Từ khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" bắt đầu (24-02-2022) Putin đã lớn tiếng hăm dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các quốc gia NATO can thiệp quân sự. Putin trong chừng mực đã vạch ra một "lằn ranh đỏ", không cho phép các quốc gia thuộc khối NATO vượt qua.
Trên thực tế, ta thấy (dường như) Mỹ và EU "tuân thủ" không vượt qua lằn ranh đỏ của Putin. NATO không trực tiếp can thiệp, tức gởi quân lính vào chiến trường Ukraine. NATO đã không viện trợ các thứ vũ khí "tấn công" cho Ukraine.
Các quốc gia NATO (Mỹ, EU...) chỉ viện trợ các thứ vũ khí cần thiết để quân Ukraine "tự vệ", như các loại vũ khí chống chiến xa và hỏa tiễn phòng không cầm tay. Thật vậy, các thứ như chiến xa, chiến đấu cơ... ban đầu NATO không chuyển giao cho quân Ukraine.
Viện trợ quân sự của Mỹ và EU cho Ukraine tăng vọt, cả về phẩm lẫn lượng, sau khi quân dân Ukraine chứng minh trên chiến trường rằng họ có thể thắng quân Nga. Cả bộ đầu não của Ukraine, bao gồm tổng thống Zelensky, đều "trụ" lại trên chiến trường. Không một ai "đào tẩu" hết cả. Từ đó ta thấy các quốc gia như Đức (và các quốc gia Đông Âu cũ) bắt đầu gởi chiến xa và chiến đấu cơ cho Ukraine. Mặc dầu các chiến đấu cơ được chuyển giao dưới hình thức "phụ tùng thay thế".
Ta không hiểu là các quốc gia NATO "sợ" Putin trả đũa hay là một "chiến thuật", một thủ thuật để "vượt lằn ranh đỏ" mà Putin không làm gì được.
Vụ trưng cầu dân ý "đồng ý sáp nhập vào liên bang Nga" của 4 vùng lãnh thổ phía đông và đông nam Ukraine vừa kết thúc, với kết quả dĩ nhiên từ 90%. Putin cũng vừa ký nghị quyết nhìn nhận kết quả này. Trên lý thuyết, ngày hôm nay (thứ Sáu 30-09) Nghị viện Nga sẽ làm thủ tục sáp nhập để từ nay 4 vùng lãnh thổ này trở thành một phần của Liên bang Nga.
Tức là tất cả các cuộc tấn công của quân Ukraine từ lúc đó sẽ bị xem là "xâm lược vào lãnh thổ nước Nga".
Câu hỏi được đặt ra là Putin có dám bấm nút vũ khí hạt nhân để đánh trả hay không?
Có câu "chó sủa chó không cắn".
Putin hăm dọa sử dụng bom hạt nhân từ lúc đầu cuộc chiến. Các quốc gia NATO vượt lằn ranh đỏ không biết bao nhiêu lần. Các thứ vũ khí của Mỹ đã làm các thiết đoàn Nga tan tác. Các hệ thống phòng không đã làm không quân của Nga "bó tay". Các giàn hỏa tiễn (HIMARS) chính xác đã khiến hậu phương của quân Nga bất động. Quân Ukraine trên đà chiến thắng, chiếm lại được (trên 6 ngàn cây số vuông) đất đã mất.
Có thể Putin không "cắn" vì cuộc chiến "phi nghĩa". Nhưng khi đã chính thức sáp nhập vào Nga rồi. Công cuộc giành lại lãnh thổ của dân quân Ukraine trở thành cuộc chiến chống lại Nga, tấn công vào lãnh thổ của Nga.
Lằn ranh đỏ kỳ này hết sức rõ ràng. Hôm qua tôi có viết rằng Putin có thể đơn phương tuyên bố ngưng bắn. Lý do nhằm lấy lòng Ấn Độ và Trung Quốc đồng thời "nâng cao" tính "chính nghĩa" của phía Nga.
Câu hỏi đặt ra lần nữa là Putin có dám bấm nút hạt nhân hay không, nếu Ukraine tiếp tục cuộc chiến giành lại lãnh thổ và NATO tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine ?
Nhiều người đặt vấn đề về khả năng vũ khí hạt nhân của Putin.
Bởi vì vũ khí hạt nhân được chế tạo bởi các chất "phóng xạ" (Uranium, Plutonium, Deuterium và Tritium) là các chất bị phân hủy theo thời gian (tính bằng chu kỳ).
Các thứ vũ khí gọi là "hạt nhân chiến thuật" thông thường là các thứ bom N, tức bom trung hòa tử (neutron). Loại bom này Liên Xô đã thí nghiệm thành công từ năm 1963 (sau Mỹ 3 tháng). Vấn đề là bom N được "chế tạo" bằng Tritium (chất đồng vị của Hydrogen, có 3 trung hòa tử) mà chất này có chu kỳ tự hủy rất ngắn (10 đến 20 năm). Ưu điểm của loại bom này là khi nổ ít phát xuất phóng xa (như bom A) mà phát ra bức xạ trung hòa tử có năng lượng cực lớn.
Bom N là không tàn phá về cơ sở hạ tầng, nhưng nó có sức sát thương rất lớn, ngay cả những quân nhân đang trong một xe bọc thép dày. Bom N được sử dụng trên chiến trường, nhằm hủy diệt các đơn vị thiết giáp và bộ binh đang tấn công. Sau khi bom nổ, đại đa số nhân sự trên mặt đất, ngay cả ẩn núp trong xe bọc thép, đều tử vong (mà xe bọc thép không bị hư hỏng, ngoại trừ các thiết bị điện tử). Ngoại trừ quân ẩn núp dưới mặt đất (đất có khả năng ngăn chặn tia neutronique). Tức là sau khi đánh bom, quân lính có thể ra khỏi hầm trú ẩn (mà không sợ bị nhiễm phóng xạ) để phản công hay chiếm các chiến xa của địch.
Tức là nếu không thường xuyên bổ sung, bom N có thể mất đi hiệu quả sau 5 năm.
Theo tôi, có xác suất cao để kết luận rằng Nga đã không còn khả năng về bom N, do thiếu bảo trì. (Nếu có thì Putin đã bấm nút rồi). Nhưng khả năng về bom H thì chắc chắn là còn.
Để đối phó, trong trường hợp quân Ukraine tiếp tục tấn công để giành lại đất và Putin bấm nút hạt nhân, Mỹ và EU có thể làm gì ?
Theo tôi, trước hết Mỹ và EU vận động Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết không nhìn nhận hiệu lực các cuộc trưng cầu dân ý. Việc sáp nhập lãnh thổ của Ukraine vào Nga là không có hiệu lực pháp lý.
Từ đó Mỹ và EU có thể viện trợ cho Ukraine các thứ vũ khí ưu việt hơn, ngay cả các hệ thống phòng không như Patriot. Mỹ cũng có thể viện trợ cho Ukraine các thứ vũ khí kiểu "năng lượng tập trung", nếu Putin bấm nút hạt nhân. Điều này xảy ra thì hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị tiêu diệt trong một ngày...
TRƯƠNG NHÂN TUẤN 30.09.2022 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.