mardi 14 février 2023

Mai Bá Kiếm - Hậu quả pháp lý khi bà Hứa Thị Phấn qua đời mà chưa thi hành án

 

Bà Hứa Thị Phấn qua đời ngày 13/02/2023 khi chưa chấp hành án 30 năm tù (tổng hợp của hai bản án 30 năm tù vì Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 6.300 tỉ đồng và 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 1.338 tỉ đồng tại Ngân hàng Đại Tín)

Hai bản án này có hiệu lực từ năm 2019, nhưng do bà Phấn bệnh, mất 93% sức khỏe, được tạm hoãn thi hành án 4 năm mới qua đời. Bà hưởng thọ 76 tuổi, gia đình đứng ra tổ chức tang lễ là niềm an ủi lớn lao cho một bị án chịu mức phạt tối đa của án tù có thời hạn.

Tuy nhiên, do điều 49 “Giải quyết trường hợp phạm nhân chết” trong “Luật thi hành án hình sự 2010” đã không tiên liệu trường hợp “bị án chết tại nhà”, nên sẽ để lại hệ quả pháp lý về đình chỉ việc chấp hành án phạt tù cho bà Hứa Thị Phấn!

Khoản 1 điều 49 quy định “Khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở chữa bệnh của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện… để xác định nguyên nhân. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục khai tử và thông báo cho thân nhân người chết trước khi làm thủ tục an táng. Trường hợp phạm nhân chết ở cơ sở chữa bệnh thì cơ sở chữa bệnh đó làm giấy chứng tử gửi cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện”.

Khoản 2 điều 49, quy định “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi thông báo cho thân nhân  của phạm nhân chết… trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức an táng… và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của phạm nhân chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc an táng và quản lý mộ của phạm nhân”.

Bà Hứa Thị Phấn không chết trong trại giam, trại tạm giam hay cơ sở chữa bệnh của nhà nước do trại giam chuyển đến, thì tòa án ra quyết định "tạm hoãn thi hành án" cho bà sẽ căn cứ vào điều gì để đình chỉ việc chấp hành án phạt tù cho bà?

TỪ NĂM 2007, ĐẠI GIA BẤT ĐỘNG SẢN ĐÃ MUA VÀ THAO TÚNG NGÂN HÀNG!

Năm 2007, bà Hứa Thị Phấn sở hữu 85% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (Trustbank) tương đương hơn 2.500 tỉ đồng để điều hành, chi phối, thâu tóm toàn bộ Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhằm thực hiện hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (của bà Phấn) từ khoảng 154 tỉ đồng lên 1.260 tỉ đồng; hạch toán thu chi khống gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỉ đồng.

Bà Phấn đã đưa cháu gái và em trai vào ngân hàng làm Phó tổng, đưa Hoàng Văn Toàn vào làm Chủ tịch HĐQT… rồi chỉ đạo thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật. Đến tháng 2/2012 ngân hàng đã lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỉ đồng.

Bà Phấn đã lợi dụng Công ty Phương Trang (18 công ty khác cùng 22 cá nhân có quan hệ hợp tác) đang cần vốn để mở rộng kinh doanh bất động sản, buộc công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt tổng cộng 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu với số tiền trên sổ sách là gần 16.500 tỉ đồng. Thực tế Công ty Phương Trang chỉ nhận được hơn 3.900 tỉ.

Bà Phấn chỉ đạo HĐQT và thuộc cấp làm các thủ tục để TrustBank đầu tư khống 1.037 tỉ đồng vào 4 dự án của các công ty do mình làm chủ. Thực chất, bà rút tiền để sử dụng gây thiệt hại hơn 900 tỉ đồng. Bà cùng cấp dưới và con cháu mua 4 bất động sản tại TP HCM và Nha Trang sau đó nâng khống giá trị lên gấp 2-8 lần để bán lại cho TrustBank gây thiệt hại cho ngân hàng thêm 437 tỉ đồng.

Đại gia bất động sản mua và khuynh loát ngân hàng thương mại từ năm 2007 và chỉ bị công an khởi tố, chứ không do Thanh tra Ngân hàng Nhà nước phanh phui. Cho nên hệ quả là nhiều ngân hàng lớn ôm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hàng tỉ USD như hiện nay!

MAI BÁ KIẾM 14.02.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.