Đăng ngày:
Trung Quốc « cấm » chết vì Covid
Courrier International đặt câu hỏi « Phải chăng chết vì Covid bị cấm ở Trung Quốc ? ». Rất nhiều thân nhân những người quá cố tố cáo các bệnh viện ở Hoa lục dùng thủ đoạn để ngăn trở khai lý do tử vong thực sự. Một người dân ở Trùng Khánh kể : « Cha tôi qua đời vào sáng sớm 25/12, bệnh viện nói rằng nếu khai chết vì Covid thì bảo hiểm y tế sẽ thanh toán chi phí nằm viện rất ít, còn khai do bệnh hô hấp sẽ được hoàn trả nhiều hơn ». Có những bác sĩ cho biết bị yêu cầu sửa lại lý do tử vong.
Trên mạng Vi Bác, một người tên La Ni tiết lộ : « Ở nhiều nơi, quy định ngầm để được cấp giấy chứng tử là không có chữ "virus Corona", nếu không nhà đòn không phục vụ. Thế nên tang gia đành phải chấp nhận để người thân được nhanh chóng mai táng ». Một người khác cho biết có người ông chết vì Covid, nhưng giấy chứng tử ghi là do nhồi máu cơ tim. Người này giận dữ viết : « Ông của tôi không mắc bệnh gì trước đó, vấn đề về tim lại càng không ! ». Đồng thời đả kích « cái thế giới bịt tai che mắt » trước thực tế là các cơ sở hỏa táng đều quá tải, nhưng số tử vong vì Covid trên báo chí vẫn chỉ có một con số.
Được biết tuy làn sóng Covid đang hoành hành dữ dội, nhưng cơ quan y tế Trung Quốc loan báo từ đầu tháng 12 đến nay chỉ có chưa đến 30 người chết vì đại dịch. Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đòi hỏi cung cấp dữ liệu khả tín, Bắc Kinh ngạo mạn nói rằng tổ chức quốc tế này cần có thái độ « khoa học và khách quan ».
Tập Cận Bình đưa đất nước vào thảm họa
Trong bài « Thảm họa Trung Quốc », L'Obs nhận định ba năm sau khi con virus xuất hiện ở Vũ Hán, Tập Cận Bình đã bất thần chấm dứt kế hoạch zero Covid của chính ông ta, nhấn chìm đất nước vào tình thế bi kịch, gây hậu họa không thể lường được. Vô số video trên mạng xã hội cho thấy hành lang bệnh viện chật ních các bệnh nhân bị khó thở, xe cấp cứu chạy vòng vòng nhiều giờ tìm một chỗ cho người bệnh. Những thi thể đặt nằm san sát trên sàn vì nhà xác quá tải, cơ sở hỏa táng buộc thân nhân phải chờ nhiều ngày...Chính quyền chấm dứt công bố số liệu dù đã phù phép.
Tuy nhiên vẫn có thể tìm được những chỉ dấu, như một thăm dò trên internet cho thấy 80 % cư dân Bắc Kinh đã bị lây nhiễm chỉ trong vòng ba tuần lễ. Tại tỉnh duyên hải Chiết Giang, ước tính mỗi ngày khoảng 1 triệu ca dương tính ; và Trung tâm Phòng chống dịch Trung Quốc cho rằng đã có 250 triệu người nhiễm Covid trong 20 ngày qua. Số tử vong đến 29/12 là 100.000 người, theo Airfinity, trung bình mỗi ngày có 9.000 người chết vì Covid ở Hoa lục.
Người dân đổ xô đi mua thuốc, các nhà thuốc nay không còn paracétamol dù Trung Quốc là nhà sản xuất thuốc giảm sốt hàng đầu thế giới. Dân Hoa lục đành tự chữa trị bằng chanh và lê ngâm nước đường đóng hộp, được cho là chống virus, giá đã tăng gấp năm lần. Chỉ những người giàu may mắn nhất mới mua được thuốc kháng virus Paxlovid nhập từ Mỹ, mỗi hộp được giành giựt với giá vài ngàn đô la. Các nhà dịch tễ học cho rằng đợt dịch này đến tháng Tư sẽ làm 800 triệu người bị nhiễm và 2,1 triệu người chết. Không thể hiểu nổi vì sao ba năm qua Bắc Kinh chỉ chích ngừa cho người trong độ tuổi lao động, bỏ qua người lớn tuổi. Vì sao đang khoe khoang tính « ưu việt » của chế độ so với phương Tây, bỗng chốc quay ngoắt 180 độ, bỏ mặc người dân « trời kêu ai nấy dạ », ngay trong mùa đông dễ lây nhiễm ?
Mạng xã hội đưa ra đủ loại giả thiết. Một số cho rằng « trời phạt » cái chế độ « bất chính, vô thần, phi đạo đức », như những triều đại suy tàn trong lịch sử Trung Hoa. Số khác nghi ngờ Tập Cận Bình đã bị mất đi quyền lực thực tế. Nhà cựu ngoại giao Anh Roger Garside viết : « Tập không còn được người dân tin tưởng, đã mất đi "Thiên mệnh" ». Tuy nhiên dịch bệnh bùng nổ còn gây lo sợ bên ngoài Hoa lục. Số lượng người khổng lồ không miễn dịch bị nhiễm Covid có thể tạo ra những biến thể mới tránh né được vac-xin. Tờ Liên hiệp Tảo báo (Lianhe Zaobao) của Singapore đòi hỏi Bắc Kinh phải minh bạch, nhấn mạnh rằng một đại cường cần phải có trách nhiệm.
Nhiều nhà đầu tư « một đi không trở lại » Hoa lục
The Economist lo lắng « Việc Trung Quốc mở cửa có thể làm rối loạn kinh tế thế giới ra sao ». Trong ba năm qua, chính xác là 1.016 ngày, Hoa lục hoàn toàn đóng kín. Không còn du khách, hầu hết sinh viên ngoại quốc đã ra đi, các nhà khoa học Trung Quốc không còn tham dự các hội nghị quốc tế, những nhà quản lý nước ngoài không được phép quay lại công ty ở Trung Quốc.
Sự kiện Bắc Kinh chấm dứt tình trạng tự cô lập là tin vui cho những nơi lệ thuộc vào chi tiêu của Trung Quốc, như những khách sạn ở Phuket hay các trung tâm thương mại Hồng Kông. Các nhà xuất khẩu nguyên vật liệu cũng được lợi : Bắc Kinh mua 1/5 số dầu lửa trên thế giới, hơn phân nửa lượng đồng, nickel, kẽm, hơn 3/5 quặng sắt. Ngược lại, đa số nước sẽ bị lạm phát, lãi suất tăng. Việc Trung Quốc hồi phục nhanh chóng sẽ làm giá dầu thô Brent vọt lên 100 đô la/thùng. Nhờ zero Covid, châu Âu chi ít tiền hơn để mua khí đốt dự trữ năm 2022, nhưng từ nay sẽ bị cạnh tranh giá khí hóa lỏng.
Đối với bản thân Trung Quốc, sự bình thường hóa sau đại dịch không có nghĩa là trở lại với nguyên trạng trước đó. Sau khi thấy Bắc Kinh phong tỏa một cách nghiệt ngã rồi bất thần từ bỏ chính sách zero Covid mà không hề chuẩn bị, nhiều công ty đầu tư coi Trung Quốc là một rủi ro lớn. Các doanh nghiệp nước ngoài lo sợ hoạt động bị rối loạn, sẵn sàng trả giá cao hơn để sản xuất ở nước khác. Đầu tư vào các nhà máy mới ở Hoa lục đã chậm lại, trong khi số công ty ra đi không hẹn ngày trở lại tăng vọt. Ý thức được nguy hiểm, quan chức và doanh nhân ở Phúc Kiến, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Chiết Giang cũng như nhiều nơi khác chuẩn bị lên đường thăm các nước để cố gắng giành lại các nhà đầu tư.
Ấn Độ-Thái Bình Dương, khái niệm địa chính trị mới
Trên bình diện địa chính trị, The Economist chú ý đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực liên kết lớn đang hình thành nhằm chống lại một Trung Quốc hiếu chiến. Mới cách đây vài năm, cụm từ này còn lạ lẫm, nhưng nay nhiều nước đã có chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và kể cả Mông Cổ, còn Hàn Quốc vừa mới tham gia vào tháng 12.
Thái độ hung hăng và « ngoại giao chiến lang » của Trung Quốc khiến một loạt các láng giềng lo ngại. Đồng minh chính của Hoa Kỳ ở châu Á là Nhật Bản đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối hai đại dương. Sức mạnh kinh tế Đông Á gắn kết với sự năng động của Nam Á, để đối phó với thách thức từ Bắc Kinh. Những vụ khiêu khích ở biên giới khiến Ấn Độ thay đổi quan điểm, ủng hộ khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở », với chủ đề chung : các nước nhỏ « không thể bị mua chuộc hoặc cưỡng bức phải nằm trong phạm vi bá quyền của Trung Quốc ». Đáng tiếc là một số nước còn ngần ngại, như Indonesia.
Nhật sẽ là cường quốc quân sự thứ ba thế giới
Le Point nói về « Nhật Bản, người khổng lồ quân sự mới ». Quốc gia bại trận trong Đệ nhị Thế chiến nay tái vũ trang vì sự hung hăng của Trung Quốc, và thiếu tin tưởng nơi sự bảo vệ của Mỹ. Bảy mươi bảy năm sau khi đầu hàng vì hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, chính phủ Kishida quyết định tăng gấp đôi chi quốc phòng trong vòng 5 năm, đạt 2 % GDP. Như vậy đến 2027 Nhật Bản sẽ là cường quốc quân sự thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tokyo đã lật hẳn sang trang mới của Hiến pháp chủ hòa vì diễn biến địa chính trị đáng lo tại châu Á-Thái Bình Dương, có thể tóm gọn trong một chữ : Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đầu tư lớn trong thập niên qua về quân sự trên mọi mặt, từ không quân, hải quân cho đến công nghệ mới như hỏa tiễn siêu thanh, trí thông minh nhân tạo, điều khiển học, lượng tử. Sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc cộng với việc siết chặt quan hệ với Nga kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina đã làm đảo lộn thăng bằng khu vực. Những khiêu khích của Bắc Kinh như đào đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa...gây lo ngại. Hoa Kỳ đang bận rộn với cuộc chiến ở Ukraina, liệu có thể giúp duy trì hòa bình và ổn định tại châu Á ? Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc...đang chạy đua vũ trang, cho thấy các nước đều có cùng mối lo này.
Courrier International cho biết thêm, Úc hôm thứ Năm 05/01 đã đặt mua 20 giàn Himars. Loại vũ khí này được coi như « Thần Chiến tranh » : chỉ với một vụ tấn công bằng Himars ở Makiivka, quân đội Ukraina đã gây tổn thất nặng nề cho Matxcơva với mấy trăm người lính thiệt mạng.
Trục xuất Nga khỏi Hội đồng Bảo an ?
Liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraina, Courrier International trích dịch Oukraina Moloda xuất bản ở Kiev cho rằng « Nga phải ra khỏi Hội đồng Bảo an ». Tờ báo đặt câu hỏi, làm thế nào mà Liên bang Nga đã chiếm được chiếc ghế ủy viên thường trực và quyền phủ quyết đối với tất cả các nghị quyết ?
Hồi năm 1945, Liên Xô, Ukraina và Belarus đều là thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc, còn chữ ký của Liên bang Nga chưa bao giờ xuất hiện trong điều lệ của tổ chức. Không hề có khuyến cáo của Hội đồng Bảo an hay quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận Nga là thành viên. Hội đồng Bảo an chỉ nhìn nhận Liên bang Nga kế thừa Liên Xô về nguyên tử và nợ nước ngoài, còn về vị trí ủy viên thường trực thì hoàn toàn không tìm thấy dấu vết.
Như vậy Liên bang Nga, tuy không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc, lại nghiễm nhiên trở thành ủy viên thường trực với thỏa thuận ngầm của bốn ủy viên khác (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc). Phương Tây ngây thơ nghĩ rằng Nga sẽ đương nhiên trở thành một quốc gia dân chủ, mà không biết là đã tạo ra một con quái vật. Một kẻ khủng bố ngày nay đang bắt chẹt toàn thế giới bằng cách đe dọa chiến tranh nguyên tử. Chưa đầy 30 năm qua, Matxcơva đã can thiệp vào Azerbaijan, Moldova, Chechnya, Gruzia, đe dọa châu Âu và Trung Á.
Cuộc xâm lăng Ukraina là cuộc chiến tranh lớn nhất kể từ 1945. Liên Hiệp Quốc bất lực trước những vụ tấn công của một nước được cho là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Chậm cải cách, tổ chức quốc tế chủ chốt này đã để cho quái thú Nga và Trung Quốc đe dọa nuốt chửng các nước nhỏ. Liên Hiệp Quốc cần phải có những định chế và công cụ để buộc các thành viên phải tôn trọng luật pháp quốc tế, kẻ xâm lược phải bị trừng phạt.
Hệ thống Starlink của tỉ phú Musk đã thay đổi cuộc chiến ở Ukraina
Cũng về Ukraina, The Economist dành nhiều giấy mực để nói về Starlink : « Làm thế nào các vệ tinh của Elon Musk có thể cứu vãn Ukraina và làm thay đổi cuộc chiến ». Đó là một trong những kỳ quan thế giới, hay đúng hơn, là bên ngoài thế giới. Thiên hà Starlink hiện có 3.335 vệ tinh đang hoạt động, chiếm phân nửa tổng số vệ tinh của cả thế giới. Trong nửa năm qua, cứ mỗi tuần trên 20 vệ tinh mới được phóng lên, cung cấp internet tốc độ cao cho 45 nước, với 1 triệu người thuê bao. Đa số giao dịch hiện ở Ukraina : Starlink đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng của Kiev.
Câu chuyện bắt đầu từ một dòng tweet của Mykhailo Fedorov, bộ trưởng bộ Chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraina gởi cho Elon Musk, hai ngày sau khi quân Nga tràn sang : « Thưa anh, trong khi anh cố gắng chinh phục Hỏa tinh, thì Nga đang định xâm chiếm Ukraina ! Khi hỏa tiễn của anh đáp thành công từ vũ trụ, thì hỏa tiễn Nga tấn công vào thường dân Ukraina ! Xin anh hãy cung cấp cho chúng tôi các trạm Starlink ». Chỉ vài giờ sau, nhà tỉ phú trả lời rằng đã kích hoạt dịch vụ Starlink trên lãnh thổ Ukraina và thiết bị sẽ gởi sau. Trong vòng vài ngày, những xe tải chở đầy các thiết bị bắt đầu đến Ukraina.
Trong tháng Năm, mỗi ngày có 150.000 người kết nối vào hệ thống. Chính phủ Ukraina nhanh chóng dựa vào đó để làm truyền thông, kể cả việc chuyển các thông điệp của tổng thống Volodymyr Zelensky. Do gọn nhẹ, Starlink hết sức hữu ích tại một đất nước mà mạng điện và viễn thông thường xuyên bị Nga đánh phá, tin tặc luôn tìm cách xâm nhập mạng internet. Khi Kherson được giải phóng vào tháng 11, nhờ Starlink mà điện thoại và internet được tái lập trong vài ngày.
Trợ thủ đắc lực của các chiến binh nơi tuyến đầu
Internet qua vệ tinh không phải là ý tưởng mới, nhưng Starlink có hai thay đổi triệt để. Trước đây, liên lạc thông qua vệ tinh chỉ dành cho sĩ quan cao cấp, bộ chỉ huy và người điều khiển drone, các cấp thấp hơn dùng sóng radio. Nhưng với Starlink, người chiến sĩ ở tiền tuyến có thể đăng các video, hình ảnh, thông tin trong thời gian thực ngay cả khi ở ngoài khu vực tiếp sóng di động, giúp họ linh hoạt hơn trong chiến tranh hiện đại. Thứ hai là không bị gây nhiễu hay tấn công tin học, hoặc bị bắn hạ.
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều sở hữu những hỏa tiễn có thể nhắm đến các vệ tinh trên vũ trụ, nhưng số lượng lớn và tốc độ di chuyển nhanh khiến việc bắn một vệ tinh Starlink là vô nghĩa. Một khả năng khác là tạo phản ứng dây chuyền : những mảnh vỡ của mục tiêu thứ nhất sẽ hủy hoại mục tiêu thứ hai, nhưng như vậy là quá quắt. Vả lại, những vệ tinh thông minh có thể « né » được. Theo COMSPOC, một công ty chuyên giám sát, những mảnh vỡ do Nga thử nghiệm hỏa tiễn một cách vô trách nhiệm hồi tháng 11/2021 đã tiến gần một vệ tinh Starlink khoảng 6.000 lần nhưng không gây ra thiệt hại nào, vì các vệ tinh này có thể điều chỉnh quỹ đạo để giảm rủi ro.
Về cơ bản, Starlink đã trở thành bản lề của hoạt động mà giới quân sự gọi là C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tin học, tình báo, giám sát, trinh sát). Nhờ đặt ở quỹ đạo thấp (550 kilomet thay vì 36.000 kilomet như các vệ tinh lớn), thời gian truyền tín hiệu rất nhanh. Các chiến binh Ukraina tải những hình ảnh của mục tiêu thông qua mạng di động, gởi đến một nhóm thảo luận được mã hóa để gọi pháo binh. Kiểu kết nối này chưa có một quân đội nào trên thế giới sử dụng trước đó. Bộ trưởng Fedorov nói rằng Kiev rất biết ơn vì sự trợ giúp này. Tuy nhiên SpaceX vẫn tiếp tục hạn chế, không kích hoạt Starlink tại những lãnh thổ bị Nga tạm chiếm – một quyền lực hiếm hoi đối với một công ty thương mại.
2023 khó có được tin tốt lành
Trang bìa L'Obs tuần này chú tâm đến việc học hành của những trẻ em đặc biệt thông minh, Le Point dành tựa chính cho « Vụ Houellebecq » : Nhà văn nổi tiếng bị Nhà thờ Hồi giáo Paris kiện vì « kích động hận thù » đối với người đạo Hồi. L'Express điều tra về nghiệp đoàn CGT từ tài chánh, vấn đề kế nhiệm lãnh đạo cho đến cuộc chiến tranh tư tưởng. Courrier International chạy tựa « Chiến tranh, đại dịch, khí hậu, lạm phát ...Vì sao cần có cái nhìn toàn cục ? ».
Le Point nhận định thế giới chúng ta ngày càng bất ổn, đến nỗi tự điển Collins bổ sung từ mới của năm 2022 « permacrise » (khủng hoảng thường trực), và khó thể dự báo tin tốt lành cho năm 2023. Điều gần như chắc chắn là tình hình kinh tế sẽ khó khăn, cuộc chiến tranh tiêu hao tiếp diễn. Trên lý thuyết, có thể có ba giải pháp. Đầu tiên và ít khả thi nhất : Kiev chấp nhận đề nghị ngưng chiến của Nga, Matxcơva giữ lại tất cả những vùng đất chiếm được. Thứ hai, quay lại với ranh giới trước ngày 24/02, Nga quản lý một phần Donbass và Crimée (khoảng 40.000 kilomet vuông). Phương án thứ ba, Ukraina lại có Donbass nhưng để Crimée cho Nga (có thể với bảo đảm tái thương lượng). Nếu Vladimir Putin ra đi, có thể mở ra cánh cửa đàm phán trực tiếp giữa đôi bên.
Ngoài ra, quân Nga có thể hoàn toàn bại trận nhưng khả năng này khó xảy ra, và càng khó hơn nữa là Nga chiến thắng ! Theo tuần báo, tuy Putin bị cô lập, Erdogan gặp khó khăn, Iran và Trung Quốc đối mặt với phong trào nổi dậy …nhưng khó thể vội kết luận điều gì. Tương tự, L’Express cũng bi quan cho rằng trước sự ương ngạnh của Putin, nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế chỉ có thể giúp đóng băng chứ không thể kết thúc được cuộc chiến ở Ukraina. Về phía Teheran và Bắc Kinh, phong trào phản kháng không thể lật đổ được chế độ độc tài, người dân chỉ còn cách chạy trốn hay tuân phục.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.