Tôi từng là người chăm lễ chùa, có lẽ do ảnh hưởng từ bà nội. Khi còn sống, bà vẫn dặn tôi: Cửa Phật là chốn thanh tịnh, nên trước khi đến đó con phải tắm gội cẩn thận, tu tâm sửa trí làm sao để sau khi ở đó về, con là người sạch từ trong ra ngoài.
Bà nhất định bắt tôi đi giật lùi mỗi khi từ Chùa trở ra.
Có lẽ do cuộc đời chịu quá nhiều tai ương, vì thế khi đã trưởng thành, tôi vẫn thường tìm đến cửa Phật mỗi khi cảm thấy đầu óc âm u, chỉ để tận hưởng cảm giác yên tĩnh, thanh sạch. Lời cầu xin duy nhất của tôi là mọi tai họa nếu có, hãy đổ hết lên đầu tôi, nhưng chừa các con các cháu, người thân của tôi ra.
Nhưng cũng chính cái việc chăm đi chùa, lại khiến tôi cứ dần dần thất vọng ê chề về cái nơi vẫn được gọi là cửa Phật ấy. Mọi thứ tại đó thay đổi còn nhanh hơn cả ở chốn phàm trần. Thậm chí có thể nói rằng, nơi những cửa chùa mà tôi có dịp đến “ăn mày Phật” giờ đây là nơi nhiều nhốn nháo nhất. Tràn ngập là xôi, thịt và những lời cầu khấn còn nặng mùi xôi thịt hơn nhiều lần.
Ở chùa T.P, bạn hãy cẩn thận ngay từ bãi gửi xe, bởi rất có thể các ông chủ muốn hại nhau sẽ nhằm oan vào chiếc xe của bạn. Khi trả tiền, dù đắt mấy bạn cũng đừng kêu ca mà nên học cách của A.Q: “Thôi, coi như mình vừa bố thí”.
Ở chùa D., một ngôi chùa thuộc hàng cổ nhất Việt Nam, nếu bạn thỉnh thoảng nghe thấy ai đó nhắc bạn: “Vào làm công đức đi chứ” thì hãy bỏ qua hoặc quá lắm bịt tai lại hơn là tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi điều đó có thể khiến bạn xui xẻo ngay từ đầu năm.
Ở Phủ T.H hay một vài ngôi đền, chùa khác tại Hà Nội, bạn hãy bước vào như người có hai tai bị điếc đặc. Thứ nhất để bạn không bị điếc thêm lần nữa bởi hệ thống âm thanh toàn những lời nặng kiếp trần ai, sặc mùi tiền bạc và sau nữa nhờ thế mà bạn đỡ gặp rắc rối phần nào.
Ở chùa B.Đ thì bạn chỉ nên thanh thản thở trút ra khi đã lấy được xe từ bãi gửi (hoặc lên xe khách) và trở về nhà. Hàng đoàn quân càng sống gần chùa căn càng nặng hơn đá, luôn sẵn sàng làm “môi giới” để bạn mau gặp Phật bằng các kiểu trèo tường. Nhưng miệng và tay Phật đã bị nhét đầy những đồng tiền lẻ nhung nhúc vi trùng, sẽ chẳng thể cứu được bạn nếu bạn không chìa ra cho cái đám người đó những đồng tiền chẵn.
Ở đền Gióng, người ta đánh nhau bằng gậy, bằng những cú đấm cú đá trời giáng gây cảnh máu chảy ròng ròng vì cướp hoa tre, chả kém gì thánh Gióng quật tan tác giặc Ân xưa kia! Chẳng biết những người đó cầu gì khi xì xụp cúi lạy thần linh, chứ riêng tôi thì nhất định phải tránh xa nơi đó cho lành!
Tại chùa Keo Thái Bình, một ngôi chùa có kiến trúc và phong cảnh nên thơ vào bậc nhất, bạn đừng mơ có lấy một phút tĩnh tâm. Bởi bất cứ xó xỉnh nào cũng chờ sẵn những ông bà đòi xem tay đoán hậu vận, với những ánh mắt khiến bạn sởn gai ốc. Thôi thì quẳng quách ra hai chục ngàn để nhận lại một mớ phán nhăng quậy, vẫn rẻ hơn phải nghe những lời rủa sả đầy sát khí đuổi sau lưng.
Còn ở chùa Hương, chốn thờ tự Phật linh thiêng nhất trong tâm thức của các Phật tử Việt, thì hội tụ đầy đủ những gì đáng sợ nhất của cõi Ta Bà. Ngay từ cổng mua vé, du khách đã phải đối mặt với đủ thứ “sặc mùi binh đao” của các cò khách. Họ thường hỏi bạn: “Có đi đò không?” Nếu bạn không muốn đi thì phải có cách trả lời, không thể đáp đơn giản từ “không”, bởi họ sẽ bám theo tới cùng, bằng vẻ mặt mà bạn nghĩ thà mất tiền còn hơn phải chịu đựng nỗi tai ương tiềm ẩn này!
Từ đó lên tới động Hương Tích, bạn sẽ còn đối mặt với hàng chục chiêu lừa đảo, buôn thần bán thánh. Đến cửa Phật thì nên vất vả một chút, bạn hãy thường xuyên tụng niệm câu đó để đỡ thấy mệt và thất vọng.
Tại Động Hương Tích, bạn sẽ phải chen chí tử để vào đặt lễ. Nhưng bạn yên tâm, có đầy đủ các dịch vụ từ bưng bê, tìm nơi đặt lễ, khấn thuê... sẵn sàng phục vụ bạn. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy người ta bưng cả những cái thủ lợn banh đôi, miệng há ra với lởm chởm răng, lưỡi thè lè... hoặc những chai rượu Tây đắt tiền để vào cầu xin Phật phù hộ. Chớ có tròn mắt lên nếu nghe thấy tiếng khấn bô bô thành lời như sau:
- “Cầu xin đức Như Lai, các vị Bồ Tát... phù hộ cho con trai con năm nay đến số phát quan, được cấp trên để mắt cất nhắc lên trưởng phòng, phù hộ cho chồng con thoát vụ tai tiếng thị phi này, phù hộ cho con cứ mỗi chuyến đánh hàng thì công an, phòng thuế, hải quan đều ốm liệt giường hết, có mắt như mù! Con cầu xin các Ngài mở lượng đại từ đại bi mà thương lấy con, phù hộ độ trì cho con...”
Tại chùa Y.T, chính tôi chứng kiến dịch vụ giải hạn qua điện thoại, thậm chí, để đỡ tốn kém, người ta chấp nhận cả giải hạn bằng tin nhắn. Chúng chắc chắn bị coi là tin rác theo phân loại của ngành viễn thông.
Đó hóa ra không còn là những chuyện có thể cười mỗi khi đến chốn linh thiêng hoặc nghe kể. Từ lâu nó đã được coi là chuyện bình thường nơi các cửa chùa, cửa đền ở Việt Nam. Câu thành ngữ “Buôn thần bán thánh” vốn để mỉa mai bọn con buôn đội lốt thầy tu, đội lốt tăng ni, phật tử, những kẻ càng tu càng chìm... thì giờ đây biến thành dịch vụ kiếm tiền khôn ngoan, thức thời. Có kẻ dùng tiền với hy vọng mua được lòng từ bi của Phật, thì lập tức có kẻ đem Phật ra rao bán! Đúng là thị trường cái gì cũng sẵn, chỉ cần có tiền!
Công cuộc KINH DOANH SỰ U MÊ đang được coi là ngành nghề đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Tôi không đủ thẩm quyền để quy kết trách nhiệm hoặc gán tội cho bất kì ai. Có cầu ắt có cung, kể cả môi giới hối lộ thần thánh. Vả lại tiền bạc có lý lẽ riêng của nó.
Nhưng nếu ngay cả chốn thanh tịnh, vô nhiễm nơi cửa Phật còn ngập ngụa “phế thải”, sặc mùi trần ai với đủ thứ tranh cướp... thì hy vọng về một xã hội hiền hòa, yêu thương, nhường nhịn, người người tích đức... còn xa xôi lắm!
TẠ DUY ANH 01.02.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.