảo chánh. Đến tháng 8/2008 dưới áp lực của chính phủ liên minh do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) lãnh đạo, ông bị buộc phải từ chức, sống lưu vong tại Luân Đôn và Dubai.

Hôm 9/1, cựu tổng thống thông báo sẽ trở về nước trong khoảng từ 27 đến 30/1, và có ý định tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội. Nhưng tối qua, bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik tuyên bố, ông Musharaff sẽ bị bắt giữ nếu quay về Pakistan vì hiện đang có ba đơn kiện.

AFP cho biết, ông Pervez Musharaff hiện đang là đối tượng của ba lệnh bắt tại Pakistan. Lệnh bắt thứ nhất được ban hành trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ ám sát cựu thủ tướng Benazir Bhutto cuối năm 2007. Lệnh thứ hai liên quan đến cái chết của Akbar Bugti, một lãnh đạo ly khai của bang Baloutchistan ở miền tây nam, bị thiệt mạng trong một cuộc không kích vào tháng 8/2006. Ông Musharaff cũng bị truy tố vì đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào năm 2007, và cho bắt giữ các thẩm phán để có thể tiếp tục nắm quyền.

Thông tin ông Musharaff quay trở lại Pakistan đã gây thêm áp lực đối với chính quyền của tổng thống Asif Ali Zardari, lên thay ông Musharaff từ năm 2008. Chính quyền đương nhiệm hiện đang bị mất lòng dân do nhiều tai tiếng tham nhũng, và theo nhiều nhà quan sát, thì có thể Pakistan sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn trong năm nay.

tags: Châu Á - Pakistan - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120119-phh-gbat-gubat-zhfunenss-pb-gur-ubna-ivrp-dhnl-ynv-cnxvfgna-iv-fb-ov-ong
 

mercredi 18 janvier 2012

Biểu tình chống tịch thu đất tại Vọng Cương, một Ô Khảm thứ hai của Quảng Đông

Ông Lâm Tố Loan, lãnh tụ dân làng nổi dậy Ô Khảm, được lên làm bí thư chi bộ, chuẩn bị phát biểu trước báo chí ngày 21/12/2011.
(LND : Sau Ô Khảm, nay đến Vọng Cương cũng ở Quảng Đông, Trung Quốc : dân làng đồng lòng biểu tình chống bọn cường hào địa phương tham nhũng tịch biên đất đai bừa bãi, cấu kết với các đầu nậu đất và xã hội đen. Một mô-típ khá giống với những gì đang diễn ra ở một số nơi tại Việt Nam, đặc biệt là Tiên Lãng, Hải Phòng. Điểm khác biệt : ở Tiên Lãng chỉ có gia đình các nạn nhân bị tịch thu đất đứng lên phản kháng, và không có một Bí thư Tỉnh ủy cởi mở như ông Uông Dương).

(South China Morning Post 18/01/2012, phóng sự của đặc phái viên tại Quảng Châu) Khoảng một ngàn dân làng phẫn nộ vì bị tịch thu đất đai và tham nhũng đã biểu tình trước trụ sở chính quyền thành phố Quảng Châu hôm qua, lúc ủy ban thành phố đang họp đại hội tổng kết năm ở một địa điểm khác.

Những người dân phản kháng ở Vọng Cương đòi hỏi phải đền bù thỏa đáng đất đai bị chính quyền địa phương tịch thu, và cách chức bí thư đảng bộ.

mardi 17 janvier 2012

Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam noi gương Miến Điện

Bài đăng : Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 

Hãng tin DPA hôm nay (17/1/2012) đưa tin, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam nên theo gương Miến Điện trong việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Hôm thứ Sáu, chính quyền Miến Điện đã phóng thích 302 tù chính trị, trong đó có nhiều nhà hoạt động đấu tranh nổi tiếng và lãnh tụ người thiểu số.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch, nói rằng: “Việt Nam nên theo chân Miến Điện bằng cách trả tự do cho các tù nhân chính trị, bắt đầu bằng việc phóng thích những người đang bị cầm tù, vì các điều khoản, được gọi là “an ninh quốc gia” trong bộ Luật hình sự, xâm phạm đến những quyền cơ bản của con người”.

Gần đây Miến Điện đã đưa ra hàng loạt biện pháp cải cách, kể cả việc chấp nhận cho đảng đối lập quan trọng nhất đăng ký hoạt động, để có thể tham gia cuộc bầu cử bổ sung sắp tới, và ký thỏa ước ngừng bắn với các nhóm thiểu số nổi dậy. Những động thái này nhằm thuyết phục các nước phương Tây bãi bỏ cấm vận.

Đến thăm Miến Điện năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố ủng hộ lộ trình dân chủ hóa của nước này, và cổ vũ Miến Điện nỗ lực nhiều hơn trong việc tổ chức tuyển cử tự do.

Ông Robertson cho rằng: “Thật đáng ngạc nhiên khi Thủ tướng Việt Nam vừa bày tỏ sự ủng hộ việc bầu cử tự do và điều được gọi là lộ trình hướng đến dân chủ tại Miến Điện, nhưng chính phủ của ông đồng thời lại tăng cường trấn áp các nhà đấu tranh cho nhân quyền và các nhà ly khai”.

Hãng tin DPA nêu ví dụ vụ nhà ly khai Phạm Minh Hoàng đã được ra tù hôm thứ Sáu, sau khi mãn hạn bản án 17 tháng tù giam vì tội “mưu toan lật đổ chính quyền”.

tags: Châu Á - Miến Điện - Nhân quyền - Quốc tế - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120117-uhzna-evtugf-jngpu-xrh-tbv-ivrg-anz-abv-thbat-zvra-qvra

Miến Điện : quân đội được lệnh không tấn công các nhóm nổi dậy thiểu số

Bài đăng : Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 
 
Tổng thống Thein Sein đã ra lệnh cho quân đội Miến Điện không được tấn công các nhóm thiểu số trên toàn quốc. Một bộ trưởng Miến Điện hôm nay (17/1) đã cho AFP biết như trên, trong bối cảnh chính quyền nước này đang tiến hành đối thoại với các nhóm nổi dậy.

Cách đây vài tháng, tân chính quyền được mệnh danh là “dân sự” của Miến Điện đã bắt đầu thương lượng hòa bình với các nhóm nổi dậy thiểu số. Chính phủ đã ký thỏa thuận ngưng bắn với lực lượng vũ trang rất mạnh của tiểu bang Shan tại miền nam vào tháng 12, và với nhóm thiểu số chống đối quan trọng người Karen vào tuần rồi.

Ngay sau hôm ký kết với nhóm Liên minh Quốc gia Karen, Tổng thống Thein Sein đã ra lệnh cho quân đội không được tấn công vào các nhóm thiểu số nổi dậy, trừ trường hợp tự vệ. Ông Khin Yi, bộ trưởng Bộ Nhập cư và Dân số, có mặt trong buổi ký thỏa ước, đã cho AFP biết như trên. Vị bộ trưởng vốn là cựu tướng công an nhấn mạnh, lệnh này có giá trị trên toàn quốc.

Hồi tháng 12, Tổng thống Thein Sein đã từng yêu cầu quân đội không tấn công vào người Kachin ở miền bắc nữa. Nhưng ông Khin Yi nhìn nhận, các cuộc chạm súng vẫn tiếp diễn, vì nhiều khi lệnh trên không đến được cấp cơ sở, và các cuộc đụng độ nổ ra giữa các nhóm tuần tiễu với phe nổi dậy đôi khi là do cả hai phía. Riêng lực lượng nổi dậy Kachin vẫn chưa hưởng ứng đề nghị của chính phủ.

Kể từ khi Miến Điện được độc lập vào năm 1948, nội chiến vẫn tiếp diễn giữa các nhóm thiểu số, vốn chiếm 1/3 trong số 50 triệu dân, với lực lượng chính phủ, vốn thường bị lên án là đàn áp các dân tộc ít người. Hồ sơ này thường gây bế tắc trong việc thương thảo với phương Tây, nhưng gần đây đã có những tia hy vọng về việc tổ chức đại hội toàn quốc các lực lượng thiểu số.

Trong bài xã luận hôm Chủ nhật, tờ báo chính thức New Light of Myanmar giải thích, việc này sẽ tiến hành làm ba giai đoạn. Trước hết là tại mỗi bang để “đảm bảo việc ngưng bắn”, rồi đến trung ương nhằm “giải quyết vấn đề trên cơ sở chính trị”, cuối cùng tại Quốc hội để “đạt được một thỏa ước chung”.

AFP nhận định, trong một đất nước mà sắc tộc đa số thường có thái độ kỳ thị, việc ngưng bắn sẽ không bền vững, nếu không giải quyết được các vấn đề xã hội và chính trị với các dân tộc thiểu số, vốn đòi được thêm quyền tự trị. Nhà đối lập Aung San Suu Kyi cho rằng những người thuộc sắc tộc đa số Miến Điện cần tỏ ra phóng khoáng hơn. Bà cho biết sẵn sàng hỗ trợ, và kêu gọi cả hai bên nên linh hoạt hơn nữa.

tags: Châu Á - Dân chủ - Miến Điện - Quân sự - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120117-gbat-gubat-zvra-qvra-yrau-pub-dhna-qbv-xubat-gna-pbat-pnp-aubz-abv-qnl-guvrh-fb
 

Vợ ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng) : Gia đình tôi năm nay không có Tết !

Bài đăng : Thứ hai 16 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Giêng 2012 
 
Gần đây dư luận hết sức xôn xao về vụ chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng huy động một lực lượng đông đảo công an và quân đội cưỡng chế khu đầm đã cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn thuê từ năm 1993, và đã bị phản kháng bằng mìn tự tạo và súng hoa cải, làm cho bốn công an và hai bộ đội bị thương. Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án « giết người và chống người thi hành công vụ ».

Đây là lần đầu tiên người dân dám đứng lên đương đầu một cách mạnh mẽ như thế với lực lượng cưỡng chế thu hồi đất. Vụ này đang gây nhiều tranh luận, đặt lại các vấn đề quan trọng từ Luật đất đai cho đến Hiến pháp, mà hiện nay một số chính quyền địa phương cấp huyện, xã đang tùy tiện ứng xử với quyền hành quá lớn trong tay, gây oan ức cho nhiều người nông dân bị mất đất.

Riêng vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, thật ra ban đầu huyện chỉ giao 21 hecta đất bãi bồi ven biển. Sau đó với kiến thức của một kỹ sư nông nghiệp và với quyết tâm, ông đã lấn ra biển thêm được 19,3 hecta, rồi được hợp thức hóa bằng cách giao đất bổ sung. Không chỉ đổ mồ hôi nước mắt, tiền bạc vay mượn, ông Vươn còn bị mất đi một đứa con và một người cháu tại đây.

Thế nhưng chưa hết thời hạn hợp đồng, chủ tịch huyện đã ra quyết định cưỡng chế để giao lại cho người khác mà không hề bồi thường, và ngôi nhà của ông Quý dù không nằm trong phần đất bị thu hồi cũng đã bị san bằng. Hiện ông Vươn và người em là Đoàn Văn Quý - người đã nổ súng vào lực lượng cưỡng chế - đang bị giam giữ và bị truy tố, cùng với hai người khác trong gia đình.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn đã bày tỏ sự bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Thương - Việt Nam
 
16/01/2012
 
 
RFI : Kính chào bà Thương. Thưa bà, tình hình gia đình hiện giờ như thế nào?

Hiện tại gia đình em lúc này thật sự là khó khăn, bởi vì hai chị em em và các cháu không có chỗ ở, vẫn đang ở nhờ nhà thím vì nhà cửa người ta đã phá nát và đốt hết rồi ạ.

RFI : Bà có tin tức gì của ông Vươn không ?

Đến bây giờ gia đình em hiện có bốn người ở trong trại giam Trần Phú nhưng mà không liên lạc được, và cũng không biết tin tức như thế nào, bởi vì họ không cho gặp.

RFI : Còn sự việc hôm đó diễn ra như thế nào thưa bà ?

Gia đình em nhận được cái quyết định cưỡng chế, và gia đình em đã nỗ lực làm đơn, đi kêu gọi tất cả các ban ngành từ cấp trung ương đến cấp địa phương nhưng đều không được trả lời. Và đến ngày 5/1 là cái ngày định mệnh đã xảy ra, do nhà em bức bách quá và cũng là bộc phát thôi. Chúng em từ trước đến giờ vẫn là người làm ăn chân chính, không có tiền án tiền sự và cũng không có một cái gì gọi là vướng mắc đối với bà con chung quanh cả. 

Bởi vì nhà em làm cái đầm này rất là vất vả. Từ trước đến giờ đổ không biết bao nhiêu là mồ hôi, xương máu và cả con người nữa. Cả con cả cháu em đều mất ở cái đầm này, và cũng trả giá rất là nhiều. Đến bây giờ thì nhà em đã vay mượn, sau gần chục năm thì mới hoàn thiện được cái đầm, và đến bây giờ đã bắt đầu được thu hoa lợi để trả công trả nợ. Năm năm nay thì nhà em cũng trả nợ được hai phần ba rồi, nhưng hiện tại vẫn còn nợ khoảng hơn ba tỉ nữa.

Huyện đã cưỡng chế và không bồi thường cho gia đình em một thứ gì cả, mà quyết định thu trắng ! Cũng vì bức xúc, nên gia đình em nghĩ là, dù gì cũng chết. Nếu như mà huyện không cho mình con đường sống, thì không biết mình sống thế nào. Cũng vì bị ép, dồn tới chân tường mà gia đình em đã làm những việc như thế này.

Hôm ấy thì chị em em cái vùng cưỡng chế thì người ta đã khoanh vùng, chúng em không xuống được nhà mình. Tối hôm ấy chúng em đã di dời hết toàn bộ phụ nữ và trẻ em vào trong làng để ở nhờ. Ngay sau đó thì cánh đàn ông nhà em chắc là họ không cam tâm, nên là họ không chịu di dời. 

Bảy rưỡi đoàn cưỡng chế sẽ bắt đầu xuống, nhưng mà chưa đến sáu giờ thì họ đã đưa đoàn cưỡng chế xuống đầm nhà em rồi. Khi chúng em chạy lên đê nhìn xuống thì khoảng một lúc sau, khi mà cuộc chạm súng đã xảy ra thì khoảng tầm mười một giờ, họ đã bắt mấy chị em em, và cả anh trai lớn của em ở ngay trên đê.

Cũng không biết là họ bắt vì lý do gì, mà bây giờ họ cứ ghép cho chúng em cái tội là chồng em biết thì chúng em cũng phải biết. Và họ cứ quy trách nhiệm cho chúng em là tham gia vào mưu đồ chống lại người thi hành công vụ. Nhưng thật ra chúng em chỉ là phụ nữ, không biết cái gì cả, mà có chuyện gì thì cánh đàn ông nhà em cũng không cho phụ nữ và trẻ em biết. Cho nên chúng em cũng không được biết bất cứ một cái thông tin gì, chỉ thấy xót xa, đứng trên đê để nhìn xuống thôi, mà họ cũng bắt ! Và ngay cháu đang học lớp 11 cũng bị bắt.

Khi họ bắt chúng em thì họ đối xử rất là tàn tệ. Họ dùng dùi cui điện và gậy sắt họ đánh rất là đau. Và khi lên chỗ công an thành phố thì họ cũng lấy lời khai và cũng đánh. Đánh đến nỗi mà mình không nhận rồi cũng phải nhận, không có cũng phải nhận, đến lúc nhận họ mới thôi. Họ lấy dùi cui họ thúc vào bụng em rất là đau, lúc ấy là em không đi được nữa và cũng không nói được cái gì nữa. Em nghĩ lúc ấy nếu em mà có thai thì chắc là sẽ không giữ nổi, vì họ đánh rất đau.

Đến bây giờ em được tại ngoại rồi nhưng vẫn phải dùng thuốc, và mọi người cứ động viên em đi khám bệnh, nhưng mà bây giờ bọn em cả sức khỏe lẫn tinh thần đều bị tổn thương và chỉ ở nhà thôi, chẳng đi đâu cả.

RFI : Còn tài sản của gia đình ở trong nhà cũng bị mất mát phải không thưa bà ?

Vâng ạ. Bởi vì chúng em không nghĩ là chính quyền của cái huyện Tiên Lãng này lại ra tay độc ác đến như vậy ! Chúng em nghĩ cái quyết định cưỡng chế này thì cũng không đến mức nào, vì cái quyết định ấy rất là sai trái và họ sẽ không làm. Vì vậy mà bọn em vẫn tin là sẽ quay lại đầm nhà em và tiếp quản tiếp. Thế nên bọn em không có di dời bất cứ một cái tài sản gì cả. 

Sau cái buổi chiều hôm ấy, khi mà gia đình em đã vừa bị bắt vừa di tản hết, thì họ đã cho ngay lực lượng khác xuống để tiếp quản đầm nhà em. Và toàn bộ những ngôi nhà, những trang trại mà em xây dựng trên đất của gia đình em, thì họ phá hủy nốt hết. Cả những bàn thờ - bàn thờ gia tiên, bàn thờ Thiên Chúa đều bị họ phá hủy hết. Ảnh của gia đình em thì trôi nổi trên sông, những người dân đi biển họ còn vớt họ mang về cho gia đình em.

RFI : Hàng xóm chung quanh có thái độ như thế nào, có giúp đỡ được gì không ?

Hiện tại nhà em đang sống nhờ nhà thím ở đông Tiên Lãng – em út nhà em. Bà con hàng xóm, anh em họ hàng và bạn bè nữa, cũng giúp đỡ bọn em rất là nhiều. Trong những lúc khó khăn như thế này, người thì quyên tiền, người gạo thóc rồi quần áo…Họ rất là quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Việc nhà em làm là trái pháp luật, nhưng tại sao gia đình em biết là sai mà vẫn làm, và nhà em xác định rằng có thể là mình phải trả giá, có thể mình cũng phải đổi mạng sống của mình nhưng vẫn phải làm…Tất cả tài sản của gia đình em nó như thế, mà bây giờ công nợ vẫn còn rất nhiều. Nếu gia đình em không làm thế thì chắc chắn là họ sẽ cướp trắng của gia đình em. Không chỉ gia đình em mà còn rất nhiều những hộ dân nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng này nữa. 

RFI : Hồi ông Vươn quyết định đầu tư cải tạo cái đầm này có lẽ rất nhiều khó khăn, bản thân bà chắc cũng lo lắng ?

Dạ, rất nhiều nỗi lo, vì anh ấy quyết định ra đấy làm là ra chỗ đầu sóng ngọn gió. Cũng rất nhiều người gàn nhưng mà anh ấy nói là anh ấy sẽ làm được, và cuối cùng đúng là anh đã làm được. Và khi mà nhà em làm được cái đầm ấy thì bà con ở cái xứ này cũng bớt khổ. Họ bảo là trước đây khi mà mỗi mùa nước to lên, nước lũ đấy ạ, là tất cả bà con dân làng đều phải sơ tán hết. Đến bây giờ nhà em đã đắp cái đầm ấy lên thì họ nói họ rất là cám ơn. Sau cái vụ đụng độ vừa rồi, họ còn nói nếu sau này anh Vươn có chết ở tại cái đầm này thì chúng tôi sẽ làm miếu thờ anh ấy ở đây. 

…Sau cái đợt đấy em thấy anh ấy quyết tâm như vậy thì em cũng rất là ủng hộ. Không những bản thân em là vợ, mà tất cả những người thân, họ hàng đều ủng hộ anh ấy. Nhưng mà bao nhiêu cái cố gắng, nỗ lực của anh với của cả gia đình em, đến bây giờ không được ghi công mà người ta lại có mưu đồ cướp trắng.

Người ta bảo gia đình em không có công lao gì, hết hạn thì họ lấy mà không bồi thường một cái gì. Trong khi đó mình lật từ mặt đất mà đi…Ngày xưa cái hòn đất sáng nhà em đắp lên thì tối nó đã xóa mất bởi vì sóng nó to như thế. Bây giờ họ phủ nhận hết công lao của anh ấy, họ ra cái quyết định cưỡng chế, thu trắng không bồi thường. Em nghĩ là không chỉ gia đình em mà bất kỳ ai cũng sẽ có phản kháng như vậy.

RFI : Từ hôm đó đến giờ báo chí có tiếp xúc với bà chưa, và bà có biết được dư luận xung quanh vụ này không ?

Từ khi xảy ra vụ việc thì nhà em được báo chí truyền thông rồi các cơ quan ban ngành đều hướng về gia đình nhà em. Họ động viên và tìm mọi cách để giải cứu, rồi những lời kêu gọi…và bây giờ có những hội luật sư đã đề nghị về bào chữa miễn phí cho nhà em trong vùng này. Nên bước đầu em cũng thấy được an ủi rất là nhiều, vì mọi người đã không quay lưng lại với gia đình nhà em.

RFI : Có các luật sư cũng đã bức xúc lên tiếng về việc hủy hoại tài sản của gia đình bà, như vậy gia đình có định khởi kiện không ?

Dạ có ạ. Cái đấy chắc chắn sẽ có bởi vì em nghĩ là họ làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm. Mới đầu họ chỉ ghi trong văn bản là cưỡng chế 19,3 hecta, trong khi đấy gia đình em tổng là 40,3 hecta, còn lại 21 hecta vẫn thuộc quyền của gia đình em. Ngôi nhà kiên cố mà em xây trên đấy vẫn nằm trong diện tích 21 hecta, mà họ đã phá hủy hoàn toàn. Không những phá hủy mà còn đốt…Em nghĩ rất là đau lòng như thế, thì tất nhiên là chúng em sẽ khởi kiện.

RFI : Chính quyền địa phương có tiếp xúc với gia đình không, và bà có về được khu nhà cũ không ?

Cách đây hai hôm em có ra để anh em hiệp vào, bà con có đề nghị ra dựng lại cho em cái lều để mẹ con em ăn Tết, và cũng thu lợi từ những gì còn lại ở cái mảnh đầm đấy để sống qua ngày và lo mọi việc cho các anh em, chồng con ở trong nhà lao. 

Thế nhưng mà khi bọn em xuống thì có một số công an viên của xã và cả một số xã hội đen nữa, họ không cho chúng em xuống. Họ cứ trả lời tất cả bây giờ là phải xuống ủy ban nhân dân xã để giải quyết, và xin chữ ký.

Thế thì em cầm đơn xuống ủy ban đề nghị là cho anh em bạn bè chúng tôi xuống giúp đỡ để dựng lại cho chị em tôi và các cháu một cái lều để sống qua ngày và được đón Tết ở cái mảnh đất nhà tôi. Thế nhưng họ nói là đây không thuộc trách nhiệm của họ, để họ còn hỏi ý kiến cấp trên. Tức là ông em là chủ tịch xã còn hỏi anh ông ấy là chủ tịch huyện xem là sẽ giải quyết thế nào. 

Và em chỉ hỏi một câu, thế bây giờ chính quyền có công nhận 21 hecta đấy vẫn còn thuộc quyền sở hữu của chúng tôi hay không. Thì ông chủ tịch có nói: huyện chỉ giao cho xã 19,3 hecta, còn lại 21 hecta thì tôi nghĩ là vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình.

Thế nhưng mà trong khi đấy em đề nghị là được xuống mảnh đất của nhà mình còn lại, nhưng họ vẫn không đồng ý. Thì em cũng không hiểu lý do gì ạ. Em đã làm đơn tố giác lên cả Phòng tiếp dân của Văn phòng Chính phủ. Chưa biết Nhà nước Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào, để tìm lại sự công bằng cho chúng em. Đến bây giờ chúng em còn đang rất là hoang mang.

RFI : Bây giờ sắp Tết rồi thì gia đình có chuẩn bị được gì chưa ạ?

Bọn em nghĩ là bây giờ thì bọn em với cháu chắc chắn sẽ không bao giờ có Tết năm nay nữa ạ ! Tại vì nhiều việc nó lu bu, em không biết như thế nào nữa. Bây giờ chỉ cầu mong là mọi người được sức khỏe, đừng có việc gì xảy ra nữa. Còn tất cả những việc khác là còn chờ sự phân giải của Nhà nước, không biết là họ có tìm lại sự công bằng cho gia đình em hay không.

RFI : RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn bà Nguyễn Thị Thương đã vui lòng trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.

tags: Dân chủ - Pháp luật - Phỏng vấn - Việt Nam - Xã hội 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120116-ib-bat-qbna-ina-ihba-gvra-ynat-unv-cubat-tvn-qvau-gbv-anz-anl-xubat-pb-grg
 

Nguy cơ thủy triều đen từ tai nạn tàu Ý Costa Concordia

Bài đăng : Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 
 
Sau vụ tàu du lịch khổng lồ Costa Concordia của Ý bị đắm tối thứ Sáu 13/1 làm cho 11 người chết và 24 người mất tích, nay người ta đang lo ngại nguy cơ tràn dầu từ chiếc tàu này. Paris đã đề nghị hỗ trợ cho Roma về chuyên môn và kỹ thuật, để tránh một thảm họa về mặt sinh thái.

Lượng nhiên liệu mà tàu Costa Concordia mang theo là 2.380 tấn dầu loại đặc và nặng. Chiều qua, người ta đã ghi nhận một vết dầu loang chạy dài cạnh thân tàu đắm. Tuy bộ trưởng Môi trường Ý cho đây không phải là dầu thoát ra từ chiếc tàu, nhưng chính phủ Ý đang chuẩn bị tuyên bố đây là thảm họa thiên nhiên, nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính cũng như nhân lực, để tránh làm ô nhiễm khu bảo tồn thiên nhiên quanh đảo Giglio. Còn người phụ trách hòn đảo này lo ngại vụ đắm tàu trên đây là một “quả bom sinh thái”.

Khoảng hai chục chuyên viên của công ty Hà Lan Smit&Salvage đã đến đảo Giglio với nhiệm vụ bơm lượng dầu còn trong tàu ra một cách an toàn. Công việc này mất ít nhất ba tuần lễ, và cũng có thể có nguy cơ tàu bị chìm xuống đáy sâu, hoặc là bể chứa dầu bị nứt vỡ.

Chính phủ Pháp hôm nay đã đề nghị hỗ trợ cho Ý về mặt chuyên môn kỹ thuật cũng như phương tiện. Trung tâm tư liệu, nghiên cứu và thực nghiệm về ô nhiễm do tai nạn sông biển (CEDRE) của Pháp có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Pháp cũng sẵn sàng gởi sang các trang thiết bị và vật liệu cần thiết bằng đường hàng không, trước tình hình khẩn cấp ở Ý.

Trách nhiệm của thuyền trưởng “Titanic hiện đại”

Đúng một trăm sau tai nạn tàu Titanic lịch sử, thuyền trưởng Francesco Schettino đang phải chịu trách nhiệm nặng nề trong vụ đắm tàu Costa Concordia, chiếc tàu sang trọng, hiện đại và lớn nhất của tập đoàn Costa Croisières. Ông này đã bị bắt giữ hôm thứ Bảy, bị công tố viện truy tố Grosseto với các tội danh sát hại nhiều người và rời bỏ tàu.

Băng ghi âm đã thu lại được đoạn đối thoại giữa thuyền trưởng Francesco Schettino và Cảng vụ cho thấy ông Schettino mới đầu vờ cho biết đang ở trên tàu tuy thật ra đã bỏ trốn, và sau đó từ chối quay lại chiếc tàu để tổ chức sơ tán hành khách.Ông cũng bị lên án là đã tự ý đổi hướng, cho tàu chạy sát đảo Giglio để chào một người bạn làm việc trên đảo này.

Chiếc tàu khổng lồ này đi từ Civitavecchia ở gần Roma tối thứ Sáu, đã đụng phải đá ngầm chỉ hai tiếng rưỡi đồng hồ sau khi xuất phát. Trên tàu có 4.229 người, gồm trên 3.200 du khách thuộc 60 quốc tịch, và thủy thủ đoàn trên 1.000 người thuộc 40 quốc tịch.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (OMI) của Liên Hiệp Quốc cho rằng, cần rút ra bài học từ tai nạn trên đây, và nếu cần thiết thì phải rà soát lại các quy định về an toàn trên các con tàu lớn chở khách. Vụ chìm tàu Costa Concordia khiến OMI hôm qua đã phải quyết định hủy bỏ lễ kỷ niệm 100 năm tàu Titanic, bị đắm tháng 4/1912. Một điều mỉa mai là, bản thân thuyền trưởng Francesco Schettino khi trả lời một tờ báo vào năm 2010 đã tuyên bố:”Tôi không bao giờ muốn đóng vai thuyền trưởng chiếc Titanic”.

tags: Hàng hải - Quốc tế - Tai nạn - Theo dòng thời sự - Ý

http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120117-athl-pb-guhl-gevrh-qra-gh-gnv-ana-gnh-l-pbfgn-pbapbeqvn
 

Mức sống giữa hai nước Triều Tiên cách biệt đến 40 lần

Bài đăng : Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 
 
Hãng thông tấn AFP hôm nay (17/1) dẫn các thông số chính thức cho thấy, hố sâu cách biệt giữa mức sống của một nước Hàn Quốc tư bản và Bắc Triều Tiên cộng sản không ngừng tăng cao. Tổng thu nhập quốc dân của Hàn Quốc hiện cao gấp 40 lần so với người láng giềng phương bắc.

Cụ thể, theo cơ quan thống kê Hàn Quốc, tổng thu nhập quốc dân năm 2010 (GNI, còn theo tiếng Pháp là RNB) của Hàn Quốc là 1.100 tỉ đô la. Trong khi đó tổng thu nhập quốc dân của Bắc Triều Tiên chỉ có 26 tỉ đô la. Thu nhập quốc dân trên đầu người tại Bắc Triều Tiên 1.074 đô la, chỉ bằng 1/20 so với con số của Hàn Quốc là 20.758 đô la. Tỉ lệ chênh lệch nói trên vào năm 2009 chỉ là 1/18.

Trong năm 2010, nền kinh tế Hàn Quốc vốn đứng thứ tư châu Á, đã tăng 6,2%. Ngược lại kinh tế Bắc Triều Tiên lại sụt giảm mất 0,5%. Tuổi thọ trung bình của người dân Bắc Triều Tiên thấp hơn Hàn Quốc 10 năm, và sáu triệu người dân miền bắc, tức một phần tư dân số đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp.

Từ khi Liên Xô sụp đổ, và không còn việc trao đổi hàng hóa giữa các nước khối xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế kế hoạch hóa của Bắc Triều Tiên không ngừng xuống dốc. Bên cạnh việc bị quốc tế cấm vận vì chương trình nguyên tử, các lý do khác là sự bất tài của các nhà lãnh đạo và chi phí quân sự quá cao.

Xin nói thêm, tổng thu nhập quốc dân của một nước là tổng sản phẩm nội địa cộng với thu nhập của các hộ gia đình.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc - Kinh tế 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120117-zhp-fbat-tvhn-unv-ahbp-gevrh-gvra-pnpu-ovrg-qra-40-yna
 

Giới bảo vệ nhân quyền kêu gọi Trung Quốc chừng mực hơn trong vấn đề Tây Tạng

Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Giêng 2012 
 
Tổ chức International Campaign for Tibet (ICT) có trụ sở tại Washington hôm nay, 15/01/2012, kêu gọi Bắc Kinh cần có thái độ chừng mực hơn. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi hôm qua, công an đã nổ súng vào hàng trăm người dân đang cố cứu một người Tây Tạng tự thiêu, khiến cho một người có thể đã thiệt mạng.

Sự kiện trên xảy ra gần tu viện Kirti ở Tứ Xuyên, thuộc huyện A Bá, và là vụ tự thiêu thứ 16 của người Tây Tạng trong vòng chưa đầy một năm, để phản đối chính sách của Trung Quốc. Theo International Campaign for Tibet, thì có ít nhất hai người dân Tây Tạng bị trúng đạn, trong đó một người có thể đã bị chết, riêng người tự thiêu thì đã tử vong. Công an cũng sử dụng lựu đạn cay để giải tán đám đông đang cố gắng giành lại xác người tự thiêu từ tay các viên chức Trung Quốc.

International Campaign for Tibet bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang và hậu quả đối với người dân Tây Tạng trong khu vực. Trong thông cáo tối qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền này lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương gây áp lực đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Chính quyền Trung Quốc cho đến hôm nay vẫn giữ thái độ im lặng. Các viên chức địa phương ở Tứ Xuyên từ chối xác nhận sự việc, còn chính quyền huyện A Bá cũng từ chối đưa ra lời bình luận, kể cả viên chức phụ trách vấn đề thông tin.

Bắt đầu từ vụ tự thiêu của một nhà sư tại A Bá hồi tháng 3/2011, sau đó đã có 15 người Tây Tạng khác, hầu hết là các nhà sư trẻ ở lứa tuổi đôi mươi, đã sử dụng phương cách này để bày tỏ sự phản kháng. Bắc Kinh luôn quy tội cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong, là nguyên nhân gây rối. Chính quyền Trung Quốc luôn chối cãi là không hề đàn áp người Tây Tạng, nhưng theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, thì sau mỗi vụ tự thiêu, Bắc Kinh lại siết chặt các biện pháp an ninh một cách quá đáng.

tags: Châu Á - Nhân quyền - Tây Tạng - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120115-tvbv-onb-ir-auna-dhlra-xrh-tbv-gehat-dhbp-puhat-zhp-uba-gebat-ina-qr-gnl-gnat
 

Vụ tàu chìm ở Ý : Thuyền trưởng và thuyền phó bị câu lưu, vẫn còn 17 hành khách mất tích

Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 15 Tháng Giêng 2012 
 
Do rời tàu trước khi mọi hành khách được sơ tán, trái ngược với nguyên tắc hàng hải, hôm nay, 15/01/2012, thuyền trưởng và thuyền phó chiếc tàu du lịch Costa Concordia của Ý bị đắm tối qua đã bị câu lưu. Theo thống kê sơ bộ: 3 hành khách thiệt mạng, khoảng 70 người bị thương, 17 người mất tích.

Thuyền trưởng Francesco Schettino đang bị điều tra về tội « sát hại nhiều người, làm đắm tàu và rời bỏ con tàu ». Công tố viên Francesco Verusio hôm nay cho biết như trên, và khẳng định là thuyền trưởng « đã rời tàu trước khi tất cả các hành khách được sơ tán ». Cơ quan chức năng cũng sẽ điều tra về việc quản lý, điều hành con tàu.

Theo người chỉ huy lực lượng cứu hộ thành phố Grossetto, người khách cuối cùng được cứu khỏi tàu vào lúc khoảng 6 giờ sáng thứ Bảy 14/1. Trong khi đó, báo chí Ý cho biết thuyền trưởng đã có mặt ở bờ biển vào lúc gần nửa đêm tối thứ Sáu.

Nhiều hành khách sống sót nói rằng tình trạng hỗn loạn đã diễn ra ngay khi tàu bị nghiêng vì đụng phải đá ngầm, nước ồ ạt tràn vào. Tất cả 4.229 hành khách và thủy thủ đoàn đã mạnh ai nấy tự tìm cách thoát thân. Hơn 36 tiếng đồng hồ sau vụ chìm tàu được ví với Titanic này, lực lượng cứu hộ vẫn luôn tìm kiếm những người sống sót. Vào trưa nay, một thủy thủ người Ý bị kẹt lại trong tàu đã được phát hiện và sơ tán bằng trực thăng. Một cặp vợ chồng mới cưới người Hàn Quốc bị kẹt trong ca-bin cũng đã được cứu thoát sáng nay. Công việc cứu hộ hết sức phức tạp, vì phải dọn bớt vô số mảnh vỡ đủ loại trên chiếc tàu đang bị nghiêng 80 độ.

Chiếc tàu du lịch khổng lồ Costa Concordia có trọng tải 114.500 tấn, dài 290 mét, được xuất xưởng vào năm 2006, được xem là có đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất về hàng hải và an ninh. Một trong số những hành khách sống sót, trong số 3.200 khách du lịch thuộc 60 quốc tịch cho biết thuyền trưởng còn khoe là radar của tàu hữu hiệu trong bán kính 170 km.

Theo thuyền trưởng, thì bãi đá ngầm mà tàu đụng phải không có trong bản đồ hàng hải. Tuy nhiên phát ngôn viên lực lượng tuần duyên cho biết, chiếc tàu đã tiếp cận bãi đá này một cách nguy hiểm, có thể đây là nguyên nhân gây tai nạn. Chiếc hộp đen của tàu đã được tìm thấy, và nộp cho bên tư pháp để phục vụ điều tra.

tags: Quốc tế - Theo dòng thời sự - Xã hội - Ý 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120115-ih-gnh-puvz-b-l-guhlra-gehbat-in-guhlra-cub-ov-pnh-yhh-ina-pba-17-unau-xunpu-zng-gv
 

Chính quyền Syria ra lệnh ân xá cho những người tham gia nổi dậy

Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Giêng 2012 
 
Dưới áp lực quốc tế ngày càng tăng, Tổng thống Bachar Al Assad hôm nay (15/1) đã ban hành lệnh tổng ân xá cho những người có tham gia phong trào phản kháng đã làm rung chuyển Syria từ 10 tháng qua. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu ông Assad chấm dứt sát hại người dân Syria.

Hãng thông tấn chính thức Sana của Syria cho biết, lệnh ân xá này liên quan đến những tội phạm trong phong trào nổi dậy từ 15/03/2011 đến 15/01/2012, chủ yếu là vi phạm các luật về biểu tình ôn hòa, mang vũ khí hay đào ngũ. Trước đó chế độ Damas đã hai lần ân xá cho những người biểu tình vào ngày 31/5 và 21/6.
Người đứng đầu Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (ODSH) tố cáo, tuy luật đã được ban hành nhưng không được áp dụng và nói thêm, nhiều người đã được khoan hồng vẫn đang còn ở trong nhà giam. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo trong một thông cáo cũng cho rằng quyết định ân xá trên đây là « không đáng tin cậy và cũng không nghiêm chỉnh », chỉ nhằm tạo ảo tưởng là chính phủ muốn hòa giải và đối thoại. Theo Huynh đệ Hồi giáo, thì có khoảng 60.000 người đã bị bắt kể từ khi khởi đầu làn sóng phản đối cho đến nay.

Chính quyền Syria luôn phủ nhận tầm cỡ của phong trào phản kháng, tố cáo « các băng nhóm vũ trang » gây rối. Trong những tuần lễ gần đây Damas đã trả tự do cho hàng ngàn người bị bắt vì tham gia các cuộc nổi dậy. Việc trả tự do cho tù nhân nằm trong khuôn khổ kế hoạch giải quyết khủng hoảng của Liên đoàn Ả Rập : chấm dứt bạo lực, rút lực lượng quân đội khỏi các thành phố, cho báo chí và các quan sát viên Ả Rập được tự do di chuyển. Các quan sát viên này đã đến Syria từ ngày 26/12, tuy vậy bạo lực vẫn tiếp diễn : trong vòng hai tuần sau đó đã có thêm 400 người bị giết chết. Thủ lĩnh Liên đoàn Ả Rập cho biết sẽ xem xét lại nhiệm vụ của phái đoàn trong cuộc họp vào ngày 21/1 tới tại Ai Cập.

Phe đối lập Syria yêu cầu Liên đoàn Ả Rập chuyển giao hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc. Tiểu vương Qatar, Hamad Ben Khalifa Al Thani hôm qua đã tuyên bố ủng hộ việc gởi quân Ả Rập đến Syria.
Hôm nay, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã lên tiếng yêu cầu tổng thống Bachar Al Assad « chấm dứt việc sát hại » người dân Syria, nhấn mạnh là tất cả các nhà lãnh đạo sử dụng đến vũ lực đều thất bại.

Trong hội nghị của Liên Hiệp Quốc về quá trình chuyển đổi dân chủ tại các nước Ả Rập tổ chức tại Beyrouth, Liban, ông Ban Ki Moon khẳng định : « Hôm nay tôi lại phải nói với tổng thống Syria : Thưa ông Assad, hãy chấm dứt bạo lực, ngừng sát hại các đồng bào của ông, việc đàn áp chỉ dẫn đến ngõ cụt ». Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc dẫn lời nhà hiền triết Ả Rập thế kỷ thứ, Ibn Khaldoun : « Những ai nắm quyền bằng cách sử dụng bạo lực hoặc cưỡng chế sẽ bị thất bại, một ngày nào đó nhân dân sẽ rời bỏ họ ». Ông tuyên bố : « Chúng ta cần phải xóa bỏ cái ý tưởng nguy hiểm là an ninh quan trọng hơn nhân quyền ».

Trong chuyến viếng thăm Liban ba ngày, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, hôm qua, khẳng định cuộc khủng hoảng Syria đã « bước sang giai đoạn hiểm nguy», trước chủ trương đàn áp đã làm cho trên 5.000 người thiệt mạng kể từ khi khởi đầu phong trào nổi dậy vào ngày 15/3 năm ngoái.

Về phía Hoa Kỳ, Washington lên án Teheran cung cấp vũ khí cho Damas để đàn áp đối lập, đồng thời bày tỏ sự quan ngại trước việc một tàu Nga chở 60 tấn vũ khí và thiết bị quân sự đến Syria trong tuần này.

tags: Biểu tình - Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự - Trung Cận Đông
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120115-puvau-dhlra-flevn-en-yrau-na-kn-pub-auhat-athbv-gunz-tvn-abv-qnl 
 

vendredi 13 janvier 2012

Đầu bếp người Nhật của Kim Jong Il tiết lộ chuyện riêng nhà họ Kim

Từng là đầu bếp được Kim Jong Il ưa thích nhất, ông Kenji Fujimoto, người Nhật Bản, là một trong số những người hiếm hoi biết được những chuyện riêng tư trong gia tộc họ Kim. Ông đã thổ lộ với tờ Mainichi Shimbun, được Le Courrier International số ra tuần này lược dịch sang tiếng Pháp.

Thật ra cái tên Kenji Fujimoto cũng chỉ là bút danh, còn khi được Kim Jong Il phát hiện và yêu cầu trở thành đầu bếp riêng của nhà độc tài, ông được đặt cho một cái tên Triều Tiên là « Pak Chol ». Sau mười ba năm phục vụ cho gia đình họ Kim, ông bị nghi ngờ là gián điệp và bị quản thúc tại gia. Năm 2001, ông bỏ trốn, để lại vợ và hai con ở Bình Nhưỡng. Từ khi trở về được Nhật Bản, Kenji Fujimoto đã xuất bản bốn cuốn sách, tất cả đều nói về « triều đại » đang trị vì Bắc Triều Tiên.

Ông Kenji Fujimoto, đầu bếp cũ người Nhật của Kim Jong Il.
Kenji Fujimoto được tiếng là chưa bao giờ rời bỏ cặp kính mát trên mặt. Nhưng khi biết tin nhân vật số một Bắc Triều Tiên là Kim Jong Il qua đời vào tháng 12 vừa qua, ông Fujimoto đã không thể ngăn được cơn xúc động.

Người đầu bếp bậc thầy về món sushi đã đến Bắc Triều Tiên năm 1982, và trong suốt mười ba năm, ông là « đầu bếp của tướng quân » - một vị trí giúp ông có thể biết được những chuyện riêng tư của gia đình họ Kim. Năm 2001, chấp nhận rủi ro đến tính mạng, ông đã thành công trong việc trở về được Nhật Bản, và từ đó ông có thể kể lại những chuyện ít ai biết về Kim Jong Il. Kenji Fujimoto cho biết : « Điều mà người ta sợ nhất là tai biến mạch máu não, vì đă từng xảy ra một lần vào tháng 8/2008. Khi tôi còn ở bên cạnh Kim Jong Il, ông ấy phải dùng đến sáu loại thuốc khác nhau ».

Trong cuốn sách mang tựa đề « Kita no Kokeisha, Kim Jong Un » (Kim Jong Un, người thừa kế của Bắc Triều Tiên) xuất bản vào năm 2010, người đầu bếp cũ đã nêu ra vấn đề sức khỏe của lãnh tụ Kim Jong Il : « Từ hơn mười năm, tướng quân phải chịu đựng nhiều loại bệnh tật, nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu sức khỏe của ông đột ngột sa sút. Trước đó thì ông khỏe mạnh, nhưng trong những tấm ảnh gần đây ông đã gầy đi cho đến nỗi tôi không dám nhìn vào nữa. Sự năng động trước đây của ông đã biến mất ».

Kim Jong Il rất sành ăn. Ảnh chụp ngày 15/06/2010.
Kim Jong Il vốn nổi tiếng là thích ăn ngon. Theo ông Fujimoto, ông Kim đã cho nhập về đủ thứ của ngon vật lạ từ khắp nơi trên thế giới. Ưa thích những món nhiều chất béo, Kim Jong Il rất mê món sushi do người đầu bếp Nhật thực hiện. Ông Fujimoto còn nhớ rất rõ cái cách mà lãnh tụ họ Kim ngồi tại quầy ra lệnh cho ông : « Toro, one more ! » (Cho thêm một phần sushi cá ngừ ! »). Tuy thích thú vì được Kim Jong Il khen ngợi « Món sushi của Fujimoto là ngon nhất nước Nhật, và như vậy cũng ngon nhất thế giới », nhưng Fujimoto không thể không tự đặt ra câu hỏi về hố sâu ngăn cách giữa mức sống của người dân Bắc Triều Tiên với « triều đại họ Kim ».

Người đầu bếp cũ cũng thường xuyên tiếp xúc với Kim Jong Un, nay là « chỉ huy tối cao » của quân đội, và là người thừa kế chính thức của Kim Jong Il. Ông nhớ lại : « Cậu ấy rất giống cha, từ ngoại hình cho đến tính cách. Chính tướng quân cũng thường nhận xét như thế với vẻ hài lòng ». Kim trẻ cũng rất thích món sushi. « Một hôm, cậu ấy hỏi tôi một cách thiếu kiên nhẫn : Chừng nào ông mới dọn cho chúng tôi ? Tôi trả lời : Bất cứ lúc nào quý vị muốn. Tôi có thể chuẩn bị món này cho cậu ngay ngày mai, nếu cậu muốn. Kim Jong Un đáp ngay, hai tay xua xua như một đứa trẻ : Không, cái này thì phải do cha tôi quyết định cơ ! ».

Sushi, món ăn ưa thích của cha con Kim Jong Il.
Một chuyện khó quên nữa diễn ra vào tháng 8/2010, khi chàng thanh niên Kim Jong Un đang du học ở Thụy Sĩ, trở về Bắc Triều Tiên nghỉ hè. Fujimoto đang ở trên đoàn tàu đặc biệt đưa gia đình ông Kim từ Wonsan - thành phố nằm gần biển Nhật Bản, nơi Kim Jong Il có một dinh thự - về thủ đô Bình Nhưỡng. « Ngay trước lúc tàu khởi hành vào 11 giờ tối, Kim Jong Un đột ngột xuất hiện trong ca-bin nơi tôi đang nằm nghỉ. Thấy cậu có vẻ buồn bã, tôi hỏi, cậu có muốn nói chuyện với tôi không ? Chúng tôi bèn đi đến toa phục vụ ăn uống, và bắt đầu cùng uống vói nhau… ».

Cuộc đối thoại trước hết liên quan đến chính sách đối ngoại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đối với cộng đồng quốc tế, rồi đến sự chậm trễ của nền công nghiệp nước này so với các quốc gia láng giềng châu Á. Hai người cũng đề cập đến các chủ đề nhạy cảm như tình trạng thiếu điện trầm trọng, và sự thiếu thốn các loại hàng hóa thiết yếu tại Bắc Triều Tiên.

Ông Fujimoto bình phẩm : « Từ khi còn nhỏ, Kim Jong Un đã đi thăm rất nhiều nước châu Âu, vì vậy mà tầm mắt của cậu ấy đã được mở rộng. Khi chính mắt trông thấy sự thịnh vượng của các nước phát triển, cậu đã ý thức được những hạn chế của đất nước mình ». Sau đó chàng thanh niên Kim Jong Un đã nói về nước Nhật. « Cái cách mà đất nước ông đã vươn dậy sau khi bại trận trước Hoa Kỳ thật là tuyệt vời…Các cửa hàng tràn ngập hàng hóa ! Trong khi ở chỗ chúng tôi thì… »

Một đất nước đói nghèo, gánh nặng cho thế hệ tương lai.
Cậu ta không còn là một đứa trẻ như ngày xưa nữa. Trong cuộc « trao đổi » kéo dài đến tận bốn giờ sáng hôm ấy, ông Fujimoto cảm thấy trong ánh mắt nhìn của Kim Jong Un sự băn khoăn và nỗi âu lo của một « tướng quân trẻ » được lựa chọn để điều hành đất nước.

Cách đây chừng hai năm, Kim Jong Il trước tình hình sức khỏe đáng  lo ngại, đã chính thức chỉ định người con út kế nghiệp cho mình. Ông ta muốn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình – Kim Il Sung – và ngày thành lập « một đất nước hùng cường và thịnh vượng » cùng một lúc, nhưng rồi ông đã qua đời mà không thực hiện được ý nguyện. Fujimoto nhớ về ông Kim Jong Il vào thời kỳ mà cha ông ta vừa mất, tháng 7/1994. Lúc đó Kim Jong Il 52 tuổi, và đang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. « Kim Jong Il có vẻ đau khổ lắm. Ông ấy đóng cửa ở trong phòng suốt nhiều tiếng đồng hồ. Một hôm, vợ ông bắt gặp ông đang cầm một thứ vũ khí trong tay. Bà kêu lên, ôi trời, ông làm gì thế, và trách móc ông ấy ». Ông Fujimoto đã viết như trên trong cuốn sách đầu tiên mang tựa đề « Kim Jong Il no Ryorinin » (Người đầu bếp của Kim Jong Il).

Cái chết của Kim Jong Il được toàn thế giới chú ý, tất nhiên kể cả ở VN.
Tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của người kế tục Kim Jong Il đã gây nghi ngại về năng lực điều hành đất nước, và cộng đồng quốc tế đều hướng nhìn về Bắc Triều Tiên. Kịch bản đáng lo nhất là chế độ Bình Nhưỡng rốt cuộc sẽ vượt qua ranh giới, sử dụng đến sức mạnh quân sự với nước ngoài, hoặc là quân đội bị tan rã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Cũng có thể trong lúc này Kim Jong Un lúc này đang hiểu được nỗi lo lắng mà Kim Jong Il đã có, lúc cha ông ta mất.

Kenji Fujimoto nhận định : « Tướng quân Kim Jong Il đã để lại một gánh nặng vô cùng lớn cho người con trai. Có đủ mọi vấn đề cần phải giải quyết, như các vụ bắt cóc chẳng hạn (các điệp viên Bắc Triều Tiên trong thập niên 70 và 80 đã bắt cóc khoảng hai chục người ngoại quốc, chủ yếu là người Nhật, để buộc họ phải dạy ngoại ngữ cho các nhân viên tình báo của Bình Nhưỡng) ».

Hình ảnh Kim Jong Un trên truyền hình nhà nước BTT.
Nhưng theo Fujimoto, thì kịch bản tệ hại nhất sẽ không xảy ra. « Người giám hộ của Kim Jong Un là Jang Song Taek, chồng của bà Kim Kyong Hui - em gái Kim Jong Il - là nhân vật số hai của chế độ và là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. Bản thân bà Kyong Hui cũng sẽ tham gia giám sát. Vì quá trẻ, Kim Jong Un còn phải chờ đợi năm, mười năm nữa trước khi có thể nắm quyền thực sự. Trong lúc này, sự hỗ trợ của Jang Song Taek là cần thiết. Và chính sách đối ngoại có lẽ sẽ được giao phó cho các chuyên gia ».

Điều quan ngại nhất của cộng đồng quốc tế là hồ sơ nguyên tử. Liệu Bình Nhưỡng sẽ ngưng chương trình làm giàu uranium, theo đòi hỏi của Tokyo, Washington và Seoul hay không ? Theo như ông Fujimoto thì « Bắc Triều Tiên sẽ không nhượng bộ, dù với bất kỳ điều kiện nào. Nếu lùi bước thì chế độ sẽ sụp đổ, vì chính là nhờ sức mạnh răn đe của vũ khí nguyên tử mà triều đại này còn tại vị được ».

Ông Kenji Fujimoto và tác phẩm "Kita no Kokeisha, Kim Jong Un".
Trong cuốn « Kim Jong Un, người thừa kế của Bắc Triều Tiên », Kenji Fujimoto đã khuyên « người bạn » Kim Jong Un mà đôi khi ông vẫn xem như con trai mình, như sau : « Khi nào đến lúc được cầm quyền, cậu nên có chủ trương kiên quyết. Nếu Bắc Triều Tiên thay đổi những gì cần phải đổi thay, thì sẽ được các quốc gia khác nhìn nhận. Hãy hòa nhập vào cộng đồng quốc tế càng sớm càng tốt, để có thể hợp tác với các nước khác trên thế giới ».

Thời điểm lên ngôi đã đến sớm hơn dự kiến đối với vị tướng quân trẻ tuổi. Liệu anh có thể chứng tỏ được bản lĩnh ? Như « mùa xuân Ả Rập » đã chứng minh, các nhà độc tài thường có một kết cục bi thảm. Và đây không phải là điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn.

Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay gần 1 tỉ đô la để phát triển hạ tầng

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm nay 13/01/2012, Ngân hàng Thế giới đã ký kết với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các khoản tín dụng có tổng trị giá 973,5 triệu đô la, nhằm xây dựng một xa lộ ở miền Trung Việt Nam, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại ba thành phố và hỗ trợ cải cách hành chính.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá 613,5 triệu đô la sẽ nối kết từ quốc lộ 1A tới khu vực phía Nam Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Ngãi, nhằm tăng cường an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho việc phát triển thương mại trong nước và quốc tế.

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức này cấp tín dụng cho việc phát triển đường cao tốc ở Việt Nam, để hỗ trợ cho một quốc gia có thu nhập trung bình thấp đối mặt với những thách thức mới.

Dự án phát triển thành phố hạng trung với tổng vốn 210 triệu đô la, dự kiến cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn cho 520.000 dân ở các thành phố Lào Cai (gần biên giới Trung Quốc), Phủ Lý (ở gần Hà Nội) và Vinh (thuộc Bắc Trung bộ). Việc tập trung cho các thành phố trung bình phản ánh ý hướng phát triển cân bằng và bình đẳng trong cả nước, mà chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới muốn đảm bảo. Nguồn nước và vấn đề vệ sinh, hệ thống giao thông ở ba thành phố trên sẽ được cải thiện, đồng thời với quy hoạch đô thị toàn diện và bền vững.

Bên cạnh đó là khoản tín dụng giảm nghèo 150 triệu đô la nhằm tạo điều kiện cho việc hòa nhập xã hội, tăng trưởng bền vững, và cải thiện quản trị, với mục đích hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam thành quốc gia có thu nhập trung bình. Đây là khoản tín dụng cuối cùng trong chuỗi 10 món tín dụng dành cho Việt Nam để giúp xóa đói giảm nghèo và cải cách hành chính.

tags: Kinh tế - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120113-atna-unat-gur-tvbv-pub-ivrg-anz-inl-tna-1-gv-qb-yn-qr-cung-gevra-un-gnat
 

Việt Nam : Giáo sư Phạm Minh Hoàng ra tù

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012

Hãng tin AFP loan báo, ông Phạm Minh Hoàng, 56 tuổi một blogger mang hai quốc tịch Việt – Pháp bị kết án 17 tháng tù vì tội "mưu toan lật đổ chính phủ", đã mãn hạn tù giam. Ông đã được trả tự do hôm nay 13/1/2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Minh Hoàng, sau gần ba mươi năm ở Pháp, đã về Việt Nam từ năm 2000, giảng dạy môn toán ở trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Nhà đấu tranh cho nhân quyền này đã bị kết án ba năm tù, kèm theo ba năm quản chế ; sau đó tòa phúc thẩm đã giảm xuống còn 17 tháng tù nhưng vẫn giữ nguyên hình phạt quản chế.

Trả lời hãng tin Pháp, bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Phạm Minh Hoàng cho biết mỗi lần muốn rời khỏi khu vực quận 10 nơi ông cư ngụ, thì sẽ phải xin phép chính quyền. Bà nói thêm là sức khỏe ông Phạm Minh Hoàng vẫn tốt, hiện ông chưa biết sẽ làm gì trong tương lai, nhưng trước hết ông phải chăm lo cho người cha đã cao tuổi và bệnh hoạn.

Luật sư của ông hồi tháng 11 cho biết việc ông được giảm án có liên quan đến hoàn cảnh gia đình, và việc ông « cam kết khi ra tù sẽ không vi phạm luật pháp và không chống đối Nhà nước Việt Nam ».

Trong phiên tòa sơ thẩm, ông Phạm Minh Hoàng cho biết ông không hề muốn lật đổ ai cả, mà « chỉ tố cáo những sự việc tiêu cực trong xã hội ». Ông cũng bày tỏ sự « hối tiếc » và xin tòa khoan hồng.

AFP nhận định, tội danh mưu toan lật đổ chính quyền có khung hình phạt lên đến 15 năm tù, thường được áp dụng đối với các nhà ly khai, trong một đất nước mà các tranh luận chính trị bị cấm đoán. Tòa lên án ông đã viết 33 bài mà đa số « làm xấu đi hình ảnh đất nước », dưới bút danh Phan Kiến Quốc, đặc biệt là ông đã chống đối lại dự án khai thác quặng bauxite ở Tây nguyên. Mặt khác ông cũng nhìn nhận là thành viên của đảng Việt Tân. Tổ chức này có trụ sở ở Mỹ, bị Hà Nội xem là một tổ chức khủng bố, nhưng về phần mình Việt Tân khẳng định chủ trương xúc tiến dân chủ với phương pháp hòa bình.

Hãng tin Pháp nhắc lại rằng theo Amnesty International, hàng chục nhà bất đồng chính kiến ôn hòa Việt Nam đã bị lãnh những bản án nặng nề, từ khi có chiến dịch trấn áp tự do ngôn luận từ năm 2009.

tags: Nhân quyền - Việt Nam
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120113-bat-cunz-zvau-ubnat-qhbp-gen-gh-qb 

Người Tây Tạng bị sát hại : dân Cam Túc biểu tình

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 

Theo AFP hôm nay (13/1/2012), cái chết của một người Tây Tạng mà theo các tổ chức nhân quyền là do bị công an Trung Quốc sát hại, đã gây ra một cuộc biểu tình tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Cam Túc. Theo Tân Hoa Xã, nạn nhân là nghi can trong vụ mất cắp lều bạt ở một công trường, bị tử thương khi toan giật khẩu súng của một công an sau khi bị bắt.

Còn theo tổ chức International Campaign for Tibet (ICT), thì anh Gurgo Tseting, một người Tây Tạng khoảng ba mươi tuổi, hôm thứ Hai đã bị công an bắn chết từ cửa kính một ngôi nhà. Tổ chức này cho biết, công an đã bắt giữ một người khác bị nghi ngờ là đã tham gia vụ trộm, đang ở cùng nhà ; và nói thêm là không có gì chứng tỏ là cả hai người này có liên quan đến vụ mất cắp.

Tân Hoa Xã cho biết, cái chết của anh Gurgo Tseting đã tạo ra một cuộc biểu tình phản đối của người dân tại trấn A Mộc Khứ Hồ, thuộc huyện Hạ Hà, tỉnh Cam Túc, nơi xảy ra sự kiện. Theo Radio Free Asia, những người dân Tây Tạng đã tấn công vào đồn công an địa phương, và lực lượng an ninh đã sử dụng lựu đạn cay làm bị thương nhiều người, và bắt giữ nhiều người khác. Chính quyền thị trấn A Mộc Khứ Hồ và huyện Hạ Hà đều từ chối trả lời điện thoại của hãng tin Pháp.

International Campaign for Tibet cho biết, việc xây dựng một phi trường tại thị trấn này, gần một ngọn núi thiêng của người Tây Tạng, đã làm tình hình trong vùng thêm căng thẳng. Vào tháng trước, một người Tây Tạng khác cũng là cư dân của thị trấn này cũng đã bị công an giết chết, khi đang chạy xe gắn máy tại Hạ Hà. Các sự kiện này xảy ra trong bối cảnh đang có hàng loạt các vụ tự thiêu của người Tây Tạng phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp tôn giáo.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120113-gehat-dhbp-ovrh-gvau-gnv-pnz-ghp-cuna-qbv-pbat-na-fng-unv-zbg-athbv-gnl-gnat

Chính quyền Quảng Đông đền bù lương cho công nhân để tránh nổi loạn

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 
 
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một viên chức địa phương có trách nhiệm ở Quảng Đông, Trung Quốc hôm nay (13/1/2012) cho biết, chính quyền đã bồi thường cho hàng ngàn công nhân một món tiền tương đương với hai tháng lương do nhà máy của họ đột ngột đóng cửa, để tránh việc công nhân nổi loạn.

Công nhân của nhà máy Chuang Ying Toy Factory, đặt tại Hoành Lịch thuộc thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông đã bày tỏ sự phẫn nộ khi nhà máy bỗng dưng bị ngưng hoạt động. Theo công nhân, thì các người chủ công ty chuyên sản xuất đồ chơi, có trụ sở tại Hồng Kông, đã bỏ trốn.

Nhằm tránh các vụ bạo loạn có thể lôi kéo sự chú ý của trung ương, chính quyền địa phương đã quyết định chi trả 8 triệu nhân dân tệ, tương đương 1,3 triệu đô la cho công nhân của nhà máy trên.

Ngành công nghiệp đồ chơi ở miền đông nam Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề trước việc xuất khẩu bị sụt giảm. Năm 2011 đã có hàng ngàn nhà máy phải đóng cửa, và một phần mười số công nhân trong lãnh vực này bị mất việc.

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120113-gehat-dhbp-puvau-dhlra-zbg-qvn-cuhbat-b-dhnat-qbat-qra-oh-yhbat-pub-unat-atna-pbat-a
 

Thủ tướng Nhật cải tổ nội các trước khi tăng thuế

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 
 
Vừa nhậm chức được bốn tháng, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda hôm nay (13/1/2012) đã cách chức năm Bộ trưởng, đồng thời lập ra chức Phó thủ tướng. Việc cải tổ nội các này là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của phe đối lập trong dự án cải cách thuế khóa chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất bình. 
 
Các nhân vật bị thay thế là Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Tiêu thụ và Công an, Giáo dục, Tư pháp và Cải cách Hành chính, trong đó hai vị Bộ trưởng Quốc phòng và Tiêu thụ & Công an bị phe đối lập chỉ trích nhiều nhất. Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles phân tích :
 
« Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda sẵn sàng thực hiện một vụ harakiri chính trị để tăng thuế đánh vào tiêu thụ, một loại thuế trị giá gia tăng của Nhật Bản. Thuế này sẽ tăng làm hai lần, từ 5 đến 10%, từ nay cho đến năm 2015. Thủ tướng Nhật Bản tin rằng thị trường sẽ không ngần ngại tấn công vào khối nợ công của Nhật, vốn vượt quá 200% tổng sản phẩm nội địa, một khi cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu chấm dứt.

Nước Nhật vẫn còn đủ khả năng tài chánh để trả nợ công, nhưng với tình trạng dân số bị lão hóa ngày càng nhanh, từ nay cho đến hai, ba năm nữa thì tình hình sẽ khác. Người đứng đầu Nhật Bản đã giao phó cho một Phó thủ tướng phụ trách về phúc lợi xã hội và cải cách thuế khóa cũng như hành chánh, ông Katsuya Okada, một nhân vật chủ trương khắc khổ, để trình lên Quốc hội dự luật đánh thuế tiêu thụ gấp đôi này. 

Vấn đề là không một ai ủng hộ, cả phe đối lập lẫn một bộ phận của phe đa số cầm quyền. Cần có một phép lạ để Thủ tướng Noda, hiện đang có tỉ lệ tín nhiệm thấp nhất trong các cuộc thăm dò dư luận, có thể đạt đến thành công trong việc cải cách thuế tiêu thụ này. Nếu thất bại, ông có nguy cơ bị mất chức : các cuộc bầu cử trước thời hạn có thể được tiến hành vào tháng Sáu tới. Và các tổ chức thẩm định tài chính có thể hạ điểm tín nhiệm về nợ công Nhật Bản xuống thêm một bậc nữa. »

tags: Châu Á - Kinh tế - Nhật Bản - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120113-guh-ghbat-aung-pnv-gb-abv-pnp-gehbp-xuv-gnat-guhr-gvrh-guh
 

jeudi 12 janvier 2012

Từ Ô Khảm nghĩ về Tiên Lãng

Dân làng Ô Khảm đang lắng nghe đại diện thành phố nói chuyện, ngày 21/12/2011.

(LND) Bài viết « Ô Khảm, biểu tượng mới của phản kháng tại Trung Quốc » của đặc phái viên báo Le Figaro, nhận định về tầm cỡ ảnh hưởng của cuộc nổi dậy Ô Khảm, Quảng Đông. Bị tịch thu đất đai, người dân đã đồng lòng nổi dậy chống lại các cán bộ địa phương tham nhũng.

Ô Khảm, biểu tượng mới của phản kháng tại Trung Quốc

« Cách đây vài hôm, khi các cựu quân nhân trong cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979 phản đối lại số tiền trợ cấp quá tệ hại, họ đã kêu gọi đến « tinh thần Ô Khảm ». Khắp nơi trên mạng internet Trung Quốc, cho dù bị kiểm duyệt, tên của ngôi làng phản kháng nhỏ bé này lại được nêu ra, mỗi khi có đấu tranh chống lại bất công, hoặc để bảo vệ quyền lợi.

Tình hình đã trở nên hòa dịu tại Ô Khảm. Nhưng từ nay, ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông đã trở thành biểu tượng đấu tranh của những người dân thấp cổ bé miệng chống lại áp bức. Dân làng nổi dậy chống đối việc chính quyền địa phương tịch thu đất đai bừa bãi và chỉ đền bù một cách chiếu lệ. Sự việc đã bùng nổ sau cái chết của một người biểu tình vào giữa tháng 12 - ông Tiết Kim Ba - lúc đang bị giam tại trụ sở công an, với lý do chính thức là « đau tim ». Dân chúng lên án công an đã đánh đập nạn nhân đến chết.

mercredi 11 janvier 2012

Tàu Hàn Quốc cháy ở Nam Cực : ba thủy thủ Việt Nam có thể đã tử nạn

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 
 
Lực lượng cứu hộ của New Zealand hôm nay (11/1/2012) thông báo, ba thủy thủ Việt Nam làm việc trên một chiếc tàu Hàn Quốc có thể đã thiệt mạng trong vụ cháy tàu Jeong Woo 2 ở ngoài khơi Nam Cực. Bảy thủy thủ khác bị thương, trong đó có sáu người Hàn Quốc.

Bà Sharon Cuzens, phát ngôn viên Trung tâm Điều phối Cứu hộ New Zealand (RCCNZ) nói rằng : « Ba thủy thủ mất tích có lẽ là đã chết cháy trong ca-bin tàu ». Tương tự, hãng thông tấn Yonhap trích lời các viên chức có trách nhiệm của Hàn Quốc cho biết, ba thủy thủ Việt Nam bị mất tích « có lẽ đã thiệt mạng, vì họ đang ngủ trong ca-bin, lúc ngọn lửa bùng lên ». 

Chiếc tàu đánh cá Hàn Quốc Jeong Woo 2, dài 51 m, đang ở biển Ross thuộc Nam Băng Dương, cách miền nam New Zealand khoảng 3.700 km, và cách căn cứ McMurdo tại Nam Cực 600 km, khi đánh đi tín hiệu cầu cứu trong đêm. Trung tâm Điều phối Cứu hộ New Zealand (RCCNZ) cho biết, hai tàu Hàn Quốc khác đã chạy đến cứu hộ thủy thủ đoàn gồm 40 người. Hãng tin Yonhap nói thêm, các thủy thủ trên tàu mang quốc tịch Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

Các thủy thủ bị thương, trong đó có hai người bị phỏng nặng, dự kiến sẽ được chuyển sang một chiếc tàu nghiên cứu khoa học của Mỹ, tàu Nathaniel B.Palmer. Tàu này có đầy đủ các trang bị y tế cần thiết, đang chuyển hướng về phương bắc để tiếp cận các tàu Hàn Quốc, đưa các nạn nhân đến căn cứ McMurdo ở Nam Cực, cho dù đang bị băng hà và sương mù cản trở.

Cũng theo Trung tâm Điều phối Cứu hộ New Zealand, tàu Jeong Woo 2 vẫn đang tiếp tục bốc cháy và có lẽ sắp bị chìm. Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn chưa được rõ.

Tàu Jeong Woo 2 thuộc sở hữu của tập đoàn Sunwoo, xuất xưởng ở Nhật năm 1985, chuyên đánh bắt loài cá vược Patagoni quý hiếm, cá đuối, cua và các loại cá sống ở đáy biển. Đây là chiếc tàu thứ hai gặp nạn ở Nam Cực, sau khi chiếc tàu Sparta của Nga bị kẹt hai tuần lễ vì đụng phải băng sơn vào tháng 12/2011. Trước đó, một tàu đánh cá Hàn Quốc khác là chiếc Insung 1 cũng đã bị đắm bất ngờ vào tháng 12/2010 mà không kịp phát tín hiệu cấp cứu, có lẽ do băng sơn, khiến 22 thủy thủ thiệt mạng.

tags: Hàn Quốc - Nam Cực - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120111-on-guhl-guh-ivrg-anz-pb-gur-qn-gh-ana-gebat-ih-punl-gnh-una-dhbp-b-anz-php
 

Tây Tạng: Bắc Kinh cảnh cáo Mỹ không nên can thiệp vào chuyện nội bộ

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm nay 11/1/2012, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này, sau khi Washington vào hôm qua đã bày tỏ quan ngại trước làn sóng các tăng ni Tây Tạng tự thiêu. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc : Bắc Kinh phản đối việc can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Ông Lưu Vi Dân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Chính phủ coi trọng và đảm bảo các quyền căn bản của các nhóm thiểu số, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng. Chúng tôi kiên quyết phản đối việc lợi dụng tôn giáo để can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc ». 

Xin nhắc lại, hôm thứ Hai 9/1/2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland cho biết Hoa Kỳ « Rất lo ngại về thông tin có thêm ba người Tây Tạng tự thiêu trong những ngày gần đây ». Bà Nuland tuyên bố : « Các hành động trên rõ ràng đã minh chứng cho tình trạng bất bình và tuyệt vọng vô biên, trước việc nhân quyền bị hạn chế trầm trọng, trong đó có tự do tín ngưỡng ». 

Tân Hoa Xã ngày 9/1 cho biết một nhà sư đã tự thiêu tại Thanh Hải. Đây là vụ tự thiêu thứ 15 xảy ra trong vòng chưa đến một năm tại các vùng có người Tây Tạng sinh sống. Hãng tin chính thức của Trung Quốc hôm Chủ nhật cũng đã xác nhận một cựu nhà sư Tây Tạng tự thiêu ngày 6/1 ở gần tu viện Kirti tại Tứ Xuyên đã tử vong, một nhà sư khác bị thương khi tự thiêu trong cùng ngày tại đây.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Quốc tế - Tây Tạng - Trung Quốc
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120111-gh-fv-gnl-gnat-gh-guvrh-onp-xvau-pnau-pnb-zl-xubat-ara-pna-guvrc-inb-puhlra-abv-ob 

Dân biểu Mỹ đầu tiên đến Miến Điện từ 12 năm qua

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 
 
Ông Joe Crowley, đại biểu đảng Dân Chủ tại New York, vốn ủng hộ việc trừng phạt Miến Điện để gây áp lực, sẽ đến thăm nước này vào ngày mai (12/1/2012) để đánh giá về tình hình cải cách chính trị tại đây. Ông Crowley là dân biểu Mỹ đầu tiên đến Miến Điện kể từ 12 năm qua, một tháng sau chuyến viếng thăm lịch sử của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Trong chuyến viếng thăm kéo dài hai ngày, dân biểu Joe Crowley sẽ tiếp xúc các viên chức chính phủ Miến Điện, gặp gỡ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và lãnh đạo các nhóm thiểu số. Ông tuyên bố : « Tôi đến để đánh giá tình hình tại chỗ, đồng thời khuyến khích chính phủ Miến Điện tiếp tục con đường cải cách. Naypyidaw đã có một số bước tiến theo hướng này, bây giờ chỉ còn có việc thực hiện mà thôi ». 

Hạ viện Mỹ là định chế duy nhất có thể bãi bỏ các biện pháp cấm vận mà Washington đã áp đặt lên chế độ Miến Điện, trước việc trấn áp đối lập tại nước này. Trong chuyến viếng thăm vào tháng trước, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng hãy còn quá sớm để bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, và đòi hỏi Miến Điện cần phải nỗ lực hơn trên con đường dân chủ hóa.

Dân biểu Joe Crowley là một trong những nhân vật chủ chốt của đạo luật trừng phạt Miến Điện năm 2003. Các biện pháp chủ yếu được đưa ra là việc cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ các sản phẩm của Miến Điện – trong đó có đá quý, nguồn thu lớn của quốc gia này - và hạn chế số lượng visa cấp cho các thành viên chính phủ Miến Điện.

Hãng tin AFP nhận định, nếu giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi đưa ra những nhận xét tích cực, thì rất có hy vọng Hoa Kỳ sẽ xem xét bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Thein Sein đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát khi tiến hành đối thoại với bà Aung San Suu Kyi, ngưng một dự án xây đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ, và thương lượng ngưng bắn với các nhóm thiểu số nổi dậy. Tuy nhiên chính quyền Miến Điện vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của phương Tây và phe đối lập về việc trả tự do cho các tù nhân chính trị.

Hai nhà ngoại giao Mỹ là Derek Mitchell và Luis CdeBaca trong tuần này cũng quay lại Miến Điện để tiếp tục thương thảo. Trước đó sau chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton, Ngoại trưởng của hai nước đã từng đô hộ Miến Điện là Anh quốc và Nhật Bản cũng đã lần lượt đến thăm Naypyidaw.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Miến Điện - Quốc tế 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120111-qna-ovrh-zl-qnh-gvra-qra-gunz-zvra-qvra-xr-gh-12-anz-dhn