Lễ hội đền Trần "đến hẹn lại lên" khuấy động đầu năm. Báo đưa tin: "...2.400 cảnh sát được điều động bảo vệ an ninh lễ Khai ấn đền Trần vào đêm 14 rạng sáng 15/1 âm lịch, với 5 vòng bảo vệ trên các tuyến đường vào đền".
Ngộ thiệt! Lạ lùng thay! Tưởng bảo vệ cái phát minh nào khủng khiếp Việt Nam mới có chứ? Như chế ra máy bay chiến đấu hay bom thông minh chứ?
Ấn vua hay ấn quan trong lịch sử đâu có quỡn mà ngồi đó đóng lên giấy cho dân chơi chơi. Ấn triện là làm việc, là quyền hành. Viết thư pháp, viết câu đối chúc phước là của mấy ông thầy đồ. Nghệ thuật thư pháp kiểu Hán là phải viết tay.
Đền Trần có cái ấn, bốn chữ lớn được khắc trên ấn là "Trần Miếu Tự Điển", có nghĩa là "Điển lễ tế tự ở miếu Trần". Dưới có bốn chữ Hán “Tích phước vô cương” (ban cho phước lộc dài lâu).
Phước báu không tự nhiên sanh ra cũng không phải tranh đoạt mà có được. Phước chỉ có tự bản thân tu tâm dưỡng tánh, hành thiện tích đức, tôn trọng lẽ phải,sống đúng đạo đức, không làm trái với lương tâm.
Một câu trên cái ấn chẳng có ý nghĩa gì, chỉ nghe "ấn" là máu háo danh nổi lên. Vậy thôi mà triệu người nháo nhào giành giựt, thức khuya thức hôm chầu chực, chỉ vì tâm lý muốn mau thăng quan tiến chức.
Chưa tìm thấy tài liệu ghi chép về tục khai ấn thời Trần trong lịch sử triều Trần. Nhà Trần kéo dài 175 năm với 13 đời hoàng đế chưa hề có cái trò "kỳ lạ" như ấn đền Trần ngày nay. Lịch sử ghi nhận "khai ấn" chỉ là thủ tục khởi đầu cho một ngày tân niên làm việc của triều đình, hoặc là mở ấn ra đóng dấu một cái lấy hên đầu năm rồi thôi.
Chẳng biết ai nghĩ ra trò làm cái ấn vuông kiểu giống của hoàng gia rồi lấy ấn đóng lên giấy, phát tràng giang đại hải cho dân "lấy hên" đầu năm? Chữ trên ấn còn thiếu nét nữa. Chữ Hán thiếu nét là sai nghĩa, sai chánh tả. Và nó hòa chung vào văn hóa "đóng dấu" của thời đại "bản lề" nên nó lên đỉnh luôn.
Trong Miền Nam không có một nơi tâm linh nào có kiểu đóng ấn ban phước như đền Trần này. Kể cả miếu Gia Long ở Lấp Vò hay lăng Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn, lăng Nguyễn Huỳnh Đức ở Khánh Hậu, lăng Lê Văn Duyệt ở Bình Hòa. Kinh đô Huế của họ Nguyễn có mấy chục cái ấn vuông cũng không dám có kiểu kỳ cục này. Đơn giản là trong tâm lý người Nam Kỳ chuyện đóng ấn không quan trọng.
Đừng lên án Miền Bắc sao mê tín, cúng kiếng linh đình, ấn này ấn nọ. Trong lịch sử xứ này nhơn mãn, đất hẹp người đông. Đất của lũy tre làng, cổng làng, dân ngụ cư và suy nghĩ thâm căn cố đế "Một người làm quan cả họ được nhờ".
Đọc sử, thấy “nhơn sĩ” Bắc Hà xưa rất là thích chữ và phải khoe chữ, họ mê tới mức tự huyễn hoặc, xa rời thực tế, có hơi hám huênh hoang vô lối. Thí dụ như Cao Bá Quát từng tuyên bố: ”Trong thiên hạ có 4 bồ chữ. Một mình tôi giữ hết 2 bồ. Anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ. Còn một bồ phân phát cho thiên hạ”. Chữ mà đong bằng bồ là nhiều phải biết. Xưa ông bà mình chữ đong bằng cái lá mít, chừng vài cái lá mít cũng biết chữ rồi.
Rối có tật uốn éo chữ. Thí dụ bảo đảm không hay, đổi thành "đảm bảo". Kêu "Cựu Thủ Tướng" không vui, đổi thành "Nguyên Thủ Tướng". Có những người viết văn vẽ vời như múa chữ, viết kiểu "phù thủy tráo chữ". Thí dụ ông Nguyễn T. Mắc gì xin chữ một người tử tù? Chữ vuông chữ đẹp chăng? Nguyễn T bẻ hết nguyên tắc Tiếng Việt, tự đặt ra chữ, thí dụ : chém treo ngành, chùa đàn, mê thảo, xác ngọc lam, đới roi, loạn âm, thả thơ, đánh thơ. (...). Nguyễn T thường nói mình "chơi chữ" (...).
Nhưng chữ nhiều mà đi khoe như quần áo mới thì có gì đó nó kỳ khôi, ông bà ta nói “thùng bể kêu to”. Lão Tử dạy rằng kẻ biết là kẻ không khoe, kẻ không biết mới hay khoe. Không có cái gì toàn vẹn. Nếu cái gì cố khéo quá sẽ thành giả giả.
Có ai nhớ câu sấm Trạng Trình ?
“Bao giờ ngựa đá sang sông
Thì dân Vĩnh Lại quận công suốt làng”
Trên đường chạy trốn do Tây Sơn đuổi, Lê Chiêu Thống bị dân lột cướp hết mũ mão, áo quần. Sau thì một đám dân rước vua về làng Vĩnh Lại ép vua lấy dấu đóng lên chiếu phong quận công gần hết làng. Ai dè sáng ra Tây Sơn tràn tới chém đầu cả làng quận công. Đó là thói dốt nhưng háo danh.
Đầu năm phải có ấn đền Trần để làm gì? Từ một hình thức bình thường thành "tín ngưỡng", "tâm linh" đầu năm là sao? Một số đông người mong thăng quan tiến chức. Mong bổ túc văn hóa mau mau đặng ra lên chức. Cái tâm lý không muốn làm mà muốn hưởng, không có học mà vẫn thăng quan vù vù, tạo ra tâm lý phát cuồng mà họ coi là bình thường. Mà quả thiệt lên cũng vù vù đó rồi lại giải quyết hậu quả.
Lễ hội tâm linh đã thể hiện tâm lý của một thói quan quyền, thói háo danh. Nó có bà con với tham nhũng. Dư của thì rậm rật và tâm lý muốn giữ mãi địa vị thượng đẳng nên cúng kiếng, tâm linh, ấn này ấn nọ.
Ông bà ta có câu :
"Trời làm một trận can qua
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông"
Khi mà những kẻ háo danh đó trở về đúng vị trị của nó thì xã hội sẽ lành mạnh theo lệ thế giới tiến bộ. Thì tức khắc những cảnh "kỳ lạ" giả ấn đóng dấu phát ào ào này sẽ không còn tồn tại.
NGUYỄN GIA VIỆT 05.02.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.