1. Nói tiếp về chuyện Trung Quốc
Hôm trước sau khi viết một đoạn về đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc, thì có bác comment thế này: “Hôm trước mình bảo Trung Quốc không bao giờ nói Nga rút quân về 1991 thì cụ với bác gì lại bảo không tin”. Và nói thêm rằng tui “đang ảo tưởng về câu từ của Bắc Kinh, ngay cả việc nghĩ rằng Trung Quốc không dám ủng hộ Nga vì vấn đề Đài Loan.”
Riêng về vấn đề Trung Quốc, xin báo cáo các bác rằng năm 2007 khi quay lại nước này (ở tại một trường đại học ở Thượng Hải) để “chá chư leo” nôm na là tìm tài liệu viết một công trình của khỉ gì đó về chính sách luật pháp của Trung Quốc, tui gặp mấy ông giáo sư. Các ông ấy bảo “muốn nói về Trung Quốc, phải đến đây sống và học tiếng Hoa, sau đó hiểu Trung Quốc thì nói gì hẵng nói.”
Đặt trong câu chuyện Trung Quốc có hỗ trợ Nga về quân sự hay không – thì chúng ta sẽ hình dung với nhau như thế này:
Thứ nhất, tui hoàn toàn không nghi ngờ rằng Trung Quốc đã hỗ trợ Nga ngay từ đầu chiến tranh với những thứ “nho nhỏ” khó kiểm soát. Đơn giản nhất là các chi tiết của vũ khí cá nhân – đây là điều dễ nhất cho Trung Quốc vì kể cả có bị túm, thì cũng rất khó xác định. Ngoài ra chất lượng các chi tiết của vũ khí cá nhân Nga sản xuất trong giai đoạn gần đây bị khách hàng kêu ca nhiều, chắc chắn sẽ bị hỏng vô thiên lủng trong điều kiện chiến tranh.
Đó là miếng mồi béo bở cho công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, vì cho phép sản xuất số lượng lớn và giá thành rẻ. Với kinh nghiệm cá nhân của tui biết được thì cho đến nay, nếu đặt hàng Trung Quốc sản xuất thì chỉ trong ngày có thể có được khuôn mẫu và hôm sau chạy thử dây chuyền, hôm sau nữa hoàn thiện và 3 ngày đạt công suất tối đa. Câu chuyện sẽ tương tự với... nòng pháo là thứ to hơn một tí.
Thứ hai, điều mà Nga cần nhất ở Trung Quốc là... đạn pháo. Trung Quốc được biết tới là nước có kho đạn pháo cũ to... không kém của Nga, và Bắc Triều Tiên chắc chắn là xếp sau. Tuy vậy với cách bắn như của Nga thì thực sự, có đưa cả cho Nga may ra cũng chỉ bắn được 3, 4, 5 tháng với điều kiện là các kho đạn không bị Ukraine quại cho phát nào, trong khi đó chính Trung Quốc cũng sẽ rỗng kho.
Thực tiễn cuộc chiến tranh của Nga tiến hành ở Ukraine cho thấy đạn pháo ngu truyền thống vẫn cực kỳ quan trọng với cả hai bên, và người Ukraine sử dụng pháo binh thông minh và sáng tạo như thế nào. Do vậy Trung Quốc vẫn phải giữ kho đạn đó của mình chứ chẳng có lý do gì để... clear stock cả. Vì vậy việc Trung Quốc giúp đạn pháo cho Nga, chỉ trong trường hợp như thằng cha Igor Girkin nói: phải có Lend-lease của Trung Quốc cho Nga, tức là hai nước thực sự trở thành đồng minh, chứ không phải “đồng minh đểu” như hiện nay.
Chuyến đi sang Mátxcơva của Vương Nghị (đang là chủ nhiệm Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) – nên hình dung ông ta là cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc về đối ngoại chỉ sau Tập Cận Bình và do đó, không đồng cấp với Lavrov.
Tại sao tui lại viết trên đây: “Hiểu Trung Quốc đi đã rồi nói gì hẵng nói”. Riêng trong quan hệ Trung – Nga thời điểm “đại sa lầy” này, khi mà các lợi ích của Trung Quốc chắc chắn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do suy thoái kinh tế toàn cầu và sự nghi kỵ của các nước xung quanh đối với Trung Quốc ngày một tăng lên, thì việc Vương Nghị sang Nga, không còn chỉ là thăm dò. Nếu chỉ thăm dò, sẽ cử Tần Cương, bộ trưởng ngoại giao. Ở đây là sang còn để đe nẹt nữa. Riêng với Trung Quốc tầm này không có chuyện nịnh Nga đâu.
Luôn luôn cực kỳ ích kỷ và khôn như rắn, Trung Quốc chỉ hành động vì lợi ích của mình và nếu đã không hỗ trợ được cho Putox về quân sự, thì cũng chẳng có lý do gì để Trung Quốc xui Putox kéo dài chiến tranh đến vô tận. Làm như thế thì Putox sẽ diệt vong và Trung Quốc sẽ chưa biết phải hành động như thế nào trong hoàn cảnh đó. Một Putox yếu đuối dễ bảo sẽ dễ hơn cho ông Tập Cận Bình.
Tất nhiên, việc Vương Nghị thay mặt Tập ra lệnh cho Putox rút quân về đường biên giới năm 1991 là không thể có, nhưng việc nói thẳng ra về một tình thế vô vọng của Putox là hoàn toàn có thể xảy ra, mà điều đó có lẽ, chẳng khác gì bảo “thôi ông rút đi.” Ngồi xung quanh cái bàn chẳng thằng nào ngọng ngô gì, và khi đọc ngay điều 1 là “tôn trọng chủ quyền quốc gia” thì đã hiểu ngay, chuyến đi của Vương Nghị sang Mátxcơva với Putox chẳng dễ chịu gì đâu.
Những thứ ông ta nói với Putox, phải khác với những gì Nhà nước của ông ta công bố (12 điểm). Cái công bố ra chỉ là để đỡ mất thể diện cho Nga thôi, còn nói chuyện sẽ là vừa an ủi vừa... thẳng thắn đe dọa. An ủi 4, thẳng thắn 6. Theo thời gian tỉ lệ này có khi còn tăng lên.
Đến hôm qua thì nghe RFI bình luận: trong khi phương tây lạnh nhạt với cái bản “12 điểm” này, thì ông V. Zelenskyi có thái độ tích cực hơn khi nói rằng như vậy là “Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Ukraine” và tui đồng ý với ông ấy.
Nhìn chung việc tháng Tư này ông Tập Cận Bình có sang Mátxcơva nữa hay không, còn là một ẩn số, vì nó còn phụ thuộc vào sinh mạng chính trị của Putox, và hơn 1 tháng có biết bao điều có thể xảy ra.
Tui khác nhiều bác khi cho rằng Trung Quốc đưa ra 12 điểm có yếu tố tích cực là vậy.
2. Về tình hình Bakhmut
Hai, ba hôm vừa rồi cứ rộ lên thông tin về Bakhmut nào là chuẩn bị bị vây, nào là sắp phải bỏ... Đồng thời một số bác đưa ra phân tích rất xác đáng: nếu như có phải bỏ Bakhmut thì cũng hợp lý vì từ lâu phía Ukraine đã chuẩn bị các vị trí phòng thủ trên các vùng đồi sau thị xã này.
Nếu xem trên bản đồ địa hình kèm theo bài này thì các bác sẽ thấy điều đó là đúng: các địa danh như Berkhivka, Khromove, Ivanivske đều nằm trên hoặc cạnh các dãy đồi (trên bản đồ là các vệt đen) – chúng nằm sát ngay thị xã Bakhmut và trải dài theo các hướng tây bắc – đông nam ở tây bắc thị xã, tây – đông ở tây thị xã và tây nam – đông bắc ở tây nam thị xã.
Dãy đồi có thể dài từ một chục ki-lô-mét (từ Chasiv Yar đến Khromove là khoảng non 10 ki-lô-mét đường chim bay đến kéo dài hơn, có thể ước tính cỡ 30 ki-lô-mét chiều sâu). Ngoài ra dưới chân của chúng có các sông suối nhỏ, tạo nên một địa hình khó công dễ thủ. Đặc biệt ngay cả khi lực lượng tấn công từ đông sang tây (như Nga hiện nay) thì ngay cả chiếm được thị xã rồi, cũng khó có thể vượt qua được lực lượng phòng thủ bố trí trên phòng tuyến tự nhiên trên.
Về giao thông, các tuyến đường cao tốc Kharkiv – Rostov và Donetsk – Kyiv chạy qua Bakhmut. Ở đây còn có tuyến đường sắt từ Kramatorsk sang và đi Horlivka, Makiivka đến thành phố Donetsk. Vì vậy nếu nói rằng nó không có ý nghĩa gì về chiến lược thì không phải, xin xem bản đồ số thứ 2 kèm theo bài này. Trên đó có một đường đỏ, là chiến tuyến trước khi The Battle of Bakhmut bắt đầu, sau khi Nga chiếm được cặp thành phố Severodonetsk và Lysychansk.
Nhìn vào những cái rễ cây loằng ngoằng trên bản đồ chúng ta có thể thấy rằng dù có chiếm được Bakhmut, thì Nga mới có thể có được một đoạn đường sắt từ đó đến Donetsk, và con đường sắt thuận tiện nhất để tiếp vận cho chiến trường Donbas với mục tiêu “xử lý” nốt 2 thành phố Slovyansk và Kramatorsk là tuyến Valuiki – Kupyansk – Lyman – Bakhmut – Horlivka – Donetsk vẫn bị đứt ở Kupyansk và Lyman.
Như vậy nói là nó không có vị trí chiến lược cũng không phải nhưng nói là nó – cái đinh của tất cả các vấn đề thì... còn lâu. Chiếm được Bakhmut nhưng không chiếm lại được Lyman và Kupyansk, thì Nga coi như... chưa có gì.
Chúng ta cần điểm lại một số tin từ cách đây đến... 9 tháng.
Ngày01/05/2022, chúng ta điểm tin 2 lữ đoàn xe tăng số 4 và số 17 Ukraine đến hỗ trợ phòng thủ vòng cung Popasna – Izyum.
Đến ngày 11/05 lữ đoàn xe tăng số 17 lữ đoàn xe tăng 17 của Ukraine phục kích phá hủy cầu phao qua sông Severskyi Donets do Nga bắc; tiêu diệt khoảng 60 đến 70 phương tiện của Nga, trong đó có nhiều xe tăng, xe bọc thép.
Sau đó khoảng 2 tháng chiến đấu ác liệt, lữ đoàn này mất khoảng 1/3 số xe tăng (bị bắn cháy) và tính cả số bị hỏng phải phục hồi, thì chỉ còn non nửa số xe tăng có thể hoạt động được.
Từ khi bắt đầu The Battle of Donbas, đơn vị này được bố trí đâu đó khu vực Vrubivka. Nhưng sau khi Nga chiếm được hai thành phố Severodonetsk và Lysychansk thì đơn vị này được rút về phía sau, và khả năng lớn nhất là nó được sử dụng hỗ trợ phòng thủ Bakhmut, đồng thời được phục hồi và bổ sung quân số, khí tài.
Tuy nhiên thời gian vừa qua trong những trận đánh dai dẳng với mong muốn chiếm Bakhmut của Nga, chúng ta không thấy có nhiều hình ảnh xe tăng Ukraine tham chiến, hoặc ít nhất là tui không thấy trên mạng xã hội có ở đâu xung quanh Bakhmut cả. Thậm chí cả xe tăng Nga cũng ít. Đồng thời những thông tin khác đến với chúng ta về trận đánh này là của “những làn sóng người” của quân Nga xua sang, và chết hết lớp này đến lớp khác.
Vì vậy tui cho rằng, chẳng cần đội quân tinh nhuệ đang được huấn luyện hoặc mới huấn luyện xong của Ukraine, chẳng cần xe bọc thép Bradley, chẳng cần máy bay gì hết. Chỉ cần lực lượng như hiện nay: ít bộ đội với dân quân tự vệ, à quên, lực lượng phòng thủ lãnh thổ cầm chân được họ, rồi nếu họ vào thị xã chỉ cần bắn pháo từ đồi cao vào là đủ chết.
Nhưng hôm qua đã thấy hình ảnh xe tăng của Lữ đoàn 17 tiến vào phản kích ở hướng bắc thành phố. Con quỷ Prigozhin thì phao tin: xe tăng Leopard đã có ở Chasiv Yar rồi. Tui thì cho rằng hô lên thế cho đỡ nhục mặt, chứ cần gì Leopard. Chỉ cần xe tăng của Nga bỏ lại ở Kupyansk năm ngoái đã đủ dùng rồi.
Vậy tại sao tui cứ khăng khăng từ rất lâu rằng, Bakhmut, Nga chẳng bao giờ chiếm được, và úp úp mở mở một lý do dớ dẩn nào đó là “khi nào hết chiến tranh mới nói được?” Cái đó thì cứ để đến hết chiến tranh đi, nhưng tui có một đoán mò như thế này:
Thời gian qua quân đội Ukraine cũng đã chịu những tổn thất nặng nề, đặc biệt là trong các trận đánh bảo vệ Mariupol, Donbas (có bảo vệ Severodonetsk, Lysychansk và hướng nam Izyum) và sau đó cả ở Kherson. Khi đối phương chấp nhận mất 10 người để đạt được một lợi ích dù tối thiểu, thì anh cũng phải mất 2 người, chưa kể bị thương. Vì vậy nếu con số của Hoa Kỳ đưa ra rằng Nga mất 200.000 người thì phía Ukraine cũng phải thương vong đến cỡ 100.000 lính.
Do vậy ngay trong quá trình bảo vệ Severodonetsk và Lysychansk, người Ukraine chắc chắn đã phải thai nghén một kế hoạch cho Izyum – Kupyansk và sau đó là Kherson rồi. Và dù những gì đã diễn ra có vẻ như thiệt hại không quá lớn cho họ (chiến dịch mùa thu) nhưng sau thời gian đó vẫn phải có giai đoạn phục hồi hậu quả của trận bảo vệ Donbas. Đồng thời thời gian huấn luyện cho lính Ukraine cũng lâu hơn nữa, chứ không phải là vài ngày như người Nga đang làm.
Có một sự trùng trình trong hỗ trợ thêm vũ khí của phương Tây làm cho các đoán mò của tui bị sai – tui đoán thời điểm 1 năm sẽ ngã ngũ, nhưng sau đó tui đã từng điều chỉnh lại rằng 1 năm sẽ là thời điểm có chuyển biến và 18 tháng có thể mọi thứ sẽ xong hết. Với những tính toán đó thì Bakhmut với đặc điểm của mình (tui đã viết ở đâu đó là từ nó đến Kramatorsk và sau đó là Slovyansk đã có hệ thống công trình phòng ngự kiên cố của người Ukraine) thì Nga đến Bakhmut còn khó mà chiếm được, chứ nói gì đến chuyện từ đó đi tiếp tới Kramatorsk, Slovyansk.
Những đoán mò này còn căn cứ trên quá trình quan sát và đoán mò về thực lực của Nga rõ ràng đang đuối dần.
Vì vậy từ hai ba hôm nay tui thường động viên các bác gửi câu hỏi: người Ukraine có thể rút ra, rồi lại đánh vào (không nhất thiết tấn công bằng người vào thị xã) Bakhmut. Còn quân Nga có chiếm được thì sau khi đã bắn nát nó thành đống gạch vụn, họ làm sao mà giữ được? Không phải là vào rồi có khi còn không kịp chạy ra à... Do đó tui đã kết luận với các bác ấy: Bakhmut sẽ là điểm cuối cùng, ghi nhận sự chấm dứt quá trình tấn công của Nga và từ bây giờ trở đi lại đến “chu trình của người Ukraine” hay gọi tiếng Tây cho sang mồm là “Ukranian Cycle” (he he, nghe cứ như Carnot Cycle ấy nhỉ. Bác nào là dân máy nổ chắc chắn biết khái niệm này).
Nhân tiện nói thêm: thị xã Lyman diện tích 41 ki-lô-mét vuông (lại bằng thành phố Bắc Ninh) nên gọi nó là thị xã cũng phải. Cơ mà trước nay tui vẫn gọi The Battle of Bakhmut là “trận đánh cấp huyện” – không hiểu sao ở cái diễn đàn online nào người ta hằn học chê bai nhưng lại nhầm lẫn: “dám gọi Bakhmut là trận đánh cấp xã, hóa ra diện tích của nó bằng Sài Gòn năm 1975...” kinh chưa.
Trước chiến tranh Bakhmut có dân số non 72.000 người, và dân số Sài Gòn năm 1954 đã là 2.000.000 người. Thật ra so sánh tương đương với Sài Gòn năm 1975 cũng không sai – vì nếu chỉ so với khu vực chỗ quận Nhất và quận Hai trước 1975. Tuy nhiên từ năm 1956 “Đô thành Sài Gòn” tức là cả Sài Gòn và Chợ Lớn thì diện tích cũng đã khoảng gấp 3 lần con số 41 ki-lô-mét vuông trên đây rồi.
So sánh này có thể không chính xác, mong các bác bổ sung giúp.
3. Đoán mò:
• Vài ngày vừa qua đã có nhiều tin các kho tàng và đơn vị Nga sâu trong hậu phương bị tấn công, và chắc chắn là với khoảng cách xa hơn tầm bắn của HIMARS. Đặc biệt là một số mục tiêu ở thành phố Mariupol bị tập kích.
Cho đến nay, nếu để tiếp vận cho chiến trường Donbas, Nga đã và đang dùng các tuyến đường sắt này:
(1) Valuiki – Kupyansk – Lyman
(2) Milerovo – Luhansk
(3) Horlivka – Shakhty (Nga) – Rostov
(4) Donetsk – Snizhne – Kuibyshevo – Rostov
Trong đó bây giờ tuyến số (1) đã toi hẳn, Nga khỏi dùng sau cú “bỏ chạy mùa thu”. Tuyến số (2), quá thuận tiện nhưng nó chỉ cách Lyman có 100 ki-lô-mét đường chim bay và từ bây giờ trở đi với các vũ khí tầm bắn trên 100 ki-lô-mét thì tuyến này cũng... vứt đi. Các tuyến số (3) và (4) đều không tính vì chẳng hạn – Horlivka quá gần chiến tuyến, chúng ta đã nghe lâu nay các mục tiêu của Nga ở Makiivka bị Ukraine tấn công và mới gần đây thêm Ilovaisk nữa.
Do đó với tình thế này, Mariupol sẽ trở thành tâm điểm quan trọng của hệ thống hậu cần Nga – dù có thể phải đi đường vòng rất xa, coi như đi vòng qua cả biển Azov: Rostov – Crimea – Dzankoi – Mariupol. Tuyến này mà phục vụ cho cả chiến trường miền nam và một phần Donbas thì chắc chắn quá tải.
Từ bây giờ quá trình “giã cho mềm” sẽ tiếp tục diễn ra và khoảng 1 tháng sẽ thấy kết quả rõ ràng hơn.
• Không nhớ hôm nào tui đã báo cáo các bác rằng gần đây Nga tăng cường chiến tranh điện tử, phá sóng, chặn sóng radar, GPS và máy bay do thám... hòng tăng cường hiệu quả của những đợt tấn công bằng tên lửa. Trước đây họ bắn tên lửa với tần suất dày, bây giờ thì bắn đệm thêm tên lửa giả.
Tin hôm qua: Cái máy bay A50U của Nga bị phá nổ ở sân bay bên Belarus, là một phần của chiến dịch chiến tranh điện tử đó. Nó có nhiệm vụ quan sát các mục tiêu phóng lên của Ukraine từ mặt đất – chưa hết, nó còn có thể phát hiện các trạm radar và cả hệ thống phòng thủ tên lửa của Ukraine nữa. Nhờ có nó mà các tên lửa phóng vào Ukraine của Nga sẽ dễ vượt qua hàng rào để đến mục tiêu hơn.
Mỗi máy bay này có tầm kiểm soát hiệu quả là 300 ki-lô-mét, do đó với toàn lãnh thổ Ukraine chắc hẳn Nga phải cần dăm bảy cái. Việc Nga sử dụng cái này trong thời gian qua nhiều lên cho thấy các trạm mặt đất của họ có khả năng bị giảm hiệu lực hoặc bị chính người Ukraine dùng chiến tranh điện tử để phản công lại.
• Gần đây có một loạt các “nhà bình luận quân sự” xứ Tây Phi có thái độ Pro-Putox đăng đàn chém ầm ầm, trong đó có người bình luận xanh rờn rằng Nga đang thắng thế trên chiến trường (căn cứ vào tình hình Bakhmut). Tất nhiên họ nghe tin tức Nga và coi đó là chính thống. Không những thế, các nhà bình luận quân sự này sẽ có xu hướng tập trung vào phân tích đánh chỗ nọ tấn chỗ kia mà chẳng bao giờ nhớ ra chuyện quân đội Putox thân yêu của họ thiếu giấy chùi đít.
Thực tế rằng, nếu không có một quá trình tìm hiểu và biết chắt lọc tin tức, thì việc đi đến nhìn nhận như vậy không quá khó, và từ một góc độ nào đó ở thời điểm cuộc chiến đi được 1 năm, Ukraine cũng đang thua. Nói chính xác, từ đầu cuộc chiến Nga luôn luôn thua về mặt chiến lược và Ukraine thắng về mặt chiến thuật; nhưng ở cấp độ tác chiến phải nói rằng Ukraine cũng là thua nhưng quá trình này rất chậm.
Tại sao tui phải nói như vậy? Vì trong suốt một năm họ phải đối mặt với một cuộc chiến “bào mòn” khác của người Nga, với chiến thuật biển người và lực lượng pháo binh, xe tăng cực lớn. Ngay cả khi người Ukraine có các đơn vị tinh nhuệ hơn của Nga với cách đánh khác để bảo toàn được lực lượng tốt hơn, tiêu diệt nhiều quân Nga hơn, thì người Ukraine vẫn thiệt hại.
Đó cũng là lý do lúc này họ đang phải tạm dừng lại. Đó cũng là căn cứ của những người Pro-Nga chém như bom thời gian vừa rồi. Chỉ khi nào Hồng quân Putox thân yêu của họ lại chạy re kèn như hồi mùa thu, thì lại ngậm ngùi.
Câu chuyện sẽ là: Cả hai bên sẽ bổ sung lực lượng, chứ không chỉ riêng Ukraine. Nhưng – bên nào bổ sung được lực lượng chất lượng cao hơn thì sẽ có lợi thế.
• Ông J. Biden nhấn mạnh rằng ông hiện không có kế hoạch đưa ra quyết định về việc gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine, và cho rằng việc CHND Trung Hoa chuyển vũ khí sát thương cho Nga là điều khó xảy ra.
Bình loạn: Là không bình gì nữa. Gửi các bác con số thống kê sau 1 năm chiến tranh, quân đội Nga tiễn 2 bác trung tướng, 7 thiếu tướng, 53 đại tá về thăm các cụ râu xồm.
PHÚC LAI 27.02.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.